top of page

Depeche Mode: chiếc bàn 3 chân "cập kênh"

Alan Wilder là người thợ tinh xảo, Martin Gore là người đưa ra sáng kiến, còn Dave Gahan mang lại phong thái”, Flood, producer cho ban nhạc Depeche Mode có nhận xét như vậy về 3 thành viên của band. Vậy còn thành viên thứ 4, Andy Fletcher thì sao không thấy nhắc đến?


Theo lời của Martin Gore, thì Fletcher không hề hứng thú với âm nhạc tẹo nào. Gã chả mua đĩa bao giờ, không buồn luyện tập chơi nhạc cụ, mà cũng không bận tâm tới việc nghe nhạc nhẽo. Nói cách khác, Fletcher gần như không có đóng góp gì về âm nhạc cho Depeche Mode. Thế nên việc của Fletcher ở band là lo toan mấy vụ kinh doanh, tiền nong cho Depeche Mode. Ấy vậy mà gã lại thành viên thuộc "chiếc bàn 3 chân".

Hóa ra kẻ lẻ loi ở ngoài là Alan Wilder - “thợ tinh xảo” làm nhạc của Depeche Mode. Wilder là người đến sau nhưng lại là kẻ đi trước, khi anh rời band vào đúng thời điểm ban nhạc ở đỉnh cao của thành công với loạt các album hay nhất, đặc biệt là Violator (1990) và Songs Of Faith And Devotion (1993), nhờ công lớn của chính người thợ tài hoa này.


3 kẻ còn lại, Dave Gahan, Martin GoreAndy Fletcher - những người sáng lập Depeche Mode trở về trạng thái của chiếc bàn 3 chân nhưng lại cập kênh. Cả 3 người họ không nề hà chuyện đó. Ngược lại, họ muốn chứng tỏ mọi người là Depeche Mode (DM) không cần Alan Wilder.

Năm 2005, tôi nhớ mình bật album Playing The Angel lên nghe thử. Đây là một đĩa hay và tôi ấn tượng nhất với bài “Damaged People”. Âm thanh đàn điện tử chơi giai điệu chậm rãi đầy ma mị và tiếng hát còn ma quái hơn nhưng cũng ngọt ngào của Dave Gahan hoà vào nhau, tạo nên một thứ đặc trưng trong nhạc của DM, đó là sự đan xen đối âm thường thấy của giai điệu nhạc cụ với giai điệu hát, giống như thời Alan Wilder còn làm nhạc cho band. Ấn tượng như vậy nhưng cả bài sau đó cũng chỉ quanh quẩn những khúc giai điệu đan xen đó, không có đoạn nào sau đó có thể nhấc bổng bài hát lên được, và đây chính là lúc DM lộ điểm yếu của một ban nhạc thiếu đi người thợ tài hoa. Là lúc chiếc bàn tưởng như có vẻ chắc chắn, nhưng chỉ một sự dịch chuyển nhẹ, bỗng nhiên nó trở nên chênh vênh. Sự thiếu hụt rõ nét của DM thời kỳ hậu Wilder, khi một album hay của họ cũng không vươn được tầm ban nhạc điện tử phong cách Rock vĩ đại một thời.


Trước Alan Wilder, DM từng có thời kỳ ngắn ngủi với 4 thành viên sáng lập, gồm 3 anh chàng "chiếc bàn" kể trên và Vince Clarke. Kể đúng ra, Clarke và Andy Fletcher mới chính là 2 thành viên đời đầu của DM dưới cái tên là No Romance. Khi ấy Clarke hát chính và chơi guitar còn Fletcher - kẻ không có tình yêu với âm nhạc thì chơi bass. Cho đến về sau, Fletcher vẫn thừa nhận việc mình vào ban nhạc là bị ép buộc. Không hiểu ép buộc kiểu gì mà quay đi quay lại, tay này đóng rễ trong ban nhạc cho đến ngày nay.


Khi Vince Clarke - người sáng tác chính cho DM bỏ đi ngay sau khi album đầu tay Speak & Spell (1981) phát hành, Andy Fletcher, Martin Gore và Dave Gahan mới ngẩn tò te trước lỗ hổng lớn mà Clarke để lại. Lúc này đây, Gore phải gánh vác việc trở thành thành viên sáng tác chính cho ban nhạc, Gahan thì vẫn hát chính, còn Fletcher thì vẫn tung tăng lo việc riêng, và thỉnh thoảng đóng vai trò quản lý tài chính thay cho vị trí manager của band. Cả 3 bèn đăng quảng cáo tìm thành viên thứ 4 biết chơi đàn keyboard và tuổi dưới 21. Họ gặp được Alan Wilder.


Tính ra Wilder mới là người được đào tạo âm nhạc bài bản nhất trong DM. Vì lẽ đó anh được nhận vào band dù già hơn tuổi so với tin đăng quảng cáo. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, các thành viên còn lại mới dè chừng để Wilder ở vị trí dự thính. Mục tiêu của họ là phải chứng minh cho giới phê bình và người nghe nhạc là DM vẫn thành công với 3 người mà không cần dựa dẫm vào Vince Clarke. Và thế là cả Wilder và 3 thành viên kia đều không đạt được mục tiêu của mình.


Alan Wilder - người chưa bao giờ thấy hứng thú với nhạc của DM ở album đầu tay, nhận thấy âm nhạc của band còn thiếu sự trau chuốt, kể cả là với thứ nhạc điện tử tưởng như vô thưởng vô phạt. Đóng góp của anh đầu tiên với ban nhạc là bài “Get The Balance Right”, bản single không chính thức trong album. Mỉa mai thay, không như tên bài hát “Tìm lại sự cân bằng”, Wilder không được tham gia ghi âm cho album thứ hai của nhóm. Anh bị gạt ra rìa ngồi chiếc ghế dự bị để Martin Gore, Dave Gahan và Andy Fletcher thử chứng tỏ bản thân với đĩa A Broken Frame (1982). Chỉ tội album này cũng thất bại thảm hại cả về chất lượng và thương mại.


Chính vì lẽ đó, từ album thứ ba trở đi, Alan Wilder được đưa vào làm thành viên chính thức cho DM. Ban đầu anh cũng có thử sức với việc sáng tác nhạc ở một số ca khúc, nhưng dường như vai trò của ban nhạc đã được sắp đặt rất rõ ràng, giống như lời nhận xét về họ ở đầu bài viết: Martin Gore quả nhiên vẫn là nhạc sĩ sáng tác nhạc và lời giỏi nhất nhóm, Alan Wilder chỉ tập trung để làm nhạc và sản xuất nâng tầm cho các bài hát, và Dave Gahan sẽ thể hiện giọng ca sau cùng.


Nếu như Vince Clarke từng mang đến thành công cho DM ở album đầu qua các bài nhạc mang phong cách điện tử khá đơn giản nhưng hiệu quả thì Martin Gore sáng tác theo phong cách chậm và trầm lắng với một nỗi buồn phảng phất trong đó, bất chấp nền nhạc của DM chủ yếu là đàn điện tử. Nhờ đó các bài mà Gore sáng tác có hồn và sâu sắc hơn. Có điều, công lớn phải kể là tài năng xuất chúng của Alan Wilder khi tiếp thêm một “sức mạnh” khủng khiếp cho âm nhạc của band. Với tiêu chí tạo dựng một bầu không gian âm nhạc bao trùm, Wilder đã làm được điều đó thực sự. Các bài của DM thời kỳ Wilder luôn khiến người nghe đắm chìm trong đó.


Hiệu quả trong cách làm nhạc này của Wilder phát huy hết tác dụng bắt đầu với album tuyệt hay Some Great Rewards (1984). Âm thanh chắc nịch ở ngay bài đầu “Something To Do” có âm hưởng Industrial, thấy rõ tầm ảnh hưởng lớn lao tới các nghệ sĩ sau này như Nine Inch Nails hay Rammstein. Không ai nghĩ tiếng trống nện mạnh thình thịch dứt khoát như giã cối đối lập với giọng hát kéo dài nhẹ nhàng của Dave Gahan lại hợp nhau đến thế. Hoặc như bài “Lie To Me”, bớt âm thanh nặng trịch hơn thì lại bù bằng từng track đàn chơi các câu nhạc cực hay. Đây nhé: (1) tiếng intro đầu chạy hai bên tai; (2) âm thanh loẹt xoẹt như tiếng hàn điện được làm mềm đi; (3) câu bass điện tử đánh nhịp điệu và giai điệu funky; (4) câu riff chính tiếp đến; (5) câu đàn chơi giai điệu đối âm với giọng hát của Gahan; (6) tiếng đàn lung linh ở phần interlude sau đó; và nhiều nữa. Sự sắp xếp các tiếng đàn đủ các màu sắc này hay tới độ nếu bỏ chúng đi, chỉ để lại giai điệu bài hát thì chắc độ hay chỉ còn 3/10; nhưng nếu tắt track vocal đi thì bản instrumental vẫn vô cùng hấp dẫn. Bởi vì các câu đàn đều chơi các giai điệu khác nhau, lúc đan xen, lúc nối tiếp, tạo một bầu không khí âm nhạc chắc nịch mà mờ ảo.


Sự sắp xếp trong phần nhạc này đều được Alan Wilder cùng mấy producer nhạc thực hiện cho DM. Wilder quả là phù thuỷ âm thanh mới chế ra các tiếng đàn dồn dập ở nửa đầu mỗi khuông nhạc trong “Stories Of Old”, hay các âm thanh phá cách và nghịch tai trong “If You Want”, gợi tới sự ảnh hưởng rõ nét tới nhạc của Trent Reznor với Nine Inch Nails hay với Damon Albarn làm cho Gorillaz sau này.


Không chỉ mỗi âm thanh dồn dập, kể cả bản không dùng đến trống và bass điện tử như bài “Little 15” trong album Music For The Masses (1987), Wilder cũng thể hiện được không khí âm nhạc cho người ta đắm chìm trong đó - một màu sắc u tối đánh dấu sự ảnh hưởng tới nhạc Marilyn Manson rõ nét sau này.


Tài nghệ về sản xuất và làm nhạc cho DM của Alan Wilder chín muồi nhất ở hai album cuối cùng của anh với ban nhạc và cũng là hai đĩa để đời cho sự nghiệp của DM - Violator (1990) và Songs Of Faith And Devotion (1993). Đây cũng là thời điểm anh đưa cả nhạc cụ thật vào và cũng là lúc sự mâu thuẫn tiềm tàng ngày một lớn giữa Wilder và DM, đặc biệt với Martin Gore.


Ca khúc “Enjoy The Silence” được Gore sáng tác với chủ đích là bản ballad cho DM, nhưng Wilder mix lại và biến đổi thành một bản upbeat hơn. Qua câu guitar cực bắt tai chơi bởi Gore, tiếng bass funky chơi bởi Wilder, phần nhạc như mời gọi, gây tò mò cho ai cũng muốn nghe cho đến cuối bài. Ngoại trừ Gore, người vẫn không hài lòng khi ý tưởng bài hát của anh ta không theo cái hình khối mà anh đã ấp ủ. Có điều sự thành công của bài “Enjoy The Silence” chỉ càng chứng tỏ sự thiên tài trong suy tính về mặt âm sắc của Alan Wilder. Một loạt “Sweetest Perfection”, “Personal Jesus”, “Halo”, “Dangerous” mang tới âm thanh vừa tối tăm mà mê hoặc đặc trưng của DM cộng thêm những khúc chuyển nhạc đầy sáng tạo và bất ngờ mà các album trước không có được.

Dĩ nhiên không thể phủ nhận nhạc Martin Gore sáng tác ngày một hay hơn, Dave Gahan hát ngày càng đằm hơn. Để lại mỗi Andy Fletcher là không thay đổi, gã vẫn bỏ bê chuyện làm nhạc như trước kia. Chỉ khác là cái gai trong mắt có cái tên “Alan Wilder” đe doạ sự ảnh hưởng tới vai trò của Martin Gore - bạn thân của Fletcher cũng khiến gã ngứa ngáy khó chịu. Người trung lập và có cái nhìn khách quan nhất còn lại là Dave Gahan. Anh ca sĩ băn khoăn về mối lo ngại vô lý của Gore và Fletcher bởi anh luôn nhìn Alan Wilder như một người thành viên tận tuỵ với mong mỏi làm thứ nhạc chất lượng cho DM, hơn là kẻ nhăm nhe đe doạ vị trí chủ chốt của bất kỳ ai. Có những lần cả ba người Gore, Fletcher và Gahan vội vã xách túi đi nghỉ mát xả hơi sau khi hoàn thành nghĩa vụ thu âm của mình, bỏ lại Wilder cần mẫn mix nhạc cho cả nhóm. Có những lúc bản ghi âm của các thành viên ở dạng thô sơ demo đến độ chính đội cộng tác viên cho ban nhạc phải ngỡ ngàng vì sự hoàn chỉnh trau chuốt từng tí sau đó của Wilder. Rất nhiều lần anh đảm nhiệm vai trò sản xuất nhạc còn nhiều hơn những producer đó vì tầm nhìn của Wilder có lẽ hợp rơ hơn cả với bản sáng tác của Gore. Tuy vậy, cái tên Depeche Mode vẫn chễm trệ trong credit của đồng sản xuất thay vì cái tên Alan Wilder đáng trân trọng kia.


Đỉnh điểm của sự căng thẳng trong nhóm là khi thu âm cho album Songs Of Faith And Devotion, các thành viên gần như không nói chuyện với nhau. Ngoài sự mâu thuẫn và khác biệt về định hướng giữa Alan Wilder và Martin Gore dẫn tới loạt tranh cãi khi làm nhạc, nó còn đến từ cơn nghiện không vớt vát nổi của Dave Gahan và những rắc rối của bản thân về phía Andy Fletcher.


Dầu vậy, kết quả của album cuối cùng có đủ 4 thành viên này lại vẫn gần như hay ngang ngửa Violator. Cảm ơn Gore vẫn sáng tác ra các giai điệu hay vô cùng dưới sức ép của thành công quá lớn từ đĩa Violator trước đó. Cũng cảm ơn giọng hát ấm áp đầy chất soul của Dave Gahan dù anh đang ở giai đoạn chật vật với những phê pha của mình. Nhưng phải cảm ơn nhiều nhất tới Alan Wilder khi anh luôn sáng tạo thêm những âm thanh khác lạ độc đáo, từ việc tự đánh trống rồi ghép thành loop để vừa có độ chính xác như máy trong tempo, vừa có cái hồn của người đánh trong bài “I Feel You”, tiếng piano bật ngược reverse trong bài “Mercy In You”, đến tiếng đàn piano chơi qua phơ rè của guitar trong bài tuyệt hay “Walking In My Shoes”. Còn Andy Fletcher thì không cần cảm ơn.


Cũng ở album cuối này, bất chấp những căng thẳng sau hậu trường, không ngờ rằng ba anh lại làm nên tuyệt phẩm “In Your Room” hay hoàn hảo. Sự biến đổi hợp âm đầy bất ngờ mà Martin Gore viết nên, khiến bài hát có giai điệu chậm, nhưng vẫn ma quái, điều khiến Dave Gahan càng dễ đưa anh bay theo cùng bài hát. Còn Alan Wilder, “In Your Room” là bài hát anh hài lòng nhất. Wilder nhấn chìm mọi người trong không gian âm thanh đó, mê hoặc người ta, khiến không một ai muốn thoát khỏi “căn phòng” tràn ngập âm thanh điện tử mang âm sắc Rock mạnh mẽ và kỳ ảo.

Để rồi khi bài hát kết thúc, người bỏ đi khỏi “căn phòng” lại là Alan Wilder.

Có nhiều lý do người ta đồn về việc Wilder bỏ DM ở đỉnh cao sự nghiệp, trong đó có việc anh chỉ được trả phần tiền bản quyền ngang ngửa với Alan Fletcher. Giữa một người bán mặt trong studio nhiều nhất ban nhạc với một kẻ hầu như không xuất hiện, sự cân bằng trong công sức được ghi nhận giữa họ lại chẳng công bằng chút nào.


Thế nên hẳn nhiên sự thiếu vắng của Wilder dù không làm Depeche Mode tan rã hay thất bại, nhưng âm nhạc họ không thể bay cao hơn được nữa. Bộ 3 con người còn lại vẫn phải chứng minh họ tồn tại được mà không phải phụ thuộc vào Vince Clarke hay Alan Wilder. Và dù họ chứng minh được điều đó, chiếc bàn 3 chân hóa ra cũng không vững như họ tưởng.


Hẹn gặp lại!


Kink

297 views

Recent Posts

See All
bottom of page