Ở Việt Nam những năm đầu thập niên 90, tôi nghĩ hẳn mọi người đều nhớ tivi thời đó cực kỳ hay phát bài "Kingston Town" của nhóm UB40. Giai điệu và lối hát chảy nước đấy tự dưng lại rất đi vào lòng người dân Việt Nam, và hình như cái tiếng trống đảo phách nghe ngược ngược đó khiến con người lúc đó thấy lòng như dịu lại chứ không phấn khích lên như nhạc Rock n Roll.
Với nhiều người Việt Nam ở thời khó khăn đó, có lẽ UB40 và "Kingston Town" là ban nhạc quan trọng chả kém gì những The Beatles với "Ob-la-di, Ob-la-da" hay The Eagles với "Hotel California".
Tin tốt là riêng vụ nhạc Reggae này thì Việt Nam không đi sau thế giới xa lắm. Năm 1973, ban nhạc nặng như Led Zeppelin tự dưng cho ra một bài nhạc tên "D’yer Mak’er" trong album Houses Of The Holy nghe chả giống ai cả khiến cho một số lượng fan còn cảm thấy khó chịu. Còn năm 1974, Eric Clapton tạo ra một bản hit vực lại sự nghiệp của ông qua bài I Shot The Sheriff siêu đỉnh với giai điệu bluesy nhưng nhịp điệu rất khác lạ.
Và đến năm 1979, khi The Police ra album thứ hai của họ, Reggatta de Blanc, phần beat trong những track như "Reggatta de Blanc", "Bring on the Night", hay "Walking on the Moon" đã lập tức đưa tay trống Stewart Copeland trở thành một hiện tượng trong âm nhạc với lối đánh cách tân chưa từng có và không mất quá nhiều thời gian sau đó để Copeland trở thành một tượng đài chơi trống.
Tất nhiên tôi không có ý định lấy đi điều gì từ Copeland (Modern Drummer Hall Of Fame, Classic Drummer Hall Of Fame, lẫn Rock n Roll Hall Of Fame), nhưng công bằng mà nói, ở thời điểm đó, anh đã "mượn" một thứ mà chưa nhiều người "thông thạo" vào nhạc của The Police: nhạc reggae.
Người phương Tây lúc đó tưởng như họ đã biết tất cả về âm nhạc. Nhưng hóa ra không phải vậy. Bỗng dưng một ngày họ bị mê hoặc bởi một dòng chảy âm nhạc lạ len lỏi giữa vô vàn các thứ nhạc rock, blues, r&b, jazz đến từ một hòn đảo thuộc thế giới thứ ba. Thứ nhạc lạ đó đầu tiên được chơi bởi những người đến từ Jamaica với cái tên The Wailers suốt từ đầu thập niên 70s, mà mãi đến khi họ được hãng đĩa Island để ý, thì reggae mới đến được với công chúng trên thế giới.
Còn The Police cuối thập niên 70s bỗng trở thành một ban nhạc thử nghiệm xuất sắc bậc nhất sánh vai với những ông lớn progressive của thập niên 70s. Nhân tiện, album Catch A Fire của The Wailers vốn là nguồn cảm hứng cho "D’yer Mak’er" của Led Zeppelin. Còn bài "I Shot The Sheriff" của Eric Clapton là bản cover của chính The Wailers.
Chỉ trước đó không lâu, đất nước Jamaica những năm 1960 mà cụ thể hơn là ở thị trấn Kingston, những người dân lao động tự tạo ra một phong cách nhạc R&B riêng bằng việc cố tính tạo những cú “nhấn” trong âm nhạc lệch so với nhịp điệu. Còn lời hát được dùng để miêu tả về sự khổ cực, nghèo đói, bạo lực và phân biệt tại đất nước này.
Thứ nhạc đó dần được phát triển thành cái tên là Reggae và ban nhạc The Wailers cùng trưởng nhóm Bob Marley là đại diện điển hình nhất.
Sinh ra từ vùng đất Jamaica, Bob Marley chủ yếu giao du với các nhóm băng đảng sau khi hai mẹ con chuyển tới sống ở Kingston. Quãng thời gian đó giúp ông chứng kiến những nghiệt ngã của cuộc sống nghèo khó. Những ai không đủ vững vàng sẽ bị xã hội quật ngã. Còn Bob Marley tìm được mục đích sống, đó là âm nhạc.
Ban đầu, The Wailers gồm Bob Marley cùng với Peter Tosh và Bunny Wailer tính lập nhóm hát nhạc Ska, một thể loại nhạc dân dã của Jamaica mà phần hát dựa trên câu bass dày xen lẫn tiếng gõ nhịp lách cách đảo ngược. Từ khi có sự tham gia của anh em nhà Barrett: Carlton chơi trống và Aston chơi bass, The Wailers mới thực sự có dịp tập trung phát triển dòng nhạc reggae.
Nhạc Ska mặc dù là thứ âm nhạc rất dễ đi vào lòng người, nhờ sự kết hợp khéo léo giữa kiểu hát dân dã gốc gác từ phi châu với những nhạc cụ của người da trắng, kiểu nhạc này vẫn rất "trong sáng" và không có được những tự sự và chiều sâu tâm trạng như nhạc Blues, thứ âm nhạc của những người gốc Phi bị kẹt lại với cuộc sống nô lệ ở Mỹ nghĩ ra. Những kẻ gốc Phi trước đó may mắn trốn được chạy xuống phía Nam lập ra quốc gia Jamaica, nay có lẽ cần một thứ âm nhạc "đồng cảm" hơn với cuộc sống thiếu thốn nghèo khổ của họ. The Wailers đem lại thư nhạc đó, bằng cách chơi chậm lại so với nhạc Ska, tăng nặng phần beat hơn, và đặc biệt là lời lẽ sâu sắc hơn rất nhiều.
The Wailers trở thành một tượng đài ở quốc gia nhỏ bé Jamaica từ rất sớm, nhưng phải chờ đến khi tiếp cận được với Chris Blackwell, chủ của hãng đĩa Island và là người đã lớn lên tại chính đất nước Jamaica, The Wailers mới có cơ hội tiến ra thế giới. Bất chấp những lời can gián của những kẻ trong hãng đĩa khi thấy bọn The Wailers chả khác gì đám nổi loạn, thô lỗ và hôi rình, Blackwell mở rộng hai tay đón nhận Bob Marley và đồng đội. Mặc dù vậy, mọi thứ không dễ dàng với đĩa Catch A Fire (1973), dù được giới phê bình khen ngợi vì sự đột phá, nhưng lại bị khán giả nghe nhạc quốc tế thờ ơ.
Lý do cũng vì những “khác biệt” quá lớn của nhạc Reggae lúc bấy giờ.
Khác xa với các thứ nhạc phổ biến mà chúng ta đều biết như rock, funk, soul, nhạc reggae phá vớ mọi quy luật “truyền thống” trong âm nhạc, đặc biệt là ở nhịp điệu.
Trong nhạc reggae, phần cơ bản nhất hay còn gọi là xương sống của bài chính là phần trống. Một trong những thứ dễ nhận biết ở nhạc reggae chính là cái nhịp điệu nghe có phần sexy của nhạc người Jamaica, mà phải kể đến kỹ thuật “one drop”, được mượn theo tên của chính bài hát One Drop.
Tiết tấu One Drop
Trong một bài nhạc nhịp 4/4 (nhịp: 1, 2, 3, 4), nếu như trong thể loại rock, blues, ..v..v.. thì nhịp số 1 (phách mạnh) rất quan trọng khi nó đánh dấu mốc cho phần đầu của mỗi khuông, giúp cho các nghệ sĩ và ca sĩ có thể vào nhịp dễ dàng. Do đó, người đánh trống sẽ đánh mạnh kick drum vào nhịp 1 nhất.
Ở điệu "one drop", người Jamaica bỏ qua phách mạnh và để lặng ở nhịp này, không có tiếng kick drum. Thay vào đó kick drum (và đôi khi kém tiếng gõ cạnh snare) sẽ đánh vào nhịp 3 ở giữa khuông nhạc dễ gây nhầm lẫn cho những kẻ mới tập chơi. Theo cách đánh này, mọi sự chú ý được hướng tới đến nhịp 2, 3, và 4; làm cho cảm giác nhạc reggae nghe hẫng và tự dưng lại sexy hơn.
Ngoài kỹ thuật “one drop” rất phổ biến trong nhạc reggae, còn có hai tiết tấu khác là “rockers”, được chơi khá giống như "one drop" khi kick drum thi thoảng được đánh ở nhịp 1, và cú nhấn thì mạnh mẽ hơn; hay “steppers” khi kick drum đánh ở cả 4 nhịp nhưng với độ trễ nhất định, hơi giống kiểu backbeat trong rock n roll. Chính sự “trễ nải” trong nhịp trống của reggae tạo cảm giác “chill” và thư giãn, dù là cách đánh không thư giãn chút nào.
"Exodus" với tiết tấu "Steppers"
Thêm vào đó người đánh trống phải sáng tạo với những biến tấu đảo phách (đánh lệch so với nhịp của bài) để nếu nghe kỹ, không phải khuông nhạc nào cũng giống nhau. Để chơi được trống nhạc reggae thì người chơi phải có khả năng giữ nhịp cực chắc do cách biến tấu phá cách đến “khó chịu”. Và không ai khác, chính tay trống tài năng nhưng có lẽ là ít được để ý nhất trái đất, Carlton Barrett trong nhóm The Wailers, là người đã một mình tạo ra toàn bộ hệ thống beat cho nhạc reggae.
Khỏi phải nói thì nhạc cụ quan trọng tiếp theo chính là bass. Vốn gốc từ nhạc ska với mạch câu bass là quan trọng nhất, người đánh bass không chỉ chơi theo cách giữ nhịp cùng trống mà trong nhạc reggae, bass giúp chèo lái bài nhạc. Chính vì thế người đánh bass dùng cả nốt đơn, nốt kép lẫn lộn để đánh ra giai điệu và làm những câu riff “bù” vào chỗ trống trong bài nhưng lại dừng lại giữ nhịp đều đặn khi trống có câu fill.
Đâm ra, nhạc cụ còn lại là guitar lại nhàn. Trái ngược với nhạc rock, tiếng guitar trong nhạc reggae chủ yếu để bù lấp tạo cân bằng cho câu riff của bass và thường đánh vào nhịp 4 (hoặc 2). Trong nhạc reggae, guitar thường chỉ cần chơi upstroke.
Kỹ thuật "One drop" được biến tấu với nhiều triplet
Các nhạc cụ khác như bộ gõ, tiếng piano hay synthesizer được bổ sung để thêm màu mè cho nhạc reggae nhưng lối chơi vẫn theo đúng tinh thần đảo nhịp, ví dụ như tiếng synth sẽ đánh vào những khoảng lặng mà không có tiếng hát. Và như Marley có nói, trong nhạc reggae, không quan trọng là “biết” cách chơi cho đúng, mà quan trọng là “cảm” được nó.
Đấy, khi thế giới hiểu ra nhạc reggae rồi, thì lập tức cả Led Zeppelin cũng bị phê phán là đánh không ra chất. John Bonham nện mạnh quá, chả chill gì, còn Plant hát chả đi vào lòng người gì cả.
Mọi người quên mất là trước đó, câu chuyện nào cũng phải cần một người anh hùng da trắng cứu giúp. Giống Elvis Presley hay Frank Sinatra, lần này tình cờ hơn do Eric Clapton không cưỡng được lại sự hấp dẫn của reggae và nhạc của Marley nên đã cover thành công bài "I Shot The Sheriff", đưa sự chú ý của mọi người tới tác giả của bài hát. Sau đấy mới đến câu chuyện của Stewart Copeland aka tay trống của The Police.
Sao cũng được, rồi thì thế giới cũng biết đến Bob Marley và The Wailers. Và nhất là album Natty Dread (1974) cực thành công cả về thương mại lẫn trong giới phê bình, mà phải kể đến ca khúc "No Woman No Cry" nổi đình nổi đám khắp thế giới.
Ấy lúc mà mọi người để mắt tới hội The Wailers thì cũng là lúc các thành viên sáng lập quyết định chia tay. May mắn là các thành viên cốt cán tạo nên cái hồn của nhạc reggae trong band chính là Bob Marley và anh em nhà Barrett: Carlton (trống) và Aston (bass) thì vẫn ở lại.
Tại Jamaica thời cuối thập niên 70s, giữa những căng thẳng trong chính trị của hai phe đối lập, khi giữa nhân dân bỗng tòi ra một nhân vật nổi tiếng có tính ảnh hưởng như Bob Marley với người dân Jamaica, thì mấy tay cầm quyền kiểu gì chả muốn lôi ông vào mấy vụ chính trị. Khi cuộc bầu cử đến gần, bạo lực leo thang đến mức người dân phải gần như tránh ló mặt ra đường, thì Bob Marley được đề nghị diễn một buổi hoà nhạc nhằm làm giảm căng thẳng cho đến khi buổi bầu cử kết thúc.
Thế nhưng khi chỉ còn mấy ngày trước buổi biểu diễn, một nhóm người tiếp cận nhà của Marley và xả súng liên tiếp từ ngoài. Tám mươi ba viên đạn được nã. Marley cùng vợ và tay quản lý đều trúng đạn. Nhưng may thay mọi người đều qua cơn nguy kịch. Có lời đồn rằng kẻ đứng đằng sau vụ xả súng này là từ đám chính trị nhằm ngăn cản sự ảnh hưởng của Bob Marley với người dân và cuộc bầu cử.
Bị thương nhẹ nhất, nhưng Marley vẫn can đảm thực hiện buổi biểu diễn theo đúng lịch trình. Thế nhưng sau đó ông quyết định dời khỏi đất nước Jamaica vì mất đi lòng tin với những con người đã phụ lòng ông.
Cũng từ ngày đó, Bob Marley thay đổi cái nhìn và phong cách âm nhạc thể hiện qua một trong những album hay nhất của ông là Exodus. Giống như kẻ lưu lạc, Marley ví mình như câu chuyện về Moses giải cứu người dân Israel khỏi ách bức nô lệ, điều mà ông luôn mong ước mang lại thay đổi cho người dân Jamaica. Album này còn được pha thêm âm thanh của blues, soul, funk và thậm chí rock khiến cho nhạc reggae ở đĩa này được biến tấu hơn.
Dù rằng chỉ không lâu trước đó, Bob Marley đã đi vào tận đáy lòng mỗi người dân Jamaica bằng lời hát mô tả chân thực xã hội nghèo đói và bạo lực và phân biệt ở Jamaica. Hóa ra cách chơi nhạc reggae chậm lại so với nhạc ska truyền thống lại đem lại khả năng đồng cảm và lắng nghe đến như vậy. Hóa ra sự ảnh hưởng của Bob Marley từ giáo phái Rastafaria, nơi liên tục kêu gọi những người Jamaica gốc Phi trở về quê cha đất tổ, lại có sức ảnh hưởng sâu rộng đến thế tới những con người tha hương. Và hóa ra, sự thiên tài của Bob Marley năm ở chỗ, khi thế giới bắt đầu phải lắng nghe âm nhạc của ông, là lúc ông bắt đầu truyền đi những thông điệp mạnh mẽ nhất. Ai có thể tưởng tượng nổi, một đất nước chỉ là hòn đảo nhỏ bé thuộc một thế giới thứ ba với những người gốc Phi đào thoát khỏi phong trào nô lệ xứ Cờ hoa và chật vật làm lại cuộc đời, nay đi phổ biến âm nhạc và thông điệp ra thế giới.
Marley sau đó tiếp tục phát hành các album khác nữa cho đến cuối cuộc đời ngắn ngủi của ông. Dù cho ước mơ có được hoà bình và công bằng cho Jamaica lúc đó không thành hiện thực, Bob Marley vẫn là một tượng đài lớn sánh ngang với các huyền thoại giàu ảnh hưởng khác như Bob Dylan, Jimi Hendrix hay Marvin Gaye bởi dòng nhạc reggae mà ông đã giới thiệu cho thế giới. Bob Marley trở thành nghệ sĩ đầu tiên từ thế giới thứ ba được vinh danh vào ngôi đền vĩnh cửu của Rock and Roll Hall of Fame.
Kể cũng lạ. Khi mà nhạc thế giới vô cùng phong phú với vòng hoà âm đa dạng thì một dòng nhạc reggae đôi lúc chỉ quanh quẩn 2 hoặc 3 hợp âm trong bài lại khiến người nghe phê vậy. Nhiều khi tôi nghĩ có lẽ công thức “lạ” trong cách đánh nhịp điệu lệch lạc của reggae.
Cũng có khi Bob Marley đã học được bí kíp gì đó cực kỳ quyền lực từ các vị cao tăng đạo Rastafaria qua những làn khói cần sa, đâm ra thế giới mới quay ra cấm nó?
Trộm nghĩ, nếu Bob Marley có combo cần sa và nhạc reggae, anh em hippie có LSD và nhạc ảo giác, thì nhạc vàng Việt Nam cũng có quyền hy vọng bước ra thế giới cùng "quốc hồn quốc túy"?.
Hẹn gặp lại.
Kink
Comentarios