top of page

5 lần “làm khách” của Anderson .Paak


Anderson .Paak đã từng bị đẩy vào cảnh vô gia cư. Mà nó xảy ra ngay lúc anh đã có vợ và đứa con mới sinh được mấy tháng. Lúc đó anh vẫn đang vật lộn tìm một chỗ đứng trong ngành công nghiệp ghi âm, và với người khác khi đối mặt với những khó khăn như vậy hẳn sẽ dễ phải bỏ cuộc để tìm kế sinh nhai.


Nhưng đó chưa phải là lần đầu .Paak rơi xuống đáy của sự cùng cực. Lúc nhỏ, anh phải chứng kiến bố anh đánh mẹ bê bết máu. Rồi ông bị tống vào tù cho đến lúc chết. Anh và ông không có dịp gặp mặt lại dù chỉ một lần.

Mẹ .Paak là một phụ nữ gốc Hàn Quốc đã từng thành công với mảng kinh doanh trồng dâu. Nhà anh đã từng giàu có đến mức cả nhà chuyển tới căn nhà to bự, cho đến khi đợt biến đổi khí hậu El Nino gây mất mùa hai năm liên tục đã đẩy bà mẹ đến cảnh phá sản. Chán nản, sau khi tích góp được chút tiền, bà chuyển sang nghề chơi bài chuyên nghiệp, cho đến lúc bị tố và bị kết án tù 7 năm rưỡi.


Tất cả các sự kiện này đều xảy ra trước khi .Paak tròn 18.


Năm 25 tuổi, Anderson bị mất việc ở trang trại trồng cần sa, công việc "mơ ước" đáng nhẽ đang mang lại cho anh thu nhập khá khẩm nhất, bất chấp rủi ro của nó khi bao kẻ bị bắt cóc, giết hại hoặc vào tù. Anh và người vợ gốc Hàn cùng đứa con bỗng dưng trở thành những kẻ vô gia cư. Tá túc mỗi ngày một nơi, sàn nhà, ghế sofa đều là giường, bất kể nơi nào những người bạn tốt của anh giúp đỡ.

Điều quan trọng là Anderson vẫn theo đuổi âm nhạc. Và đến nay, chỉ 10 năm, anh đã từ một kẻ vô gia cư trở thành một nghệ sĩ lớn có đến 5 album và là khách mời “hot” nhất cho các nghệ sĩ Hip Hop, R&B khác. Tên anh xuất hiện khắp mọi nơi trong tracklist của vô vàn các album của nghệ sĩ khác.


Điều đặc biệt là giờ đây Anderson .Paak không còn là một kẻ đi “tá túc” nhà người khác nữa - anh nay đã là “khách quý” trong các album nhạc, mà tôi nói thật, rất nhiều trường hợp các bài có anh tham gia lại thành một trong mấy bài hay nhất đĩa đó. Tất cả là nhờ cái tài năng âm nhạc của anh.


1. Bài “Animals” ở đĩa Compton (2015) của Dr. Dre


Tên thật là Brandon Paak Anderson. Anh sau này đổi thành nghệ danh với cái dấu chấm “.” ngay trước chữ Paak với hàm ý về việc luôn chú tâm đến chi tiết trong mọi thứ và âm nhạc. Anderson không đơn thuần là một rapper. Anh là một nhạc sĩ định hình một thứ âm nhạc mà cả mainstream lẫn underground đều phù hợp.


Do vậy, trong lần làm khách quý ở album Compton, .Paak đã khiến Dr. Dre hào hứng tới mức đưa anh tham gia tới 5 bài liền. Sự xuất hiện của cái tên Anderson .Paak đó gợi cho người ta nhớ đến cái thời Dre mới tìm được nhân tài Snoop Dogg và ngay lập tức hợp tác với anh này trên nhiều mặt trận. EminemKendrick Lamar cũng vậy. Lần này đến lượt Anderson. Cái tên “Anderson .Paak” dĩ nhiên sau đó phất lên như diều gặp gió.


Trong album Compton tôi chọn ra bài “Animals” vì chỉ có Dr. Dre và Anderson thể hiện. Trên phần nhạc chill ngầu đặc trưng của Dre, giọng của Anderson mang tới một màu sắc hoàn toàn mới. Cái kiểu nửa rap nửa hát, vừa đầy nhịp điệu vừa điểm xuyết giai điệu là thứ chất đặc trưng của riêng Anderson, làm bản track này hay thêm gấp bội.



Cái lối thể hiện "delivery" của anh là một thứ vũ khí khác biệt hẳn những rapper khác. Đó chính là lý do người ta không hết lời khen ngợi sự “lấn át” của anh với những người khác trong cả 5 track mà anh tham gia. Bài “Animals” là vậy, nhưng sự tương phản của Anderson và Dre vẫn giúp phần rap của Dre như được làm mới hơn hẳn so với những lần ông rap chung với Snoop, Tupac, Eminem hay Kendrick.


Chắc thế nên khi Anderson rap những lời bình dị về cuộc sống của anh còn những thứ cao cả mà anh phải bảo vệ là cậu con trai trong “Bullets still ringin', blood on the cement / Black folks grievin', headlines readin' / Tryna pay it no mind, you just livin' your life / Everyone is a witness, everyone got opinions / Got a son of my own, look him right in his eyes / I ain't livin' in fear, but I'm holdin' him tight”, tự dưng đoạn rap của Dr Dre trở nên tương phản với uy lực hơn hẳn của một huyền thoại trong Hip Hop:

Damn, why the fuck are they after me? Maybe 'cause I'm a bastard?

Or maybe cause of the way my hair grow naturally?

Still tryna figure out why the fuck I'm full of rage

I think I noticed this bullshit right around the fifth grade

Paraphernalia in my locker right next to the switchblade

Nothin' but pussy on my mind and some plans of gettin' paid


Như thế chẳng phải là Anderson .Paak đã giúp Dre bộc lộ cái uy của ông theo một cách mới sao?



2. Bài “Dang!” ở đĩa The Divine Feminine (2016) của Mac Miller


Khác với các track khác trong đĩa The Divine Feminine, bài “Dang!” mang một tiết tấu nhanh thể hiện qua câu bass rất màu sắc và giai điệu funky của guitar. .Paak lại mở đầu bài như dẫn dắt người nghe tới một thế giới khác, một cách feature rất khác lạ khi đa phần “khách mời” hay xuất hiện ở những khúc sau.



Một lần nữa, màu sắc của nhạc Anderson .Paak lại là sự nổi trội sáng bừng cho album này của Mac Miller. Chất giọng cao khàn mà như Dr Dre từng nhận xét rằng đó là nỗi đau ẩn giấu bên trong của Anderson lại khác nhưng vẫn hợp với chất giọng mang mác buồn của Mac. Do đó dù ở tiết tấu nhanh hơn, khi đoạn rap của Mac tiếp sau đó xuất hiện, nó vẫn hay và hoà hợp, nhất là khi xen kẽ đoạn rap của Mac là thứ giọng ca nhẹ bẫng bay bổng của Anderson “wait” và “I can’t keep losin’ you”:

How many mistakes do it take 'til you leave

And I'm left with my hand on my face, all red

In the face, lookin' at you like "wait!"

I know I ain't a saint, if it ain't too late, well...

(I can't keep on losin' you) Don't run away so fast

Know my heart like gold, but it break like glass

Know my shit get old and I act so young

Ngoài đời Anderson và Mac đã từng là hai người bạn thân cho đến lúc Mac ra đi đột ngột mãi mãi. Do đó cũng dễ hiểu sự phối hợp hài hoà của hai nghệ sĩ này nó ngọt và tình như nào. Kể cả đó là một bài hip hop.



3. Bài “Lock It Up” ở đĩa Music To Be Murdered By (2020) của Eminem

Thú thật là đĩa này của Eminem nghe thì ok đấy, nhưng để nghe đi nghe lại thì hơi khó vì thiếu sự hấp dẫn của một bữa ăn có thể ăn đi ăn lại nhiều lần. Nhưng đâu đó vẫn có một món ngon, ấy là bài tôi hay nghe nhất “Lock It Up” có sự tham gia của Anderson .Paak.

Lý do đơn giản là ở chất giọng của nhân vật chính trong bài viết này. Phần beat chậm, khác nhiều các bài thường nghe ở Anderson. Nhưng không vì thế mà anh lại loay hoay trong cách trình bày.


Ngược lại là giọng rap và lại là nửa hát của Anderson ở đây là sự kết hợp có tính ảnh hưởng rõ rệt của hai ông, Nate DoggSnoop Dogg.



Nate Dogg là một huyền thoại “hook man” trong nhạc Hip Hop đã khuất bóng. Nate đã hợp tác nhiều với Eminem và cái giọng trầm ấm dày tiếng của anh không lẫn đi đâu được. Còn Snoop có cách rap nhẹ cao như gió, mà lần anh kết hợp với Eminem trong bài “Bitch Please II”.


Thế nên Anderson chọn kiểu thể hiện bài “Lock It Up” này hội tụ đủ hai yếu tố kể trên của hai ông Dogg, cộng thêm thứ giọng hát cao khàn với nhiều lớp bè của anh giúp kéo nửa sau của album này của Eminem lên một màu sắc mới lạ, hay ho hơn hẳn. Từ cảm hứng gợi ra bởi cách thể hiện của Anderson, Em có dịp truyền năng lượng hiếm thấy vào phần verse cuối của anh:

You 'bout to experience euphoria

(I'm a) true warrior, got the plug like Trugoy

Give me the cue like I'm ScHoolboy

And I'll treat the beat like a pitbull would do to a chew toy and destroy it, 'cause, boy, I


Để một lần nữa Anderson .Paak kết thúc như một track mà anh đang làm chủ nó, hơn là một ông khách mời.



4. Bài “All Bad” ở đĩa King’s Disease (2020) của Nas


Đây là một album hay của Nas. Nhưng thú thật là bản “All Bad” với Anderson vẫn là thuộc top mấy track hay nhất đĩa. Dù bài này được nhà sản xuất Hit-Boy làm beat, nhưng nó mang một màu sắc cực kỳ “.Paak” trong một album của huyền thoại Nas. Cái tiếng trống là một ví dụ đó. Nếu ai đã xem Anderson biểu diễn, vừa đánh trống vừa hát và rap, sẽ thấy tài nghệ đánh trống của anh điêu luyện cỡ nào.


Nó không chỉ là sự biến tấu nhịp điệu, sự ngẫu hứng ở tiếng hi-hat rất hay. Mà nó còn là cái “feel”, một cảm xúc rất phiêu trên từng cú gõ của Anderson. Dấu chấm trong chữ “.Paak” như nói trên là sự chú ý đến chi tiết, và cái chi tiết đó là cả những “ghost note” - những tiếng gõ nhẹ hơn trong phần beat mà như ở bài “All Bad” này được thể hiện rất hiệu quả, giống như những lần Anderson thể hiện các bài nhạc của anh trên sân khấu.



Một lần nữa, cái lối “hát rap” của anh lại khiến bài track này cũng lại bừng sáng cả album của Nas. Thế nên dù có vẻ như bài “All Bad” này nghe như một bản mà Anderson là chủ, còn Nas là khách mời, nhưng cái cách Nas nhường lại sân khấu cho nghệ sĩ trẻ vẫn không làm giảm cái kỹ thuật và cái chất trong lời rap huyền thoại của Nas:

Time passes by, I'm asking, "Why?"

You match my fly, no cap, no lie

Trophy, arm candy, but I'm better without it

It's a dub, my love, but I gotta reroute it

It's a lottery, it's loaded, hope I can see all the motives

Thế là với các ông lớn trong làng Hip Hop, mỗi ông mang một phong cách rap khác nhau, hẳn là phong cách đa dạng của Anderson .Paak vẫn có khả năng hoà hợp và toả sáng hay sao? Chưa hết đâu.



5. Bài “Price Tags” trong đĩa Heaux Tales (2021) của Jazmine Sullivan


Phong cách nhạc đa dạng với chủ đạo Hip Hop, Soul, R&B của Anderson .Paak không chỉ giúp anh góp mặt với các nghệ sĩ Rap mà cả ca sĩ R&B/Soul đa tài như Jazmine Sullivan.


Thực ra cái hoà hợp nữa khi hai người này cộng tác còn là sự phong phú trong cách dùng hợp âm trong âm nhạc của họ. Nếu như Jazmine đã từng phiêu với những vòng hoà âm đầy màu sắc Jazz ở album Reality Show, thì Anderson .Paak còn hơn thế.


Các chuỗi hợp âm anh chọn khi làm nhạc nó phong phú đến độ không cảm giác có độ lặp trong đó. Những cú chuyển trên keyboard và đàn bass phiêu trên các dải hợp âm đầy bất ngờ, lạ tai mà quan trọng là không hề có khúc nào bị lạc lõng. Và đó chính là dấu ấn rõ rệt nhất tôi cảm thấy khi nghe nhạc Anderson .Paak. Luôn luôn tươi mới!



Sự tươi mới vì thế lại xuất hiện trong bài “Price Tags”. Nó mới với cả chính Jazmine vì cô không đi theo giai điệu nhạc đầy màu sắc mà hát những câu nhạc có độ lặp, đồng hành với câu bass cực hay. Jazmine cũng nửa hát nửa đọc như cách Anderson hay làm và cô đảm nhiệm luôn khúc điệp khúc. Nhờ đó, anh quyết định chỉ đóng vai rapper trong bài track này, biến khúc chuyển nhạc thực sự ấn tượng.

Trickin' off for dollars, spendin' my hard earn (Hard earn)

I'd rather get a purse than deal with the heartburn (Heartburn)

She don't wanna work, she takin' the week off (Week)

Shit, I'm startin' to think, you don't even have a job

Sự đối lập giữa phần lời trước đó của Jazmine trong vai cô gái moi của với đoạn rap của Anderson trong vai anh chàng chiều chuộng làm nội dung bài nhạc càng tròn trịa. Hơn nữa, những chi tiết nhỏ như phần hát nền “Fallin', fallin', fallin', fallin'” phía sau của chính Anderson xen vào đoạn rap của anh được đưa vào khéo léo, minh chứng cho cái tai âm nhạc nhạy bén của anh.


***

Dĩ nhiên còn rất nhiều bài Anderson .Paak đã tham gia với tư cách khách mời khác mà tôi chưa có dịp nghe hoặc liệt kê ở đây. Nhưng điều quan trọng là ngoài những lần làm khách “tá túc”, Anderson vẫn thể hiện mình là một nghệ sĩ vô cùng toàn diện, khi các sản phẩm album solo của anh đều cuốn hút và chất lượng vô cùng.


Và kể cả thế, bao nhiêu đó vẫn chưa đủ chứng minh sự đa tài của người đàn ông này. Các bạn có thể tham khảo thêm chính những buổi biểu diễn, ví dụ như cái lần Anderson và ban nhạc của anh - The Free Nationals diễn tại một không gian ấm cúng trong Tiny Desk Concert của NPR Music.


Chỉ có 4 bài, “Come Down”, “Heart Don’t Stand A Chance”, “Put Me Thru” và “Suede”, mà xem sướng run người các bạn ạ!


Anderson vô cùng điêu luyện khi biến tấu nhịp điệu khi vừa đánh trống, vừa hát và rap cùng với ba thành viên còn lại trong ban nhạc The Free Nationals. Đây là những kỹ năng vô cùng khó vì ngoài việc giữ nhịp chắc không trượt phát nào, anh vẫn tạo được độ nhấn và âm sắc chắc nịch xen lẫn với sự mềm mỏng trong mỗi cú gõ.


Và quan trọng là thứ nhạc Hip Hop pha Soul của anh hoá ra nó hay từ cái cốt lõi trong đó. Bởi vì trong nhạc Hip Hop thông thường, nếu bỏ phần track đọc vocal ra thì beat là phần nền rất quan trọng với nhiều tiếng đàn / tiếng gõ tạo nên. Nhưng nhạc Hip Hop của Anderson .Paak cả khi lột bỏ hết những lớp vỏ phức tạp, thì sự giản lược ở 4 nhạc cụ và giọng ca của anh vẫn sáng bừng căn phòng nơi anh và ban nhạc biểu diễn.


Có điều bạn đừng để nét mặt thư giãn và phiêu như đang “đi cảnh” khi chơi nhạc của Anderson đánh lừa, bởi vì trong mọi tình huống, anh đều luôn là trung tâm đấy.


Hẹn gặp lại!


Kunt


1,102 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page