top of page

Marco Sfogli: xâu sắc hay sâu sắc

Joe Satriani là người gốc Ý. Steve Vai cũng gốc Ý. John Petrucci cũng mang dòng máu từ xứ sở mì ống. Rồi cả Michael Angelo Batio. Túm lại thì, muốn tìm một tay guitar virtuoso, cách nhanh nhất là kiếm một tay guitar có xuất xứ từ đất nước chiếc ủng. Và đấy chính xác là cách James LaBrie, ca sĩ chính của Dream Theater, đã làm khi anh chuẩn bị ghi âm album solo của anh năm 2005.


Chắc để tiết kiệm thời gian, nên James LaBrie phi luôn sang Ý, cụ thể là thành Naples, để kéo một tay guitar trẻ (cũng là một fan cuồng của Dream Theater), đến ghi âm album Elements of Persuasion năm 2005 của anh. Album này trở thành album đột phá của James LaBrie trong thế giới progressive metal, và tay guitar đó chính là Marco Sfogli. Spoiler alert: người ngồi trên giàn trống cho James LaBrie là Mike Magini, người 5 năm sau được thăng hạng lên chơi cho Dream Theater. Cũng là người gốc Ý đó.


Marco Sfogli sinh năm 1980, và bắt đầu tập chơi guitar theo các thần tượng của anh, Van Halen, Europe (ý là John Norum), và nhất là Dream Theater, từ rất sớm. Phần chơi guitar của anh trong đĩa Elements of Persuasion có thể thấy mang nặng ảnh hưởng của Images and Words, nhất là trong những track như “Invisible”, “Undecided” hay “Drained”; mặc dù ở phần nhạc James LaBrie có vẻ tạo ra thứ progressive “đánh nhanh thắng nhanh” và có vẻ gần với heavy metal hơn.


Vậy nên không quá ngạc nhiên khi Marco Sfogli ra album solo đầu tay của anh, There’s Hope, năm 2008, cũng mang đầy ảnh hưởng của Images and Words lai với chút gì đó của Joe Satriani. Và khác hẳn Sfogli chơi cho James LaBrie.


Mấy người chơi guitar mà ra đĩa solo kiểu instrumental kể cũng cực lắm, vì thứ nhạc đó đã kén người nghe rồi. Trong trường hợp của Sfogli, chắc anh còn cực gấp đôi vì bình thường chơi với band anh đã chơi nhạc progressive rồi, nghĩa là bao nhiêu ngón nghề tuyệt chiêu đã phải đem ra trình diễn, liệu còn giữ lại được bao nhiêu phép màu cho sản phẩm của cá nhân. Chưa hết, áp lực từ thành công của Elements of Persuasion hẳn là không nhỏ, bởi thay vì chơi trong band khi “trách nhiệm” tạo ra màu sắc của band được san sẻ, giờ trách nhiệm để tạo ra thứ để nói với mọi người rằng đây-là-TÔI-đừng-lộn-nha hẳn còn căng thẳng hơn. Loạng quạng, không ai thèm nghe nhạc solo của mình thì buồn lắm, vì nói về kỹ chiến thuật để chơi guitar virtuoso, Sfogli chả kém cạnh ai cả. Người Ý thứ thiệt cơ mà.


Đâm ra đĩa There’s Hope của Sfogli có rất nhiều bài hay, nhưng về mặt ý tưởng thì có vẻ anh cũng hơi “loay hoay”. Cũng có thể do album này được sáng tác dàn trải qua nhiều năm nhiều thời kỳ, do anh còn bận đi chơi session cho người khác.


Đúng là Marco Sfogli đã chơi một album cho mọi người thấy đó là anh, khi về mặt âm thanh, Sfogli đã bỏ hết các âm thanh nặng và dữ dội, mà thay vào đó là tiếng guitar sạch, các nốt chơi ngay ngắn, và bố cục bài cân bằng. Không khí của âm nhạc thì khá là mát mẻ và da diết, với những giai điệu guitar không quá cầu kỳ để người nghe không phải suy nghĩ nhiều, dù rằng điểm xuyết trong phần nhạc vẫn có những khúc nhịp lẻ hay đổi tiết tấu kiểu progressive, hay những đoạn phô diễn kỹ thuật chạy ngón và treo giữa các nốt tuyệt vời. Có cảm giác như Sfogli thu album trong một căn phòng mát lạnh, bên ngoài nắng vàng rực rỡ, và như vui chơi thư giãn trên cây 6 dây của mình.


Album bắt đầu bằng “Still Hurts”, với kiểu phối âm như thời 80s cho các bài power ballad. Track 2 “Andromeda” đột nhiên chuyển sang hơi hướng progressive với nhiều phần nhịp lẻ và tiếng đàn ngoa ngoắt hơn hẳn. Track bắt đầu gây chú ý có lẽ là “Seven”, có lẽ là bài hay nhất và định hình tư tưởng của cả album, dù cho mấy bài cuối có vẻ không liên quan lắm.


Đến đây đã có thể thấy keyboards đóng vai trò rất quan trọng trong nhạc của Sfogli, thậm chí hơi quá tay. Có thể đó là do cái khó của người chơi guitar rock, thường khó để tạo ra đoạn dạo đầu gây ấn tượng hơn so với nhạc có lời hát, bởi nếu cứ giữ guitar từ intro qua đoạn verse, rồi bridge, rồi điệp khúc, rồi lại solo với phiêu nữa, người nghe sẽ dễ bị lạc hướng nếu và việc chia bố cục bài sẽ khó gấp bội. Rất nhiều nghệ sĩ đã dùng giọng hát để intro (như Tony Macalpine hay Jason Becker), bằng saxophone như Marty Friedman, hay Andy James thì thi thoảng chơi cả sample nhạc điện tử; nhưng có lẽ cách nhiều người chọn nhất để làm phong phú vẫn là đoạn dạo bằng keyboard hoặc acoustic guitar. Riết rồi đến đoạn cuối album, bài "Memories”, phần dạo bằng keyboard của Sfogli nghe như nhạc Việt nam. Ấy là lúc tôi nghĩ có vẻ ý tưởng đã cạn. Mặc dù vậy không thể phủ nhận năm track liền sau “Seven”, quá nửa số bài đều được viết và phối rất cứng tay và đẹp (“There’s Hope”, “Spread the Disease”, “Farewell”, “Genius”), dù nghe hơi kiểu Joe Satriani. Phần cuối từ track 9 “Never Forgive Me” trở đi, tui nghĩ đều là filler. Nhất là “Texas BBQ”, có lẽ giống bonus track hơn.


Nếu đem so với các cây đại thụ virtuoso khác, thì nhạc của anh còn có vẻ hơi “lười” và “không cố thêm chút”. Nhưng đó có khi lại là cái hay vì Sfogli không có áp lực phải trở thành ai để thu hút đám đông, mà chơi đúng những gì anh nghĩ ra thôi. Sfogli đã để cho âm nhạc tự kể câu chuyện về chính anh, khiến cho người nghe, nếu để ý sẽ thấy gã đậm người hói đầu này, nhìn ngoài thì như bao người bình thường mà ta gặp khác (nôm na là nhìn hơi xấu), đâm ra sâu sắc và có nhiều ý tưởng thú vị. Có lẽ vì thế, Marco Sfogli có thể duy trì một lượng fan base dù không đông, nhưng rất nhiệt huyết và trung thành.


Nhưng nói chớ, người nghe nhạc Instrumental Rock như tụi tui thực ra cũng cực lắm. Dễ nhận thấy nhất đây là thứ nhạc rất khó nắm bắt bởi vì nó không được dẫn dắt bởi lời hát. Các cô gái tui quen khi nghe nhạc của tôi thường là “sao nhạc gì mà không thấy hát vậy” hay “nghe bài nào cũng giống bài nào sao nghe hoài vậy?”. (Ơ kìa!!!)


Những cái thú vị khi nghe nhạc Instrumental đâm ra nó cũng khó mô tả. Đó có khi là những lần sướng bởi những câu scream của guitar (đâu nhạc cụ nào scream được như guitar điện?), những cú chạy ngón xuyên qua các hòa âm khác nhau, hay những phần bè lạ tai. Chưa kể đến cái cảm giác sau khi mình nắm được tinh thần của bài rồi cả bố cục của bài, nghe instrumental bỗng trở nên thú vị như là bịt mắt đi vào ma trận mà mình đã thuộc lòng đường vậy.


Quan trọng hơn, các album nhạc Instrumental đều có thể được chơi repeat không bao giờ ngưng, giống như một dòng suối chảy mãi không ngừng vậy. Tưởng tượng giống như bạn bị nhốt lên một tiểu hành tinh có đường kính chỉ cỡ chiều ngang sân banh. Trên hành tinh đó có một dòng suối chảy vòng quanh, và khi nào thích bạn đều có thể nhảy xuống đó bơi vòng quanh chán thì thôi. Vậy nên quan trọng chẳng kém khi nghe nhạc instrumental rock, là người nghe thường tìm một cái gốc trong album (hoặc trong bài), bởi không để ý thì phần suối nhạc nó sẽ chảy ào qua mất. Tui thường gọi vui đó là những cái Knot (giống như những đoạn hook vậy). Thường thì nó ở đầu, nhưng đôi khi đến giữa mình mới ngộ ra được một cái gốc quy chiếu của cả album.


Giống như đã đề cập ở trên, cái knot của đĩa There’s Hope với tui nằm ở track 3, “Seven”. Nhưng tìm ra Knot trong đĩa Homeland hình như không đơn giản được như vậy.


Đĩa Homeland là đĩa Sfogli vừa ra năm 2019. Trong thời gian 10 năm im ắng, Sfogli đã kịp trở thành tay guitar thường trực của James LaBrie cùng tay trống quái nhân Virgil Donati (người vừa thi trượt Dream Theater, dù cũng gốc Ý), góp mặt trong album Static Impulse (2010) và Impermanent Resonance (2013) (đĩa 2013 này rất hay). Và theo nhu Sfogli tâm sự thì “Homeland là cảm giác của tui về 3 năm vừa qua, khi tui đi khỏi nơi tui sống trước đó 35 năm [Naples]. Nơi ở mới, không ai quen biết, và bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp. Homeland vì thế hơi có vị đắng nhưng bài thì không buồn mà có khá nhiều hy vọng”.


Quả nhiên, Homeland có mạch tư tưởng thống nhất hơn so với There’s Hope rất nhiều. Trong khi tiếng các nhạc cụ khác không mấy thay đổi, tiếng đàn của Sfogli ấm và gằn hơn so với album trước. Nhưng lần đầu nghe, tui cũng không nhận ra ngay cái Knot của album, khiến cho nhạc bị trôi tuốt đến track 6 “Speed Limit” tui mới ngớ ra.


Sau đó tui quyết định cái Knot nằm ở track 4, “Dawn”. Một bài có phần dạo đầu nghe cũng rất giống nhạc Việt Nam. Có lẽ do tui không muốn để cái Knot trôi quá xa về phía sau của album (làm nhạc mà để người nghe bị trôi xa thế cũng kỳ). Ý tưởng day dứt từ “Dawn” được bồi thêm với “Homeland” và sau đó hy vọng được nhồi lên ở bộ 3 track liên tiếp ”Speed Limit”-”The Travel”-và đặc biệt là ”Superwave” đều rất tuyệt vời. Tui đâm ra thích nghe đĩa này từ track “Dawn”, nghe hết đĩa rồi vòng ngược lại và kết ở track 3 “Get Away With It”. Không tuyệt vời sao khi bắt đầu một ngày từ buổi “Bình Minh”, và kết thúc bằng cách “rời đi”, cũng là track có màu sắc đột nhiên hứng khởi và funky theo kiểu khác hẳn những track khác?


There’s Hope (2008) và Homeland (2019) có lẽ sẽ hơi khó để lọt vào hàng các album đình đám của các vị guitar virtuoso, nhưng nếu đặt hai album này cạnh nhau và nghe liên một lúc, bạn sẽ thấy được cả một sự thay đổi của Marco Sfogli, một tay guitar sinh ra ở thế hệ 8x, dám dấn thân vào thể loại khó nhằn và ít khách nhất của âm nhạc, chưa kể còn nỗ lực phân chia sức lực và sự sáng tạo trên rất nhiều mặt trận. Nếu như nhìn nỗ lực của Sfogli tạo ra hai album rất đáng nghe, dù cách nhau đến cả chục năm (anh có vẻ bận vãi), trong khi vẫn chơi tròn vai thậm chí có phần nổi trội hơn trong đĩa của James LaBrie và còn đá sang sân của Virgil Donati band, anh đáng nhận được sự tán thưởng và chú ý hơn nữa.


Tiếc là khuôn khổ của bài viết không tiện share quá nhiều nhạc trong 2 album của Sfogli. Hy vọng các bạn sẽ tìm được dễ dàng trên youtube và spotify; và sẽ nhanh thích.


Hẹn gặp lại.


Kai

605 views

Recent Posts

See All
bottom of page