NHẠT:
Trong quyển “Let’s Talk About Love: Why Other People Have Bad Taste” của tác giả Carl Wilson, ông có trích một đoạn của nhà báo âm nhạc Becca Costello lúc bà này bị băn khoăn phải trả lời một câu hỏi của người bạn “Điều gì mà người Trung Quốc hay nhầm lẫn nhất về phương Tây?”, sau khi bà này vừa về từ đất nước này. Sau đó bà Costello nhớ ra một thứ và đáp lại là “người Trung Quốc tin là âm nhạc của Celine Dion là một loại nhạc chất lượng”.
Thực ra cả người Việt Nam hay các nước châu Á như Singapore hay kể cả Iraq cũng nghĩ (tin) vậy.
Cái thời bài "My Heart Will Go On" làm mưa làm gió trên đài mà tần suất nhiều gây khó chịu đến mức ngang ngửa bài "Let It Go" trong phim Frozen. Nhớ lần tôi lái xe chở vợ và có bật đĩa Let’s Talk About Love thì chưa đến bài "My Heart Will Go On" vợ tôi đã đòi tắt vì kêu nghe quá mệt. Tưởng hai vợ chồng sắp cãi nhau đến nơi thì tôi phải nịnh ngay “hoá ra gu nhạc của em ăn đứt 1 tỉ người Trung Quốc rồi”.
Trong bộ ba vocal trinity mà tôi đã viết với giọng thiên vị về Mariah Carey thì bài tiếp theo về Celine này, tôi cũng thành thật thú nhận là: ngoài hải sản ra, tôi cũng hơi dị ứng nhạc của Celine Dion, mặc dù là ăn hải sản xong hơi ngứa tý nhưng vẫn còn sướng miệng.
Mọi người thường quy kết một cách cảm tính sự khó chịu nhạc của Celine với nhạc pop. Nói cách khác, nhạc pop là thứ nhạc dễ gây định kiến với người nghe nhất do tính chất đơn giản, theo công thức, và kiểu “sến” của nhạc pop dễ gây chia rẽ người nghe. Chính vì thế nhạc pop hay bị bỏ qua một cách đáng thương.
Nhưng với tôi thì không hề vậy. Tôi cực yêu nhạc pop nếu nó hay thuần khiết như mục đích mà người nghệ sĩ muốn tạo ra với một chút “cá tính” riêng.
Mỗi cái là, khi nghe nhạc pop của Celine, tôi không tìm được cái “cá tính” đó, cả trong phần nhạc và trong tiếng hát.
Nói về phần nhạc thiếu “cá tính”, dù cái này nằm ngoài tầm kiểm soát của Celine nên để chê bai thẳng thừng thì có thể không công bằng cho cô. Nhưng Mariah Carey có thế đâu, cô vẫn đấu tranh để có quyền kiểm soát âm nhạc của riêng cô.
Với Celine, có lẽ cô như một cô gà công nghiệp, được các chuyên gia chăm sóc trước khi xuất chuồng. Nhạc của Celine đúng là như vậy. Để nhắm tới thị trường đại chúng, hãng đĩa thuê toàn mấy ông producer “khủng” để tạo ra các bài hát được trau chuốt khác nhau trong một album. Mục đích là để bất kỳ ai nghe cũng sẽ tìm được thứ nhạc yêu thích của họ trong đó.
Tuy vậy, nhiều khi do chính những ông producer này mà lại tạo tác dụng ngược cho nhạc của Celine. Lấy bài hát "It’s All Coming Back To Me" của Celine làm ví dụ, đây là một bài hát hoành tráng và hay ở những khúc nhẹ nhàng đối lập với khúc cao trào. Nhưng lối production hơi quá đà theo kiểu nhạc epic của Jim Steinman làm cho nhạc đệm chỉ dày đặc hơn. Bạn nào nghe nhạc của Meatloaf, đặc biệt bài hát dài đến mệt người "I’d Do Anything For Love" thì sẽ thấy bài này cũng vậy. Nếu ông rút ngắn và tiết chế hơn thì bài sẽ hay hơn nhiều.
Tất nhiên tôi sẽ không quên mục tiêu công kích của Emoodzik, Max Martin, với những bài làm cho Celine Dion như "Love is all we need", "Coulda Woulda Shoulda" và đặc biệt là "That's the way it is", có lẽ giúp Celine trẻ lại cả chục tuổi vì hát thứ nhạc bập bùng đang nổi thời đó của các boyband, girlband. Ôi cái tiếng keyboard và tiếng trống!!!
Thế nên thiết nghĩ tại sao Celine không thử giành chút quyền kiểm soát để chọn người hợp tác phù hợp hơn?
Chẳng hạn như: (1) chọn đúng một cạ cứng để làm nhạc phù hợp với chính cô như cách Bryan Adams gắn bó với người viết nhạc Jim Vallance và tay guitar Keith Scott; (2) tiết chế phần production cho bớt rườm rà hơn với kiểu dùng một hai nhạc cụ làm chủ đạo chính, như Elton John dùng piano hay Robbie Williams dùng guitar và/hoặc piano; (3) hoặc liều lĩnh thử nghiệm thứ nhạc cool hơn với producer Timbaland, Pharrell Williams như Justin Timberlake vẫn làm. (Emoodzik review bao ngon ngay)
Ước mong vậy đó, nhưng chính sự cứng nhắc trong tính cách của Celine không cho phép cô làm vậy. Sự cứng nhắc này cũng vì thế dẫn đến cái tội thứ hai mà quan trọng hơn cả, chính là thiếu “cá tính” trong tiếng hát, thứ nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của cô. Giọng hát của Celine thực sự là rất hay nhưng cách hát của cô lại dễ gây sởn gai ốc theo cách khó tiếp nhận.
Celine luôn gồng mình để hát chuẩn từng nốt từng lời theo cách hoàn hảo nhất có thể. Nếu nghe kỹ sẽ thấy cô phát âm rất rõ từng từ mà trong tiếng Anh, cô không bỏ một âm tiết nào đặc biệt là âm cuối. Tôi biết tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của Celine, nhưng khi từng âm “d”, “t” ở cuối mỗi từ đều được Celine búng ra một cách rõ ràng đến đau người. Bọn bản địa cũng chả phát âm đầy đủ đến thế khi hát vì mục đích “trôi chảy mượt mà” của bài hát.
Trong luyến láy cũng thế, đặc biệt khi lên dải âm cao, Celine sẽ luôn hát hết sức đủ cả âm lượng khiến người nghe thấy giống như một robot hát giỏi hơn là một ca sĩ hát có hồn.
Trong quyển sách mà Carl Wilson viết, ông có nói giọng hát của Celine bài nào cũng giống bài nào. Tức là nghe phát là biết Celine đang hát, không phải vì chất riêng của Celine, mà là vì bài nào cô cũng hát giống nhau: dồn hết công lực cho đúng nốt, đủ âm lượng, chuẩn độ cao (hự). Giống như trong một bản nhạc cổ điển, người chơi phải tuân thủ chặt chẽ nhịp điệu, độ ngân, biến chuyển trong âm lượng theo đúng yêu cầu của nhà soạn nhạc thì Celine cũng thế, cô hát chặt chẽ theo đúng một đồ thị vạch sẵn ra thế, không có sự ngẫu hứng hay phá cách.
Nhiều khi tôi mong Celine chỉ cần hát thiếu hoàn hảo đi một chút hoặc tìm cách diễn đạt khác nhau ở cùng một note nhạc cho giống con người hơn thì giọng cô sẽ có được cái hồn “soul” trong giọng hát mà hai cô còn lại trong vocal trinity, Mariah và Whitney, đều nắm giữ tốt.
NGỌT
Nhưng không phải vì thế tôi muốn chê bai Celine hoàn toàn trong bài viết này. Dù tôi không ưng nhạc của Celine nói chung, đến giờ tôi vẫn lại đặc biệt hay nghe lại album Falling Into You (1996).
Trong đĩa này có một số bài, một cách kỳ diệu nào đó, Celine thoát được mấy thói quen "nhạt" ở trên. Đầu tiên kể đến là bài "It’s All Coming Back To Me Now", dù là phần nhạc dầy và thời lượng dài dòng mệt mỏi, nhưng may thay tự dưng lối hát khoẻ như cái máy hát của Celine lại lấn át được nhạc đệm, giống kiểu tiếng hát át tiếng bom ý.
Bài "Falling Into You" và "Seduces Me" thì tôi kết thực sự. "Falling Into You" sử dụng bộ gõ tạo ra âm thanh mềm mại. Cái cú đảo nhịp ở tiếng gõ thứ hai trong mỗi khuông nhạc mới mê hoặc làm sao. Celine thì hát nhẹ nhàng và không phải lên gân để rồi đoạn solo ngắn bằng tiếng kèn vô cùng tình cảm.
"Seduces Me" thì giống "Falling" khi cách produce nhạc trong bài này được tiết chế vừa đủ. Với chủ đạo của tiếng gảy guitar thùng và Celine hát nhẹ nhàng ở khu âm trầm, chỉ lên gân khi thực sự cần thiết. Cũng lại là lúc hiếm hoi khi ở đoạn bridge Celine hát cao lên một quãng tám “I’d go down with a smile on my face” và rồi đỉnh điểm “For the love we’ve made” cao vút đến khàn cả giọng, thì là lúc tôi mới thấy: à, cái hồn và cảm xúc của Celine đây rồi!
Ngoài ra mấy bài như "Because You Loved Me", "Call The Man" hay bản cover "All By Myself" nghe đều ok.
Vậy đó, với nhạc của Celine trong một album mà có mấy bài hay thế với tôi là quá đủ. Không đòi hỏi nhiều như tôi vẫn làm với các nghệ sĩ tài năng khác.
Đùa thôi, nhưng đúng là sẽ tốt hơn nếu Celine bớt ra cái vẻ ám ảnh việc giữ một chất giọng hoàn hảo bằng mọi cách, từ việc không nói năng với ai câu nào trong nhiều ngày; thậm chí chỉ dùng cử chỉ chân tay với chồng; hay loay hoay vụ chỉnh nhiệt độ và độ ẩm trong phòng ngủ và thay đồ không ảnh hưởng chất giọng thần thánh vậy. Mà có khi là thế thật, thế nên giọng Celine mới nhiều chất "máy" thiếu chất "người"?
Hẹn gặp lại.
Kroon
P/S: để tránh đánh giá thiếu công bằng cho Celine Dion, tôi có nghe thử mấy bài cô hát bằng tiếng Pháp. Hoá ra giọng cô khi hát tiếng Pháp lại nhẹ hơn và có “tiếng thở” của con người hơn. Vậy nên tôi bỗng chợt nghĩ mấy đĩa như Falling Into You hay Let’s Talk About Love mà hát tiếng Pháp chắc sẽ hay nữa. Có thể đổi tên đĩa thành Tomber En Toi và Parlons Amour (theo robot dịch thuật có tên là Google Translate)
コメント