Tháng 8 năm 2021, trong đội hình đi biểu tình của hơn sáu ngàn người gốc thổ dân ở Brazil bỗng lạc vào một thanh niên da trắng. Joe Duplantier, vốn được biết đến như là ca sĩ chính kiêm rhythm guitar và là bộ não viết nhạc của Death Metal band tới từ nước Pháp Gojira, lao vào cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho những người nông dân gốc thổ dân biết rằng sẽ có sự tham gia của rất nhiều cảnh sát có vũ trang và bất chấp việc những người yêu quý anh và ban nhạc lo rằng anh có thể sẽ bị bắt hoặc có khi còn tệ hơn. Vài ngày trước đó, Joe tới vùng Mato Grossso do Sul ở Brazil để gặp những người ở quỹ từ thiện mà Gojira đang giúp đỡ và gặp những người đang cần giúp. Anh thậm chí còn được “rửa tội” từ một thầy mo người thổ dân.
Không lâu trước đó, Gojira lập ra quỹ Operation Amazonia để gây quỹ giúp gia tăng nhân thức về việc cánh rừng Amazon có nguy cơ bị tàn phá và biến mất vì nạn đốt phá rừng, cũng như giúp đỡ những người thổ dân nơi đây trước sự chèn ép và phân biệt đầy bất công từ chính phủ hữu khuynh của tổng thống Jair Bolsonaro (và nhờ đó họ sẽ không chăm chăm đốt phá rừng nữa). Single “Amazonia” của band phát hành từ album Fortitude (2021) cũng nằm trong kế hoạch lan truyền nhận thức dành cho lá phổi xanh của Trái đất này, và thậm chí trên trang web của ban nhạc Gojira có hẳn một mục để gây quỹ cho Operation Amazonia.
Rất may là đã không có sự cố gì xảy ra trong cuộc biểu tình nọ, mặc dù hệ quả lâu dài dành cho những người bị đàn áp thì cũng chưa thấy được ngay. Chí ít thì hai căn nhà do quỹ của Joe Duplantier xây cho người nông dân đã bị đốt cháy, và trong nhiệm kỳ của tổng thống Bolsonaro, sự thù địch dành cho người gốc thổ dân vẫn không giảm đi chút nào.
Vậy phải chăng anh chàng Joe Duplantier này rảnh quá trong thời gian thế giới bị đóng băng thời COVID-19, hay Gojira quan tâm tới vận mệnh của cánh rừng vĩ đại và những con người họ không quen biết đó thật? Chỉ biết rằng những cố gắng nhỏ nhỏi của bốn thành viên Gojira để thế giới trở nên tốt hơn là một trong những lý do chính đáng tại sao Gojira lại trở nên cuốn hút đến thế.
***
Hai anh em bố Pháp mẹ Mỹ nhà Duplantier từ vùng Ondres hẻo lánh miền Tây Nam nước Pháp, Joe (19 tuổi) và Mario (14 tuổi), thành lập ban nhạc từ năm 1996 với ý tưởng chơi Death Metal nhưng mang nhiều giai điệu như Metallica. Với dân số chỉ vỏn vẹn hơn 2000 người, thế nào mà hai anh em nhà Duplantier kiếm được tay lead guitar Christian Adreu, người có cùng sở thích Metallica như anh em họ để cùng lập ra ban nhạc với cái tên Godzilla từ bộ phim mà ai cũng biết là phim gì đấy.
Lớn lên ở vùng Tây Nam nước Pháp cũng là nơi anh em nhà Duplantier chứng kiến rất nhiều ảnh hưởng từ những ban nhạc Basque Rock nhan nhản nơi đây cũng như những cuộc xung đột nhỏ lẻ giữa những kẻ khủng bố gốc Basque luôn sục sôi đòi lại sự tự chủ và cảnh sát Pháp và Tây Ban Nha. Âm nhạc Basque Rock vì thế không quá khó hiểu khi đều rất “chính trị” và không quá phổ biến ở những nơi khác trên nước Pháp. Thứ đọng lại với Duplantier hẳn là sức mạnh của nhạc Rock và Punk, cũng như sứ mệnh mà âm nhạc cố gắng truyền đạt tới người nghe.
Một sự kiện nữa ảnh hưởng mạnh tới triết lý âm nhạc của Joe Duplantier là lần được đi xem show của Death và thần tượng Chuck Schuldiner ở Bordeaux trong tour Symbolic của họ. Chỉ có khoảng 80 hay 100 người ở đó, nhưng Duplantier được chứng kiến một năng lượng chưa từng thấy và kết thúc với việc anh bị một thằng nhóc khác đạp vào mặt.
Godzilla sau đó thu nạp thêm được tay bass Jean-Michael Labadie, một tay bass người xứ Basque, và đổi tên thành Gojira.
***
Sau 2 album đầu không nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng Metal (Terra Incognita 2001 và The Link 2003), Gojira dần gọt giũa âm thanh của họ trở nên sắc lẹm và viết ra những ca khúc nhiều ý nghĩa từ album thứ ba, From Mars to Sirius (2005), album đã khiến sự nghiệp của Gojira cất cánh.
Là một Death Metal band chịu nhiều ảnh hưởng từ Death của Chuck Schudilner và Morbid Angel, thứ khiến cho Gojira nhanh chóng chen vào hàng ngũ của những Death Metal band hàng đầu thế giới xem ra không có gì quá lạ lẫm nhưng không phải ai cũng kết hợp được: họ có riff hay và một tay trống xịn.
Tay trống Mario Duplantier có lẽ là tay trống Death Metal đầu tiên khiến tôi liên tưởng tới Gene Hoglan của Death, người vừa có khả năng giữ nhịp như một chiếc máy, lại còn có thể groove tiếng trống của mình để tạo ra màu sắc cho bản nhạc ở những phần khác nhau, chưa kể khả năng tạo ra những beat vừa nhanh vừa khó với khả năng chơi chân bass đôi chính xác và đôi tay có thể chém bất cứ thứ gì chỉ trong tầm với thậm chí kể cả chơi polyrhythm tay một nhịp chân một nhịp một cách mượt mà.
Cùng với khả năng viết ra những giai điệu lọt tai (dù rằng với Death Metal, có lẽ ta không nên quá kỳ vọng vào hai chữ “giai điệu”), Gojira không bao giờ thiếu những bản nhạc đầy hook như “Silvera” hay “Stranded”, dù rằng họ chưa bao giờ lạm dụng điều này và luôn trung thành với thứ âm nhạc Death Metal thiên về kỹ thuật và độ chính xác.
Tất cả những điểm mạnh này hội tụ trong “Flying Whales”, bản anthem trong album năm 2005 của ban nhạc đã trở thành thương hiệu. 7 phút cho bản nhạc này dường như trôi qua chỉ trong 4 phút, bởi vì cấu trúc bài hát đầy lôi cuốn từ đoạn dạo ê a, câu riff chặt chẽ, trước khi bài hát trở nên kỳ vĩ và miên man ở đoạn điệp khúc.
Bản “Flying Whales” này biểu tượng tới mức các fan đi xem Gojira diễn thi nhau mang theo con cá voi bong bóng để ném qua ném lại phía bên dưới – trò mà ngay cả Gojira cũng lắc đầu không hiểu nổi vì rõ ràng bản nhạc của họ là nói về sự cảnh tỉnh cơ mà!
Nhưng mặc kệ mấy con cá voi bong bóng, rõ ràng From Mars To Sirius, album tôi kết nhất của Gojira, còn có đầy những khoảnh khắc cực kỳ tuyệt vời khác như “Where Dragon Dwell”, “The Heaviest Matter of the Universe”, khúc chuyển ngọt ngào từ “From Mars” tới “To Sirius”, và cả siêu phẩm kết lại “Global Warming”.
Và cũng từ đây, Gojira được biết tới như một ban nhạc có lời lẽ mang nhiều ý niệm còn lớn hơn cả thứ âm nhạc mà họ cố truyền tải. Đây nhé, Mars đại diện cho chiến tranh, còn Sirius đại diện cho hòa bình, và con cá voi – loài vật siêu thông minh thì tìm cách dẫn con người bay từ đây sang đó (mặc dù không rõ cá voi bay thế nào). Không chỉ nói về môi trường và những tác động xấu của con người tới môi trường, các album sau này của Gojira còn viết nhiều về các chiêm nghiệm giữa sự sống và cái chết, hoặc sự kết nối với thế giới – túm lại là những ý tưởng “sâu đíp” từ anh em nhà Duplantier.
Thế nhưng album tuyệt hay From Mars to Sirius và âm nhạc của Gojira không dễ dàng có sự đón nhận rộng rãi từ cộng đồng Metal chính thống trong suốt nửa sau của thập niên 2010s, có lẽ cũng bởi xuất thân của Gojira là từ nước Pháp, đất nước không có quá nhiều Metal band nổi danh thế giới và thứ ngôn ngữ không giống tiếng Anh của họ. Ngay chính Gojira cũng phải thừa nhận rằng, tiếng Pháp quá phức tạp với việc chia ngôi thứ và gọi tên mọi thứ theo giống giữa “le” và “la”, cũng như cách phát âm có nhiều chỗ “ngộ nghĩnh” với các âm tiết cuối đóng khiến cho lời hát viết ra nghe không còn mạnh mẽ và hấp dẫn. Chưa kể, nếu đã tính viết nhạc “sâu đíp” và gây ảnh hưởng toàn cầu, tốt hơn hết là viết nhạc mà cả thế giới đều nghe được. Chả gì thì anh em nhà Duplantier cũng có một nửa dòng máu và một trong hai cuốn hộ chiếu là người Mỹ, nên việc chuyển những ý niệm của mình ra thành lời hát tiếng Anh với Joe Duplantie xem ra cũng không quá khó khăn.
Việc được Lamb of God lừng danh mời chơi khởi động trong tour của họ và nhất là sau này, được chính thần tượng Metallica của họ mời chơi khởi động cho tour diễn Death Magnetic năm 2010 đã thực sự dẫn Gojira tới thị trường Mỹ và bước ra thế giới.
Với cánh cửa đi lưu diễn nay đã mở toang, thập niên 2010s quả thật bận bịu khi Gojira đi tour khắp thế giới trong khi chỉ có 2 album được phát hành, L'Enfant Sauvage (2012) và Magma (2016). Ý thức được việc chơi Death Metal là một nhánh không có nhiều khán giả, Gojira chọn cách đi biểu diễn nhiều để tăng thu nhập. Bù lại, việc không ra album quá nhiều cũng giúp họ không bị lệ thuộc vào ảnh hưởng từ hãng đĩa và nhờ đó, Gojira tự chủ hoàn toàn trong việc viết nhạc, thu nhạc, và sản xuất – cũng như tự chủ trong marketing. Tin tốt là Gojira có thể hát bất cứ thứ gì họ tin, còn tin xấu là là các khán giả khó tính của họ cùng những người có tư tưởng bảo vệ môi trường tiến bộ bắt đầu có ý kiến vì mấy anh kêu gào ủng hộ môi trường nhưng lại đốt nhiều năng lượng hóa thạch vì đi tour nhiều quá. Đúng là khán giả luôn khó chiều.
Giai đoạn 2010s này, Gojira còn trang bị thêm cho họ một vũ khí sắc lẹm trong cách viết ca khúc, với việc có thêm nhiều đoạn chorus đáng nhớ - thứ trước giờ vẫn không được coi trọng mấy trong các ca khúc Death Metal.
Hãy tưởng tượng hàng chục ngàn con người trong hội trường cùng đồng thanh hát:
“OHHH! OHHH-OH-OHOHHH! OH-OHOHHH-OHOHHH! OH-OH!” – mỗi lần Gojira chơi ca khúc “The Chant” của họ.
Đó cũng là một ca khúc “đinh” nữa trong album Fortitude (2021) của họ, bên cạnh “Amazonia”, kiểu ca khúc mà có lẽ bất cứ một Metal band trên thế giới nào cũng đều ấp ủ và theo đuổi – thứ mà tất cả các fan của họ sẽ đều đồng thanh hát theo trong khi ca sĩ chính chỉ việc chĩa mic xuống dưới và được nghỉ ngơi trong giây lát. Với Gojira, đó là một bản nhạc về sự đồng thuận đồng lòng (tựa như “Nối Vòng Tay Lớn”), trong một album lại nói về môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Xem ra sau gần 20 năm, Gojira một lần nữa lại quay lại chủ đề ưa thích của họ từ album Mars-Sirius.
***
Và chuyện gì phải tới cũng đã tới. Tháng 7 năm 2024, trong sự kiện khai mạc Olympic ở Paris, Gojira xuất hiện và chơi nhạc từ trong các cánh cửa lâu đài với bản “Mea Culpa (Ah! Ça ira!)” hoành tráng. Còn gì Metal hơn khi nữ ca sĩ Marina Viotti phiên bản cụt đầu tự ôm cái đầu của mình ngang bụng giữa bốn bề lửa cháy, và còn gì Metal hơn khi thứ âm nhạc mạnh mẽ ấy được chơi ở chỗ hiếm hoi còn sót lại, nơi đã từng thực sự chứng kiến rồng và kiếm.
Màn trình diễn này cũng tạo ra khối luồng quan điểm kể cả việc cổ xúy cho ma quỷ, mặc dù lời lẽ bài hát thì chả liên quan tí nào. Quan trọng hơn cả là việc Gojira lần này đã chính thức được nhận ra trên toàn thế giới và cộng thêm vô khối sự ghen tị từ các đồng nghiệp chơi Metal chưa bao giờ được chơi nhạc trong lâu đài.
Và sau gần 20 năm trình diễn, phần đông những người yêu mến Gojira đều đã nhận ra họ là ban nhạc hiếm hoi truyền tải sự tử tế bằng Heavy Metal.
Hẹn gặp lại!
Kcid