top of page

Chris Cornell: khi sự muộn phiền trở thành chính mình

Updated: May 27, 2020

Như rất nhiều headbanger ngoài kia, tôi có một giai đoạn khá lâu căm ghét dòng nhạc Grunge đến từ Seattle, Mỹ, vào những năm đầu thập kỷ 90, vì cho rằng đó chính là thứ đã "giết chết" Hair metal của tôi. Ai mà quan tâm đến việc hát về sự vật vã của bản thân chứ.


Cho đến khi tôi nghe được anh này.

Black hole sun/ Won't you come/ And wash away the rain


Không phải vô cớ mà mọi người tôn vinh giọng hát của Chris Cornell là một trong những giọng hay nhất để hát nhạc Rock. Ở trong giọng hát của anh có tất cả: sức mạnh, quyền lực, nội lực, sự ám ảnh, khoảng da diết, khoảng cao vút, khoảng giận dữ. Đó không phải là tất cả những thứ đã dẫn chúng ta đến với nhạc Rock hay sao?


Nhờ Chris Cornell, tôi mới lần đầu tiên cảm thấy tiếng hát của nhạc Rock đủ đầy đến như vậy. Nếu như các ca sĩ đỉnh cao của Hard Rock đã từng đem đến cho tôi những cung bậc cảm xúc tột cùng và sự đồng cảm với sức phản kháng của HỌ, thì khi nghe Chris Cornell hát, lần đầu tiên tôi cảm thấy có vẻ như đấy là sự đau đớn của chính MÌNH.


Dòng nhạc Grunge cũng vậy. Nó đề cao cá nhân hơn. Thú thực, nghe Metal quả thực rất là cool, với sự chi phối của sức mạnh và cả sự tức giận. Nó là một thứ gì đấy rất đàn ông, rất quyết liệt, rất vui vẻ, và rất bất cần. Nhưng thực ra không có nhiều người nghe đủ khả năng tái tạo hay cá nhân hóa cái thứ nhạc đó.


Nhưng nhạc Grunge là thứ nhạc lần đầu tiên khiến tôi cảm thấy, tôi có thể tự mình làm ra nhạc Rock. Chẳng hạn, tôi có thể cầm đàn lên và chơi được vài câu riff hay đoạn solo Metal là vui lắm rồi. Nhưng với alternative Rock, thực sự tôi có thể cầm đàn lên và hát. Thậm chí, nó còn khiến tôi tin rằng, tôi hát được giống như mấy anh này. Điều này hầu như là không thể với những thứ nhạc giàu kỹ thuật và có gốc rễ sâu xa như Heavy metal hay Blues rock.


Không phải vô cớ mà giọng của Chris Cornell sau này trở thành giọng bị/ được bắt chước nhiều nhất. Tôi còn nhớ thời thịnh của modern Rock, hầu như anh nào cũng hát theo kiểu này: Scott Stapp (Creed), Chad Kroeger (Nickelback), Papa roach, 12 stones, rồi cả Daughtry. Tôi có thể kể cả ngày không hết. Thậm chí, tôi cảm giác ngay cả kiểu của Pearl Jam hay thậm chí vài phần của Myles Kennedy cũng "copy" kiểu hát của Chris.


Tôi sau cũng ngộ ra rằng, Hair Metal đến đầu thập niên 90 hóa ra tự suy yếu rồi chết. Thứ âm nhạc xoay quanh Los Angeles đó thời điểm đó đề cao sự ăn chơi, vui vẻ, và nghịch ngu, đã không còn tạo ra một band nào có đủ khả năng giữ được ánh sáng bập bùng đó, trừ một trường hợp ngoại lệ: Guns N Roses. Nhưng GNR không đại diện cho Hair Metal, và họ ở trên tầm của tất cả các band từ Hollywood thời đó. Nhiệm vụ của họ là tàn phá thế giới chứ không phải tạo ra sự vui vẻ loanh quanh các tụ điểm ở LA.


Trong lúc đó, Seattle có một sự chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng và hoàn hảo cho một cuộc đổi ngôi thống trị. Ở Seattle cuối thập niên 80s, mỗi người đi ra đường đều mang theo guitar. Có những khu nhà cho thuê phòng tập nhạc lên tới 500 phòng. Thứ nhạc mà sau này mọi người không biết nên gọi là gì, với tiếng guitar nặng như Heavy Metal, nhưng trầm, đục, và ngầu một cách bất cần, được thế giới gọi là Grunge, hay Alternative Rock/Metal. Thứ nhạc không thiếu sức nặng đó chơi theo một cách điềm tĩnh hơn và để ra rất nhiều khoảng lặng cho ca sĩ có thể truyền đạt thông điệp một cách rành rọt. Đến Vince Neil (Motley Crue) còn phải lắc đầu nguầy nguậy, cho rằng chả vui khỉ gì khi suốt ngày hát “đời tôi bạc bẽo lắm”, rồi “thứ nhạc đó sẽ xịt sớm thôi”. Trong khi đó thì Vince bận quay qua chiến đấu bằng nắm đấm với Guns N Roses, những người hiếm hoi còn lại đại diện cho Hollywood, cho đến khi ngoảnh lại thì căn nhà Hair Metal đã hoàn toàn sụp đổ dưới chân những người đến từ Seattle. Nó có vẻ như là cái kết cục ”nhân quả” của một thế hệ chơi không cần biết đến ngày mai, và đúng là họ ngạc nhiên đến sụm xuống khi đúng là ngày mai cuối cùng… đến thật.


Và như thế, SoundGarden chính là ban nhạc đã mở toang cánh cửa tới thế giới với tư cách là ban nhạc Grunge đầu tiên ký hợp đồng được với một hãng đĩa lớn. Sau đó, Nivarna với Nevermind đã đưa mọi chuyện vào lịch sử.


Trong một diễn biến khác, khoảng đầu thập niên 90s cũng chứng kiến sự trỗi dậy của Alternative Rock dưới thương hiệu Britpop như Oasis, Blur, Suede, và sau là Radiohead, rồi cả sự chuyển mình mạnh mẽ của U2. Và điểm chung của hai làn sóng này ư: sự đề cao cái tôi cá nhân.


Theo một cách nào đó, Metal không chết. Tôi cho là sự trỗi dậy của Alternative Rock có lợi cho tất cả. Metal buộc phải chơi kỹ thuật và phức tạp hơn như là hệ quả gián tiếp từ thứ nhạc phá cách đến từ Seattle đó. Metallica, Megadeth đều có album cực hay trong giai đoạn này. Anthrax hay Slayer, từ những band indie trở thành những cái tên mainstream. Rồi sự trỗi dậy của Progressive Rock, Art Rock, Industrial Rock, hay cả những virtuoso như Joe Satriani, Steve Vai cũng lên đến đỉnh cao ở đầu thập niên 90. Tính “nhạc” của âm nhạc có vẻ được đề cao và kén chọn hơn bao giờ hết, chứ không còn chỉ là sức mạnh của “âm thanh” như trong thập niên 80s. Pantera hay Guns N Roses, đều có âm thanh đặc trưng của riêng họ và đều là những band dù khó để gắn vào một thể loại, nhưng lại thật dễ để nhận ra nhạc của họ đặc biệt hay.


Grunge còn đem đến nhiều sự cách tân, chẳng hạn như ngoài kiểu vặn dây guitar xuống D, Alternative Metal/Rock còn mạnh dạn sử dụng rất nhiều các nhịp lẻ (nhịp 5/4, 7/4, hay 9/8), nhiều chưa từng thấy. Soundgarden chơi vậy. Nirvana hay Alice in Chains cũng chơi vậy. Và ở bên kia đại tây dương, Radiohead hay Muse cũng chơi như vậy. Khán giả bắt đầu quen với kiểu nhạc “hơi ngang” hay “hơi hẫng” so với cách thông thường, và bài hát trở nên đáng chú ý hơn bởi cái sự trắc trở của chính nhịp điệu.

Chris Cornell, Kurt Cobain, và Layne Staley - những nhà cách tân

Thế đó, Soundgarden và Chris Cornel chưa khi nào đơn độc trên thế giới này. Trên hành trình của anh còn có Kurt Cobain (đang vui thì chết), Scot Weiland (cũng đang vui thì chết), Layne Staley, hay sau này là Tom Morello và nhóm Audioslave. Tất cả mọi người đều hơn cả hân hạnh khi được chia sẻ với Chris những khoảnh khắc không thể quên trong lịch sử âm nhạc. Nhưng dường như trước sự phiền muộn của bản thân, Chris hay Kurt luôn đơn độc.


Soundgarden còn rất ghét bị gọi là Grunge band, mà thường hay nhận họ chung chung là Rock n Roll band. Chris cũng vậy, anh cũng không thích bị/được gọi là ca sĩ. Anh muốn được biết đến như là nghệ sĩ sáng tác kiêm ca sĩ, vì anh cho rằng như vậy mới đạt tới sự hòa hợp về cái “cảm” về mặt âm nhạc. Với Chris, viết nhạc để “kiểu gì thằng ca sĩ chả hát được”, và hát để “viết thế thì cũng phải cố mà hát thôi” đều không lý tưởng và đôi khi nó khiến người sáng tác lẫn người hát đều phải nương vào sự bổ trợ của cả band.


Cũng vì thế mà Chris rất coi trọng sự nghiệp solo của mình, như những gì tinh túy nhất anh mà còn có thể trình diễn. Vậy mới có sự không ngừng thử nghiệm, chẳng hạn như lần hợp tác với Timbaland trong album solo Scream(2009), dù là đĩa này không được giới chuyên môn đánh giá cao lắm. Đỉnh điểm trong số các album solo của Chris có lẽ là đĩa Higher Truth (2015), khi anh quyết định hát acoustic. Theo cách nhìn của anh, khi nghệ sĩ hát acoustic, mọi người sẽ chú ý đến bài hát và câu chuyện nhiều hơn, vì ca sĩ không còn chỗ dựa nơi ban nhạc hay màu sắc của thể loại nữa. Higher Truth vì thế cũng là lần đầu tiên Chris “nghệ sĩ” làm nhạc để Chris “ca sĩ” có thể phát huy một cách trọn vẹn, chứ không có chút ảnh hưởng nào bởi màu sắc từ chất của band nữa. Đến lúc này tôi mới hiểu được hơn cái nhìn của Chris Cornell về bài hát trên phương diện âm nhạc theo nghĩa rộng, chứ không còn là chuyện của nghệ sĩ, hay dòng nhạc nữa.

Put a bend in the road/ I'm too lost and tired


Audioslave cũng là một nốt cao trong sự nghiệp của Chris Cornell, và nó ở một góc độ hoàn toàn khác so với Soundgarden nhờ sự kết hợp tuyệt vời với Tom Morello, tay guitar vào loại độc của âm nhạc hiện đại với kỹ xảo trình diễn và tạo ra âm thanh vô tiền khoáng hậu. Kết quả là những “like a stone”, “I am highway”, hay “Orignial fire” và dường như với Audioslave, sự trải lòng của Chris nó được bộc lộ một cách rõ ràng và tự nhiên hơn, được dẫn dắt bởi tiếng guitar quái quái của Tom như đi vào cuộc chiêm nghiệm vậy. Nếu như với Soundgarden, đó là những tiếng thét vật vã tìm sự chú ý, thì đến thời Audioslave, Chris đã chín chắn hơn và thẳng thắn nói về sự phiền muộn của mình cùng với cả giải pháp. Duy chỉ có điều, anh dường như khựng lại trước khi đi tiếp với giải pháp đó. Phải chăng việc sống chung với nỗi đau quá lâu khiến cho việc trở lại với cuộc sống không vật vã cũng chả còn quá quan trọng nữa. Hay đó cũng như việc có nhiều người chiến đấu quá lâu với thứ mình căm ghét, để rồi một ngày nhận ra thứ đó đã trở thành một phần của mình?

I am not your rolling wheels/ I am the highway


Ngày 18 tháng 5 năm 2017, Chris tự treo mình để rời bỏ thế giới này. Triệu người trên thế giới phải ngừng lại. Nhìn bề ngoài vẫn phong độ của anh, dù ai cũng biết Chris luôn sống chung với sự phiền muộn; mọi người dường như quên mất là sự phiền muộn trong anh nó vẫn tiềm tàng sự bộc phát. Đâu đó trong đêm diễn cuối ở Detroit ngày 17 tháng 5, câu nói “I feel bad for the next city” của Chris dường như rơi tõm vào đám đông cuồng nhiệt vì quá yêu mến anh.


Show diễn tưởng niệm Chris vào tháng 1 năm 2019 vừa rồi là show diễn có sự góp mặt của đông người chưa từng thấy từ sau cái chết của Michael Jackson. Khỏi cần nói đến những thành viên từ các band của Chris, sự góp mặt của những tay gạo cội như Foo Fighers, Metallica, Geezer Butler, Ryan Adams, Queen of stone ages, hay của cả những người bạn như Jimmy Kimmel, Brad Pitt hay Jack Black. Mọi người đều hát nhạc của Chris với một sự chân thành và trân trọng. Các “thanh niên” như Miley Cyrus, Adam Levine, Taylor Momsen, và cả con anh, Toni Cornell cũng hát nhạc của Chris. Bài Chris viết tặng cho ông bạn quá cố Andy Wood từ những năm 91 ”Say hello to heaven”, nay lại được phần còn lại của Temple of the dog hát vọng lên màn đêm cho chính anh. Tôi thì không biết làm gì trong tối hôm đó, bèn lôi Audioslave ra nghe, như để cố tìm cho mình một lời giải thích thỏa đáng.

New, like a baby/ Lost, like a prayer


Nếu như tôi có thể làm một cuộc trình diễn dành cho những người đang mang theo tâm trạng u ám, tỉ như có một cuộc trình diễn như vậy đi, đó sẽ là 4 căn phòng mở nhạc của Chris Cornell các thời kỳ. Ở đó, bạn có thể tìm thấy đủ “pha” cho sự bức xúc, sự đồng cảm, và cả những giải pháp như trong nhạc của Soundgarden và của Audioslave. Ở đó cũng sẽ có riêng một căn phòng những khoảnh khắc chết lặng trong cuộc sống đầy sắc màu, như nhạc của Chris Cornell solo, và cả căn phòng cho những khoảnh khắc của sức sống sau khi chết, trong những thứ mà thế giới ghi nhận về anh trong show tưởng niệm hồi tháng 1/2019. Tôi cho đó là bốn miếng ghép đủ đầy cho sự phiền muộn, và dù nó không đảm bảo bạn sẽ tìm ra lối thoát cho riêng mình, tôi tin nó sẽ giúp bạn sẽ tìm ra tâm trạng của mình hiện đang ở giai đoạn nào, và biết đâu ngẫm ra mình đang trông chờ điều gì.


Bởi vì có khi, ta sẽ không còn mất thời gian cố giải quyết tâm trạng của mình nữa, mà dành nó cho những điều quan trọng hơn. Rốt cục, cũng đâu có ai nói được ngày mai sẽ như nào, vì có khi ngày hôm nay ta còn sống, cũng chỉ bởi số phận chưa muốn ta phải chết thì sao. Và những điều quan trọng, không phải cứ lúc nào ta muốn tìm là thấy chúng ở đó.


Gần hai năm sau khi anh ra đi, giải Grammy dành cho "Best Rock Performance" thuộc về Chris Cornell. Lễ trao giải Grammy tháng 2 năm 2019.


Hẹn gặp lại!


Kink

1,683 views

Recent Posts

See All
bottom of page