top of page

Les Paul: giỏi đàn không bao giờ thừa

Lịch sử của các guitar hero có lẽ đã đi qua một chặng đường dài, dù sự tồn tại của cây đàn guitar điện đúng nghĩa trên trái đất này mới chỉ khoảng hơn 50 năm. Nhưng giữa sự phong phú của đủ nhãn hiệu guitar, vô vàn các kiểu bố trí của cần đàn, pickup, cần nhún, hay cả số dây đàn, thì âm thanh của cây guitar điện cuối cùng vẫn chỉ là sự tổ hợp của hai loại âm thanh chính: cây Fender Stratocaster và cây Gibson Les Paul.


Vậy chắc không quá khi nói rằng một nửa thế giới mang ơn Leo Fender, còn nửa kia mang nợ Lester William Polsfuss, hay Les Paul.


Quay lại về đầu những năm 1940, một trong những bậc thầy virtuoso guitar, Lester William Polsfuss, tự là Les Paul, vẫn đau đáu trong mình cách tạo ra âm thanh từ chiếc guitar theo đúng ý. Paul làm quen với âm nhạc từ chiếc harmonica và sau đó  gắn bó như hình với bóng với chiếc guitar của mình. Không chỉ điêu luyện trong các kỹ thuật chơi nhạc và khởi nguồn với việc theo dòng nhạc Jazz và Country, Les Paul còn luôn mày mò khám phá phát minh ra các cách phát triển âm thanh từ nhạc cụ của ông.


Nói về các phát minh ra đồ chơi âm nhạc của Les Paul thì chắc vô vàn mà nhiều người có lẽ cũng không để ý. Đầu tiên ông nghĩ ra dụng cụ đeo harmonica ngay trước miệng để vừa đánh đàn vừa hát và có thể thổi chiếc kèn đó một cách dễ dàng. Sau đó ông còn tìm cách gắn cây kim thu âm trên đàn để nối ra loa nhằm mục đích tăng âm lượng cho chiếc guitar thùng.


Là người cầu toàn, ông không hài lòng về tiếng chói tai thỉnh thoảng gây ra do dội âm từ bộ thùng đàn rung, Les Paul đã thử nghiệm điều không tưởng: giảm thiểu độ rung nhất có thể của chiếc đàn. Để đạt được điều đó ông đã chế thân đàn đặc ruột hoàn toàn và đặt tên nó là The Log. Đến giữa thập niên 40, Les Paul đưa ý tưởng đàn đặc ruột này tới hãng sản xuất guitar Gibson nhưng bị chê cười vì nó trông chả khác gì cái chổi phát ra âm thanh.


Phải đến thập niên 50 khi hãng sản xuất đối thủ Fender cho ra chiếc đàn đặc ruột thì Gibson mới suy nghĩ nghiêm túc và mời Les Paul về tư vấn. Kết hợp với tay quản lý và trưởng nhóm sản xuất, Les Paul đã tạo ra thế hệ đàn guitar với âm thanh luôn gắn liền với chữ "nặng" và chữ "rock", và mãi mãi thay đổi thế giới âm nhạc hiện đại.


Để làm được điều đó, bản thân Paul đã hiểu cơ chế và chức năng của cây đàn như lòng bàn tay. Khả năng chơi đàn đỉnh cao thời đó của Paul đã góp sức không nhỏ cho âm thanh huyền thoại của cây Gibson Les Paul đó. Thời đó nghe Paul chơi đàn cho các nhóm ca sĩ hay sau này cho chính người vợ Mary Ford mới thấy cách đánh ông tinh tế đến mức nào. Ngoài việc Paul đánh những câu lick hoặc shred giữa những câu hát, ông còn tạo những nốt đàn nhấn nhá thành một giọng bè bổ sung cho ca sĩ, không lấn át họ mà tạo sự âm sắc hoà hợp, sôi động đến mức với chất lượng thu âm thời đó mà đến giờ nghe vẫn cuốn. Chỉ tiếc là ở thời đó, kỹ thuật ghi âm hãy còn hạn chế nên tất cả những thứ "tiên phong" về âm nhạc lẫn trình diễn sân khấu mà Les Paul tạo ra, đều không được ghi nhận lại trọn vẹn.


Khi cùng làm đàn với Gibson, Les Paul luôn nung nấu ý tưởng âm thanh từ cây đàn phải trở thành âm thanh có thể dẫn dắt chính vừa phải bè được. Có lẽ những nhạc sĩ, nghệ sĩ hay những kẻ đầu đầy sỏi trong ngành công nghiệp âm nhạc thời đó cũng không thể tưởng tượng một ngày, chiếc đàn guitar điện lại trở thành nhân vật chính dẫn dắt cả một giàn nhạc, vượt hơn cả một nhạc cụ, để sánh ngang cùng người ca sĩ. Một điều mà chưa có nhạc cụ nào khác có thể làm được đến giờ.


Đó tất cả là nhờ dải âm rộng và sự biến thiên vạn hoá của âm sắc tạo ra chỉ từ một cây đàn. Cây Gibson Les Paul có thể dùng cho từ nhạc Blues, Rock, Jazz cho đến Reggae như huyền thoại Bob Marley từng dùng.


Để tạo được điều này, đó là sự kết hợp giữa cái tai nhạy bén trong âm thanh của Paul với kinh nghiệm về sản xuất và sử dụng vật liệu trong đàn guitar của tay giám đốc nhà máy bên Gibson.


Khác với cây Strat sản xuất bởi Fender với thân gỗ có khối lượng riêng nhẹ, cây Les Paul được dùng gỗ dái ngựa (mahogany) nặng và đặc, với gỗ thích (maple) mềm hơn chút ốp chặt lên trên để tạo độ rung. Hai tấm gỗ ép chặt với nhau thành một khối liền. Đã thế Gibson đến giờ vẫn sản xuất thủ công từng cần đàn để đảm bảo gắn chặt khít chúng với phần thân nhằm tạo âm thanh chắc, một điều có vẻ gây tranh cãi ở thế kỷ 21 khi công nghệ chế tạo tự động phần nào đã vượt trội hơn kiểu cách chế tạo thủ công hơi có phần bảo thủ của hãng.


Nhưng quay lại ý tưởng nguyên thủy đó, chính vì yếu tố liền khối như một này tạo ra âm thanh ấm và khàn đặc ở cây Les Paul hơn tiếng có phần hơi sạch của Strat. Sự tinh tế của Les Paul còn thể hiện ở nét đặc trưng trên cây đàn Les Paul với cần đàn ngắn hơn so với Strat, và các dây đàn được đặt sát với cần đàn hơn, làm cho việc bấm và nhéo cũng sạch sẽ và mềm mại hơn. Mặc dù vậy, cách bố trí cần đàn liền khối vậy cũng tạo ra một nhược điểm nho nhỏ trên cây Les Paul, khi phía sau lưng đàn ở những phím cao bỗng có một cái cục lồi lồi, khiến cho những người có bàn tay nhỏ (như lão Kai chẳng hạn) thường gặp khó khăn hơn khi bấm và nhéo mấy nốt ở trên phím cao, dĩ nhiên là so với đối thủ truyền kiếp Fender Strats. Cũng may sau này có mấy nhà đàn như ESP hay PRS, nhân lúc Gibson còn đang cố chấp với thiết kế của mình, đã thiết kế ra những cây đàn cực dễ bấm mà âm thanh chả thua Les Paul tẹo nào.


Nhưng nét độc đáo nhất của cây Gibson Les Paul, chắc chắn là bộ pickup kép kiểu humbucker cũng giúp tạo âm thanh dầy dặn, ấm áp, và nhất là khử được cái tiếng hú "bẩm sinh" của cây Fender Strats.


Có lẽ đỉnh cao sáng tạo của cây Gibson Les Paul là dòng sản xuất năm 59, đến giờ vẫn được mệnh danh là chén thánh của dòng nhạc Rock N Roll. Tất cả các cây guitar của Gibson đời sau đều không thể đạt được đến âm thanh đặc trưng như của cây 59, và dù Gibson đã rất nỗ lực tạo vài lần đưa ra những cây đàn gợi nhớ đến cây đời 59 đó, họ cũng không thể ngăn các nghệ sĩ lừng danh lẫn những nhà sưu tập sành sỏi đều lùng sục khắp nơi để mua bằng được một cây đời 59 cho bộ sưu tập của mình.


Đã có nhiều nghiên cứu được đưa ra để giải thích tại sao cây Les Paul đời 59 đến giờ vẫn là đỉnh cao của giá trị cả về tiền bạc và thẩm âm, đặc biệt nếu như cây đàn có màu Sunburst. Nhưng có lẽ tất cả đều quy về việc chưa từng có một cây đàn mà các yếu tố từ gỗ, sơn, miếng ghép, đến phần điện đều hòa trộn với nhau hoàn hảo đến vậy. Kỹ thuật quá, nên chắc hôm nay ta cứ nhắc đến giá cả thôi cho sướng mắt. Để so sánh cùng với một người anh cũng rất nổi tiếng khác, cây Les Paul đời 58, nay có thể có giá đến 100 ngàn Mỹ kim, thì cây đời '59 sẽ phải tốn của nhà sưu tầm cỡ nửa triệu. Ấy mà hồi mới ra, cây đó chỉ bán với giá $300 có kèm bao đàn và nếu may mắn, người mua còn được tặng thêm vài cái miếng gảy. Nghe đâu có khoảng 650 cây đời '59 lang thang trên thế giới.


Có những nghệ sĩ thậm chí thừa nhận 65-70% âm thanh họ có được là nhờ chiếc đàn Les Paul đời 59 này. Sự chuẩn xác và đa dạng trong âm sắc của cây đàn giúp họ có thể tạo được tiếng ai oán ở mấy nốt đầu và ngay sau đó là âm nhẹ bẫng thủ thỉ ở các nốt sau chỉ trong cùng một khuông nhạc. Như Eric Clapton từng sử dụng cây Les Paul như một chiếc cưa máy cắt ngang dọc âm thanh Rock nặng nhất mà không làm nhoà đi âm thanh. Như Jimmy Page với những âm thanh đã kiến tạo ra cả một ngành Rock nặng. Và khó có thể tưởng tượng những câu riff nặng và ngầu lẫn những câu solo ai oán trên cùng một cây đàn của Slash sẽ ra sao nếu không có Les Paul (nghe đồn là anh hay chơi cây '59 replica khi thu đĩa hơn). Nhân tiện thì Paul Stanley của nhóm Kiss cũng có một cây đời 59 nhưng tôi cũng không hiểu lắm anh làm gì với nó.


Với trình độ khoa học và công nghệ hiện nay, có lẽ thật khó tin khi nhìn lại những gì Les Paul có thể làm được ở thời đó chỉ đơn thuần nhiều thứ bằng tài năng của ông. Và hình như ai giỏi thì làm gì cũng dễ vậy. Như Brian May đó, chơi guitar giỏi xong sau trở thành tiến sĩ vật lý kiêm nhà thiên văn học đại tài. Les Paul, có lẽ là Brian May từ khi Brian May còn chưa ra đời vậy.


Ngồi nghe lại nhạc Les Paul chơi từ thời ông còn rất trẻ cùng với người vợ Mary Ford với nhạc ông chơi những năm cuối đời mới nhận ra rằng, thế giới quá may mắn có được ông, người mà có lần suýt nghẻo vì giật điện khi mày mò cây guitar điện đầu tiên và người suýt phải gác “kiếm” mãi mãi khi bị tai nạn ô tô nặng tới mức bác sĩ không thể chữa lành khuỷu tay phải.


Rốt cục, Les Paul lại có thêm một phát kiến thiên tài khi đề nghị họ hàn khuỷu tay ông theo góc 90 độ để ông vẫn còn chơi được đàn, cho đến cuối đời.


Cứ phải chơi đàn cho giỏi vào, khắc thông minh ra.


R.I.P Les Paul (12/08/2009).


Kink

1,453 views

Recent Posts

See All
bottom of page