top of page

Buckethead ngoại truyện

Ngày nào cũng như ngày nào, thằng bé mở mắt ngủ dậy ngay sau tiếng gà trống gáy mỗi sáng, vừa kịp để tiễn thêm một người bạn đi không về. Nó đã quen nhịp sống trong cái khu chuồng gà này được mấy tháng nay.


Thằng bé không nhớ gì về quá khứ cả, chỉ loáng thoáng hình ảnh người nuôi dưỡng hắn là một Samurai Nhật. Cũng không rõ tại sao nó bị bỏ lại chuồng gà này, cùng với một cây kiếm Nhật, một cây đàn guitar, và một chiếc mặt nạ. Không ai nhận nuôi nó ngoài con gà trống và đám gà mái cục tác mỗi ngày.


Đám trẻ con và người dân xung quanh chỉ suốt ngày trêu chọc nó vì khuôn mặt kỳ dị, khiến nó càng trở nên nhút nhát. Mỗi lần thằng bé khóc một mình bên đống rơm, chỉ có đám gà mái và lũ gà con ra an ủi. Dù nó và đàn gà không giao tiếp được với nhau, nhưng nó vẫn cảm nhận được tình thương của chúng. Khi đám gà nhảy lên cào mặt thằng bé để lại mấy vết sẹo, nó không giận, mà hiểu là nên lấy chiếc mặt nạ che lên mặt, để mọi người không trêu chọc nữa.

"Who me?"


Niềm vui hiếm hoi của thằng bé đến từ những bộ phim chiếu ngoài trời ở ngọn đồi phía dưới. Cũng khá nhiều phim đấy, nhưng khoái nhất vẫn quanh quẩn mấy series phim như là Giant Robot, phim chuyển thể từ bộ truyện tranh manga của Nhật; Chainsaw, kể về tên sát nhân có chiếc mặt nạ làm bằng da người Leatherface; và nhất là Halloween, trong đó từ phần III kể về thằng Michael Myers cũng có vẻ xuất thân là đứa trẻ giống như nó.


Chỉ có điều, thằng bé không nghe được âm thanh từ những bộ phim này do khoảng cách quá xa. Tất cả âm thanh quanh nó chỉ là tiếng gà kêu. Chẳng sao cả. Nó có thể nhìn các nhân vật trên phim thể hiện đủ trạng thái cảm xúc không lời, và tự mình hình dung tưởng tượng một câu chuyện cho bản thân. Dần dần, nó bắt đầu lôi cây đàn guitar ra mày mò tự tập và đánh những câu riff tự nghĩ ra theo diễn biến của các bộ phim. Tiếng đàn phát ra theo cảm xúc giúp thằng bé chìm vào các câu chuyện trong phim, cũng do nó tự tưởng tượng ra nữa. Này là tiếng của Giant Robot bắn súng pằng pằng, này là lần nó bị Dr. Botnus truy đuổi. Những câu chuyện không đầu không cuối cứ chạy băng băng qua đầu thằng bé theo những nốt chạy trên phím đàn mà không cần phải có bất cứ một lời thoại nào.


Khỏi phải nói thì mọi người độc ác càng trêu trọc và nguyền rủa nó tợn: thằng bé giấu mình sau chiếc mặt nạ và chơi đàn không ra tiếng. Nhưng với nó, đằng sau chiếc mặt nạ và cây đàn, nó hóa ra không còn phải sợ gì hết. Nó cứ thế chơi say sưa và tiếp tục chơi, giấu mình sau chiếc mặt nạ. Và dĩ nhiên đến đây không cần huỵch toẹt ra thì ai cũng đoán được với kiểu truyện thế này, ngón nghề cầm thủ của thằng bé trở nên giỏi lắm.

"Buckethead's a psycho” - "Buckethead, get back in the coop!"


Nhưng rồi đến một ngày định mệnh kia, có kẻ thủ ác vứt một đống gà rán KFC đựng trong cái xô bự vào chuồng gà mà nó ở. Nhìn những cánh gà, ức gà và đùi gà lăn long lóc, thằng bé đau đớn cố ghép chúng lại con gà hoàn chỉnh nhưng không được. Nó òa lên khóc và bưng đống xương chạy một mạch đến khu nghĩa địa gần đó. Trút đống xương gà xuống cái huyệt, nó chụp cái xô KFC lên đầu, và vừa thổn thức, vừa vỡ òa cùng với những tiếng đàn chát chúa. Bỗng dưng lúc này đây, trong người nó chợt có những luồng điện chạy rần rật.


Với kiểu truyện cổ tích cho người lớn dễ hiểu như thế này, đến đây ai cũng sẽ đoán ra được là cách đây mấy dòng (chính xác là 14 dòng trước đây), Brian, tên thằng bé mà tôi quên giới thiệu từ đầu, đã giỏi guitar lắm rồi nhưng vẫn chưa phải mức thượng thừa. Bây giờ có điện xẹt vào cái, Brian đã hóa thân trở thành tuyệt đỉnh guitar.


Và trong câu chuyện có vẻ hoang đường này, tôi đoán chắc chi tiết này là có thật: chính cái hộp đựng gà rán KFC kia, với oan hồn của những con gà chết không toàn thây, đã nhập vào và phù hộ cho Brian.


Thế là Brian - nay đã biến hình trở thành Buckethead - cứ thế ngồi bên đám bia mộ mà chơi đàn. Những bóng người lẫn bóng gà xám ngoét trong nghĩa địa hiện lên ngày càng nhiều và bu quanh tiếng đàn rợn người của thằng bé. Sau tất cả, Buckethead luôn có những người bạn tinh thần là những linh hồn và kê hồn ở nghĩa địa.


Xin được làm rõ, đây không phải truyện ma mà là truyện cổ tích cho người lớn. Nên trời sẽ phải sáng, và sau rốt, chiếc xô ở lại luôn trên đầu của Buckethead. Tài năng shredding tuyệt đỉnh của nó cũng không bao giờ rời đi nữa.


Chứng kiến thằng bé thất thểu đi về từ nghĩa địa, chiếc xô trên đầu , người dân xung quanh bắt đầu cảm thấy tội lỗi với thằng bé, bởi vì rốt cục, nó đâu có động gì đến mọi người đâu. Có người thương tình đi qua còn vứt cho nó cái xẻng cũ, để lúc rảnh nó đi đào thêm xương gà và mang ra nghĩa trang để kết thêm bạn. Có người thật tình thì khuyên thằng bé đến mua vui ở DisneyLand với cái bộ dạng đó (tôi thì cho đây là chuyện cũng không hẳn là tử tế lắm vì ai lại đi khuyên một thằng bé đi làm việc cho nhà ma trong DisneyLand). Nhưng nó lại nghe theo.


Hóa ra, DisneyLand có lẽ là thứ tuyệt vời nhất đã từng xảy ra với Buckethead. Nói chớ chỗ đó hẳn là vui hơn nghĩa địa và đám bạn xám ngoét chỉ gặp nó về đêm. Nó vui lắm. Ẩn dưới chiếc mặt nạ, nó có thể làm đủ mọi trò mua vui cho mọi người, từ chơi guitar, chơi trống, chơi bass, cho đến múa côn nhị khúc và nhảy robot. Nhưng khi mọi người bắt đầu bị thu hút bởi màn trình diễn của con robot đeo mặt nạ cao nghều chạy ngón guitar nhanh như điện xẹt, thì cũng là lúc đám quản lý của DisneyLand đuổi Buckethead ra đường.


Không hiểu có phải trong thời gian gần loài người ở DisneyLand mà Buckethead đã lờ mờ nhận ra rằng nó có bố mẹ, dù nó không biết ông bà là ai, nhưng hẳn không phải đàn gà.

"I love my parents"


Nhân tiện, đây là một câu chuyện do một con gà kể lại, nên nó nhanh chóng quay lại chủ đề chính. Buckethead, đau đáu với những thứ tuyệt vời từ DisneyLand (dĩ nhiên là trừ mấy tay thủ ác quản lý công viên nọ), quyết tâm xây một cái công viên vui chơi, nơi mà tất cả những người yêu quý nó đều có thể đến và xem nó. Dĩ nhiên sẽ có đầy đủ những thứ như tàu lượn Big Thunder, ngôi nhà quỷ ám Haunted Mansion, hay khu chủ để về Pirates of the Caribbean. Công viên sẽ mở cửa cho cả đám bạn xám ngoét đi cà giựt của nó, và dĩ nhiên, rất nhiều gà và gà. Nó sẽ xây hẳn một cái nghĩa địa to oạc ở chính giữa với một cái sân khấu thật lớn để nó có thể chơi cho đám bạn nghe.


Khi công viên Bucketheadland mở cửa vào năm 1989, mọi người thực ra cũng không dám tin đấy là một khu vui chơi giải trí. Nhưng hãy nhớ là dân số trên thế giới chỉ có khoảng 7 tỉ người, trong khi số lượng gà là gần 20 tỉ, nên chấp hết đám người kia dè dặt không vào trong công viên, Buckethead không bao giờ thiếu gà để phục vụ. Ngay khi bước chân vào cửa công viên đã là màn nhạc dạo đầu hoành tráng của bản “Welcome To Bucketheadland” với âm hưởng ma quái của “Crazy train” nổi tiếng.

Welcome to Bucketheadland


Nhưng nói chớ, duy trì được nguyên cái theme park cũng không đơn giản. Buckethead bắt đầu tính chuyện đi chơi nhạc cho mấy band nổi nổi để kiếm tiền nuôi cái công viên. Trong suốt hơn chục năm sau đó, mọi người trên trái đất bắt đầu nhận được các sản phẩm âm nhạc của Buckethead, đầu tiên là từ những album của chính nó, như Monsters and Robots, hay Enter Chicken, những sản phẩm hợp tác với các nghệ sỹ đủ loại, từ Snoop Dog, Iggy Pop, nhưng đặc biệt nhất chắc là ca sĩ Serj Tankian từ System Of A Down, anh đánh bass siêu đẳng Bootsy Collins từ nhóm Funkadelic, và tay trống thích truyện tranh Brian “Brain” Mantia mà sau trở thành bạn chí cốt của nó.


Cùng Bootsy Collins và “Brain”, Buckethead còn tạo ra nhóm nhạc chơi thể nghiệm pha giữa rock và DJ: Praxis. Buckethead còn chăm làm đến nỗi, tự tạo ra một tính cách khác cho chính mình, lấy tên là Death Cube K, và ra những album kiểu như Dreamatorium. Được biết đến nhiều hơn, nó cũng mạnh dạn thể hiện sự ngưỡng mộ với những thần tượng của nó qua những bản nhạc sáng tác cho họ, như Michael Jordan (“Jordan”, “Jump Man”), hay Lebron James (“King James”, “Lebrontron”) và đưa vào các album nhạc của nó.

Cùng Serj Tankian với nhạc phim cho series Masters of Horrors


Tiếng lành đồn xa, chả mấy chốc những tên tuổi hạng nặng đều tìm đến Buckethead. Trước tiên là ông chú Ozzy Osbourne, người nổi tiếng chuyên khai quật ra các tay guitar lừng danh, lúc này đang bơ vơ vì tay guitar của chú là Zakk Wylde mải đi đánh Black Label Society quá.


Mày đánh cho tao thì phải bỏ cái mặt nạ khốn kiếp ra” – Ozzy đề nghị. “Cháu tên là Brian”.


Vầng, Brian, mày làm ơn bỏ cái mặt nạ chết tiệt ra” – Ozzy không bỏ cuộc. “Chỉ có mẹ cháu mới gọi cháu là Brian


Vậy coi tao là mẹ mày đi” – Ozzy nổi khùng. “Chú cứ đùa”.


Công nhận chú Ozzy vui tính thật, vì Buckethead đâu phải tay guitar cần khai quật. Quên chú đi.


Người tiếp theo tìm đến là một ca sĩ khác, từ nhóm nhạc Súng và Hoa Hồng. Gã này chắc học ra điều gì đó từ sự sỗ sàng của Ozzy, bèn dẫn Buckethead đi chơi DisneyLand. Nó cũng phân vân lắm. Nhưng khi đến DisneyLand, anh Rose tặng nó con búp bê Michael Myers của phim Halloween. Buckethead đồng ý gia nhập ban nhạc nguy hiểm nhất thế giới nay đã bớt nguy hiểm: Guns N Roses. Nó đề nghị cả ông bạn Brian “Brain” Mantia cũng phải được tham gia.


Giúp cho Guns N Roses thu album tiếp theo, Chinese Democracy (2008), dưới vai trò lead guitar, Buckethead đã giúp GNR trở lại từ nghĩa địa. Và dù anh Rose vẫn hào phóng cho phép Buckethead múa côn, nhảy robot giữa những màn solo guitar, hay dựng nguyên một cái chuồng gà trong phòng thu Chinese Democracy, nó vẫn không chịu nổi tính khí thất thường của anh. Buckethead rời GNR năm 2005.

Madagascar - Chơi với GNR


Tính ra, trong suốt hơn 10 năm, Buckethead đã tham gia đủ loại sân khấu từ nhỏ đến lớn, chơi nhạc với từ những kẻ cựu trào đễn cả ngôi sao nhạc Pop. Nhưng sau tất cả, có vẻ ánh sáng và tiếng ồn của sân vận động không phải là thứ hợp với Buckethead. Có lẽ cậu ấy muốn một không gian gần gũi và ấm cúng hơn, nơi cậu có thể múa côn và nhảy robot xen giữa những màn quét dây siêu tốc độ hay những bản nhạc réo rắt đầy ám ảnh.


Vì vậy, Buckethead đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch trước khi rút khỏi những sân khấu lớn. Cậu ấy sẽ viết một thứ gì đó dài hơi để đưa nhạc của cậu đến với khán giả, mà vẫn đủ khả năng tài chính để duy trì công viên vui chơi Bucketheadland. Cũng giống như tác giả Mitsuteru Yokoyama đã tạo ra bộ truyện tranh Giant Robot ngày xưa vậy. Chỉ khác là, cậu sẽ viết series truyện của cậu theo một cách rất Buckethead. Đó sẽ là một thứ câu chuyện được kể bằng nhạc.


Và thế là tất cả những gì trong đầu Buckethead đều tuôn trào thành nhạc. Phải rồi, Buckethead đã tạo ra một series mới được gọi là Pikes năm 2011. Trong 2 năm đầu, Buckethead tạo ra 5 album Pikes mỗi năm, một con số vốn đã là đáng mơ ước với bất cứ nghệ sĩ nào. Năm 2013, Buckethead thậm chí còn tăng tốc, và cho ra đến 21 Pikes. Chưa đâu, năm 2014, Buckethead cho ra 60 Pikes, và năm 2015, cậu cho ra 118 Pikes, nghĩa là trung bình cứ hơn 3 ngày là thu xong và phát hành 1 album (!!!).


Đến nay, Buckethead đã ra tổng cộng hơn 280 Pikes, và ở thời điểm 2020, cậu hoàn toàn chưa có ý định dừng lại.


Series này sau đó được lan đến tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới, tới một đất nước xa xôi có một tay guitar vốn có đôi tai trâu mà bày đặt gảy đàn. Gã tai trâu này, tôi vốn không định giới thiệu tên là Kai, quyết định đi lùng nghe bằng được số Pikes và sững sờ nhận ra rằng, để nghe hết số đấy phải không được ăn, ngủ, và đi vệ sinh trong 7 ngày liên tiếp.


Được cái, thằng Kai nó từ bé đã phải giúp bố mẹ làm việc đồng áng nên Kai không có điều kiện đi học hành gì cả. Kể cũng may vì Kai ngu ngang bò nên nếu bố mẹ có tiền cho đi đến lớp thì cũng chỉ phí phạm thôi. Nhưng thời gian thì nó có vô khối để ngồi tán dóc với đàn gà. Và tình cờ, trong đàn gà nhà nó có một con đã từng trốn thoát khỏi nhà hàng KFC và được du ngoạn ở Buckethead Land bí ẩn.

Vài Pikes của Buckethead. Hình chôm từ https://music.bucketheadpikes.com

Kể cả thằng Kai cũng không dám chắc con gà trong chuồng lẫn câu chuyện của nó là gà thiệt hay gà mờ. Nhưng việc thằng Kai không bao giờ ăn gà rán ở KFC là có thật. Và cả đống Pikes của Buckethead mà nó nghe nữa.


Hẹn gặp lại!


Kai + Kink

1,081 views

Recent Posts

See All
bottom of page