Cô ngồi ngả xuống ghế vì bất ngờ. Clive hỏi cô liệu có tin chuyện này là sự thật không. Thực sự có năm mơ Whitney cũng không dám nghĩ tới thành công ngoài sức tưởng tượng này.
Cô chỉ biết cười với niềm vui khôn tả. Với album thứ hai, Whitney, cô có thêm 4 đĩa đơn đứng top Billboard, mang lại tổng cộng 7 đĩa đơn tính từ album đầu tay cùng tên - Whitney Houston.
Xem nào, tính ra cô có "Saving All My Love For You", "How Will I Know", "Greatest Love Of All" từ đĩa đầu, rồi giờ là "I Wanna Dance With Somebody", "Didn’t We Almost Have It All", "So Emotional" và "Where Do Broken Hearts Go" là những đĩa đơn phát hành nối tiếp nhau và đều giành vị trí đầu bảng. Một thành tích vượt qua cả kỷ lục con số 6 trước đó của Beatles và Bee Gees.
Hiệu ứng “Whitney” thể hiện rõ khi album đầu của cô dần gây chú ý sau các single để rồi sau một năm, album đó leo lên vị trí số 1 trong 14 tuần không liên tục. Cả tá đề cử và giải thưởng ồ ạt đến với cô gái trẻ.
Có ai ngờ mới ngày đầu tiên khi cô gặp Clive, quá ấn tượng với giọng hát trời cho mà cô ngay lập tức được ký hợp đồng thu âm với Arista. Nhà tuyển trạch Clive Davis vốn không có nền tảng kiến thức âm nhạc, nhưng ông có đôi tai nhạy bén với thị trường. Thế nên chẳng mấy chốc ông leo lên tới vị trí chủ tịch hãng đĩa Columbia, rồi sau đó tách ra mở Arista. Nhờ sự tinh tường, Clive đã nâng đỡ cho các tài năng như Janis Joplin, Santana, Bruce Springsteen, Billy Joel, hay Barry Manilow, v.v. những nghệ sĩ kiêm ca sĩ và sáng tác.
Duy chỉ có điều, Whitney Houston là nghệ sĩ đầu tiên mà Clive ký "chỉ biết hát mà không sáng tác". Thêm nữa, Clive là một nhà kinh doanh nên ông thích sản xuất nhạc phù hợp thị hiếu số đông hơn (thế mới bán được nhiều đĩa). Do vậy, dưới thời Arista, mọi nhân viên ngầm hiểu nhạc Pop là thể loại theo đuổi chính của Clive. Có mấy nghệ sĩ không thích sự áp đặt đó nhưng sau khi thử tự lập và thất bại đều phải quay về với ông, như trường hợp Barry Manilow.
Whitney thì không như vậy! Cô tuân theo mọi định hướng của Clive, từ hình ảnh đến âm nhạc. Việc của cô chỉ là hát nhạc mà ông và các nhà sản xuất nhạc uy tín mà Clive thuê về sáng tác và lựa chọn.
Bù lại, cô thực hiện nhiệm vụ chuyển tải cảm xúc qua giọng ca chỉ từ lời bài hát và các nốt giai điệu theo cách cảm nhận riêng hay đến hoàn hảo. Trong số ba giọng ca vocal trinity mà sau này cô được đưa ra so sánh thì dù kỹ thuật của cô ngang ngửa Mariah Carey, và dù âm vực không dài bằng, cô chắc chắn hát hay nhất (Celine Dion thì không đem ra luận bàn cao thấp được). Đó là nhờ cô có chất giọng khoẻ, cực dày tiếng ở dải âm trung và lên cao vẫn vững chắc. Cô bám những nốt cao chắc nịch hơn Celine và cần mềm mại thì không thua Mariah. Nhưng cái hơn cả lại là về tình cảm và cái hồn trong đó, thứ mà Mariah có nhưng đôi lúc "quên mất" đi khi mải tập trung kỹ thuật, đặc biệt khi dùng âm gió.
Whitney thì không thế. Như cách cô hát câu “so I’m saving all my love for you” cao khoẻ nhưng lại mềm đi ở chữ “you” mà không phô. Trong bài "All At Once", các nốt cao được cô vút giọng mượt xen kẽ bằng những cách thể hiện mềm giọng đi tạo cho người nghe cảm giác tươi mới dù với cùng những nốt nhạc y hệt, và lại không mệt tai bởi cách xử lý tinh tế.
******
Cô lặng lẽ ngồi xuống cạnh Michael Jackson. Cả hai không nói một lời. Đôi bạn tri kỷ như đọc được ý nghĩ của nhau và chia sẻ của hai trái tim đồng cảm với cùng hoàn cảnh. Có gặp ác mộng, cô cũng sẽ không bao giờ nghĩ có ngày những người cùng sắc tộc lại quay lưng lại với cô.
Cứ tưởng nhạc của cô dưới bàn tay đạo diễn của Clive sẽ được người nghe mọi lứa tuổi và màu da đón nhận, vậy mà sau hai album đầu, cô bị những người da màu phản đối. Trong buổi lễ trao giải Soul Train Music Awards 1989, khi tên cô được xướng lên trong danh sách đề cử, khán giả có thể nghe rõ có một nhóm người la ó.
Họ bảo nhạc của cô là dành cho người “da trắng”, rằng cô không xứng đáng đại diện cho màu da của mình. Lý do cũng vì cô hát nhạc pop, và vì cô có khuôn mặt xinh đẹp và phong cách ăn mặc như một quý cô. Đấy là hình bìa đĩa đầu tiên Whitney Houston còn mang phong cách “dân tộc” và ban đầu bị Clive phản đối. Họ thấy cô không hát nhạc R&B và Soul. Họ thấy cô không hát về sự khổ cực của người da màu mà lời ca chỉ về tình yêu và sự cao cả của loài người. Thế nên họ không thấy cô xứng đáng đại diện cho cộng đồng người da màu.
Cái ngày định mệnh tại buổi trao giải đó vẫn luôn ám ảnh với cô. Cô tự nhủ quyết tâm thay đổi bản thân.
Việc đầu tiên là cô để ý tới Bobby Brown, một hình mẫu đàn ông da màu, có chất hư của dân anh chị, người mà cô gặp ngay tại buổi trao giải định mệnh đó. Quyết định yêu và cưới Bobby giống như cái “thẻ xanh” cho cô lại gần hơn với cộng đồng của chính mình mặc cho cô là người lưỡng tính và từng có mối quan hệ đồng giới.
Việc thứ hai là cô tìm đến những nhà sản xuất nhạc L.A. Reid, Babyface, Luther Vandross, và Stevie Wonder. Kết quả là album thứ ba, I’m Your Baby Tonight có giai điệu funky và new jack swing, cùng các bản ballad R&B. Kể từ đó, cô chủ động hơn trong định hướng nhạc bằng hướng đi trong R&B, Soul và Gospel trong các album sau gồm cả soundtrack nhạc phim và đĩa tuyệt hay My Love Is Your Love.
Thế nhưng cái mà chính cô và hội phê bình quên mất rằng, nhạc của cô kể cả khi được tính là theo thể loại Pop, nhưng giọng hát và cách thể hiện của cô thì đầy chất soul của đúng một người da màu.
Lấy ví dụ từ bài hát kinh điển như "I Will Always Love You" trong nhạc phim The Bodyguard, một bài hát Pop thuần tuý, cách hát của cô đầy cái hồn trong đó. Cảm xúc có thể thấy ở từng từ trong lời hát được phát âm và từng nốt nhạc được cất lên. Chỉ riêng từ “I” trong câu “and I”, đã có lúc cô ngân dài gần 6 giây, rồi từ "love" và "you" sau đó được luyến láy trên nhiều nốt từ thấp tới cao. Kỹ thuật này được gọi là melisma, mà nhờ sự trình diễn điêu luyện của cô, nó sau này trở thành lối hát nhiều ca sĩ nghiệp dư và chuyên nghiệp học theo, nhưng không mấy ai thể hiện hoàn hảo mà không phô như cô. Mỗi lần lời hát “and I will always love you” cất lên là mỗi lần cô sử dụng cách hát khác nhau và các nốt dẫn vào khác nhau, để đến khi khúc cuối cao trào, người nghe dựng hết tóc gáy vì cảm xúc đó được truyền gần như trực tiếp đến trái tim người nghe. Cái hồn đó nếu không phải đến từ âm ngạc người da màu thì của ai?
Với nhạc Pop đã vậy, nhạc R&B như bài "Heartbreak Hotel" hay "I Learned From The Best" trong album My Love Is Your Love càng "đơn giản" với cô.
*******
Clive Davis ngồi xuống sững sờ khi nghe tin. Cô bé mà ông gặp ngày đầu khi mới 19 tuổi giờ đã ra đi đột ngột vì chết đuối trong bồn tắm sau khi chơi cocaine, đúng vào cái ngày ông chuẩn bị tổ chức buổi tiệc trước lễ trao giải Grammy năm 2012.
Mọi người bảo ông là kẻ ham tiền bạc và thành công nên ông bất chấp, kể cả đó là sự nghiệp và cuộc đời của một con người. Thời gian đầu, Whitney phải đi theo sự uốn nắn hình ảnh của Clive định sẵn. Bất cứ bài hát nào nghe quá phong cách của người da màu đều bị loại bỏ. Sự kiểm soát đó của Clive dù rằng chỉ trong giai đoạn đầu sự nghiệp của cô, nhưng nó cũng đủ gây cho cuộc đời cô một vết thương không bao giờ lành khi cô bị gọi với cái tên mỉa mai “White-ney” vì âm nhạc của người da trắng mà cô đang hát. May thay với số đông người nghe nhạc thuần túy, cô vẫn là một nghệ sĩ huyền thoại và là giọng ca hay nhất trong bộ ba vocal trinity thời đó và có lẽ cả cho đến giờ.
Clive là người đưa cô đến đỉnh cao sự nghiệp nhưng cũng góp phần không ít huỷ hoại cuộc đời cô. Dầu vậy, ông không phải là kẻ duy nhất.
Từ lúc cô thành công, cô mua cho mẹ căn nhà và cho bố làm quản lý. Bố mẹ cô sau đó ly dị chỉ vì những mâu thuẫn trong tài sản mà cô con gái nổi tiếng mang lại. Sau đó cô còn bị chính công ty của bố kiện. Với mẹ, mối quan tâm duy nhất là chối bỏ sự thật cô con gái mình có người bạn tình đồng giới. Vậy nên cô không được sống là chính mình. Trong khi đó ông anh trai Michael là kẻ đưa cô đến với cocaine mà ông chồng Bobby chính là người tiếp lửa thêm cho thú vui ấy. Nghiện ngập vì thế là con đường mà cô lựa chọn vô thức trong giai đoạn cuối của sự nghiệp và cuộc đời.
Kể cũng khó có thể quy tội hoàn toàn cho Clive cho sự phá huỷ cuộc đời và sự nghiệp đáng lẽ phải hoàn hảo như giọng hát của cô. Thế nhưng, điều đáng hổ thẹn lớn nhất của Clive lại là cách ông vẫn đưa ra quyết định tiếp tục buổi tiệc ngay trong buổi chiều mà Whitney được phát hiện đã tắc thở. Chỉ vài tiếng liền sau. Ngay tại cùng toà nhà. Ngay dưới cái tầng mà xác cô vẫn đang nằm đó để cảnh sát điều tra. Buổi tiệc được thay bằng buổi tưởng nhớ tới cô, nghe có vẻ thương cảm, nhưng sao thấy sặc mùi tiền và PR.
Để đến khi cô ra đi rồi, mấy tay trùm hãng đĩa như Clive có xót thương một phần thì chín phần vẫn là tìm ra cơ hội kiếm tiền. Cuối cùng với ngành công nghiệp âm nhạc, những người như Whitney chỉ đơn thuần là sản phẩm thương mại trong mọi hình thái vượt qua cả tài năng âm nhạc, kể cả sau khi họ đã mất đi?
RIP Whitney
Kroon
تعليقات