top of page

Liệu ai còn nhớ đến Jeff Buckley?

Đó là buổi biểu diễn tưởng niệm dành cho nghệ sĩ đa tài Tim Buckley, người ra đi khi hãy còn rất trẻ. Nhưng cũng phải đến gần ngày, chàng trai Jeff Buckley mới được ban tổ chức mời tham gia buổi lễ. Đơn giản vì không mấy ai trước đó biết đến sự tồn tại của cậu.


Nửa đầu chương trình với tên gọi “Greetings From Tim Buckley” diễn ra khá tẻ nhạt cho đến khi Jeff bước lên sân khấu. Căn phòng lúc đó tối om. Lúc đầu Jeff thậm chí còn đứng quay lưng lại với khán giả. Cậu bắt đầu đánh đàn và cất giọng hát những câu hát cao vút thê lương. Cả khán phòng như đang có một dòng điện chạy lan toả xuống từng người đến tham dự hôm đó. Lúc ánh sáng bắt đầu rọi xuống Jeff, tất cả mọi người sững sờ chứng kiến một chàng trai có khuôn mặt thanh tú và giọng ca cao vút giống như Tim Buckley. Người ta ngỡ như Tim tái thế để biểu diễn cho người hâm mộ lần cuối vậy.


Bài cậu hát lúc đó là “I Never Asked To Be Your Mountain”, bài mà Tim Buckley viết cho chính người vợ và đứa con trai sắp sinh, Jeff Buckley. Nhưng rồi Tim bỏ đi trước khi Jeff được sinh ra, và mãi đến khi Jeff được cùng mẹ gặp bố vào năm anh 8 tuổi, anh cũng chưa được nói chuyện với ông một lời nào. Anh tưởng rồi sẽ có cơ hội được gặp ông lần nữa và có cuộc trò chuyện cha con thì ngay hai tháng sau, Tim chết vì sốc thuốc khi ông mới 28 tuổi. Jeff thậm chí còn không được mời đến đám tang của ông.


Thế nên, dù ban đầu do dự, Jeff cuối cùng cũng nhận lời tham gia buổi ca nhạc tưởng nhớ Tim, như là lần đầu và duy nhất anh có cơ hội để bày tỏ sự kính trọng đến với ông.

Và cũng sau lần biểu diễn đó, mọi người mới biết đến người con trai của Tim và chứng kiến anh thể hiện tài năng được di truyền từ người cha.


Jeff Buckley lớn lên dưới vòng tay của mẹ đẻ và cha dượng với cái tên Scott Moorhead. Anh được thừa hưởng tài năng từ bà mẹ - một nghệ sĩ đàn piano và cello cổ điển, và ảnh hưởng gu nhạc từ người cha dượng, từ Led Zeppelin, Pink Floyd đến Jimi Hendrix, The Who. Ngay từ khi mới 5 tuổi, anh đã bắt đầu luyện hát với mẹ và tập chơi đàn guitar. Nhưng có lẽ nhờ thừa hưởng gen từ người cha đẻ Tim Buckley mà Jeff có một chất giọng cao và khoẻ. Âm vực của anh rộng đến 4 quãng 8 và Jeff sử dụng với đầy cung bậc cảm xúc trong mọi lối hát thể loại ballad, rock, opera hay gospel.


Tiếng đàn của Jeff cũng vậy. Nó có lúc mạnh mẽ, có lúc hằn học và có lúc ai oán như có tâm tình riêng. Anh luyện thuần thục khả năng vừa hát mà vẫn vừa đánh những tiếng đàn phức tạp đầy điêu luyện. Xem những lần Jeff biểu diễn tại “phòng trà” Sin-é ở New York mới thấy sức cuốn hút mãnh liệt của anh như thế nào. Khán giả chỉ còn biết trầm trồ khi không thể hiểu được sao anh một mình vừa tạo được không khí âm nhạc với độc nhất chiếc guitar điện mà vẫn có thể hát hay như vậy. Mà cũng không ai có thể ngờ rằng suốt thời gian trước đó, chàng trai 25 tuổi này chỉ là nhạc công theo vụ mùa và góp giọng hát đệm cho những ca sĩ và ban nhạc khác nhau.

Trong một không gian chật hẹp ít người ở Sin-é, để gây được sự chú ý, tạm ngừng những cuộc trò chuyện của những người có mặt là rất khó. Thế nhưng nếu xem Jeff đánh những tiếng đàn lúc nhẹ nhàng lúc mạnh mẽ, hát những nốt nhạc lúc thổn thức lúc thánh thót mới hiểu sao anh có thể giành được sự quan tâm của người nghe.

Tiếng lành đồn xa. Phía ngoài đường bắt đầu xếp hàng dài các chiếc xe limousine của mấy ông trùm hãng đĩa cất công đến quán “phòng trà” này để chứng kiến tài năng của Jeff. Anh cuối cùng lựa chọn với Columbia vì được nhiều quyền tự do nhất trong sáng tạo âm nhạc.

Dù vậy khi ghi âm album đầu tay Grace (1994), Jeff Buckley vẫn phải đấu tranh để có được hình bìa album mờ mịt che giấu khuôn mặt điển trai mà hãng đĩa muốn lăng xê. Cái bìa đĩa trông giống như một đĩa nhạc indie được sản xuất với ngân sách hạn chế dù thực tế nó được phát hành bởi một hãng đĩa lừng danh. Âm nhạc của Jeff trong Grace vì thế cũng có hơi hướng indie như vậy.

Hai bài hát đầu tiên của đĩa, “Mojo Pin” và “Grace” mang đến một bầu không khí u ám. Tiếng hát của Jeff trong bài “Grace” từng bước được đẩy lên cao trào và ở những giây phút cuối, giọng anh như xé nát không gian với đầy nội tâm và cảm xúc rất thật kể về lần anh chia tay cô bạn gái Rebecca Moore. 


Rebecca cũng là nguồn cảm hứng cho Jeff sáng tác bài "Forget Her" buồn thảm thiết:

Don't fool yourself,

She was heartache from the moment that you met her.

My heart is frozen still

As I try to find the will to forget her, somehow.

She's somewhere out there now

Sau đoạn solo guitar, giọng hát của Jeff vút lên thảm thiết kể về nỗi đau của anh trong mối tình sâu đậm đó:

Well my tears falling down as I try to forget,

Her love was a joke from the day that we met.

All of the words, all of her men,

All of my pain when I think back to when



Vì lời tự sự quá chân thành đó mà Jeff sau đó thay bằng bài “So Real” bất chấp sự phản đối của hãng đĩa. Bài “So Real” cũng là một ca khúc hay không kém. Tiếng riff ở hợp âm nghịch trong "So Real" nghe chơi vơi diễn tả nỗi sợ của Jeff nếu phải mất đi cô gái mà anh yêu “I love you, but I'm afraid to love you”.


Không chỉ gồm các ca khúc tiết tấu chậm, Jeff sáng tác riêng một bài “Eternal Life” với âm thanh nặng trịch của tiếng guitar và câu riff ở đàn bass chịu ảnh hưởng của nhạc Led Zeppelin mà anh thần tượng. Bài “Eternal Life” cũng thể hiện giọng hát cao khoẻ của Jeff mà người nghe có thể hình dung anh thừa khả năng đảm nhiệm vị trí ca sĩ ở bất kỳ ban nhạc rock kỳ cựu nào.


Đĩa Grace của Jeff ngoài việc khơi gợi một không gian ám ảnh u tối, còn đem lại một cảm giác phiêu đầy chất nghệ sĩ của anh. Jeff tự hình dung trong đầu mình không gian âm thanh đó và chuyển tải chúng qua tiếng đàn lời ca và giai điệu ma mị. Ca khúc “Hallelujah” mà anh cover lại của Leonard Cohen vì thế cũng khác xa ca khúc gốc qua vòng hoà âm tăm tối ở phần dạo đầu và tiếng hát thổn thức của Jeff. Cả khi diễn live ca khúc này, Jeff cũng không ngừng thay đổi cách thể hiện cảm xúc của mình. Như một nghệ sĩ jazz, Jeff sẽ diễn bài đó tuỳ theo tâm trạng của anh lúc đó. Thế nên mỗi lần biểu diễn “Hallelujah”, Jeff lại chơi bài đó ở một tông giọng khác nhau. 


Với Jeff, cảm giác, không gian và cảm xúc luôn gắn liền trong phần trình bày của mình. Cũng nhờ vậy, khi xem anh trình diễn, người nghe mới bị cuốn hút đến thế. Chưa kể, các màn trình diễn đa dạng đem đến cảm giác như anh không bao giờ hoàn toàn hài lòng với một lối thể hiện. Chính vì thế, sau sự thành công của đĩa Grace, Jeff mất khá nhiều thời gian loay hoay để tạo ra album thứ hai đạt kỳ vọng của một kẻ cầu toàn.


Chỉ có điều, Grace mãi mãi chỉ là album phát hành chính thức duy nhất trong sự nghiệp âm nhạc ngắn ngủi của chàng trai bạc mệnh này. Đoạn lời trong bài “So Real”, ca khúc được đưa vào đĩa Grace ở phút chót đâm ra lại như điềm báo cho số phận của Jeff vậy “And I couldn't awake from the nightmare that sucked me in and pulled me under”.


Đúng thế, Jeff đã không thể thoát khỏi cơn ác mộng đang hút anh vào và kéo anh xuống đáy sâu. Tối ngày 29 tháng 5 năm 1997, trong lúc đợi ban nhạc của anh đến thu âm cho đĩa thứ hai, Jeff đi bơi ở vịnh Wolf River, nhánh kênh của con sông Mississippi. Nhưng anh không bao giờ trở lại. Phải đến 6 ngày sau đó, người ta mới tìm được xác người nghệ sĩ lúc đó mới có 30 tuổi.


*****

Bài hát cuối cùng mà Jeff hát trong buổi lễ tưởng nhớ người cha hôm đó, Greetings From Tim Buckley”, là “Once I Was”. Đó cũng là bài đầu tiên của bố Tim mà mẹ anh cho anh nghe. Nhưng xem ra việc tập đánh đàn và hát “Once I Was” vẫn luôn quá khó với Jeff, bởi vì anh chưa bao giờ có thể đánh hết cả bài mà kìm được giọt nước mắt. Như thường lệ, Jeff biểu diễn bài đó một mình trên sân khấu cùng chiếc đàn guitar thùng. Anh đã suýt khóc ngay lúc đó, nhưng cố kìm lại được. Cây đàn guitar của anh thì không. Nó đứt ngay một dây khi ở cuối bài, khiến Jeff phải hát những lời cuối không nhạc đệm:

And sometimes I wonder for a while, do you ever remember me?” 


Tiếng hát của Jeff ngân vang cả khán phòng như đang cố níu giữ những lời cuối cùng mà cậu bé 8 tuổi ngày nào tưởng tượng được nói với người cha trong lần gặp gỡ ngắn ngủi duy nhất. Thế đấy, chàng trai/cậu bé Jeff như tự hỏi liệu bố anh có bao giờ nhớ đến mình khi ông còn sống hay không.

Âm nhạc của Jeff được Bob Dylan xếp trong hàng ngũ những nghệ sĩ sáng tác nhạc hay nhất của thập kỷ và giọng hát của Jeff thì là nguồn cảm hứng cho Thom Yorke khi thu đĩa The Bends cho Radiohead. Album Grace của anh được Jimmy Page đặt ở vị trí các album ưa thích nhất thập kỷ của ông, được David Bowie cho vào list 10 album ông muốn mang theo nếu bị lạc ở hoang đảo, và được tạp chí Rolling Stone sau này xếp vào danh sách các đĩa nhạc hay nhất của mọi thời đại.


Vậy đừng lo nhé, chắc chắn là người nghe nhạc sẽ không bao giờ quên anh.


Và xin hãy yên nghỉ, Jeff Buckley.

- Hẹn gặp lại -


Kink

1,319 views

Recent Posts

See All
bottom of page