Josh Tillman, với cái tên khai sinh đầy đủ là Joshua Michael Tillman, mở đầu bài “Total Entertainment Forever” bằng đoạn lời khá gây sốc:
“Bedding Taylor Swift every night inside the Oculus Rift
After mister and the missus finish dinner and the dishes”
Gì mà lại “ngủ với Taylor Swift hàng đêm qua thiết bị Oculus Rift” “sau khi quý ông và phu nhân dùng xong bữa tối và rửa sạch đống bát đĩa”. Khổ cái là có mỗi cái tên Taylor Swift là gieo vần hay nhất với “Oculus Rift” – thiết bị thực tại ảo mà Tillman muốn nói đến một tương lai mà cuộc sống loài người hoàn toàn bị phụ thuộc vào những cỗ máy và công nghệ. Trong bản music video của bài, diễn viên nhí Macaulay Culkin ngày nào vào vai theo theo nhân vật Kurt Cobain trong thế giới ảo và bị đóng đinh trên chiếc thánh giá. Nếu mà thế vẫn chưa đủ kỳ quặc thì bạn bật volume cho âm thanh to lên, để thưởng thức bản nhạc đầy nhẹ nhàng trữ tình, ngược hẳn với những gì diễn ra trên video hay phần lời được thốt ra từ giọng ca ngọt ngào của Tillman, mà anh thể hiện trong Pure Comedy (2017) – album thứ ba mà anh phát hành dưới nghệ danh khá là kỳ lạ - Father John Misty.
Hay như bài “Bored in USA” ở album I Love You, Honeybear (2015), bài hát có giai điệu chậm rãi và đượm buồn bởi những hợp âm tuyệt đẹp. Tự dưng tới phần bridge, những tiếng cười của khán giả bỗng đâu vang lên ở mỗi câu hát của Josh Tillman, tựa như ta lạc vào sân khấu của một nghệ sĩ diễn hài độc thoại vậy:
“Oh, they gave me a useless education / And a subprime loan on a craftsman home / Keep my prescriptions filled / And now I can't get off / But I can kind of deal / Oh, with being”
Xã hội mang lại một nền giáo dục vô dụng, chúng đẩy người ta vào khoản nợ khó có khả năng chi trả, rồi nhân vật trong bài phải dùng tới thuốc để giải quyết những áp lực trong cuộc sống, khiến anh ta phụ thuộc vào chúng. Những tiếng cười của đám khán giả không chỉ xuất hiện trong bản thu âm, mà ở những buổi diễn live. Josh Tillman vẫn sử dụng chúng như để tạo sự tréo ngoe giữa nội dung phần lời và phản ứng của xã hội ngoài kia. Những tiếng cười đó cũng không hẳn lệch pha với nội dung của bài, khi Tillman cố tình dùng cả những hình ảnh đa nghĩa, như “now I can’t get off”, không chỉ nói về việc cuộc đời của nhân vật trong bài giờ bị phụ thuộc vào thuốc, mà còn mang ý tác dụng phụ của chúng khiến anh ta còn không thể đạt được cực khoái. Trong bản diễn “Live On Soundcheck” của bài này, dù không chêm vào tiếng cười của đám khán giả, nhưng động tác “quay tay sóc lọ” của Tillman khi hát đến đoạn này chỉ càng làm rõ ý đồ đầy mỉa mai liên quan đến nhân vật “tôi” trong bài.
Nhân vật này chính là Father John Misty mà Josh Tillman đã tạo nên sau khi anh tự làm mới chính mình cả về phần nhạc lẫn phần lời sau khi phát hành album Fear Fun (2012).
Cái nghệ danh Father John Misty này không mang một ý nghĩa gì, và cũng không phải là một nhân cách mới mà Tillman tạo dựng lên. Đó vẫn là con người anh, nhưng với những tính cách ở phần nửa thô ráp hơn. Nửa mang tên “Misty” này có lúc mang sự ngông nghênh khệnh khạng như rapper Kanye West ngoài đời, và cũng lại vừa có sự mỉa mai dí dỏm, được bộc lộ ra nhiều hơn, và có phần lấn át nửa mang tên “Tillman” còn lại.
Tôi đã nghe nhạc của Tillman mà anh phát hành dưới nghệ danh J. Tillman nhưng quả thật, từ khi anh đổi mới chính mình, những gì mang tên Father John Misty thực sự lôi cuốn hơn, cả về âm nhạc lẫn lời ca. Cái nửa “Misty” có đủ cả, từ sự đa dạng trong phần nhạc, đỡ nhàm hơn khi chỉ có một mình “Tillman”, cho đến giai điệu được anh sáng tác vô cùng đẹp, cùng những ca từ thâm thúy tha hồ để người hâm mộ mổ xẻ. Có điều cả khi Josh Tillman bắt đầu dùng tên Father John Misty, trong mỗi album nhạc vẫn lấp ló đâu đó sự “yếu mềm” của “Tillman”.
FATHER JOHN MISTY
Trước khi “Misty” xuất hiện, đã có lúc Josh Tillman được ban nhạc Fleet Foxes rủ về chơi trống cho họ. Từ nhỏ, đôi chân luôn gõ xuống sàn mỗi khi hồi hộp đã khiến bố mẹ của Tillman mua bộ trống về cho anh tập. Tuy nhiên, làm tay trống cho một ban nhạc nổi tiếng, trong lúc mà sự nghiệp solo dưới nghệ danh J. Tillman vẫn còn chưa đi đến đâu, đáng nhẽ phải là một giấc mơ thành hiện thực của một kẻ nghệ sĩ. Thế mà với Tillman, anh không hề thấy hài lòng với vị trí như bị thu nhỏ lại này của mình. Anh coi Fleet Foxes chỉ như một dự án ngoài lề trong lúc mình đang lạc lối.
Và rồi trong một chuyến đi du lịch một mình dọc bờ biển Cali, Tillman gặp một pháp sư người Canada và được làm quen với chất “thức thần” Ayahuasca. Anh sau đó thấy mình trần truồng, “đi cảnh” trên một cây sồi lớn trồi lên từ bờ vực nhìn ra biển Thái Bình Dương, và đó là khi anh lần đầu tiên nhìn thấy cái tôi của mình, trong trường hợp này chính là phần nửa của “Father John Misty”. “Misty” là hội tụ của những gì thô ráp nhất của Josh Tillman: sự hoài nghi, giễu cợt mỉa mai, với một cái nhìn dí dỏm trên mọi sự việc. Những đặc điểm này dĩ nhiên chẳng giống gì so với một nghệ sĩ làm nhạc truyền thống cả, nhưng đó lại là “nhân vật” mà Tillman được khai sáng.
Ngày đó, không chỉ nửa “Misty” được trỗi dậy, mà “Tillman” cũng bừng tỉnh, đủ để đưa ra một quyết định mà nhiều người có thể coi là vô cùng gàn dở, đó là rời ban nhạc Fleet Foxes. May thay quyết định đó đã giải phóng một tài năng có thể bị vùi lấp phía sau giàn trống.
Thật khó tưởng tượng một kẻ đa tài như Tillman, sở hữu một giọng hát ngọt lịm, biết chơi nhiều nhạc cụ gồm cả guitar, piano, harmonica, bass và trống, và lại còn tự một mình sáng tác tất cả các bài hát của chính anh, gồm cả những giai điệu đẹp mượt mà vô vàn và những lời ca thâm thúy sâu sắc, thì sẽ làm gì trong ban nhạc Fleet Foxes?
Trong bài “I’m Writing A Novel” ở Fear Fun (2012) - album đầu tay dưới cái tên Father John Misty, phần nửa “Misty” lộ diện qua chính câu chuyện khởi nguồn của cái tên đó, bắt đầu từ “thức thần” Ayahuasca:
“I ran down the road, pants down to my knees / Screaming "please come help me / That Canadian shaman gave a little too much to me!"”
Và rồi đó là sự thức tỉnh của một con người mới khi “Tillman” nói chuyện với con chó mực – biểu tượng cho nỗi trầm cảm (dĩ nhiên lúc đó là anh vẫn đang phê với chất “thức thần”):
“And there's a black dog on the bed / I went to the backyard to burn my only clothes / And the dog ran out and said, "You can't turn nothing / Into nothingness with me no more" / Well, I'm no doctor, but that monkey might be right / And if he is, I'll be walking him my whole life”
Câu nói của con chó, mà có lúc nhân vật trong bài nhầm lẫn thành con khỉ: “Ông không thể biến vô nghĩa thành thứ tầm thường” đã đánh thức “Misty”.
Rồi nhân vật “Misty” cứ thế xuất hiện qua suốt mấy album, có thể lộ liễu như chính cái tên bài hát “Nothing Good Ever Happens at the Goddamn Thirsty Crow”, “Holy Shit”, “Pure Comedy”, “When the God of Love Returns There'll Be Hell to Pay”; hay thâm thúy qua những phần lời đầy dí dỏm như:
“I wanna take you in the kitchen / Lift up your wedding dress someone was probably murdered in / So bourgeoisie to keep waiting / Dating for twenty years just feels pretty civilian” trong bài “Chateau Lobby #4 (in C for Two Virgins)”. Chiếc váy cưới mà “Misty” thầm nghĩ chắc đã từng có cô dâu bị sát hại khi đang mặc nó như một cái nhìn hài hước một cách đen tối về chiếc váy second hand hẳn phải có cái giá rẻ mạt mà cặp đôi này mua để mặc khi kết hôn. Đây cũng là đám cưới có thật của Josh Tillman và cô bạn gái Emma diễn ra sau khi họ tìm hiểu nhau chỉ mới 2 năm, đó mới là lý do cho phần lời ở phía sau, khi “Misty” hát “Chuyện hẹn hò tìm hiểu hai mươi năm thật ư quá là thường dân”.
Hoặc một loạt phần lời rất “Misty” khác như:
- “Oh, pour me another drink and punch me in the face / You can call me Nancy from now on” trong bài “Nancy From Now On”.
- “Oh, I just love the kind of woman / Who can walk over a man / I mean like a god damn marching band” trong bài “That Night Josh Tillman Came To The Apt”.
- “I’ve got nothing to hide from you / Kissing my brother in my dreams or finding God knows in my jeans / You see me as I am, it’s true” trong bài “When You’re Smiling And Astride Me”.
- “Eventually the dying man takes his final breath / But first checks his news feed to see what he’s ’bout to miss” trong bài “Ballad of the Dying Man”.
Thế rồi bỗng dưng khi Josh Tillman phát hành God’s Favorite Customer (2018), album đã đưa tôi đến với nhạc của anh, và gần đây nhất Chloë And The Next 20th Century (2022), phần nửa “Misty” gần như lặn đâu mất tăm, để lại một nửa “Tillman” quay trở lại với đầy chất tự sự và sâu lắng.
J. TILLMAN
Có thể nói tay nghề sáng tác nhạc của Josh Tillman dường như lên một tầm cao mới với chính hai album God’s Favorite Customer và Chloë And The Next 20th Century. Dù rằng những album trước phần nhạc vẫn thuộc dạng chất lượng, tuy vậy, khi mà sự dí dỏm với những phần lời khiến người ta giật mình vì sự thông minh trong cách viết của Tillman không còn nổi bật dưới tính cách của nhân vật “Misty” nữa, thì nay những giai điệu tuyệt đẹp như được chấp cánh bằng những phần lời vẫn còn đọng lại sự hóm hỉnh nhưng mang những ý nghĩa khiến người nghe vẫn phải đào sâu và suy ngẫm.
Có những fan thất vọng khi phần nửa “Tillman” làm chủ đạo ở hai đĩa gần đây, thì với tôi, chúng lại là những nhạc phẩm ưa thích nhất với nghệ thuật làm nhạc đỉnh cao ít tìm thấy được với âm nhạc hiện đại bây giờ.
Vẫn giọng hát hay tuyệt vời của Tillman, nó nay bỗng mượt mà hơn khi âm nhạc chuyển sang góc cạnh cảm xúc và yếu mềm của nhân vật mà thực tế là Tillman phải trải qua ở đời thực với những vấp váp anh gặp phải trong cuộc sống hôn nhân cùng Emma trong album God.
“Sun is rising / Black is turning blue / Look out, buddy, Noah's calling / Jesus, man, what did you do?”
Album God mở đầu với bài “Hangout At The Gallows” và phần lời đầy đen tối. Bình minh thức giấc nhưng màu đen của màn đêm lại chuyển màu ảm đạm. Rồi những hình ảnh “psychic terrorists / in the upper room” hay cả đoạn pre-chorus “Whose bright idea was it to sharpen the knives? / Just twenty minutes 'fore the boat capsize / If you want an answer, it's anybody's guess / I'm treading water as I bleed to death” mang đầy những suy nghĩ đen tối của “Tillman” liên quan đến chính cuộc đời mình khi anh bị đẩy xuống vực thẳm của sầu muộn.
Ý nghĩa này càng có vẻ như được khẳng định hơn trong bài “Please Don’t Die” sau đó.
Như chính cái tên của album này - God’s Favorite Customer, phần nửa “Misty” như lộ diện để mỉa mai về chính “Tillman”, người được sinh ra trong một gia đình rất sùng đạo. Bản thân Josh Tillman đã từng có khoảnh khắc nghĩ mình sẽ trở thành một mục sư, nhưng những gì anh viết trong lời nhạc, hành xử trước công chúng, hay cái nghệ danh “Father John Misty” thì còn khuya mới biến anh thành một con chiên ngoan đạo. Trong một video trên mạng xã hội, Tillman thú nhận rằng anh từng muốn thành một mục sư, nhưng mong muốn đó chỉ kéo dài trong khoảng 5 phút. Bởi ngay sau đó anh chợt nhớ ra rằng mình ghét trẻ con và không mang một niềm tin với Chúa.
“Speak to me (Oh, speak to me) / Won't you speak, sweet angel? / Don't you remember me? (Don't you remember me?) / I was God's favorite customer / But now I'm in trouble”
Những lời hát trong bài hát cùng tên album - “God’s Favorite Customer” mang đầy sự day dứt đấu tranh tư tưởng của một kẻ từng là “god’s favorite customer”, mà nay phải tìm lại niềm tin với Chúa khi anh ta không còn ai để cầu xin sự giúp đỡ.
Cho đến album Chloë And The Next 20th Century, âm nhạc của Tillman lại chuyển biến và đa dạng hơn khi ngoài âm thanh của Folk, còn có Jazz và Swing tô vẽ màu sắc cổ điển của một đĩa nhạc tuyệt hay này. Một loạt track nhẹ nhàng tình cảm như “Kiss Me (I Loved You)”, “(Everything But) Her Love”, “Only A Fool”, v.v.
Một lần nữa, phần nửa “Misty” có vẻ như biến mất hoàn toàn … hoặc không phải vậy?
TILLMAN vs. MISTY
Kể từ album God và Chloë, dù cho sự yếu đuối có được lộ ra, để trơ lại nhân vật “Tillman”, thì cái nhìn dí dỏm, dù là theo nghĩa đen tối hay mỉa mai, của một “Misty” lại vẫn còn đó.
Với album God, ngoài cái tên album, tên một số bài hát ví dụ như “Just Dumb Enough to Try”, “Please Don’t Die” hay những phân đoạn lời xen kẽ, dù mang nhiều nỗi buồn, ta vẫn nhìn ra được nhân vật “Misty”. Kể cả trong bài hát với cái tên không hề Misty tẹo nào, lời ca của nó thì lại mang những nét hóm hỉnh trong đó:
“Mr. Tillman, good to see you again / There's a few outstanding charges just before we check you in / Let's see here, you left your passport in the mini fridge / And the message with the desk says here the picture isn't his / And oh, just a reminder about our policy: / Don't leave your mattress in the rain if you sleep on the balcony / Okay, did you and your guests have a pleasant stay? / What a beautiful tattoo that young man had on his face / And, oh, will you need a driver out to Philly? / Jason Isbell's here as well and he seemed a little worried about you” – bài “Mr. Tillman” (ca khúc này gây ấn tượng độc đáo bởi nó đổi tông liên tục với loạt hợp âm "đá" nhau mà nghe vẫn mượt, giống như thiên tài Stevie Wonder từng làm với "Sir Duke").
Với album Chloë, ta tìm được những câu chuyện đầy màu sắc trong “Goodbye Mr. Blue” kể về người đàn ông mượn cớ con mèo – Mr. Blue sắp chết để có thể được nói chuyện lại với cô người yêu cũ với mong muốn được trở về mối quan hệ ngày xưa:
“We used to lay around here laughing / At what these freaks out there were trying to prove / Well, what's wasting time if not throwing it away on work / When the last time comes so soon? / Mr. Blue died in my arms, nothing they could do / Don't the last time come too soon?”
“This may be the last time / The last time I lay here with you / Do you swear it's not the cat? / You don't have to answer that / I'll just make do”
Hay câu chuyện về đôi tình nhân thủ thỉ với nhau những giây phút cuối đời khi họ hấp hối trên con đường sau một vụ tai nạn ô tô trong bài "We Could Be Strangers":
“She says, “No point speeding back to your place / I've got no other plans” / As they lay there bleeding on the freeway / He takes her by the hand”
Không cần phải hài hước châm chọc như trước đây, sự dí dỏm thông minh của “Misty” lấp ló là đủ để đĩa nhạc này vẫn hay một cách xuất sắc.
Đó là bởi vì thực ra ngay từ khi Josh Tillman phát hành những album đầu tiên với nghệ danh Father John Misty, cái tình với những màu sắc “yếu mềm” của “Tillman” đã luôn phảng phất trong âm nhạc tuyệt đẹp mà anh sáng tác, dù cho ngôn từ phát ra lại rất “Misty”. Nên khi ở hai album sau này với nhiều cảm xúc của “Tillman”, làm lấn át đi phần nửa “Misty” thì âm nhạc của Josh Tillman vẫn tìm được điểm cân bằng theo một tỷ lệ mới: những bài nhạc của cảm xúc với lời ca sâu sắc nhưng vẫn đọng lại những nét hóm hỉnh.
Giống như trong lời bài hát “The Next 20th Century” – track cuối cùng của album Chloë, Tillman có hát “I don't know 'bout you, but I'll take the love songs / If this century's here to stay”.
Bởi tôi cũng vậy. Tôi vẫn ưng nhiều cái tình của “Tillman” cùng chút duyên dáng của “Misty”. Vậy thế là đủ!
Hẹn gặp lại!
Kroon