top of page

Rihanna: Giọng phổ thông hay vùng miền?

Mãi đến khi nghe bài “Diamonds” tôi mới bắt đầu thích Rihanna. Tôi nghĩ cũng chẳng phải do chủ ý tìm nghe, mà phải sau khi bị “cưỡng ép” nghe ca khúc này vài lần khi vợ tôi bật trên chiếc loa phát ra từ con laptop cùi, và thêm cú chốt hạ khi nghe hết những “tinh hoa của viên kim cương” qua một bộ loa tử tế hơn, đặc biệt ở màn luyến láy của cô trong 30 giây cuối bài, thì tôi mới thấy ngấm cái sự hay ho trong nhạc và giọng hát của cô ca sĩ này.

Nghe thiên hạ đồn phần lời của bài "Diamonds" này được Sia sáng tác trong đúng vỏn vẹn 15 phút. Quá ấn tượng với giai điệu và cách thể hiện của Sia qua bản demo nháp, Rihanna đã hát lại theo đúng tinh thần bản “nháp” này từ cách nhấn nhá cho đến nhả âm nhả chữ. Chữ “bright” trong cụm từ “shining bright” được vuốt lên ở cuối, nghe hơi “chói” như ý nghĩa tượng hình cho viên kim cương, là ví dụ của việc Rihanna bắt chước theo cách hát của Sia - một người Úc với cách nói tiếng Anh thường hay lên giọng ở cuối. Nhưng không phải thế mà bảo Rihanna "copy paste" lại lối hát của Sia - đặc trưng của cô vẫn có trong cách thay đổi giọng điệu liên tục, lúc thì hơi gằn giọng, lúc thì nhẹ như thở ra. Kể cả câu “At first sight, I felt the energy of sun rays” trong đoạn Pre-Chorus được Rihanna bồi thêm nguyên âm sau từ “rays” như cách Sia hát, nhưng thay vì âm “eɪ”, cô bồi âm thành “reh-heɪ” bè tiếng theo một cách rất "Ri".


Rihanna tên thật là Robyn Rihanna Fenty, sinh ra ở Barbados, một đảo quốc độc lập ở gần vùng biển Caribe. Tham gia một nhóm nhạc nữ sinh cùng hai cô nữa, Ri cuối cùng lại may mắn là người được Evan Rogers - một nhà sản xuất nhạc để mắt mời riêng sang Mỹ, dù buổi audition đó là do một cô gái khác trong nhóm sắp đặt với mong muốn nhóm tam ca của họ có được hợp đồng ghi âm. Ở tuổi mới 16, Ri mới đặt chân đến đất Mỹ và sau đó được Jay Z ký hợp đồng với Def Jam ngay sau 2 phút thể hiện. Tại quê nhà Barbados, những người ghen ghét bảo nhau cô hẳn phải “thổi kèn” cho Jay Z thì mới phất nhanh lên thế được chứ. Họ không thể tưởng tượng được rằng, ngoài ngoại hình ra thì chất giọng "đặc biệt" với nguồn gốc Caribe của Ri mới là điểm mạnh để cô làm bàn đạp cho sự nghiệp âm nhạc cùa mình. Đây nói về cách phát âm tiếng Anh đặc trưng của Rihanna khi hát.


Nếu như các bạn để ý, với một thị trường âm nhạc lớn như nước Mỹ, có rất nhiều ca sĩ hát một giọng điệu accent tương đồng nhau đến mức người ta coi đó là một accent phổ cập chung, và bỗng quên mất rằng thứ giọng "phổ thông" đó chịu ảnh hưởng từ thứ giọng Anh Mỹ. Điển hình là nhiều nghệ sĩ đến từ Anh Quốc như Bono của U2 hay Adele có giọng hát khác xa lúc họ nói chuyện hoặc phát biểu. Ngoài việc hát bằng âm điệu “lai” với giọng Mỹ sẽ giúp người nghe ở thị trường Mỹ - một thị trường quá lớn để có thể bỏ qua, hiểu các nghệ sĩ UK hát gì và bài hát của họ cũng trở nên “gần gũi” hơn - thì chính việc hát các âm điệu kéo dài trong khi ngân nga cũng khiến họ dễ đánh mất accent gốc của mình. Chính thế ta sẽ phải vểnh tai ngay khi bắt gặp một người nghệ sĩ hát bằng giọng bản địa của họ. Một ví dụ hiển nhiên là những rapper đến từ UK như Stormzy rap những lời đặc sệt màu Anh Quốc nghe rất “khác bọt” với các rapper ở Mỹ. Hoặc như anh Alex Turner của Arctic Monkeys cố tình hát bằng giọng của vùng Sheffield trong hai album đầu tay của nhóm, tạo ra âm sắc bỗng dưng rất “quyến rũ”.

Trong vô vàn các nghệ sĩ ngoài kia mà rất nhiều người đã vô tình hay cố ý bị trộn lẫn phong cách của nhau, sự khác biệt trong giọng điệu, hay nói một cách khác, hát bằng giọng địa phương thay vì giọng phổ thông đôi khi lại là một ưu điểm để bán đĩa, như trường hợp của Sean Paul hay Damian Marley - người từng cướp hết sóng khi song ca cùng Bruno Mars trong “Liquor Store Blues”. Không ngạc nhiên khi Rihanna cũng không ít lần khéo pha trộn giọng địa phương vùng biển Caribe gợi tình nắng cực vào cách hát của cô. Có lẽ nhờ vậy Rihanna đã dần thoát ra được sự so sánh với đàn chị Beyonce - sự so sánh không thể tránh khỏi từ những ngày đầu cô ra mắt. Mặc dù vậy, chiêu này của Rihanna cũng phải chờ đến thời điểm thích hợp. Trước mắt cứ phải hát giọng Mỹ "chuẩn" cái đã.


Thì đó, bản hit dancepop đầu tiên “Pon De Replay” của Rihanna kể ra cũng có những nét nghe giống chị Bey đang hát thật. Nếu album đầu tiên đó không có những bài theo phong cách Reggae xứ Caribe như “Here I Go Again” hay “You Don’t Love Me (No, No, No)”, thì chắc Rihanna cũng không có gì mới lạ so với những nghệ sĩ da màu đã thành công ở Mỹ. Còn nữa, giọng hát của Ri lúc ấy mỏng và không có nội lực do thiếu trường lớp đào tạo chuyên nghiệp trước đó, nên cô gái trẻ này không có màn trình diễn vocal nào đáng ghi nhận trong giai đoạn đầu. Và rồi thời kỳ này cô còn bị hãng đĩa ép phải giấu giọng vùng miền Barbados, nên cả những bài mang phong cách Reggae kia vẫn được hát theo cách rất Mỹ.


Chỉ đến lúc Ri bắt đầu lột xác trong album Good Girl Gone Bad (2007), ngoài hình ảnh táo bạo, các ca khúc được lựa chọn cũng chuẩn hơn, giọng hát của cô được đào tạo kỹ lưỡng hơn, và quan trọng là Ri được xoã hơn trong cách hát bằng sự đan xen giữa accent Anh Mỹ và chất giọng quê hương của cô.

Đây nhé, trong bản hit “Umbrella”, được sáng tác ban đầu cho Britney Spears, và sau này suýt vào tay Mary J. Blige, thật khó tưởng tượng hai cô này có thể làm nên câu hát đầy dấu ấn như cách Rihanna hát ở đoạn “Under my umbrella, ella, ella, eh, eh, eh”. Chỉ riêng cách lặp đi lặp lại câu “ella, ella, eh, eh, eh” theo cách ê a, đặc trưng phát âm bè tiếng của Rihanna nghe thô sơ nhưng gợi cảm đến rợn người mà không hề có ca sĩ nữ nổi tiếng nào ngày đó hát giống vậy. Và nhờ chính cách hát "độc và lạ" của ca khúc đó, nhạc sĩ Christopher Stewart mới thở phào rằng bài hát đã tìm đúng chủ nhân của nó. Dù rằng Ri dùng phần lớn giọng Mỹ để hát ca khúc “Umbrella” này, cuối cùng chính chất liệu vùng miền trong giọng điệu của cô lại góp công lớn cho sự thành công của single này.


Trong bản nhạc sàn “Don’t Stop The Music”, dù không thể đưa accent địa phương vào kiểu hát cho thứ nhạc Dance rộn ràng, đổi lại, ca khúc của Ri lại có không khí vùng đất châu Phi qua phần hát đệm “Mama-say, mama-sa, ma-ma-ko-ssa” đến từ Cameroon (mượn từ phần lời đã chỉnh sửa của nhạc sĩ Manu DibangoMichael Jackson đã từng đưa vào bài “Wanna Be Startin’ Somethin’” trong album Thriller trước đây). Tuy nhiên ngay khi âm nhạc của Ri nghiêng về màu sắc lạ, chẳng hạn như “Lemme Get That” với boom-bap beat là cô đưa đẩy những khoảnh khắc rất khác thứ Anh Mỹ thường nghe, như cách cô phát âm từ “yours” trong câu “Why spend mine when I could spend yours?”.

Dĩ nhiên Rihanna có một giọng hát hay, mà tôi kết hơn là nghe Beyonce, đặc biệt khi Ri hát ở dải âm trung, bởi nó ngọt ngào khi giọng cô được đầy đặn nhất. Nhưng cái lạ trong chất giọng này lại là kiểu hát đầy cuốn hút bởi những lúc Ri gằn giọng và phát âm bẹt tiếng, kéo dài, hoặc nuốt âm, nhờ đó chúng lại trở thành điểm sexy qua giọng điệu quê hương của Ri. Trong album Rated R (2009) và Loud (2010), những ca khúc ballad như “Stupid In Love”, “Russian Roulette” và “California King Bed” hoặc cả nhạc sàn như “S&M”, “Only Girl (In The World)” điểm xuyết những đoạn nhấn nhá này, khiến cho chúng càng quyến rũ.

Chính thế mà sau khi dập tắt mọi sự so sánh với Beyonce, Rihanna bỗng dưng trở thành một giọng ca độc đáo, được ca tụng có sức ảnh hưởng lớn tới nhiều ca sĩ khác, như Maggie Lindemann, Era Istrefi hay Zara Larsson, những người vô tình hoặc chủ ý có giọng hát rất giống với Ri; hoặc Camila Cabello (bài "Havana"), Taylor Swift (bài "Wonderland"), hay Charli XCX (bài "Beg For You"), và cả chính Sia (bài "Chandelier"), những nghệ sĩ đôi lúc có những khoảnh khắc xử lý các khúc ê a kéo dài giọng theo phong cách rất Ri; và chưa kể tới các bản Dance Pop nhạc sàn được chơi tại các khu night club mà giọng ca nữ trong đó nghe đều na ná "Don't Stop The Music" và "Only Girl (In The World)" của Ri. Dần dà kiểu hát của Rihanna bỗng như thể là một chuẩn mực mới cho cách thể hiện bài hát có phong cách hơn. Thế rồi khi cái gì mà hay bị copy nhiều quá thì nó không còn là phong cách nữa, dẫn đến Ri lại phải tiếp tục tìm các lối thể hiện bài hát mới lạ hơn sau đó.


Kết quả là Rihanna lột xác thêm một lần nữa, và lần này thành một Rihanna đa màu sắc nhưng cũng lại trở về nguyên sơ hơn trong ANTI (2016). Trong album này, giọng cô biến đổi không ngừng trong cùng cả một ca khúc, như thể nhiều người hát trong đấy. Giọng Ri cũng khàn hơn và nặng accent bản địa hơn với đầy chủ ý.

Ca khúc nặng đô về accent nhất sự nghiệp cô xuất hiện dưới cái tên “Work” song hành cùng anh bạn … trai Drake.

He said me haffi / Work, work, work, work, work, work / He see me do mi / Dirt, dirt, dirt, dirt, dirt, dirt


Rồi

Dry! ...Me a desert him / Nuh time to have you lurking / Him ah go act like he nuh like it


Không ai hiểu cô hát cái gì. Người nào không biết gốc gác của Ri thì bảo cô chắc đang phát âm luyên thuyên những từ vô nghĩa. Phải nói đây cũng là bước đi dũng cảm của Ri khi cô không còn hát tiếng bản địa một cách nhỏ giọt như trước nữa. Cô đã đập tan hết những rào cản về chuẩn mực trong xướng âm, phát âm phải tròn trịa, để thoả mãn cái tôi đầy tự hào, và cũng để tạo khoảng cách xa khỏi những người đang copy giọng điệu của mình. Nhờ vậy, dù bài “Work” này tôi thực sự chỉ thẩm được về mặt âm thanh chứ chả hiểu mô tê gì, album ANTI về tổng thể lại gần như trọn vẹn nhất về chất lượng. Ta có Rihanna ê a trong “Desperado”, Rihanna phiêu lãng trong “Same Ol’ Mistakes”, Rihanna hơi khàn trong “Never Ending”, Rihanna soulful trong “Love On The Brain”.


Còn một điểm độc đáo nữa trong nhạc của Rihanna là việc cô được tự do sử dụng nhiều kiểu giọng điệu, với nhiều “nhân cách” khác nhau, không chỉ tạo ra phong cách đa màu sắc. Nhưng trên cả, cô đã khôn ngoan thay đổi chính mình từ một ca sĩ chưa tìm ra cá tính cho riêng mình và theo một khuôn mẫu định sẵn để trở thành một giọng hát độc đáo. Không bị gò ép bởi chuẩn mực giọng Anh Mỹ, Anh Anh, giọng hát đặc sệt vùng miền Barbados của cô không những không gặp phải bất cứ trở ngại khó tính nào, mà còn tạo nên một sản phẩm độc nhất và gây ảnh hưởng lớn tới mức giới chuyên môn phải gọi tên riêng cho chất giọng đó.


Đó là Rihanna Voice.


Hẹn gặp lại!


Kroon

14,594 views

Recent Posts

See All
bottom of page