top of page

Mike Shinoda rap về hiện thực

Trong ban nhạc Linkin Park (LP), Mike Shinoda là nhân vật có tầm quan trọng như Chester Bennington. Mike không chỉ tham gia sáng tác và sản xuất nhạc cho LP, anh còn góp vai trò đánh guitar, keyboard, hát phụ trong nhóm.

Nhưng nổi bật nhất ở Mike là những đoạn rap rất đi vào lòng người nhờ cách thể hiện qua chất giọng nam trung ấm áp và lối flow đều đặn theo nhịp điệu. Mike cùng với LP là nghệ sĩ tiên phong trong cách mix vô cùng ấn tượng giữa rap, hát và nhạc rock. Cái tên Hybrid Theory trong đĩa đầu của LP quá hay khi nó phù hợp thể loại nhạc “lai” tài tình giữa câu rap của anh song song với tiếng hát cảm xúc của Chester. Như bài "Runaway", lời rap tuy ngắn nhưng xen giữa tạo khúc chuyển mới lạ tới điệp khúc. Và sáng tạo nhất chính là cách Mike rap một tràng ngay sau câu hát mở đầu ngọt ngào của Chester trong bài "In The End". Tiếng hát lẫn với tiếng rap cùng một nhịp điệu cùng một lời ca là thứ âm nhạc mà Mike mang lại một màu sắc cực đặc trưng cho LP, đến nỗi mà khi nhóm Evanescence ra single “Bring Me To Life”, ai cũng phải liên tưởng tới LP.

Trong nhạc LP, lời rap của Mike tương đối là trừu tượng để phù hợp với chủ đề khá tăm tối của ban nhạc. Điều đó khiến cho các fan của LP chỉ lờ mờ cảm nhận được khả năng rap và âm nhạc của anh.


Cho đến lúc Mike Shinoda cho ra đĩa The Rising Tied dưới cái tên dự án là Fort Minor thì mọi thứ thực sự vỡ oà. Không chỉ các fan của LP, mà những người nghe nhạc đặc biệt là hip hop mới nhìn thấu được tài năng và con người của anh. Ngược lại với cái vỏ bọc của cái tên Fort Minor, chàng trai Mike Shinoda lúc này mới được hé lộ để người nghe được chiêm nghiệm một cách toàn diện nhất. Chúng ta dần hiểu ra được một thế giới thực tại đằng sau con người nghệ sĩ của Mike, những thứ mà nhạc của LP không thể đem đến được do định hướng âm nhạc của nhóm. Nội dung trong The Rising Tied vì thế đầy tự sự và cá nhân, đến mức cá nhân tôi cảm thấy đồng cảm và hiểu anh một cách gần gũi hơn như một người bạn.


Điều đầu tiên về Mike là với bề ngoài nhiều người lầm tưởng là Mỹ Latin, Mike thực ra có một...


...Gốc gác châu Á đầy tự hào


Trong đĩa The Rising Tied, người nghe nắm bắt được gốc gác và hoàn cảnh gia đình của Mike. Ở bài “Kenji”, âm bass trầm đục đối lập với tiếng đàn cao văng vẳng xây dựng một thước phim đen trắng về thời kỳ đen tối của người Nhật sống tại Mỹ, cụ thể chính là ông và cha của Mike phải trải qua sau cái ngày người Nhật tấn công Trân Châu Cảng.


Cả gia đình Mike lúc đó bị bắt vào trại tập trung trong khoảng thời gian rất ngắn mà không được mang theo đồ đạc cá nhân gì ngoài hai cái túi. Bố anh lúc đó mới có 3 tuổi, phải thích nghi với một cuộc sống mới bên trong khu trại của người Nhật luôn nằm trong tầm kiểm soát bằng súng ống của lính Mỹ.


Then they got back to the home

And what they saw made him feel so alone

These people had trashed every room

Smashed in the windows and bashed in the doors

Written on the walls and the floor

"Japs not welcome, anymore!"

And Kenji dropped both of his bags at his sides

And just stood outside

He looked at his wife without words to say

She looked back at him wiping tears away

And said someday, we'll be okay, someday


Sau khi Mỹ kết thúc cuộc chiến tranh với Nhật bằng hai quả bom nguyên tử, thì gia đình anh mới được thả về. Không chỉ mỗi chính phủ Mỹ, mà giờ cả những người dân xung quanh cũng quay ra hắt hủi xua đuổi với người Nhật nhập cư “Japs not welcome anymore”. Gia đình Mike giờ mới bắt đầu trải nghiệm một cuộc sống mới đầy khổ nhục bởi sự kỳ thị phân biệt với người Nhật ở Mỹ. Như Mike chia sẻ, người Nhật như gia đình anh không được mua nhà, bị coi thường ở mọi nơi, công sở, trường học. Bản thân dòng máu lai của Mike vẫn là sự cản trở với anh sau này trong sáng tạo nghệ thuật.


Để có được cái logo chữ Linkin Park như bây giờ cũng là một bước đột phá, vì font chữ Hybrid Theory ban đầu mà Mike đưa ra còn bị hãng đĩa loại bỏ chỉ vì nó “quá châu Á”. Không những thế...


...Hướng đi của Mike đã từng bị gạt bỏ


"The dude, he said that, like when we were making the first Linkin Park record he was like, "Yeah you know, I don't know about the rapping like, I don't know... maybe you should just be a rock band." You know what I mean, like, trying to change us. Like they signed us as an act like what we sound like and then he's like, "Oh I don't know maybe you should just play keyboard"..."


Trong đoạn lời thoại đầu của bài “Get Me Gone”, không biết Mike ám chỉ đến ai. Chỉ biết lời đồn là một hay hai ông nào đó trong ban lãnh đạo của hãng đĩa Warner Bros ban đầu không hiểu LP định đi theo đường hướng gì chỉ vì cái công thức nhạc có vẻ như rock không ra rock, rap không ra rap đó. Lời khuyên của mấy tay đó với Mike là anh đừng phá đám bằng việc chen câu rap nữa mà tập trung đánh keyboard như một ban nhạc rock trẻ thời đó vẫn hay chơi.


"My band had a singer", "They didn't need me" But my band had my back, so we did the tracks Put out the album and the talk went flat It was funny at first, but then the humor faded When some magazines printed that our label made us We were too good to be true Some were saying ghostwriters were writing all that we do So we had to disprove it, we spelled it out To the detail, how we do it when we're making this music


May thay là sự quyết tâm của Mike và sự đồng lòng của cả ban nhạc LP mà người hâm mộ mới được thưởng thức âm nhạc của một phong cách Nu Metal mới. Phải nói là tầm nhìn của LP rất đúng đắn khi họ cân bằng được cái “phá cách” của Nu Metal và sự “cool” của Hip Hop và chính Mike là chất xúc tác gắn kết hai yếu tố đó. Oái ăm là như đoạn lời trên có nói, khi LP trở nên thành công rồi thì lại bị đồn thổi là mọi sản phẩm âm nhạc của LP đều do hãng đĩa tạo nên. Thế nhưng những kẻ ghen ghét đó không biết rằng Mike và ban nhạc có được...


...Thành công nhờ sự cố gắng bền bỉ


Với dự án riêng Fort Minor này, Mike vì thế có cơ hội chứng tỏ sự đa tài của bản thân hơn. Trong đoạn verse thứ 6 của bài “Remember The Name”, Mike có rap như sau:


Forget Mike, nobody really knows how or why he works so hard

It seems like he's never got time

Because he writes every note and he writes every line

And I've seen him at work, when that light goes on in his mind

It's like a design is written in his head, every time

Before he even touches a key or speaks in a rhyme


Album The Rising Tied là sản phẩm của sự chín muồi với Mike nâng tầm sự sáng tạo nghệ thuật lên hết khả năng của bản thân. Anh tự viết từng nốt nhạc , từ các câu hát trong đoạn hook, đánh các nhạc cụ và viết lời ca và lời rap, ngoại trừ phần giàn nhạc strings và lời rap của các khách mời tham gia. Nhờ vậy, chúng ta mới có một đoạn hook thực sự cuốn đúng nghĩa:


This is ten percent luck

Twenty percent skill

Fifteen percent concentrated power of will

Five percent pleasure

Fifty percent pain

And a hundred percent reason to remember the name


Chỉ có 10% may mắn, 20% kỹ năng, 15% khả năng tập trung ý chí, 5% cảm giác hưng phấn nhưng đến 50% là khổ cực, để cuối cùng có được 100% lý do cho mọi người phải nhớ đến tên Mike Shinoda.


Nhờ dự án solo này của Mike, mọi nghi ngờ về việc hãng đĩa đi thuê người sáng tác nhạc và sản xuất nhạc để tạo ra một “ban nhạc được tạo dựng” đều bị dẹp bỏ. Len lỏi bên trong sự đa tài đó,...


...Mike vẫn luôn có xuất phát điểm là một rapper


Let me tell you where I'm at with this

You bastards are gonna have to take back that shit

I'm not plastic and fake

When I make tracks I take facts and lay them out for the masses

You assholes are gonna see soon that I'm not playing


Trong bài “High Road” là lời phản bác lại những kẻ ghen ghét nghi ngờ về Mike. Cái cách Mike “diss” lại chúng vừa mang đúng một phong cách rapper truyền thống qua lối diễn đạt thẳng thừng và đầy cao ngạo như “I'm taking the high road going above you” trong điệp khúc. Hơn cả thế là Mike không cần dùng từ chửi thề nhưng vẫn tạo được lời lẽ sắc bén và dễ hiểu.

Anh từng tâm sự việc tham gia vào giới Hip Hop với anh như kẻ bước vào từ cửa hậu. Với ước mơ từ thời niên thiếu được trở thành rapper chịu ảnh hưởng của thần tượng Ice TN.W.A, khi tham gia LP, Mike mới mượn công cụ nhạc Rock đó để rap trên đó. Cảm giác như anh lúc đó còn ngại ngùng nên dùng tiếng ồn của nhạc Rock để át đi lời rap của mình phần nào. Thế nên cho đến khi ghi âm cho album The Rising Tied này Mike đã đủ tự tin cho mọi người mổ xẻ khả năng của mình.


You really must be so lonely

Puffed up, like you're tough, but so phony

You and your boys, you don't know me

You really wanna hold me? Show me. Homie.

Tough talk doesn't mean a thing

Get over yourself, you know when we're up in the scene

Its Machine Shop rockin when we stepped inside

And we got everybody so petrified


Đoạn lời trong bài “Petrified” trên nền beat thô ráp khác hẳn các bản người nghe từng biết tới một Mike Shinoda của LP. Đây chính là Mike với vai trò rapper thực thụ có thể sánh ngang ngửa với những kẻ rapper chuyên sâu khác trong nghề và thậm chí khiến người khác phải khiếp sợ. Mike đáng sợ thật, không phải bởi mấy kỹ thuật trong nhạc rap mà cái chính là Mike...


...Không giấu diếm cảm xúc


Everyone exaggerates a tiny little bit

Make that shit sound more gangster than it really is

You can't appear weak man, we wanna hear street

We wanna hear you spit your thug over this here beat

Don't take it as sarcastic, I can't get enough

I'm telling you, you can call my bluff, if it's not ruff

Then I don't really need it, I'm not even ashamed

I got too much reality that's filling up my brain

So sell me on that product, I'm addicted to the game

Suck it up like a cigarette, light it up man


Mike rất khôn khéo dùng hình ảnh ẩn dụ của điếu thuốc so sánh với nhạc Hip Hop. Với cái nhìn của một kẻ “chân trong chân ngoài” như anh, Mike nhận thấy nhạc Hip Hop thường hay “được” làm quá lên, nghe tỏ vẻ nguy hiểm và cool hơn, một hình ảnh rất giống với cảm giác hút những điếu thuốc lá. Nhưng như Mike tâm sự trong lời bài “Cigarettes” ở trên, anh không cảm thấy hổ thẹn khi thú nhận rằng cuộc đời anh có đầy “hiện thực” để anh có thể dãi bày trong những lời rap.


Âu có điều là không một ai ngờ Mike phải trải qua một “hiện thực” đầy bi kịch bởi...


...Cái chết của Chester Bennington


There's no way that I'll be ready to get back up on that stage

Can't remember if I've cancelled any show

But I think about what I'm supposed to do and I don't know

'Cause I think about not doing it the same way as before

And it makes me wanna puke my fucking guts out on the floor

We rehearsed it for a month, I'm not worried about the set

I get tackled by the grief at times that I would least expect


Khi tôi nghe tin Chester chết, không hiểu sao tôi chỉ thấy sốc và buồn khô khan. Nhưng khi tôi nghe Mike trút những lời ruột gan trong bài “Over Again” ra, tôi tự dưng lại muốn khóc. Người ta tiếc thương kẻ đã mất nhưng sự đau đớn lớn nhất lại ở lại với những người thân xung quanh. Cảm xúc đau đớn thật và chân thành của Mike mới cho thấy sự mất mát đó lớn đến dường nào. Tất cả chỉ bởi vì đôi lúc anh không chỉ nói lời vĩnh biệt một lần, mà phải lặp đi lặp lại câu nói đó khi hình ảnh của người bạn thân trong nhóm vẫn thỉnh thoảng hiện về.


Sometimes, sometimes you don't say goodbye once

You say goodbye over and over and over again

Over and over and over again


Trong album Post Traumatic, Mike thể hiện đủ cung bậc cảm xúc của kẻ phải vượt qua nỗi đau mất mát, dù anh cũng đã dần lấy lại sự cân bằng. Khi nghe bài “Over Again”, tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng hát cao vút đằng sau của Chester, hay đó là giọng hát của Mike thì tôi không biết. Nhưng tôi tin rằng người nghe nhạc khi nhìn hình ảnh Mike trên sân khấu, họ vẫn thấy được bóng dáng linh hồn của Chester và ban nhạc LP.


Trước khi Mike phát hành bài “Over Again” cũng như album Post Traumatic, tôi vẫn luôn hướng xem “anh bạn” Mike giờ ra sao sau bi kịch mất đi người bạn. Và đúng là những chia sẻ giãi bày đầy chân thành của Mike vẫn là điều khiến anh là một người nghệ sĩ thật gần gũi. Đến giờ thì tôi hiểu rằng tất cả bởi vì…


...Mike không phải một rapper truyền thống


Khi nghe nhạc của LP, có người phê phán là lời rap của Mike có phần nhạt nhẽo và không sâu sắc. Như trích đoạn trong lời “Remember The Name”, anh không bận tâm và tỏ thái độ “fuck ‘em”/ “kệ mẹ chúng nó”.


Không giống những rapper khác, câu chuyện của Mike nó khác lạ và đời thường hơn nhiều.


Đó có thể là câu chuyện đầy cảm xúc với góc nhìn của những người thân trong gia đình của các nghệ sĩ theo đuổi sự nghiệp âm nhạc trong bài “Where’d You Go”. Mấy ai đã từng ngồi lại, đặt bản thân mình vào vị trí của người ở nhà, ngóng trông theo các cuộc lưu diễn kéo dài đằng đẵng của giới nghệ sĩ.


I don't understand why you have to always be gone

I get along but the trips always feel so long

And, I find myself tryna stay by the phone

'Cause your voice always helps me when I feel so alone”

“So, I want you to know it's a little fucked up

That I'm stuck here waitin', at times debatin'

Tellin' you that I've had it with you and your career

Me and the rest of the family here singing "Where'd you go?"


Một lời tự sự, hay đúng hơn là thấu hiểu của Mike với người thân của anh về chính công việc mà anh đang theo đuổi. Sự cảm thông của họ sẽ dần mất đi mà thay vào đó là dấu chấm hết cho một mối quan hệ gia đình.


Câu chuyện của Mike còn có thể là về một cái nhìn thực tế về cuộc sống, rằng nhiều khi hy sinh vì người khác chưa chắc đã là việc nên làm. Nghe có vẻ giống kẻ hèn nhát nhưng đôi lúc việc trốn tránh lại là cần thiết như bài “Slip Out The Back”.


Slip out the back before they know you were there

And at the worst you'll see nobody cares

Cause you don't wanna be around when it all goes down

Even heroes know when to be scared


Nói một cách khác, trong cuộc sống bạn không thể chiến thắng tất cả mọi thứ, và như cả những anh hùng thực sự họ cũng biết nên lúc nào phải rút lui.


Với các rapper khác, đa phần xe cộ, tiền bạc, danh vọng, hoặc cái tôi là chủ đề chính làm nên con người nghệ sĩ của họ. Còn với Mike, những câu chuyện chân thực nhất về cuộc đời anh làm nên con người nghệ sĩ của một Mike Shinoda.


Hẹn gặp lại!

Kunt

1,079 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page