top of page

Blink-182: Ba ông nhảm cức

Updated: May 23, 2022

Lại một khoảnh khắc đáng nhớ của MTV. Một boyband hát một ca khúc rộn ràng nhưng đâu đó có tiếng guitar phơ tè và tiếng trống chát chúa. Mà hình như họ không phải boyband. Cái gã hát chính nhìn hơi khốn nạn, và càng ngày mấy cậu kia càng tỏ ra lố bịch. Đây rồi, "All The Small Things" là tên bài hát. Nhảm hết sức. Nhưng giờ sao, bạn lại tua lại đoạn clip đó thêm một lần nữa và chạy đi tìm mua album của mấy thanh niên "boyband" mang cái tên Blink-182 này.


Thế đấy, bất chấp việc Blink-182 thời nay đã không còn là Blink-182 của thời Enema of the State sau sự ra đi của Tom Delonge, cũng như số lượng hằng hà sa số các pop punk band sau này mọc lên như nấm từ sự ảnh hưởng của Blink, cuối cùng họ vẫn là cái tên còn đọng lại trong lòng khán giả. Và hóa ra như punk band kia đều dần tan tác như nấm gặp phải trận mưa đá. Khán giả vẫn hát theo những bài của Blink vẫn được phát trên radio, và chắc chắn sẽ không bao giờ quên những thời khắc gắn với Blink-182 của mỗi người. Hóa ra hững thứ "small things" mà Blink tạo ra, dù thật đơn giản, lại hòa quện với nhau thật hợp lý. Blink đã thay đổi hoàn toàn thế giới nhạc Pop như vậy đó.


Nói gì thì nói, nhạc của Blink được sản xuất không thể chê được và bạn có thể nhận ra âm thanh của Blink chỉ sau vài giây. Đó là thứ âm thanh được đơn giản hóa hết mức để bất cứ ai đều có thể nhận ra đây là 3 người đang chơi nhạc cùng nhau, nhưng âm thanh của từng người đều có đặc trưng riêng mà hiếm có pop punk band nào có thể làm được như họ. Tiếng trống chói tai và những cú fill khó lường của Travis Barker. Tiếng guitar nặng và choáng ngợp nhưng vẫn có chỗ để "thở" trong cách chặn tay "palm mute" đầy tinh tế của Tom Delonge. Và tiếng bass băm bổ của Mark Hoppus, nhưng không hề đi vào lối mòn 8 nốt liền tù tì của nhạc Punk mà bù trừ đều đặn cho phần trống của Barker. Chưa kể giọng hát hoàn toàn trái kiểu nhau của Tom và Mark nhưng mỗi khi bè cùng nhau lại thật ngân nga. Các bài hát của Blink vì thế không có sự giả vờ hay khiên cưỡng để tỏ ra nguy hiểm. Nó chỉ đơn giản là nếu bạn muốn có vài giây phút vui vẻ tiệc tùng và cảm thấy mình được âm nhạc bơm cho chút sức mạnh để làm mấy trò ngu ngốc, thì xin mời tham gia cùng chúng tôi. Chẳng phải trước họ 20 năm, đó cũng là tư tưởng của vị tiền bối Van Halen ư?


Dĩ nhiên sẽ chẳng ai đem so Blink-182 với Van Halen cả. Thậm chí cũng còn khuya họ mới được so với những người hàng xóm ít nổi hơn từ California cũng ưa party và nhảm cức như Motley Crue. Có chăng thì họ sẽ bị đem ra so với Green Day, những ông anh cũng đến từ Cali và kiến thiết ra món Pop Punk nọ.


Nhưng khác với Green Day, Blink-182 không quan tâm. Nếu như Green Day đã từng cay mũi và thề phải đè bẹp "bản sao" của họ khi Green Day và Blink cùng headline tour diễn Pop Disaster (và họ đè nghiến Blink ra được thật), Blink chỉ quan tâm đến tour diễn và những album tiếp theo dành cho các fan của họ. Họ cũng không cần phải đem thêm một tay guitar để chơi live cho dầy hơn như cách của Green Day, và cả 3 người đều kiên nhẫn chấp nhận sự trưởng thành của lẫn nhau qua từng show diễn dưới vai trò những người chơi nhạc. Tom thì luôn cố gắng đơn giản hóa và vứt bớt các thứ ra khỏi bài hát. Mark thì luôn muốn bỏ thêm vào. Còn Travis thì khó lường như một tia chớp. Không thể biết anh sẽ xuất hiện thế nào.


Travis Barker có lẽ là người duy nhất trong Blink có tài năng được thừa nhận rộng rãi và có thể đem ra cân với những nghệ sĩ danh tiếng khác kể cả trong những thể loại ngoài Punk. Mặc dù lúc đầu có vẻ chưa ăn nhập được ngay với phần còn lại vì Mark và Tom đã chơi thân với nhau cả chục năm trước khi Travis vào band ( nhìn trong video clip "All The Small Things", thậm chí Travis còn chưa quen diễn kiểu nhí nhố như hai tay kia), Travis đã nhanh chóng trở thành một miếng ghép không thể thiếu trong viết nhạc và thu nhạc, cũng như trở thành nhân vật ưa thích của các fan trong những màn biểu diễn cống hiến của Blink. Thậm chí, nếu như Blink luôn đem đến 100% của họ trong những sân vận động chật kín, Travis sẽ đem đến 120% của mình. Anh nhún nhảy trên giàn trống, trình diễn những ngón nghề kỹ xảo bắt mắt như quăng tay khi gõ hi hat, nện snare mạnh không cần thiết, hay bố trí để cymbal lên cao tít. Dĩ nhiên anh biết những thứ đó nằm ngoài sách giáo khoa chơi trống và thực tế là việc biểu diễn phá sức đã khiến cho tay Travis gặp vấn đề về khớp và không ít lần anh bị chấn thương ở chân - Travis đón nhận điều đó như là một phần của nghề trình diễn. Bởi vì quan trọng hơn cả, Travis không chịu nổi sự gò bó và nhàm chán.


Cũng phải nhắc lại là Travis Barker đã từng chơi những thứ khó nhằn hơn đồ của Blink rất nhiều trong band Aquabats trước khi vào Blink với vai trò tay trống thay thế. Aquabats chơi ska funk và Travis đã không ít lần khiến cho các đồng đội của mình phải ngạc nhiên hết mức với khả năng chuyển nhịp như điện xẹt không khác gì một tay trống chơi prog. Rất nhiều năm tháng nghe và chơi theo Slayer hay King Diamond cùng với cái gốc chơi jazz và funk đã trui rèn cho Travis khả năng chơi tốc độ trong khi vẫn giữ được sức mạnh và khả năng chuyển giữa các loại nhịp đầy mượt mà. Chỉ mỗi tội, Aquabats không thể kiếm ra tiền và khi Blink-182 gọi điện, đó là lời mời không thể chối từ. Dù rằng các đồng đội trong Aquabats cố gắng can gián rằng tài năng của Travis sẽ trở nên lạc lõng giữa cái đám khoe mẽ kia.


Travis Barker đã không cần dùng tới những độc chiêu của mình trong Blink-182. Thay vào đó, anh tiết chế hơn và chỉ xuất hiện ở những câu fill bất ngờ, cũng như dẫn dắt người nghe ra khỏi phần beat một hai của punk rock truyền thống. Đó có thể là tiếng cow bell, tiếng tom chen vào nhịp, hay tiếng snare chêm vào những chỗ không có tiếng bass. Phần việc của Travis trở nên hiệu quả gấp bội khi Mark Hoppus luôn hiểu ý và nhường đường khi cần. Chẳng hạn như trong "What's My Age Again", trong đoạn điệp khúc tiếng snare của Travis luôn tài tình lọt vào khoảng không giữa những câu riff bass của Mark. Và còn những câu dồn lệch nhịp trước khi vào đoạn điệp khúc nữa. Đó là một đội chơi rhythm với nhau cực kỳ chặt chẽ.


Thế nên cũng dễ hiểu khi Travis Barker thường xuyên trở thành khách mời trong các dự án âm nhạc khác, đặc biệt là từ những nghệ sĩ hip hop thường tìm đến những đồng nghiệp chơi nhạc có nguồn gốc "urban". Ban nhạc Transplant của Travis tham gia cùng các thành viên của Rancid có lẽ là nơi khán giả được thị phạ tài năng của Travis rõ ràng hơn.


Vốn hào sảng, Blink-182 cũng hồ hởi đón nhận việc họ trở nên ăn khách chứ không quá bận tâm chọn giữa indie hay poppy như Green Day. Thôi thì để Green Day nhường phần thua về phần Pop cho Blink và nhận phần hơn trong phần punk về mình, chất Punk của Blink có lẽ vẫn ăn đứt tất cả các band pop punk khác. Đơn giản vì họ có một lý do cực punk: Tom Delonge.


Nếu như Travis là nghệ sĩ chính đáng duy nhất của Blink, thì Mark là người có tiếng nói đầy lý trí. Còn Tom Delonge, ngược lại, là kẻ góp những tiếng nói đầy... vô lý. Trong khi Travis Barker trông có vẻ giống nghệ sĩ nhạc rock hơn cả, Mark Hoppus thì có vẻ ngoài đầy boyband miễn bàn; còn lại Tom Delonge "góp" cái vẻ ngoài lấc cấc và cách nói chuyện hơi "đần độn" một cách vô lý. Nhưng có thể lúc đầu Tom "đần" thật, vì gã chả biết gì ngoài punk rock. Tom đã từng làm Travis giận điên người vì phán rằng Metal nghe "nhạt". Gã tháo hết luôn cả pickup trên cây Stratocaster và chỉ để lại mỗi núm vặn volume. Tất cả phơ gã cần chỉ là cục phơ tè và đôi lúc là tiếng flanger. Tom là cậu bé punk và cóc cần nghĩ những điều phức tạp. Đơn giản tới mức khó tin, nhưng tiếng guitar palm mute của Tom thì dày khựng và xếp khớp vào nhau như những miếng bê tông lắp ghép vậy.


Nếu để ý, Tom Delonge dần lẳng lặng chuyển qua chơi cây đàn rỗng ruột và có dàn hiệu ứng khủng hơn với đủ loại delay hay synthesizers khi chơi cho band của riêng mình, Angels & Airwaves. Tất nhiên gã sẽ không quên phân trần rằng cây Strats nhìn nhỏ như cây violin (Tom cao hơn 1m9). Nhưng thực tế thì Tom Delonge biết nhiều về guitar hơn cái vẻ ngoài chỉ chơi 3 hợp âm của gã. Cách chọn những nốt thứ 3 nghịch tai trong mỗi hợp âm, kết hợp với nốt thứ hai của hợp âm được giữ lại nhấn nhá qua lại cùng âm gốc, dù hợp âm đó đều là dạng 3 hay 4 gam chuyển cơ bản, đều khiến cho màu sắc guitar trong nhạc của Blink đều mang chút đượm buồn. Phần guitar clean trong "Adam's song" là một ví dụ điển hình về việc Tom Delonge sử dụng "hợp âm blink" kỳ bí đó và khiến cho bài hát luôn trong tình trạng hoang mang. Âm nhạc cầu kỳ của Angels & Airways sau này chỉ càng chứng tỏ gã tạo ra bài hát với đủ những gì cần thiết, chứ không phải cố gắng loay hoay với những hạn chế kỹ thuật của mình. Và giờ thì tay này có cả một cây đàn signature của riêng mình do Epiphone đảm nhiệm.


Và trên sân khấu thì Tom Delonge luôn biết cách làm thay đổi không khí bằng những đoạn trò chuyện với khán giả và không bao giờ thiếu những câu đùa lấc cấc, nhất là về khoản "tự sướng".

***

“Tao bị tiêm nhiễm bởi tình yêu với cái sự nứng”

(Tiếng Anh: “I got an injection of love from the erection" - đọc chệch lời bài "Alien")

***

“Mấy bồ biết thế nào mới là nhục không? - Đó là khi mấy bồ đến phòng cấp cứu và phải thuyết phục mấy ông bác sĩ rằng mấy bồ bị trượt chân và nện mông ngay trúng con đồ chơi GI Joe - rồi lại phải giải thích tại sao đồ chơi mà nhầy nhụa dầu ăn thế”

(Tiếng Anh: “You know what’s really embarrassing? - When you go to the emergency room and you have to convince the doctor that you slipped and fell on the G.I. Joe – and explain why it was lubricated”)

***

“Nói chung cuối cùng vẫn là vấn đề nhịp điệu. Shakespeare luôn đưa nhịp điệu vào tác phẩm. Mày đọc một vở kịch của Shakespears hoặc nghe ai đó đọc rồi thì biết đấy - tao thì chưa đọc thử bao giờ - nhưng đại loại mày sẽ thấy có nhịp văn trong đó. ‘Hắn ta bước tới và xiên tao và hắn xiên tao khi hắn bước tới!’ Đại loại giọng văn trôi và chảy và vần, giống như ông đang đọc rap vậy. Đấy là cái thiên tài của Shakespeare…”

(Tiếng Anh: “It’s always about the rhythm. Shakespeare always had that rhythm. You’d read a Shakespeare play – or listen to somebody read it, because I didn’t fuckin’ read it – but you’d hear that cadence in the writing. 'He doth come over and stab me and he stabs me as he doth come over!' It kinda goes and flows and rhymes, almost like he’s rapping. That’s the genius of Shakespeare...” - khoe mẽ về tài viết nhạc của mình)

***

“Tui ngán mấy trò quay tay lắm rồi, ghét vãi lol. Thôi lần này làm thật nhé …… bố”

(Tiếng Anh: “I’m so sick of handjobs, I hate them. Let’s start this again for real… dad”)

***


Thậm chí có lần, Mark phải hét lên "đủ rồi" khi Tom đùa hơi lố giữa bài hát và cả band lại chơi tiếp như chưa từng có chuyện gì. Nhưng khán giả dường như chưa bao giờ thôi háo hức trước những câu đùa "vô duyên" của Tom. Đến mức chắc khối người đã phải tự hỏi hội này làm trò đó đều có tính toán trước? Phải chăng vẻ ngoài "đần độn" của Tom Delonge được xây dựng nên bởi một kẻ mưu trí hơn người?


Và giọng hát của Tom thì dù cho nay đã ngoài 40 tuổi, vẫn luôn là giọng của một gã trẻ ranh lấc cấc không bao giờ chín chắn với thứ giọng Mỹ nhừa nhựa cùng những câu đùa trong lời hát thật "đần độn". Tự nó đã đem tới một khí chất punk rất tự nhiên không cần cố gắng (và cũng khó có ai bắt chước cho lại), bởi vì còn gì punk hơn là một thằng nhóc 14 tuổi tự cho là hiểu đời và đi đùa cợt với tất cả mọi người về sự ngu ngốc đầy sâu sắc của nó? Để rồi hơn 20 năm sau khi Tom Delonge đã không còn ở trong band rồi, khán giả vẫn liên tục nhắc lại lời đùa "Tom has sex with guys" mỗi khi Tom lên sân khấu.


Cái sự nhịp nhàng của giai điệu dễ hát theo, phần lời tếu táo, sức hút đáng kinh ngạc từ những video clip trào phúng, và cả sự xuất hiện sạch sẽ và mạnh mẽ đáng ngạc nhiên trên sân khấu có lẽ là những thứ nhanh chóng hút khách từ khán giả đại chúng. Nhưng phần rhythm chặt chẽ từ ba ông bạn, tiết tấu khó lường đầy thú vị của Travis Barker trên giàn trống, và phần lyric nhiều lời lẽ từ cặp Tom/Mark có lẽ là thứ khiến những khán giả nghe Rock khó tính nhất cũng phải có ấn tượng với đôi ba bài của Blink. "The Party" chẳng hạn. Hãy xem xem sao họ có thể hát ngần ấy lời lẽ chỉ trong hơn 2 phút với rất nhiều rhythm trong cách hát. Những "Josie" hay "Online song" trước đó, nếu để ý, đều nói về một cô gái trong mơ khiến cho mấy ômg này tốn quá trời giấy mực mà không ăn thua. Xem ra khi tôi còn chưa tới 20 tuổi, đó cũng là tất cả những gì tôi nghĩ tới (Xin đừng đánh giá).


Và nhân nói mấy chuyện nhảm cức này, có lẽ không ai có thể viết lời lẽ tự nhiên mà không cần giả vờ như Blink. Trong khi các punk band khác tỏ ta nguy hiểm bằng những quan ngại với cuộc sống mà đa số đều là tự lên gân, Avril Lavigne thì cứ động tí là hét toáng lên; Blink-182 thực sự độc đáo một kiểu của riêng họ như là một Ed Sheeran viết lời nhảm cức. Trừ việc Ed Sheeran mãi gần hai chục năm sau mới xuất hiện.


Thế, họ hát về việc chịch con chó ("I Wanna Fuck A Dog In The Ass"), chịch ông nội ("When You Fucked Grandpa"), một gã chịch chị của mình ("I Know A Guy"), và cả một bài chả có lời gì ngoài câu “shit piss fuck cunt cocksucker motherfucker tits fart turd and twat” hiên ngang như "We will rock you" trên nền trống rền vang vậy. Trước những sân vận động chật kín người. Cho nhiều hơn một thế hệ khán giả. Và vô khối trong số đó đã bắt chước cầm lấy cây đàn để chơi nhạc.


Thế nên xem ra chất punk và sự "đần độn" giả tạo đó chỉ là thứ truyền dẫn cho một thứ âm nhạc dễ đồng cảm với rất nhiều người, trừ việc kha khá mọi người không muốn thừa nhận chuyện đó.


Còn gì tuyệt hơn khi được nghe một thứ nhạc như khiến mình mạnh mẽ hơn với sự ngu ngốc của tuổi trẻ. Nhạc hip hop cũng vậy thôi mà, vì nó có sự cao ngạo và dám nói ra những điều chướng mắt hàng ngày. Khi ta còn trẻ, cảm thấy mình trẻ trâu hẳn là một thành tích chứ bộ, còn hơn khối là cảm thấy mình như ông cụ non.


"...Up all night long

And there's something very wrong

And I know it must be late

Been gone since yesterday

I'm not like you guys

Tom has sex with guys"


Bởi nếu như ai đó không kịp trẩu tre khi hãy còn trẻ, thì khi nhiều tuổi làm sao mà già?


Hẹn gặp lại.


Kcid

1,339 views

Recent Posts

See All
bottom of page