top of page

Kẻ biến hình Björk

Một ngày, Björk gọi cho Derek Birkett - sếp của hãng ghi âm One Little Indian Records (nay đổi tên thành One Little Independent Records) và chia sẻ kế hoạch thu âm một album với định hướng theo đúng lời của cô như sau: “Không phải là một album mà anh có thể nghĩ tới đâu, bởi tôi không có tâm trạng để làm vừa lòng một người nào cả”. Có 3 bài cô mở cho Birkett nghe thử lúc ấy, trong đó có bài “Violently Happy” mà ông rất ghét - kể cả cho đến tận bây giờ - đúng như tôn chỉ làm nhạc “không làm vừa lòng ai” mà Björk vừa truyền đạt.


Điều khiến Björk vô cùng bất ngờ là Birkett đồng ý bỏ tiền cho cô thu âm album, sau này mang tên Debut, đó chỉ qua 3 bản demo gồm đúng giọng hát và tiếng kèn saxophone, không một thứ gì khác. Birkett chỉ đơn giản muốn trao toàn quyền sáng tạo nghệ thuật cho cô dù ông thừa biết nhạc phẩm solo của cô theo hướng phi thương mại đó kiểu gì cũng bán thua album của Sykurmolarnir (dịch từ tiếng Iceland nghĩa là The Sugarcubes), ban nhạc chơi Alternative Rock / Post Punk mà Björk là thành viên chơi keyboard và hát chính nhưng nay đã tan rã. 

 

Cả Derek Birkett lẫn Björk đều không thể sai lầm hơn.

 

Album Debut (1993) hóa ra bán được gần gấp 5 lần nhạc phẩm đầu tay của The Sugarcubes, và với kết quả thương mại vượt xa kỳ vọng đó, cũng như được giới phê bình khen ngợi hết lời vì sự đột phá về âm nhạc của nó, hẳn có rất nhiều người cảm thấy “vừa lòng” khi nghe nhạc của Björk. Thế nhưng đó mới chỉ là chương đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc không ngừng thay đổi và sáng tạo của cô. 

 

Người ta ví Björk như một nghệ sĩ có một siêu năng lực thiên biến vạn hoá mà với mỗi album được phát hành, cô lại gây sốc với thứ âm nhạc mới mẻ đa dạng, tựu chung từ trường phái nghệ thuật Avant-Garde luôn phá vỡ những chuẩn mực và tạo ra những nhạc phẩm không hề dễ nghe chút nào. Rất nhiều dòng nhạc, từ Electronic, Dance, Trip Hop cho tới Funk, Industrial, Instrumental ít hay nhiều đã xuất hiện trong các nhạc phẩm của cô. Nhưng tính thể nghiệm lại luôn khiến người ta khó phân loại được nhạc của Björk. Khi ai đó ngỡ họ đã quen thuộc với một hình thái âm nhạc của Björk, thì úm ba la, cô lộ diện theo một hình thái mới khác hẳn. Đây là điều khiến EmoodziK phải mãi tới giờ mới đánh liều viết bài về cô, âu cũng vì quá khó để tổng kết về một sự nghiệp âm nhạc phức tạp đáng nể này.

 

Nhìn về tổng thể, qua từng album, mỗi người lại nhìn thấy những Björk khác nhau. 


Đó là Björk mang hình thái âm nhạc tại những hộp đêm, vũ trường underground ở Anh Quốc với Debut (1993). Khi làm album này, cô chịu ảnh hưởng bởi nhạc dance chơi tại đây, cụ thể hơn là thứ nhạc mang chất Experimental chỉ được chơi sau 7h sáng, khi mà các DJ lôi nhạc mà họ thực sự thích ra để bật, thay vì những âm thanh phục vụ cho số đông những con người quẩy tung nóc trước đó. Trong Debut, có âm thanh đúng nghĩa nhạc sàn sôi động four-on-the-floor ở bài “Human Behaviour”, “Crying”, “Big Time Sensuality”, “There’s More To Life Than This”, “Violently Happy”. Với những track khác là âm thanh phiêu hơn của Trip-Hop. Nhưng tựu chung là chúng mang nhiều yếu tố Avant-Garde mà Björk tìm kiếm để thể nghiệm, phá vỡ những rào cản của nhạc Pop lẫn nhạc Rock được phát trên đài bấy giờ.

 

Đó là Björk cũng của thứ âm nhạc sàn nhưng lần này mang hình thái đậm nét và cá tính hơn rất nhiều trong Post (1995). Nếu như Debut như một màn tập dượt với nguồn năng lượng còn chút e dè, thì Post là những gì bùng nổ nhất mà cô đưa vào, thô ráp và tàn bạo hơn. Bảo sao một bài như “Army of Me” dù đã được sáng tác từ thời Debut nhưng vẫn được để dành cho Post bởi sắc thái mới này.

 

Đó là Björk bằng hình thái nhạc điện tử mà cô ưa thích với những nét chấm phá tạo dựng không gian thiên nhiên hùng vĩ của đất nước Iceland trong Homogenic (1997). Nổi trội trong đĩa nhạc này là âm thanh dàn dây tạo không gian rộng lớn, mang tính chất “truyền thống”, trên nền nhịp trống phá cách có âm hưởng “tương lai”.


Và cứ thế, đó là Björk mang hình thái của một chiều không gian khác với trong Homogenic, hơi se lạnh và sâu thẳm của một mùa đông trong Vespertine (2001) qua tiếng nhạc của hộp nhạc music box hay tiếng dàn dây nhẹ xa xăm, đối lập với album trước đó. Rồi đó là Björk đổi hình thái vừa gần gũi, vừa lạ lẫm bằng của những track vocal acapella thay cho nhạc cụ trong Medúlla (2004), trước khi thành một Björk tươi sáng hơn qua âm sắc nhạc cụ dân tộc ở Volta (2007), hay một Björk tối giản trong âm sắc nhưng vẫn đầy tham vọng về không gian bằng tiếng nhạc cụ điện tử gameleste ở Biophilia (2011), rồi chuyển sang một Björk u sầu trên âm sắc nhạc cụ thu âm rõ nét đến mức nghe cả tiếng cây vĩ chạm vào dây đàn tựa như đang cứa vào da thịt trong Vulnicura (2015), trước khi lột xác thành một Björk bay bổng trên 9 tầng mây qua âm sắc nhạc cụ sáo thay cho sự thiếu vắng của tiếng bass và trống ở Utopia (2017), để rồi trở về với mặt đất qua những nhạc cụ họ bass gắn rễ Björk sâu trong mặt đất với album gần đây nhất, Fossora (2022).


Về tổng thể theo từng album là vậy, thế nhưng khi đào sâu riêng rẽ trong mỗi album, người ta vẫn không thể ngờ trước sự biến hóa khôn lường của Björk qua các track khác nhau, và thậm chí ngay trong cùng một bài. Một album gọi là “dễ nghe” nhất trong bộ discography của cô như Debut mà vẫn có thể thấy âm thanh lạ hoắc như tiếng trống timpani tạo độ nảy trong bài “Human Behaviour” được sample từ bài “Go Down Dying” của nghệ sĩ người Brazil - Antônio Carlos Jobim; hoặc đa hình thái như bài “Venus As A Boy” có phần dàn dây được soạn theo phong cách Bollywood cùng đàn sitar và bộ gõ tabla thường thấy trong văn hóa Hindu, cộng với đoạn sample nghịch tai từ bài "Music for Shō" của Mayumi Miyata - nghệ sĩ chơi shō, một nhạc cụ hơi truyền thống của Nhật. Vậy là trong một album theo hướng nhạc Dance như Debut, thật khó tưởng để đưa vào những chất liệu nhạc Á Đông, thậm chí có màu sắc cổ truyền mà nghe lại không lạc điệu. Đó chính là sự thiên tài của Björk.

 

Nhưng với tiêu chuẩn của cô, Debut vẫn chưa đủ yếu tố mới lạ. Do đó, từ album Post trở đi, người hâm mộ nhạc của Björk lại được thách thức với biết bao vô vàn sự khác lạ đến mức kỳ quặc, nhưng lại hợp lý lạ thường. Đó là âm thanh Industrial Rock / Techno nện mạnh mẽ trong “Army Of Me”, xong lại quay ngoắt sang màu sắc cũ của Jazz chơi theo band ở bài “It’s Oh So Quiet”. Nên nhớ là cả Rock và Jazz đều là hai thể loại nhạc Björk không hề hứng thú (dù cô từng tham gia các ban nhạc Punk và Alternative Rock). Và cũng nên nhớ là hai bài kể trên đều ở trong một album đậm chất Techno như Post, thế nhưng bằng cách nào đó, cô lại đưa hai chất liệu nhạc khác lạ trên vào như để thách thức chính bản thân. Trong bài “Bachelorette”, người nghe lại bất chợt bắt gặp không gian âm nhạc đầy kịch tính, có thể đưa vào một bộ phim như James Bond, nhờ cách phối các nhạc cụ bộ kèn alp horn, bộ gõ timbales và trống timpani và dàn nhạc hoành tráng. Nên nhớ là bài đó do một mình Björk tự sản xuất, như cái cách mà cô vẫn tham gia đóng góp ít nhất tới 90% trong các nhạc phẩm của mình. Rồi với Medúlla - một đĩa nhạc chỉ đa phần sử dụng vocal acapella, tưởng là như vậy đã giới hạn khả năng biến hóa của Björk lắm rồi, vậy mà cô vẫn đưa được âm hưởng trung cổ và nhạc dân ca vào đây. Tiếng beatbox và lối hát giọng cổ họng (trong bài “Who Is It”), cách luyến nốt từ thấp lên cao rồi từ cao xuống thấp (trong bài “Oceania”), tiếng gầm gừ, tiếng kêu meo (như trong “Triumph Of A Heart”), và đặc biệt phần hòa âm phức tạp của đủ các lớp âm vực từ trầm đặc đến cao vút hùng vỹ, tất cả đều bằng giọng hát của nhiều nghệ sĩ tham gia (trong bài “Where Is The Line”) mà như chính Björk chia sẻ, nó gợi cho cô nghĩ tới bản trường cả “Bohemian Rhapsody” kinh điển của ban nhạc Queen.


Sự đa hình thái này của Björk không chỉ dừng ở những thể nghiệm trên nhiều nhánh nhạc Đông Tây kim cổ, cũng như các nhạc cụ từ truyền thống tới hiện đại. Thứ cô làm được ít ai sánh bằng là sự thôi thúc không ngừng vượt quá giới hạn tưởng tượng của những gì con người ta nhìn nhận về âm nhạc.

 

Tên đầy đủ là Björk Guðmundsdóttir, cô gái người Iceland này thực ra đã từng có album solo đầu tay mang cùng tên “Björk”, được phát hành khi cô mới sắp tròn 12 tuổi. Tại một quốc gia có số dân ở thời điểm hiện tại chưa tới 400 nghìn người như Iceland, việc trở nên nổi tiếng vừa hay mà cũng lại vừa dở. Hay thì ai cũng biết rồi, nhưng dở thì chỉ với người thích phá cách như Björk mới hiểu nhất. Ở Iceland, một khi bạn có được thành công thương mại thì điều đó có nghĩa là bạn đang theo một lối mòn “dễ dãi” về nghệ thuật, ít nhất là theo suy nghĩ của cô ca sĩ / nhạc sĩ trong bài viết này. Tư tưởng khác biệt có phần “nổi loạn” đã hình thành trong đầu cô từ những ngày còn ngồi trong ghế nhà trường khi cô đang học nhạc cổ điển với nhạc cụ piano và sáo. Những nhà soạn nhạc đại tài mà ai cũng phải học nhạc theo từ Bach, Mozart đến Beethoven chỉ gây bức xúc cho Björk. Sự hứng khởi chỉ bừng sáng khi một giáo viên gợi ý cho cô gái tìm đến âm nhạc của những nhà soạn nhạc của thế kỷ 20, như Schoenberg, Messiaen, Stockhausen, Cage. Đó là giai đoạn mà cô đã bắt đầu nuôi dưỡng mầm mống phong cách sáng tác theo trường phái Avant-Garde, đến độ đã có những nhạc phẩm ngày ấy được tạo ra từ tiếng ngáy như kéo bễ của ông ngoại cô.

 

Lối làm nhạc dị thường mà Björk theo đuổi vì vậy len lỏi ở khắp các thành tố làm nên một tác phẩm. Ví dụ như với nhịp điệu, từ album Homogenic trở về sau, cô bắt đầu thử nghiệm các nhịp phách ngày một khó đoán. Ngay với chính Homogenic, cô đã nhờ producer Markus Dravs làm 100 bản beat, mỗi cái chỉ kéo dài trong 1 khuông nhạc, rồi cô sẽ tự chọn các beat khác nhau cho phần verse riêng, phần chorus riêng, kể cả nếu chúng ở chung trong cùng 1 bài. Bảo sao nhiều lúc tiếng trống Björk biên soạn không chỉ đảo nhịp, lệch phách, mà còn xuất hiện ngày một thưa thớt, nhưng khi lộ diện, lúc lại dồn dập đối lập giai điệu nhạc chậm rãi, lúc thì nện mạnh như sấm rền, lúc thì rè đặc khác hẳn âm thanh trong veo của giọng hát và nhạc cụ khác. Sự sáng tạo còn được đẩy xa tới mức phần nhịp điệu trong bài “Aurora” ở album Vespertine chẳng hạn được mix từ tiếng chân bước trên nền đất phủ trắng tuyết mang một không gian âm thanh đậm chất thiên nhiên, thứ về lý thuyết có vẻ như khó song hành với âm nhạc điện tử của Björk.


Rồi có những thứ tưởng như tối kỵ hoặc khó hoà hợp trong âm nhạc lại được Björk sử dụng đầy sáng tạo. Như cách cô lồng ghép Locrian mode, âm giai nghịch tai và khó giải toả nhất trong bài “Army Of Me” đầy uy lực. Hay là cách cô liều lĩnh vứt bỏ cấu trúc hoà âm vững chắc trong bài nhạc khi giảm thiểu các khúc nhạc có nhạc cụ bass trong những album trở về sau. Riêng về khoản này, tôi thực sự gặp khó khăn để cảm nhận nhiều bài của Björk vì sự chơi vơi vô định đó. Và đây là cái thiên tài của cô trong soạn nhạc và sản xuất, bởi một khi chỉ một nốt trầm, dù của đàn bass điện tử, đàn cello, contrabass, bass clarinet hay bất kỳ nhạc cụ chơi dải trầm xuất hiện, tôi bỗng như vớ vội được cái phao để giữ mình đưa đẩy theo âm nhạc bồng bềnh mà cô làm hoàn toàn có chủ ý. 


Đây cũng là một trong những phương pháp Björk xử lý âm nhạc, không chỉ dừng ở âm bass lúc có / lúc không, mà cả tiếng trống lúc nhanh / lúc chậm, hay độ dầy / mỏng trong hoà âm để tăng tính ép phê cho những đoạn nhạc nhờ sự biến chuyển giữa các đoạn tương phản liền trước đó, giống như bài “Declare Independence”, “Crystalline”, “Family”, “Atom Dance”, “Fungal City”. Những âm sắc lạ của nhạc cụ mới trong một bài cũng là cách cô tăng sức hấp dẫn cho âm nhạc của mình qua các buổi live show. Để chuẩn bị cho show của album Volta, Björk là nghệ sĩ đầu tiên sử dụng nhạc cụ mang tên ReacTable, một dạng đàn điện tử có thể điều chỉnh âm thanh bằng cách xoay các nút, trong đó nút dùng để thay đổi reverb, nút để thay đổi cao độ và thậm chí vỗ lên bề mặt lại tạo một âm sắc gầm vang. Nhờ đó trên chuỗi hợp âm cố định của bài, người chơi vẫn có thể tạo ra các tổ hợp âm sắc khác nhau không giới hạn. Đối với show diễn của album Biophilia, team của Björk phát minh ra nhạc cụ Gravity Harp cao tới 7 mét rưỡi với 4 con lắc và 11 dây đàn, mà khi mỗi con lắc đi qua điểm cân bằng lại vang lên một nốt nhạc. Và một loạt những cách setup âm thanh và hình ảnh khác mang tới trải nghiệm đột phá ép phê cho khán giả.

 

Dù vậy, trên tất cả những biến thiên hình thái âm nhạc kể trên, thứ nắm giữ một phong cách đặc trưng mà người nghe chỉ cần nghe thoáng qua là đủ nhận ra Björk nằm ở giọng hát độc đáo của cô. Cách cô gằn những nốt trầm, nhấn những nốt cao, rồi biến tấu trong những khoảng trống của giai điệu. Chỉ nghe cách hát là biết Björk dễ dàng làm chủ và điều khiển bài hát từ nhịp độ cho tới âm sắc giọng hát của mình để thành một hòa âm với các nhạc cụ hay như thế nào. Thế nên, xuyên suốt nhiều album quá đỗi đa dạng về phong cách âm nhạc, thứ gắn chặt mọi yếu tố chắc chắn vẫn là giọng ca có một không hai này.

 

Và để tổng kết âm nhạc của Björk chỉ bằng một vài cụm từ, tôi nghĩ có thể trích lại đúng lời cô đã nhận xét về Oliver Lake – nghệ sĩ thổi kèn saxophone mà cô từng hợp tác cùng trong bài “Aeroplane” và “The Anchor Song” ở album Debut. Trong khi Björk ghét cay ghét đắng tiếng kèn saxophone vì đa phần các bài nhạc được soạn ra để tôn âm thanh mượt mà lãng mạn của thứ nhạc cụ này, thì chỉ có số ít nghệ sĩ như Blake mới có lối chơi kèn sax một cách đột phá mới mẻ, và đặc biệt tạo ra âm thanh cô luôn kiếm tìm: “phá quấy, có phần sỗ sàng” – những từ mà tôi nghĩ dùng để tả chung về thứ âm nhạc đầy thách thức của Björk quả thật chuẩn xác.


Hẹn gặp lại!

 

Kroon

625 views

Recent Posts

See All
bottom of page