Joe Satriani đã từng chia sẻ rằng: “khi cây guitar trở thành ca sĩ trong band, các cậu phải để ý không được để tone gây khó chịu cho người nghe” - nhắc đến những tần số xé tai gây bực bội nên được giảm bớt. Và có một người bị ám ảnh bởi lời khuyên này mọi lúc mọi nơi: viết ra nhạc mất công một, chọn được đúng cây đàn và đúng cái amply để ra tiếng đàn ưng ý thì mất công mười. Không ưng không thu đĩa.
Đó là Andy Timmons, người “không bao giờ vội” trong việc tìm ra âm thanh ưng ý cho cây 6 dây, kể cả việc có phải chờ 10 năm để thu một album guitar solo.
Andy Timmons sinh năm 1963, và khi bắt đầu chơi guitar giỏi ở cuối thập niên 80s, cũng là lúc Joe Satriani và Steve Vai bắt đầu có những thành công vang dội xác lập cho thể loại Instrumental Rock khó nghe. Dường như tất cả mọi người đều nhìn lên hai tay đó và tập chơi theo họ. Chắc vậy nên trong đầu Andy khi chọn sound cho cây đàn của mình, anh luôn có sẵn định hướng là bài đó phải sound như Steve Vai, hay như Eric Johnson, hay như SRV. Andy cũng khiêm tốn thú nhận là anh không có tự phát minh ra tiếng đàn đặc trưng của mình, nhưng nhờ những ý tưởng định hình như vậy, khi cố gắng lắp ghép giữa cây đàn này với phơ nọ và amply kia, đôi khi nghe gần giống; mà hóa ra lại thành âm thanh riêng mà anh có thể xài luôn.
Có lẽ vì nghề chính của Andy là nghệ sĩ session cho các nghệ sĩ danh tiếng (có thể kể đến: Tina Turner, Paula Abdul, hay Paul Stanley), cái tên Andy Timmons sẽ chìm nghỉm trong vô vàn các tay guitar kể cả chơi trong band lấn chơi solo. Ban nhạc đầu tiên của anh, Danger Danger, không có quá nhiều khán giả ngoài nước Mỹ biết tới dù cũng bán được tròm trèm cả triệu đĩa ở Mỹ.
Ấy, ba album sau của Andy Timmons thực ra đều rất đáng nghe: Ear X-Tacy (1994), Resolution (2006), và Theme from a Perfect World (2016).
Ear X-Tacy (1994)
Có lẽ đây là album solo hay nhất (và nổi tiếng nhất) của Andy Timmons, với số lượng các track nhạc cực phong phú, ý tưởng đa dạng, và thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc. Trừ một việc: album này giống như một tập hợp các bài chứ không hoàn toàn như một album với cùng một màu sắc. Tui cho là Andy thu đĩa này theo kiểu lúc nào rảnh thì thu và cũng phải mất vài năm, nên khó có thể giữ được âm sắc ổn định. Ngay cả tiếng trống trong từng bài, thứ dễ nhận ra nhất, cũng không giống nhau nữa.
Và nhắc đến đi tìm cái Knot, có lẽ thứ gây ấn tượng cho tui nhất là track 4, “Cry For You”. Đến đây tui bắt đầu nhận ra ý đồ chơi nhạc của Andy, với “Electric Gypsy” và “This Time For Sure” ngay sau đó, đặc biệt là cách phân chia bố cục khá lạ khi không theo kiểu intro-verse-chorus truyền thống, mà lặp đi lặp lại nhiều lần giữa verse và một đoạn hook, luẩn quẩn mãi cho đến quá nửa bài mới tìm cách giải quyết và hầu như những cảm xúc gì được kìm nén từ đầu sẽ được tuôn trào ra hết mực ở cuối.
Cá nhân tui thường nghe đĩa này được sắp xếp lại theo những track lẻ riêng và những track chẵn riêng. Đúng vậy, có vẻ như tập hợp của những track chẵn số 2, 4, 6, 8, 10, và 12 có thể tạo thành một đĩa EP tuyệt hay, trong khi những ý tưởng của các track lẽ thường không rõ ràng bằng, hoặc không đồng nhất và đôi lúc phá vỡ không khí mà những track kia đang xây dựng.
Chẳng hạn như track 3 - “Remember Stevie”, nếu đứng riêng sẽ rất hay, nhưng có vẻ không hợp lý lắm khi chen vào giữa hai track đầy năng lượng nhưng khiến người nghe phải rất tập trung là 2 và 4. Một ví dụ khác hơi lạc lõng là track 5 “Farmer Sez”.
Track 10 “Hiroshima” và track 12 “Bust A Soda”, theo tui đáng nhẽ có thể là 2 track để kết album lại tuyệt đẹp. Nhất là Hiroshima.
Track này giống nhu Andy chơi tất tay với những gì anh có vậy. Nếu nói về việc phô diễn kỹ thuật trên cây Strats, có lẽ từ thời của Jason Becker ti chưa thấy ai làm được tương tự như vậy, do bình sinh cần đàn của cây Stratocaster đã hơi khó bấm và chơi solo nhanh như những hiệu khác. Lúc đầu thậm chí nó có vẻ làm tui hơi nản vì kiểu lặp đi lặp lại hành quân mốt hai mốt đến 3 – 4 lần trước khi đẩy người nghe đã ngắc ngoải vào phần cao trào ở gần 2 phút cuối. Nó thể hiện những gì hay ho nhất của Andy, khi mà mọi người tưởng như anh sẽ thôi solo ở đâu đó thì câu chạy ngón lại tiếp tục dẫn ra một chặng chord progression với một loạt giai điệu và ý tưởng mới khiến người nghe tự dưng sững lại và thắc mắc “liệu còn gì hay ho hơn nữa đây”. Và đương nhiên đoạn cuối Andy không làm chúng ta thất vọng.
Resolution (2006)
Album được phát hành bởi hãng đĩa của Steve Vai. Đĩa này đồng đều hơn so với Ear X-tacy, dù không có những track xuất sắc như “Cry For You” hay “Hiroshima”, phần nhạc của album này chủ yếu dựa vào sự day dứt trong tiếng guitar của Andy, nhất là liên tục những cú treo nốt như đu dây từ cành cây này qua cành cây khác mà không rớt. Chưa kể là những tuyệt chiêu quen thuộc của nhạc Blues khiến cho âm sắc trở nên sâu sắc lạ thường, dù rằng nghe lâu thì sẽ hơi mệt. Âu cũng tại cách chia bố cục của Andy, khiến cho người nghe cũng hơi khó nắm bắt liệu đã … sắp có kết cục chưa.
Nhưng không sao, tui nhanh chóng tìm ra Knot mốc cho album này ngay ở track 1, “Deliver us”, một track rất thẳng thắn thể hiện ý tưởng chơi nhạc của Andy Timmons lần này: chỉ có ba cây guitar, bass, và trống. Andy Timmons thậm chí không cần phần rhythm guitar vì sau khi nghe theo lời khen của Steve Vai về những băng demo cũ, Andy nhận ra là anh muốn làm một thứ âm nhạc mà ngay cả tiếng động của bàn tay lướt trên dây sột soạt hay cả những tiếng gõ lên cần đàn cũng có thể được cảm nhận. Và như vậy tốt hơn là chơi với ba cây. Track “Deliver us”, vì vậy, có đầy đủ năng lượng với phần guitar vừa riff vừa giai điệu, cộng thêm phần Wah wah rất hợp lý khiến người nghe lập tức nhớ ngay ra một người cũng chơi ba cây rất hiệu quả: Eric Johnson.
“Helipad” khá thú vị khi cây đàn kể chuyện trên nền tiếng tom tom của trống, nghe vừa mang không khí trận đánh, vừa mang cảm giác hồi hộp của người ngồi trên máy bay trực thăng. “Ghost of you” thì rất ám ảnh, và có kiểu nhồi dần cao trào lên giống “Cry for you” ở đĩa trước, với giai điệu lâu lâu trồi lên thụt xuống nghe cứa vào lòng cực kỳ đặc biệt. “Resolution” thì rất đẹp với phần giai điệu guitar cảm giác có thể hát ra được, với cách cấu trúc bài cũng giống kiểu của bài hát (verse-chorus) hơn. “Redemption” thì rất giàu năng lượng nhưng nghe hơi lệch pha. Và “Lydia” với giai điệu đẹp như một khúc nghỉ ở giữa album.
“Gone” rất suy tư và có nhiều câu guitar luyến láy rất chơi vơi, nhưng vô hình trung làm cho không khí trùng lại. Track này viết về sự kiện 11/9, cũng là một trong những track đem đến nhiều suy nghĩ cho người nghe, giống như cách mà Joe Satriani viết “Ten Words”. Rất nhiều bộc bạch, rất nhiều cái nếu trong cách Andy xử lý câu cú guitar, và cũng rất nhiều hy vọng. Hơi tiếc vì theo tui track này đổi chỗ với track tiếp theo là “Move On”, một track khá là năng động. Có thể Andy muốn track này làm nóng lại không khí sau “Gone”, nhưng có lẽ làm nóng bằng track tiếp theo “Beware Dark Days” thì hợp lý hơn. Track này không quá nhanh và luôn có cách níu giữ người nghe bằng cách cho giai điệu leo lên như đu dây văng từ chỗ thấp lên cao vậy. “The Prayer/Answer” lại quay về với chủ đề của “Lydia” và “Gone”. Có khi 10 năm mới ra đĩa một lần, nên Andy không muốn bỏ bài nào cả.
Album này thì không có kiểu các track chẵn và lẻ như Ear X-tacy, nhưng đâu đó vẫn lảng vảng một vài bài hơi lạc điệu, như track cuối ”Headed for the ditch”, và như đã nói, sự xuất hiện của “Lydia”, “Gone”, và “Prayer/answer” chắc là có thể được sắp xếp tốt hơn.
Theme from a Perfect World (2016)
Album này hơi khó nghe lần đầu, mặc dù Andy chia sẻ là anh khá mất công để tìm ra được tiếng guitar ưng ý mới làm đĩa này.
Có cái thú vị khi thu album này là, khi Andy và tay bass Mike Daane (cả hai tự sản xuất) lên bài xong xuôi để thu rồi thì hai ông quay ra bảo nhau “cố chút nữa” để tìm ra tiếng đàn ưng ý. Thế là hai ông đưa ra chiến dịch “Tone Quest” chạy vạy khắp nơi để xin mượn thử guitar và amp từ khắp nơi.
Tất nhiên Andy vẫn trung thành với cây Stratocaster và cây Ibanez Custom quen thuộc, nhưng cũng thể nghiệm thêm nhiều cây khác theo cách thật tình cờ. Chẳng hạn, lúc đầu Andy không định chơi bài “Theme From a Perfect World” trên cây Gibson SG, cái Mike Daane dụ bảo cứ thử đi, thế là múc luôn vì Andy cực hâm mộ cụ Peter Townshend chơi cây đó trong đĩa “Who Live at Leeds” (một trong những đia có phần tone guitar Andy cho là hay nhất mọi thời đại). Thậm chí lúc đầu, cây SG còn khiến Andy loay hoay vì không thể chỉnh được dây cho chuẩn với bộ dây 0.10. Cái, anh phát hiện ra Pete Townshend thời đó xài dây 0.12. Đúng y boong.
Ý đồ của album có lẽ được thể hiện ngay từ track đầu “Ancesion”, nhưng có lẽ nó rõ ràng hơn ở track thứ hai “Winterland” với tiếng guitar ngọt lẹm sau đây.
Trong đĩa này, Andy Timmons không còn quá cầu toàn với việc chơi 3 mẩu nữa, mà đã có chút nới lỏng cho mình, khi đâu đó châm thêm câu rhythm guitar, hoặc câu keyboard. Cả album vì vậy như là một buổi trưng bày những âm thanh hay ho nhất. Tui sẽ để các bạn tự nghiên cứ track “Perfect World” với cây Gibson SG. Trong khi đó, xin được giới thiệu track tiếp theo rất hấp dẫn - track 5 “The Next Voice You Hear”.
Nghe đến đây, tui chợt nhận ra mình thật phí công đi tìm xem bức tranh âm nhạc trong đĩa này là gì. Bởi vì riêng âm thanh đa dạng của tiếng guitar trong đĩa này đã đủ làm người nghe thỏa mãn lắm rồi. Lại ước gì có bộ giàn thay cho cặp loa cùi. Rõ tai hại.
Tin tui đi. Nếu nghe xong đủ cả 3 album này, bạn có thể nhận ra và mê tiếng guitar của Andy ngay lập tức giữa hàng triệu các cây guitar chơi Stratocaster.
Không phải dạng vừa đâu.
Hẹn gặp lại.
Kai