top of page

Cinderella: ngang trái như phim hoạt hình

Tom Keifer lúc nào cũng phải căng mình ra gánh mọi thứ. Từ định hướng âm nhạc, sáng tác, viết nhạc, hát, lẫn solo guitar. Anh chưa bao giờ có ý định chia sẻ sức nặng gánh vác một ban nhạc Rock tầm cỡ bán đến hơn 15 triệu đĩa (chỉ có 4 album) cho bất cứ ai. Tin tốt là dưới sự chèo lái của Tom, Cinderella vượt qua được sự suy tàn của Glam Metal cuối thập niên 80s. Nhưng tin xấu là khi cái dây thanh quản của anh "bựt", Cinderella cũng lên đường!!!

Đội hình quen thuộc của Cinderella: ai đó, ai đó, ai đó, và Tom Keifer

Tom Keifer lập ra nhóm Cinderella năm 1982 ở ngoại ô Philadelphia cùng anh bạn Eric Brittingham chơi bass. Hành trang chỉ là niềm đam mê blues của Tom, cây đàn Gibson Les Paul mà mẹ anh tặng nhờ việc nhịn mai thúy để tập trung học hành tốt nghiệp cấp ba, 2 cái bằng tốt nghiệp cấp ba (của hai thằng), và sự ủng hộ vô bờ bến của bà mẹ.


Tay bass Gene Simmons của Kiss là người đầu tiên phát hiện ra họ, và cố gắng móc nối Cinderella với Polygram, nhưng không thành công. Người tiếp theo, có lẽ là bàn tay vàng trong làng mai mối, Jon Bon Jovi, giúp Cinderella có được hợp đồng thu âm với chính Polygram vào năm 1985 (ngay sau đó Jon thấy ngon cò luôn Skid Row cho Atlantic). Tay guitar Jeff LaBar và tay trống Jim Drnec điền vào cho đủ bộ tứ. Và Tom Keifer miễn cưỡng nhận nhiệm vụ hát chính, vì Cinderella không tìm được ai ưng ý để hát.


Cinderella phát hành album đầu tay Night Songs năm 1986, với ca khúc đình đám "Nobody’s Fool" và một loạt các track rất hay như "Night Songs", "Shake Me", "Once Around The Ride", "Somebody Save Me", hay "Hell on Wheels". Nếu đấu một chọi một, tôi tin là Cinderella có đủ bài từ đĩa Night Songs để có thể cân với bất cứ glam band nào đến từ Los Angeles. Chọn hình thức thời thượng bấy giờ là glam rock, Cinderella giành được nhiều cảm tình từ MTV để quảng bá cho nhạc của họ, cũng như được anh Jon mời đi đánh khởi động cho tour diễn của Bon Jovi quảng bá cho Slippery When Wet.


Có được sự khởi đầu vững chắc, Tom Keifer bắt đầu nghiên cứu chuyển dần qua ngành Blues Rock, một phần vì sự đam mê Blues từ thuở nhỏ, một phần vì cảm nhận được sự thoái trào của Glam Rock. Album thứ hai Long Cold Winter ra năm 1988 vì vậy, mang đầy ảnh hưởng Blues như những bài "Gypsy Road", "Long Cold Winter", hay "Fire and Ice".


Tất nhiên khỏi nói là những bản ballad trứ danh như "Don't Know What You Got (Till It's Gone)” hay "Coming Home" giúp Cinderella giành được thời lượng phát sóng không ngừng nghỉ, chưa kể mua được không biết bao nước mắt của các cô gái, lẫn các chàng trai nghiến trẹo răng quạt chả guitar từ châu Á xa xôi, dĩ nhiên trong đó có cả Việt nam. Tom Keifer đã chứng tỏ được năng lực viết nhạc của mình theo một cách rất "toàn cầu".


Thành công của Long Cold Winter giúp Cinderella có được một tấm vé đi diễn ở đại nhạc hội Hòa Bình ở Mạc Tư Khoa, sánh vai cùng Ozzy Osbourne, Scorpions, Mötley Crüe, Bon Jovi, và Skid Row. Show này do ông bầu của Bon Jovi là Doc McGhee chung tay tổ chức. Dĩ nhiên rồi.


Trong khi khán giả vẫn còn đang mê mải với thời lượng phát sóng trên MTV của "Don’t know what you got", "Gypsy road", hay "Coming home", thì album đỉnh cao của Cinderella ra mắt không lâu sau đó, Heartbreak Station, năm 1990. Lúc này cuộc cải hoán sang chơi nhạc Blues Rock của Cinderella đã hoàn tất, và đó quả nhiên là bước đi thông minh của Tom Keifer để tránh khỏi sự càn quét của Grunge Rock đến từ Seattle, mà kết quả là sự lụi tàn của Glam Rock. Cho đến bây giờ, Tom vẫn còn rất hí hửng với khẩu hiệu “I survived the 90s” mà anh tính phô trương hồi đó. Trừ việc chưa kịp in áo phông bán.


Bởi vì, đang ở trên đỉnh cao cùng Heartbreak Station, Tom Keifer bị mất giọng ngay trong tour diễn quảng bá cho album này. Chuối những lần phẫu thuật liên tục sau đó đến mức dây thanh quản bên trái của Tom coi như hết dùng được luôn, kết lại với cái chết của người mẹ yêu quý của anh vì ung thư, khiến Tom suy sụp. Mặc dù vậy, năm 1994, Cinderella vẫn gắng gượng ra album Still Climbing, nhưng rõ ràng, giọng Tom trong album này nghe đã khác hẳn.


Cinderella tan rã vào năm 1995, và Tom tiếp tục vật lộn với những phẫu thuật lẫn chứng trầm cảm. Ngày Tom ly dị vợ, Emily, người anh quen từ trước khi có thành công với Cinderella (cũng là người thiết kế ra logo của Cinderella), có lẽ anh đã mất hết. Những cố gắng kiếm được hợp đồng với Sony vào cuối thập niên 90s cũng đi vào hư không, khi sang đầu những năm 2000s, Sony cũng bỏ rơi Tom Keifer.


Là một người căng mình ra gánh Cinderella mà không màng chia sẻ sự gánh vác với ai suốt bao năm, Tom gục ngã cũng bởi chính cái mục tiêu mà anh chiến đấu cho: Rock n Roll. Có lẽ Tom coi đây là chuyện cực cá nhân, nên suốt bao nhiêu năm sau Still Climbing, Tom Keifer không viết hay chơi nhạc cho ai. Vì rõ ràng, nếu như “chỉ” mất giọng hát, tôi không nghĩ khả năng viết nhạc lẫn chơi lead guitar của Tom tự nhiên biết mất trong ngày một ngày hai.


Nhưng ngay từ năm 1991, khi bác sĩ nói là, có lẽ Tom sẽ không thể hát được nữa, anh đã tự chọn con đường cho mình là phải chiến đấu với nó. Từ một gã ngượng ngùng miễn cưỡng nhận làm ca sĩ của band, nay gác mọi thứ qua một bên và dành cả sức lực để chiến đấu giành lại giọng hát. Coi cái thanh quản như mối tư thù, gã nhất định giành cả hết tâm sức để chiến đấu với nó.


Tom sau đấy cũng lấy lại được giọng, dù thậm chí phải tập hát lại từ đầu. Có thêm tự tin, anh ngỏ lời cưới Savannah Snow, người vợ hiện giờ của anh, và cũng là cô gái trong “Heartbreak station”. Câu chuyện trong "Hearbreak station" chính là chuyện thực của Tom: gã buồn chán vì không kịp lấy số điện thoại của cô gái quen chớp nhoáng(Savannah) nhưng có tính cách rất hợp, trước khi cô đi mất. Ngạc nhiên là duyên số đã đưa Tom và Savannah gặp nhau sau đó, và vốn là một ca sĩ nhạc country, Savannah sau cũng trợ giúp Tom rất nhiều trong sáng tác, ghi âm, và biểu diễn live sau đó.

Tom và Savannah Keifer

Nhìn lại, tôi bỗng thấy lời bài hát này trở nên đa nghĩa thú vị vì “cô gái” chạy mất kia dường như cũng chính là giọng hát mà anh mất không biết bao sức lực để tìm kiếm lại.

She took the last train out of my heart oh, oh

She took the last train

And now I think I'll make a brand new start

She took the last train out of my heart


Thế, gã trai từng giật Rock điên cuồng đó bắt đầu một cuộc đời mới, sau nhiều năm dường như biến khỏi trái đất, mang theo những bản thảo ấp ủ từ giữa thập niên 90s định viết cho Cinderella, cùng một giọng hát cũ mà mới với một bên thanh quản vẫn không chiều theo ý mình. Nhìn rõ là một gã lỗi thời như từ quá khứ bước ra, nhưng chẳng phải ai đã từng nói rượu vang để lâu mới ngon?


Tom Keifer cho ra album solo của anh, The Way Life Goes, năm 2013, vẫn với các chủ đề âm nhạc nói về những thăng trầm của cuộc sống, nay đong đầy thêm biết bao trải nghiệm, trên nền nhạc với ảnh hưởng quen thuộc từ Blues. Những track như "Solid Ground", "Ask Me Yesterday", "Fool’s Paradise", hay "Welcome to My Mind" nghe đầy màu sắc và chất như kiểu viết cho Cinderella vậy. Nhưng quan trọng gì, vì khi Tom Keifer đã gánh Cinderella như thế, thì anh cũng chính là Cinderella, hay nói cách khác thì Cinderella hay Tom Keifer chỉ là cái tên ở những thời điểm khác nhau thôi.


Ngẫm cho cùng, những trắc trở đến với Tom Keifer đúng là ngang trái có lẽ chỉ có trong phim hoạt hình, nhưng đoạn kết của anh với Savannah Keifer, bù lại, có lẽ cũng có hậu ngang với phim hoạt hình.


Và trong phim hoạt hình, bao giờ cũng có đoạn hai nhân vật chính hát song ca với nhau. Xin giới thiệu màn song ca "Nobody's fool", trừ việc vai nữ được đảm nhận bởi tình yêu Lzzy Hale (Savannah Keifer thường chỉ hát bè cho chồng thôi, chậc!!!)


Hẹn gặp lại.


Kcid

1,171 views

Recent Posts

See All
bottom of page