top of page

Rush: 2112 và Moving Pictures / 3 đầu 6 tay

2112.

Đó là một câu chuyện ở đâu đó trong vũ trụ này, nơi có một hành tinh được cai quản bởi một đám thầy Tu tới từ ngôi đền của người Sphinx (Temple of the Sphinx). Họ tạo ra một thể chế cai trị nghiêm ngặt ở hành tinh này, nơi mọi người nhất nhất phải tuân theo những luật lệ và dường như đã không còn chỗ cho sự sáng tạo.

We are the Priests of the Temples of Syrinx

Our great computers fill the hallowed halls

We are the Priests of the Temples of Syrinx

All the gifts of life are held within our walls


Một ngày, có cậu bé nọ bỗng tìm ra trong một hang đá một thứ gì đó từ thời xa xưa với hình thù hãy còn đẹp đẽ. Cậu thử đặt những ngón tay lên những sợi dây và vặn chúng để nghe có vẻ hợp lý. Ngay từ lần đầu thử gảy qua mấy dây đàn, thứ âm thanh tuyệt đẹp phát ra khiến cậu nhận ra đó không hề có trong những thứ âm nhạc nhàm chán tới từ Ngôi đền của người Sphinx kia. Cậu tính báo ngay cho các thầy Tu cai trị về phát hiện này của mình.

"...I learned to lay my fingers across the wires, and to turn the keys to make them sound differently. As I struck the wires with my other hand, I produced my first harmonious sounds, and soon my own music! How different it could be from the music of the Temples! I can't wait to tell the priests about it!..."

Nhưng khác với những gì cậu trông đợi, tất cả chỉ là sự im lặng và vẻ ngoài ngạc nhiên đáng sợ từ những vị tu hành. Cậu bé đi từ ngạc nhiên tới lo lắng. Dù sao thì, bất cấp sự ngăn cấm và nguyền rủa thứ nhạc cụ huyền bí cua thời quá khứ, cậu bé vẫn quyết tâm gắn chặt với nó và cũng nhờ đó, cậu nhận ra rằng loài người không thể sống trong sự áp đặt của những vị thầy Tu bí ẩn kia. Cậu quyết quyên sinh và hy vọng rằng cái chết của mình sẽ gửi một thông điệp tới những thế hệ sau.


***

Đó là một câu chuyện đầy thi vị trong bản trường ca dài 7 chương mang tên “2112”. Bài được kết lại bằng phần instrumental hoành tráng của Neil Peart, Alex Lifeson, và Geddy Lee, nhưng không nói rõ cậu bé và cây đàn guitar kia sẽ có kết cục thế nào, để mặc cho khán giả tự xét đoán phần cuối của câu chuyện mà không cần thêm một lời dẫn.


Sự bí ẩn được đẩy tới tận cùng với câu nói ẩn ý ở cuối mà không rõ là từ đám thầy Tu hay ai khác: "Attention all planets of the Solar Federation: We have assumed control".


Tuyệt phẩm “2112” lập tức được khán giả mến mộ ngay từ khi ra mắt, và mang ẩn ý kể lại câu chuyện mà Rush (cậu bé) đã phải đương đầu khó khăn thế nào với hãng đĩa của họ (đám Sphinx), chỉ để được làm thứ nhạc của riêng mình.


***

Thực ra thì trước đó, thành công của Rush là không hề nhỏ. Họ bán được 150 ngàn, 200 ngàn, rồi 150 ngàn đĩa cho 3 album trước đó, và dĩ nhiên tài năng virtuoso của ba cây chơi nhạc trong Rush đã được khẳng định. Nhưng hãng đĩa Mercury của họ muốn nhiều hơn thế, và ám chỉ rằng con số 150 ngàn đĩa Caress of Steel (1975) bán được là một bước lùi so với con số 200 ngàn của Fly By Night (1975) bán được trước đó, và nhất quyết ép Rush phải làm một thứ nhạc “ngắn gọn” hơn để có thể phát trên radio và lọt vào các bảng xếp hạng.


Nhưng Rush đã nhất quyết đi theo con đường của mình, với những ca khúc progressive hoành tráng kể về những câu chuyện đầy bi tráng, thứ lâu nay vốn được cho là độc quyền của người Anh mà thôi. Họ đã khước từ yêu cầu của hãng đĩa và quyết tâm làm thứ âm nhạc của họ. Với Rush, nếu sự nghiệp của họ có phải kết thúc sau album này, họ cũng sẽ quyết tâm kết thúc nó thật gắt.


Dĩ nhiên Rush thừa thông minh để hiểu rằng album toàn bài dài cũng có thể khiến cho khán giả bớt tập trung hơn vào âm nhạc của họ. Thế nên chỉ có một ca khúc “2112” chiếm mặt A của đĩa, và đã không có thêm một ca khúc dài nào ở nửa sau của album nữa, mà thay vào đó là 5 ca khúc riêng rẽ với trường phái hard rock đập vào mặt truyền thống. Dù sao thì Rush vẫn luôn tự cho mình là những người kế tục Led Zeppelin, với âm nhạc được dẫn dắt bởi guitar, tiếng hát cao vút, và phần trống phủ khắp không gian.


Nếu như bạn đang ở trong thời gian “thử” nghe progressive, thì đây chính là một trong những album prog đầu tiên mà ai cũng có trên giá đĩa của mình. Nó có sự cân bằng giữa kiểu progressive dài dòng nhiều chương hồi với những ca khúc ngắn, nó có sự hài hòa giữa chủ đề của album (đại diện bởi 2112) nhưng lại có những thứ dễ nghe hơn ở sau. Nó có đủ những âm thanh prog rock thời thượng của thập niên 70s, lại cũng có đủ những màn trình diễn virtuoso của ba tay chơi nhạc tài năng của Rush. Nó là lời phản kháng đanh thép với hãng đĩa của Rush về thứ âm nhạc của họ, nhưng cũng là sự thỏa hiệp nho nhỏ để đưa âm nhạc của họ tới nhiều người nghe hơn.


Và có lẽ đó cũng là lý do 2112 đã từng cực kỳ thành công khi nó bán được tới 3 triệu bản, chưa kể còn bán cực chạy ở cả nước Mỹ, nơi lâu nay vẫn dường như không thèm đoái hoài tới nhạc progressive và cho rằng đó là đặc quyền của riêng nước Anh. Thậm chí đến tận ngày hôm nay, 2112 vẫn thường rả rích bán được ít nhất vài chục bản mỗi tuần.


Mãi sau tôi mới nhận ra, tới cả Bruce Dickinson cũng đã từng nhận xét, có lẽ ở Canada mọi thứ còn đậm chất “Anh” hơn cả chất “Mỹ”. Ở đó có chỗ cho cả thứ nhạc hard rock của Led Zeppelin và sau đó là thứ nhạc psychedelic đầy viễn tưởng. Ở đó, Rush đã tạo ra thứ âm thanh progressive đặc trưng của mình khi đem sự huyền bí của prog để làm giàu thêm vào thứ âm nhạc mạnh mẽ như Led Zeppelin.


Chỉ có điều họ không ngờ họ đã ảnh hưởng tới rất nhiều thanh niên đang tập tành chơi nhạc. New Wave hay Heavy Metal sau này đều có bóng dáng của những pha dồn trống nhanh gọn, những câu bass cầu kỳ trong giai điệu và chạy dưới nền phần hát, tiếng synth văng vẳng đầy ám ảnh, và những câu guitar miên man đổi tiết tấu bất chừng.


Rush làm được tất cả chuyện đó chỉ với 3 người.


Moving Pictures

Nhiều lần tôi tự hỏi, Rush đại diện cho điều gì. Tại sao Rush lại mất công tới vậy trong suốt chặng đường sự nghiệp với gần hai chục album của mình, để chơi một thứ nhạc quá khó và cầu kỳ mà không ai có thể đặt họ vào một ngành nào cụ thể. Tất cả mọi người đều yêu mến Rush và hình như không có ai ghét họ. Nhưng cũng không có ai đặt họ lên tầm cỡ của những tượng đài trong trái tim mỗi người như những Deep Purple hay Nirvana, dù cho âm nhạc của Rush có thể phủ sóng hầu khắp các thể loại âm nhạc. Sẽ luôn có một điều gì đó thiếu thiếu trong mắt người hâm mộ, với những người yêu prog có thể là giọng hát quá ư là chói tai của Geddy Lee, hay với những kẻ yêu Rock nặng lại là phần synth lấn át trong âm nhạc của Rush suốt thập niên 80s.


Phải chăng khán giả ngoài kia đã từng mong có thêm một ai đó chơi keyboard để Geddy Lee rảnh tay với câu bass dày đặc của mình, hay có thêm một ai đó phụ thêm phần rhythm guitar để Alex Lifeson có thể thoải mái solo trong các buổi biểu diễn. Thay vào đó, trong các buổi biểu diễn, Neil Peart vừa phụ trách giàn trống khổng lồ vừa phụ trách giàn synth, Geddy Lee thì vừa hát vừa chơi bass và khi anh chuyển qua chơi keyboard, chân anh vẫn phụ trách thêm cụm pedal tiếng synth bass. Còn Alex Lifeson thì luôn như một con mãnh thú trên sân khấu với cây đàn guitar chuyển qua lại nhịp nhàng giữa rhythm và solo, và thậm chí còn dẫn dắt những lúc đổi nhịp tốt nhất cả đám.


***

Rush là vậy, họ vẫn luôn tự hào họ là ban nhạc tối giản chỉ với 3 cây nhưng có thể tạo ra thứ âm thanh dày đặc nhất với độ chính xác và tỉ mỉ không ai bằng. Họ khước từ việc có thêm người tham gia và thậm chí không ít lần trong sự nghiệp sẵn sàng giảm bớt phần lời trong mỗi buổi diễn để sân khấu của họ có thể trở nên hoành tráng hơn. Họ là ban nhạc đam mê nghệ thuật trình diễn và không ngần ngại phô bày khả năng tìm tới những giới hạn mới trong việc chơi nhiều thứ nhạc cụ cùng một lúc trên sân khấu để trình diễn lại những ý tưởng âm nhạc của họ một cách gần gũi nhất với những gì họ tạo ra trên đĩa.


Như để thêm phần cá tính cho con đường họ chọn, Rush còn tuyên bố nếu 1 ngày Rush có hit single đó là ngày cuối cùng của band.


Tất nhiên họ cũng không ngờ có ngày của “Tom Sawyer”, bản nhạc có lẽ được biết đến nhiều nhất của Rush. Dĩ nhiên nó không đi ngược với ý định của ban nhạc khi cố gắng không tạo ra một bài hit trong album. Chỉ đơn giản là vì album Moving Pictures (1981) của họ quá tuyệt vời và thành công của “Tom Sawyer” như là một sự thừa nhận cho sự tuyệt vời đó.


Điều thú vị là ở chỗ, tới Moving Pictures, Rush đã không còn theo đuổi thứ âm nhạc progressive như thời thập niên 70s nữa. Dường như chưa hài lòng với khả năng chơi nhạc thượng thừa của mình, Rush đã dần đưa thêm phần synth vào âm nhạc của mình thời cuối thập niên 70s đầu thập niên 80s, và quả thực những âm thanh như trong “Tom Sawyer” hay “YYZ” đều đã trở thành kinh điển. Rush đã lột xác và tự làm mới họ với một loạt các album ở thập niên 80s gồm các bài ngắn nhưng vẫn đầy sự phức tạp và những câu chuyện kỳ vĩ.


Moving Pictures dường như sẽ là album thứ hai của Rush mà ai cũng có trên giá đĩa của mình. Tôi vẫn thường xếp 2 album này cạnh nhau ở một góc trang trọng cùng những Dark Side of the Moon của Pink Floyd, Led Zeppelin 2, Master of Puppets của Metallica, Cowboys from Hell của Pantera, Piece of Mind của Iron Maiden, hay Leftoverture của Kansas. Dù rằng ở ngoài kia, có vẻ giới phê bình chưa bao giờ đánh giá Rush ở cùng hàng ngũ của những band nọ.


Tất nhiên có người đổ tại rằng giới phê bình vốn ghét mấy thứ âm nhạc mang bóng dáng metal, hoặc cũng có người cho là Rush thay đổi chính họ nhanh quá theo thời gian. Chỉ có điều chắc chắn, bóng dáng của sự ảnh hưởng của Rush hiện diện trong tất cả các thể loại nhạc, từ những kẻ tiên phong chơi heavy metal như Metallica, tới những hậu duệ chơi pop punk sau này như Blink-182.


Ngay cả Rush cũng không thể ngờ được sức ảnh hưởng của họ, khi họ tới Rio de Janeiro vào năm 2003, và chỉ tính diễn ở đây vài bữa cho đầy tour. Khán giả ở Rio hóa ra thuộc tất cả các bài của Rush và ủng hộ họ nhiệt tình đến mức, họ đã quyết định quay phim lại buổi diễn cuối cùng của họ ở Rio.


Nếu như bạn muốn biết Rush chơi live tuyệt vời như thế nào kể cả khi họ đã lớn tuổi, DVD Rush in Rio có lẽ sẽ là album đại diện thứ 3 cho Rush mà ai cũng có trên giá đĩa của mình.


Có lẽ Rush vẫn luôn một mình chiến đấu trong league của riêng họ. Có thể, họ cũng không đại diện cho ai hay điều gì. Vì đơn giản là không ai làm được như Rush.


Hẹn gặp lại!


Kcid

494 views

Recent Posts

See All
bottom of page