top of page

Ồn ào như Pixies

Updated: Feb 18, 2021


Kurt Cobain từng thừa nhận trong bài phỏng vấn với tạp chí Rolling Stone rằng khi anh sáng tác bài “Smells Like Teen Spirit”, anh cố tình bê nguyên công thức nhạc của ban nhạc Pixies. Kurt bị ám ảnh bởi âm nhạc Pixies đến mức anh mơ tưởng việc được đánh trong band đó hay lập riêng một nhóm chuyên đi đánh cover lại nhạc của Pixies.

Nhưng cái mà Kurt Cobain đã copy của Pixies là gì? Đó chính là những mảng màu âm thanh tương phản: “tĩnh lặng ở phần verse chỉ với giọng hát của Kurt và hai nốt guitar gảy ở đầu khuông nhạc” > VS < “ầm ĩ của tiếng gào thét, tiếng guitar riff phơ dày đặc cùng những cú nện trống như búa bổ ở điệp khúc” trong bài “Smells Like Teen Spirit”.

Nhưng đấy mới chỉ là lời miêu tả ngắn gọn về âm nhạc mà Pixies tạo ra. Sức ảnh hưởng của nó thực tế còn lớn hơn thế nhiều. Âm nhạc của Pixies khác nhiều với nhạc Rock thời bấy giờ. Hair Metal thì thừa mứa, Punk lại bắt đầu nhàm tai. Sự mới lạ trong cách kết hợp của nhạc Punk/Hardcore cùng Surf Pop tạo tiền đề cho các ban nhạc như Nirvana hay Radiohead, mở những cảnh cửa chưa ai khám phá mà đến tượng đài David Bowie cũng phải ngả mũ.

Có điều, dù cho âm nhạc của Pixies là mớ tiếng ồn hoa mỹ, nó lại là thứ ngôn ngữ duy nhất để các thành viên trong ban nhạc gắn kết trao đổi với nhau, trái ngược với sự thất bại thảm hại trong giao tiếp đời thường giữa họ. Có những bức xúc, căng thẳng mà mỗi người trong nhóm đều nhìn thấy rõ mười mươi, nhưng họ đều tìm cách lảng tránh, thứ dẫn đến đổ vỡ không thể tránh khỏi của Pixies bất chấp những thành công ở thời kỳ đầu đỉnh cao.

Pixies khởi nguồn từ hai thành viên là Black Francis (tên thật là Charles Thompson IV) - hát chính và rhythm guitar, và Joey Santiago - lead guitar. Black và Joey mới đăng quảng cáo tìm người chơi bass với điều kiện rất quái đản: “là con gái, có thể hát bè và thích nghe nhóm nhạc folk Peter, Paul And Mary và ban nhạc alternative rock Hüsker Dü. Lời đồn là hai ông này tính chuyện kiếm đồng nghiệp nữ chơi nhạc Rock cùng để xem có “lếu lều” được không. Nhưng cuối cùng có duy nhất một người nộp đơn. Đó là Kim Deal. Chỉ tội là cô này đã có chồng, chỉ biết chơi guitar mà chưa gảy đàn bass bao giờ, và đến cây đàn bass còn chưa có một con. Không sao hết. Black và Joey vẫn đồng ý nhận Kim vì gu âm nhạc dị đó. Kẻ cuối cùng là tay trống - David Lovering, được chồng của Kim giới thiệu vì từng làm việc chung.

Bộ tứ lần lượt tung ra bản EP Come On Pilgrim (1987), Surfa Rosa (1988) rồi Doolittle (1989) đều thành công và được giới phê bình đánh giá cực cao vì âm thanh khác người của nhóm.



Nói thật cái nhạc mà Black Francis nung nấu trong đầu thực ra sẽ chỉ như một mớ hỗn độn nếu chỉ đọc trên bản nhạc. Điều kỳ diệu là những âm thanh khác nhau của mỗi thành viên mang tới đều có cá tính riêng biệt, đặt riêng ra có vẻ không ăn nhập, mà hợp lại thì thành một thứ hay ho ra trò.

Sự tương phản giữa tĩnh lặng và ồn ào mà Kurt Cobain từng bị ám ảnh bởi nhạc Pixies chỉ là một phần, thể hiện qua một số ca khúc. Nhưng nếu nhìn tổng thể, tiếng ồn của Pixies thực ra được tôn lên bởi mấy yếu tố độc đáo của riêng họ thời kỳ đó.


1. Sự “khó chịu” đến từ “số lẻ”

Tiếng ồn nếu có quy luật thì sẽ thành âm nhạc. Ví dụ như nhịp điệu đều đặn tiếng trống lại thành âm nhạc.

Tuy vậy ranh giới giữa tiếng ồn và âm nhạc của Pixies rất mỏng manh vì thứ nhịp điệu không đều đặn theo quy luật.

Ở âm nhạc hiện đại, nhịp 4/4 là con số an toàn vì nó dễ nắm bắt. Kể cả ở các nhịp khác như 6/8 khi đánh đều cả bài vẫn tạo thành khuôn mẫu cho tai người nghe nhạc bắt được quy luật trong tiềm thức.


Trong phần trống, cách chơi của David Lovering gây ấn tượng mạnh nhờ những cú nện chắc tay, những đoạn fill dồn trống thông minh và cách anh lướt trên cymbal và dùng trống tom mang không khí hừng hực dồn dập. Nhịp điệu của David vì thế không chạy đều tăm tắp. Anh múa dùi trống biến đổi liên tục. Chính thế nên số chỉ nhịp (time signature) trong nhạc Pixies rất phức tạp. Đa phần các bài của Pixies không chạy theo nhịp 4/4 phổ biến hay 6/8 xuyên suốt cả bài.

Lấy album thứ hai Doolittle làm ví dụ. Mở đầu bài “Dead” là tiếng trống dồn dập phừng phực, với những khúc nhịp 6/4. Hoặc như đoạn cuối bài “No 13 Baby”, David chơi mấy khuông trên 4/4 rồi chèn ngay một khuông 2/4 vào tạo cảm giác tốc độ cả bài như bị níu chậm lại.



Về phần mình, Black Francis - bộ não đằng sau sự sáng tạo quái đản nhưng hay đến không ngờ ở nhạc Pixies tiếp tục cố ý đi ngược lại tất cả những gì gọi là truyền thống. Ghét bỏ các con số chẵn để tạo ra một bài nhạc tròn trịa, Black xây dựng cấu trúc bài theo số khuông nhạc lẻ gây hụt hẫng. Ở âm nhạc hiện đại, thường số khuông nhạc ở phần verse rồi phần điệp khúc sẽ là số chẵn, tạo cảm giác được trọn vẹn, nhưng với Pixies, công thức đó cũng không quan trọng. Ở bài “Tame”, đoạn điệp khúc có mỗi 3 khuông nhạc làm cho đoạn chuyển nhạc sau đó bị cắt rụp, như kiểu đang đi bị bước hụt chân vậy. Còn với bài “Silver” có một không khí cực chill, cứ nhẩm đếm 7 lần là hết một vòng tuần hoàn.

Ghét cách đổi hợp âm đều đặn vào chính nhịp đầu hoặc nhịp thứ ba dễ đoán, Black có thể đưa 3 hoặc 5 hợp âm trên 2 khuông nhạc hoặc 7 hợp âm trên 4 khuông nhạc, như trường hợp bài “Debaser” hoặc “Monkey Gone To Heaven” để làm sao có những lần chuyển hợp âm, nó rơi vào nhịp phụ, rất khó nắm bắt nếu chơi nhạc không quen.


2. Sự “khó chịu” của các nốt nhạc “ngẫu nhiên”

Tiếng đàn chơi các nốt không có quy luật có thể trở thành tiếng ồn.

Do đó phần nhạc của Pixies nghe qua có vẻ quá ngẫu nhiên để trở thành âm nhạc.


Với Joey Santiago, anh tránh đi theo dải thang âm nhạc Blues dễ đoán và né lối chơi guitar solo cliché của nhạc Rock. Thời đó mà khi mới nghe qua loa nhạc của Pixies sẽ dễ nhầm lẫn là Joey chơi guitar sai be bét. Mà về nhạc lý, anh có khi đánh trái luật thật. Nhưng với đôi tai tìm những âm thanh quái lạ, anh chủ ý phá vỡ luôn quy tắc đó, theo đúng tinh thần làm nhạc của Black Francis.

Lấy album đầu tay Surfer Rosa làm ví dụ. Đây cũng là album thuộc diện ồn ào nhất nhóm trước lúc âm thanh tinh gọn xuất hiện tại Doolittle.

Trong bài “Break My Body”, khúc giữa là câu solo ngắn, không tốc độ gì cả, chỉ những nốt đơn giản nhưng Joey đánh tiếng thô kệch, lệch tông nghe ngang phè phè.

Bài “Vamos (Surfer Rosa)” là màn trình diễn của Joey đánh những câu solo bẩn bựa như tiếng cưa máy song hành với tiếng gào thét của Black phá nát dọc ngang bài hát. Những cú bend nhấn dây cuối bài như thể đang chọc ngoáy lỗ tai người nghe.



Về phía Black Francis, lời hát của anh thì kinh thôi rồi. Nào là “I'm the horny loser / You'll find me crashing through my mother's door / I am the ugly lover /You'll find us rolling on the dirty floor” hay “Slicing up eyeballs, I want you to know” hoặc “We're apin' rapin' tapin' catharsis / You get torn down and I get erected / My blood is working but my, my heart is... / Dead!”. Chủ đề toàn về thứ nhạy cảm như dâm đãng, loạn luân, dị hình dị dạng, ... nên không tiện đưa ra phân tích ở đây.

Nhưng mà cách thể hiện giai điệu bài hát của Black thì cũng không bình thường chút nào. Lối hát biến đổi lúc lạc giọng, lúc gào rát cổ.

Lấy album thứ ba Bossanova ra làm ví dụ. Bài “Rock Music” chả hiểu Black hát lời mô tê gì vì tiếng khàn đặc sệt. Bài “Ana” như bản ballad hiếm hoi của nhóm, Black vì thế hát giọng thều thào cả bài. Trong công thức nhạc của Black, các bản nhạc của Pixies đa phần có thời lượng rất ngắn, đa số chỉ quanh quanh 2 phút. Do đó mọi thứ đều đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo. Cách hát của anh do đó cũng vậy, không màu mè.


Không vì thế cả ban lại chơi nhạc như đang phá đám nhau. Đôi lúc sự phá cách đó hòa hợp đến không ngờ với tiếng gào của Black, như trong bài “River Euphrates”, hay vô cùng. Hoặc giống bài “Tony’s Theme”, dưới tổ hợp của mọi âm thanh gào thét đến từ Black và Kim Deal, Joey có điều kiện thử nghiệm đủ mọi effect trong tiếng đàn của mình, đúc thành bữa tiệc tiếng ồn đầy hoa mỹ.

Nói đến âm sắc, nếu như Black có công sáng tác những bài nhạc khác biệt thì Joey là người góp công lớn đưa âm sắc trong nhạc Pixies sang một cảnh giới khác hẳn. Nó cũng là yếu tố giúp Pixies có được sức ảnh hưởng mạnh mẽ với các ban nhạc Rock thế hệ sau, những kẻ muốn nổi loạn phá cách. Và quan trọng là vì thế “tiếng ồn” của Pixies lại vẫn rất “âm nhạc” theo cách riêng.

3. Sự “dễ chịu” của nhân tố cân bằng - Kim Deal

Thực tế là nhạc của Pixies hoàn mỹ không phải nhờ sự hỗn loạn, mà là ở sự cân bằng tạo ra bởi Kim. Trong một ban nhạc có đến 3 ông đực rựa, sự xuất hiện của 1 bóng hồng là điều cần thiết, đặc biệt cho thứ âm nhạc này. Cái thần thái cool qua cách Kim ôm cây đàn bass bước lên micro mỗi lần hát bè chung với Black lại kéo hết sự chú ý tới nhân vật đáng nhẽ chỉ là phụ trong nhóm.

Tiếng đàn của cô cũng là thứ gắn kết tất cả các nhạc cụ âm thanh còn lại của 3 ông kia. Giữa một mớ hỗn loạn về âm nhạc và nhịp điệu, Kim chỉ cặm cụi chơi những nốt bass móc đơn đều đặn, giữ nhịp. Từ thói quen chơi guitar trước đó, cô chơi bass bằng miếng pick gảy, giúp cô chủ động căn giữ nhịp vô cùng chính xác. Không màu mè với kỹ thuật gì, không có những câu đàn fill ở những khúc chuyển, Kim chỉ chơi đúng nhịp điệu cô định ra cho bài nhạc.

Cô cũng chẳng màng tới việc đánh tiếng nhỏ tiếng to giữa những đoạn khác nhau về âm lượng. Với quan niệm của cô, đàn bass một là chơi cho ra tiếng, hoặc không gảy dây nào cả. Qua đó, những dây đàn bass dày cộp như những sợi dây thừng vững chắc được Kim bện tất cả các âm thanh còn lại thành một.


Trái ngược với tiếng bass trầm ấm, giọng nữ trong trẻo khi Kim hát bè làm các ca khúc của Pixies trở nên sáng hơn. Rõ nét nhất chính là đĩa đầu tay Surfer Rosa khi người nghe phải dỏng tai chú ý đến nhạc của họ mỗi lần Kim cất tiếng hát. Giọng cô làm mềm tiếng bài “Bone Machine”, lướt trên cao ở “Break My Body”, thổi hồn âm khí ma quái vào “Where Is My Mind?”.


Vì thế không ngoa khi nói giọng hát của Kim Deal chính là sức hút ban đầu kéo người nghe nhạc để ý tới Pixies, khiến họ dần chấp nhận một thứ âm nhạc kỳ lạ, và dần dà ngấm được các âm thanh hỗn độn được tạo nên bởi mấy anh trai còn lại.

Chỉ có điều, ngoài đời cô lại không phải là nhân tố gắn kết mọi người lại với nhau. Là người phụ nữ cá tính, Kim muốn được thể hiện quan điểm, được đóng góp cho ban nhạc những bài do cô sáng tác. Nhưng Black từ chối, phần vì ghen tị vì sức hút đặc biệt của thành viên nữ duy nhất trong nhóm với đám khán giả dù Black mới là người sáng tác, hát chính và thủ lĩnh của nhóm, phần nhiều vì nhận thấy âm nhạc trong các bài của Kim không phù hợp cho Pixies. Về phía Kim, sự áp đặt trong định hướng âm nhạc của Black khiến cô cảm thấy bực bội.

Kết quả là ngay từ những năm đầu sự nghiệp, căng thẳng giữa các thành viên đã ngày một đẩy lên cao, đặc biệt sau những lịch diễn dày đặc. Đến mức có lần Black ném cả cái đàn guitar vào người Kim. Thế mà trong nhóm không một ai từng mở mồm để nói ra những mâu thuẫn đó cho ra nhẽ. Cả hội đều lảng tránh. Và rồi dù sau khi phát hành thêm hai album Bossanova (1990)Trompe le Monde (1991) đều được khen hết lời, Black Francis vẫn đưa ra quyết định tan rã nhóm Pixies ngay tại buổi phỏng vấn trên đài trước sự con mắt trợn tròn của chính 3 thành viên còn lại. Lời tuyên bố sau đó được ghi lại dưới dạng văn bản rồi fax cho cả nhóm.

Tất cả chỉ vì thứ ngôn ngữ con người mà cả 4 thành viên dùng chung không đủ cho họ giao tiếp với nhau như những kẻ trưởng thành. Cuối cùng Pixies chỉ có thể vận hành như một thể thống nhất trong âm nhạc nhưng rời rạc trong tính cách trong khoảng thời gian 7 năm ngắn ngủi. Sau này họ có tái hợp được một thời gian nhưng rồi Kim Deal lại là người lặng lẽ rời khỏi nhóm cũng vì những mâu thuẫn không thể giải quyết. Họ có thể hiểu nhau qua tiếng ồn trong âm nhạc nhưng chưa bao giờ có thể gắn kết qua im lặng ngoài đời thực.


“What we’ve got here is failure to communicate” - Cool Hand Luke 1967


Hẹn gặp lại!


Kink

770 views
bottom of page