top of page

Christina Aguilera: Trở về với nguyên sơ



Lạm dụng kỹ thuật khi hát một cách quá đà (oversing) là một "căn bệnh" của Christina Aguilera.

Trong buổi biểu diễn bản quốc ca Mỹ tại trận tranh cúp Super Bowl XLV một ngày tháng 2 năm 2011, ngay trước cả đám đông và số lượng người xem truyền hình nhiều khủng khiếp, cô ca sĩ trẻ vẫn đủ tự tin để hát chay không nhạc đệm. Nhưng có lẽ hơi run nên Christina hát nhầm lời ở một chỗ, khiến cô ăn đủ gạch đá vùi dập sau đó.

Có điều, thực ra chuyện sai từ sai ngữ một chút thì bỏ qua được chứ hả, nhất là khi tâm lý của người hát trong buổi trọng đại như vậy. Giọng cô hôm đó không được tốt lắm, nghe như bị thiếu hơi, nhưng cũng vẫn có thể chấp nhận được vì vấn đề có thể nằm ở sức khỏe. Cái dở ở đây của Christina lại nằm ở phút cuối buổi diễn, khi cô bắt đầu vận động nội công để luyến và láy những nốt nhạc khó xơi. Cảm giác như, cho đến lúc này, sau khi đã phát hành đến 6 album rồi, cô vẫn như kiểu sợ cả thế giới không biết mình có giọng hát khoẻ như thế nào. Cô có thể luyến láy các nốt nhạc trong khi hát ở những nốt rất cao, vậy mà cô lại không thể kìm nén và tiết chế chút, tập trung vào cảm xúc bài hát, thay vì kỹ thuật. Cái cảm xúc quá đà đó trong phần thể hiện của Christina không chạm tới cảm xúc của người nghe, mà còn như đay nghiến thêm việc quên lời bài hát ngay trước đó.


Kỹ thuật hát điêu luyện và chất giọng đẳng cấp diva của cô bỗng dưng trở thành một điểm yếu.

Chê bai chút câu kéo vậy thôi, chứ với tôi, cái hay vẫn đọng lại nhiều hơn cái dở trong âm nhạc của Christina Aguilera. Bài hát của cô vẫn còn nhiều khoảnh khắc chứa đầy cảm xúc. Giống cái lần cô quay về với nguyên sơ, và tạo ra tuyệt phẩm album đôi Back To Basics (2006) vậy. Tuyệt vời!

Christina bắt đầu nổi tiếng từ ca khúc “Reflection” trong bộ phim hoạt hình Mulan của Disney, và sau đó là single “Genie In A Bottle” trong album đầu tay. Được marketing dưới hình ảnh cô gái thời nhạc pop boyband/girlband đang thịnh hành, Christina còn được biết đến là tài năng nhí từ Câu lạc bộ Mickey Mouse - cùng một lò với Britney Spears và hai chàng trai ở N Sync. Ngoài một hình ảnh thuộc thế hệ trai thanh nữ tú - nhân tố quan trọng còn hơn cả âm nhạc lúc đó, Christina tính ra ăn đứt hội còn lại ở kỹ thuật và chất giọng.

Nếu có ai nghe bài “Reflection” trước đó rồi thì cũng dễ dàng nhận thấy một tài năng trẻ đầy tiềm năng của một diva như Mariah Carey hay Whitney Houston. Còn nếu chưa, chỉ cần thưởng thức ca khúc “Genie In A Bottle”, một đĩa đơn không có tiết tấu chậm để phô trương được giọng ca thiên phú như với “Reflection”, nhưng lại là một bản track có tiết tấu R&B khó hát hơn nhiều so với những bản Pop mà mấy bạn đồng lứa của cô đang hát. Nghe kỹ sẽ thấy Christina xử lý những phần lên xuống trong cao độ đều chuẩn mực và có cái hồn soulful của nhạc R&B. Giọng cô vì thế khác xa kiểu giọng lè nhè của Britney Spears, đầy đặn hơn chất giọng mỏng tan của Justin Timberlake và ngọt ngào hơn giọng thiếu soul của JC – bộ đôi ca sĩ chính trong ‘N Sync, và vì thế dĩ nhiên hay hơn cả hội Backstreet Boys cộng lại.


Để thể hiện mình, Christina bắt đầu giành quyền định hướng âm nhạc và hình ảnh từ những album sau. Một trong những ý đồ đầu tiên là cô cover bài “Lady Marmalade” của Labelle cùng với Pink, MyaLil’ Kim cho bản nhạc phim Moulin Rouge. Với phần lời bài hát có câu kinh điển “Voulez-vous coucher avec moi, ce soir?” (nghĩa là “Do you want to sleep with me tonight?”), bất chấp sự phản đối trước đó của hãng đĩa, Christina và các cô gái trong trang phục gái ngành bên Tây thể hiện bản cover gây sốc với những fan tuổi teen của Christina, nhưng hoàn toàn thuyết phục ở góc độ nghệ thuật. Được đà, cô tiếp tục tạo sóng bằng hình ảnh cô gái có phần hư hỏng qua album Stripped (2002) với hình bìa là cô đứng cởi trần với mái tóc dài che vòng 1. Các đĩa đơn “Dirrty” và “Fighter” kèm video clip mang tới một Christina hoàn toàn lột xác khỏi cô gái trẻ ngày nào còn hát về việc “cọ xát” để cô tiên “thần đèn” hiện lên. Âm nhạc từ đó cũng không còn kiểu teen pop nữa mà nặng mùi R&B hơn. Dù rằng bị chê vì thiếu sự đồng nhất trong cả đĩa về mặt âm nhạc, nhưng đây vẫn là một tác phẩm hay thể hiện tài năng của Christina. Sau cái giai đoạn boyband/girlband trước đó, tính ra chỉ có cô và Justin Timberlake mới trưởng thành thực sự và có những bước đi đúng đắn của những nghệ sĩ thứ thiệt.

Có điều, càng cố tách mình ra khỏi nhóm nhạc trẻ ngày nào đó, Christina lại càng gồng mình và phô diễn kỹ thuật nhiều hơn với mong muốn chứng tỏ trình độ bản thân ở một đẳng cấp khác, đôi lúc quá đà gây khó chịu cho một cơ số người nghe. Ở album My Kind Of Christmas phát hành năm 2000, cách luyến láy quá đà của cô phá hỏng sự êm đềm trong những bài ca bất hủ của nhạc Giáng sinh. Đến album Stripped, cách gằn giọng của cô cũng khiến người nghe thèm muốn những bài nhạc đơn giản mộc mạc hơn về mặt kỹ thuật. Vì thế, nổi bật của album này lại là ca khúc “Beautiful”. Linda Perry, người sáng tác và sản xuất ca khúc này thuyết phục, hay nói đúng hơn là "ép" được Christina sử dụng bản thu đầu tiên cho vào đĩa chính thức. Bản thu đầu này thực tế chỉ là từ bản demo, không hoàn hảo, nhưng lại cực đúng tinh thần của bài hát “I am beautiful no matter what they say” bởi cái sự thuần khiết trinh nguyên của cách hát mới làm nên vẻ đẹp.


Thế rồi Christina phát hành đĩa đôi Back To Basics, trưởng thành hơn trước, ở cả khía cạnh ngoại hình lẫn âm nhạc hoài tưởng “giả cổ”.

Tôi còn nhớ album đó gây ấn tượng mạnh đến mọi người tới mức, không chỉ những forum nghe nhạc nước ngoài nói chung, mà cả diễn đàn hip hop cũng phải bàn tán về nó. Như cái tên của đĩa, sự hoài cổ với âm nhạc Soul, R&B và Jazz pha Pop trong Back To Basics của những thập niên trước, kết hợp với một chút màu sắc nhạc hiện đại là một trong những hướng đi đúng đắn nhất Christina Aguilera đã từng làm. Nó thể hiện đúng con người của cô - một cô gái vốn dĩ luôn già trước tuổi, lớn lên bằng nhạc Soul và Blues qua các đĩa nhạc mà bà cô hay nghe.

Trong Back To Basics, Christina vẫn lạm dụng kiểu “ooooh” “yeahhhh” khá nhiều, nhưng may thay nó lại hợp với cách hát khoe giọng trong dòng gospel ở bài “Make Me Wanna Pray”, hợp với tiết tấu nhanh của giai điệu jazzy và funk trong “Ain’t No Other Man”, và nhìn chung là hợp với kiểu nhạc phòng trà ở album này, khi mà sự phô diễn đôi chút cũng là chấp nhận được. Dù sao thì xen kẽ trong đó, chúng ta được thưởng thức những bản ballad tuyệt hay như “Oh Mother”, kể về người cha bạo hành của Christina. Phần lớn ca khúc ở tông trầm nên cảm xúc đến từ chất giọng ấm áp cực đẹp của cô khiến cho bài này trở thành track hay nhất đĩa đối với tôi. Kể cả lúc Christina hát những nốt cao nhất cuối bài, khoảnh khắc dễ lộ điểm yếu “thích phô trương” của cô, thì giọng hát vẫn được kìm lại vừa đủ để câu “together we always move on” vút cao giằng xé mọi cảm xúc.


Back To Basics là một đĩa đôi, nên thời lượng có lẽ hơi dài, nhất là với những người bị dị ứng với kiểu “oversing” của Christina Aguilera. Nhưng như tôi nói ở trên, cái hay trong album này áp đảo những cái dở đó. Chất nhạc tuyệt đẹp của kiểu nhạc cổ này vô cùng hợp giọng cô ca sĩ. Ở đĩa thứ hai, ta được dẫn theo trải nghiệm từ “Candyman” với nhạc swing rộn ràng, có tiếng kèn xen kẽ giọng hát cao khoẻ của Christina, đến phần tempo bị kéo tụt chậm hẳn lại trong giai điệu rất chill ở bài “Nasty Naughty Boy” sau đó. Trong bản ballad “Hurt” - track hay thứ hai của đĩa có giai điệu buồn tê tái và sẽ dễ dàng được điểm tối đa nếu Christina chỉ cần hát đừng cố gân cổ quá, chứ tất cả các yếu tố còn lại đều hoàn mỹ. Có thể nói đĩa thứ hai của Back To Basics có chất lượng đồng đều hơn nhờ thứ âm nhạc mang phong cách cổ xưa hơn hẳn, và quan trọng là Christina có những giây phút thả lỏng mình, hát bằng cả giọng giả thanh, mềm mại trong bài “Save Me From Myself”.


Tự dưng lúc này đây, tôi chợt nhớ đến hình ảnh Madonna, một diva không hề có chất giọng thiên phú như bộ ba vocal trinity Whitney Houston, Mariah Carey hay Celine Dion, nhưng giọng hát êm dịu, ngọt ngào và ấm áp lại khiến người nghe mãi không chán vì nó ngấm chậm và sâu hơn. Cách hát hiếm hoi mộc mạc này của Christina vì vậy có lẽ là thứ cô cần sử dụng nhiều hơn để cân bằng lối thể hiện nặng tính kỹ thuật.


Có lẽ thế, sau này, người ta được nghe sự “mong manh dễ vỡ” trong tiếng hát mà lộ cả hơi thở của Christina trong bài “You Lost Me” ở đĩa Bionic (2010). Album gần đây nhất Liberation (2018) cũng vậy. Một tác phẩm chất lượng với ít tiếng ngân nga “oooohhh” “yeahhhh” hơn và có những track mang tính trải lòng hơn.


Trở về với nguyên sơ, Back To Basics, có thể chỉ là cái tên của album theo ý nghĩa quay về thể loại nhạc cổ ngày nào, nhưng tôi nghĩ đó cũng là cách Christina nên theo đuổi trong phong cách thể hiện bài hát. Bởi vì nói cho cùng, kỹ thuật có thể giúp người ca sĩ che lấp điểm yếu hoặc thực hiện những đoạn nhạc khó, nhưng nó không thể giúp họ thể hiện cảm xúc thực một cách trọn vẹn nếu họ không có những giây phút thả lỏng bản thân mình.

Christina Aguilera có kỹ thuật thượng thừa để khác biệt mình khỏi các nghệ sĩ teen pop, nhưng nếu nhìn lên, cô có lẽ nên chịu khó tiết chế để thành một Madonna, hơn là cái máy hát khoẻ như một Celine Dion thứ hai.


Hẹn gặp lại!


Kroon

915 views

Recent Posts

See All
bottom of page