top of page

Oan ức của Sheryl Crow



1. Tuesday Night Music Club (1993) - “All I wanna do is have some fun


Bìa đĩa Tuesday Night Music Club

Khi album Tuesday Night Music Club phát hành, Sheryl Crow còn là một nghệ sĩ vô danh. Số lượng đĩa bán ra ban đầu ì ạch và mọi thứ chỉ thay đổi sau khi cô cần mẫn đi lưu diễn và phát hành đĩa đơn thứ ba “All I Wanna Do”. Có điều trước đó không lâu, vào tháng 3 năm 1994, khi Sheryl tham gia chương trình show của David Letterman khi có dịp biểu diễn bài “Leaving Las Vegas” và phỏng vấn cùng với David.


Khi David hỏi cô ca khúc này có phải là lời "tự truyện" của Sheryl không, thì cô bỗng buột miệng trả lời là "có”. Vô tình, cô không hề đả động gì đến ban nhạc backing của mình tên gọi Tuesday Music Club (TMC), những người đã giúp cô cùng sáng tác ca khúc và album đầu tay đó, chưa nói đến tên bài hát ”Leaving Las Vegas” được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của John O’Brien - bạn thân của David Baerwald, vốn là thành viên của TMC và người phác thảo ra chính ca khúc này. Chứng kiến giây phút "vô ơn" đó của Sheryl Crow trên TV, John cảm thấy như điên như dại và lao đến nhà David để xả cơn thịnh nộ. Ba tuần sau đó, John tự sát bằng phát súng vào đầu.

Chưa kịp có cơ hội để cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc khi single “All I Wanna Do” bứt phá và kéo theo doanh thu cho đĩa Tuesday Night Music Club tăng vọt, thì Sheryl đọc được bài báo khi người đồng nghiệp David Baerwald đăng đàn đổ lỗi cái chết của ông bạn thân John cho Sheryl. Sheryl Crow sụp đổ. Cô lúc đó còn không biết John O’Brien và cuốn tiểu thuyết là nguồn gốc cho cái tên bài hát mà cô đã từng biểu diễn tại show của David Letterman.


***

Tuesday Night Music Club không hẳn là album đầu tay của Sheryl Crow. Trước đó cô đã có cơ hội thu âm đĩa đầu với nhà sản xuất nhạc Hugh Padgham nhưng rồi cả cô và hãng đĩa đều không hài lòng vì âm thanh quá trau chuốt, không phù hợp với phong cách nhạc của Sheryl. Hãng đĩa sau đó có cố vớt vát khi lôi hai tay nhạc sĩ Kevin Gilbert và Bill Bottrell để mix lại nhưng không ăn thua. Kết quả là sản phẩm đầu tay đó bị vứt bỏ, còn Sheryl thì vớt vát được mối quan hệ với Kevin.


Còn nữa, cả Kevin và Bill đều là thành viên ban nhạc TMC. Thế là họ kéo Sheryl vào những buổi jam nhạc ngẫu hứng cùng cả ban toàn đực rựa, trong đó dĩ nhiên có cả David Baerwald. Không khí làm việc có thêm màu sắc nữ tính cũng giúp sự sáng tạo của ban nhạc được tươi mới hơn. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu không phải những lần jam đó dần dà được chuyển hướng thành sản xuất nhạc cho album đầu tay được làm lại của Sheryl.


Lần làm lại này, Bill Bottrell dẫn dắt với vai trò nhà sản xuất nhạc và tính cách cầu toàn của Bill và chính bạn trai của Sheryl, Kevin Gilbert. Cả ban nhạc TMC sử dụng âm thanh Folk Rock và Country để làm nên một album Tuesday Music Night Club thuộc hàng kinh điển. Không cần đợi tới single nổi tiếng nhất của cô là “All I Wanna Do”, có rất nhiều bài trong đĩa có sức hấp dẫn không thua kém. Như bản “Run Baby Run” là ca khúc mở đầu xuất sắc. Âm nhạc đầy chất phiêu của phần nhịp điệu nhát gừng làm nền cho sự luyến âm da diết của Sheryl chính là sản phẩm của những lần cả ban nhạc ngẫu hứng mỗi khi say, kể cả với Sheryl. Lối hát thật đến trần tục trong giọng hát của Sheryl càng đẩy cảm xúc của các bài hát trong đĩa lên cao hơn.


Tất nhiên không thể không nhắc đến việc trong một lần nói chuyện với người bạn John O’Brien về cuốn tiểu thuyết “Leaving Las Vegas”, David Baerwald đã nảy ra ý tưởng cho phần lời và một chút giai điệu cho ca khúc. Cả ban nhạc sau đó nhanh chóng jam ra được trọn vẹn cả bài và David cũng đặt luôn tên đó cho ca khúc như để tôn vinh cho tác phẩm văn học của ông bạn mình. Do có sự đóng góp của Sheryl, lời bài hát là những hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời của Sheryl khi chính cô cũng từng phải dời thị trấn nhỏ nơi cô sinh ra để lên thành phố lập nghiệp. Đó là lý do sau khi cô lỡ lời xác nhận câu hỏi của David Letterman, cô mới nhận ra sai sót của mình nên phải giải thích thêm về nội dung của bài hát khi chính cô chưa bao giờ đến Las Vegas lúc đó.


Chỉ có điều những cái tên các thành viên nhóm TMC và cả John O’Brien đều không được nhắc tới trong buổi phỏng vấn!


***

Với một kẻ vốn đã mang mối hằn thù với ngành văn học và nghệ thuật như John, sự thiếu sót của Sheryl chỉ chà xát thêm vào nỗi đau. Đã thế, khi nghe tin tác phẩm của mình sẽ được chuyển thể thành phim (sau này mang lại giải Oscar danh giá cho Nicolas Cage), John càng rơi vào trầm cảm hơn. Thế nên người nhà của John sau này đều khẳng định vụ tự sát của anh không phải xuất phát từ lỗi lầm của Sheryl Crow, mà nó chỉ là một kết cục không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra.  


Cái chết của John chỉ như đổ thêm dầu vào lửa cho những căng thẳng giữa TMCSheryl Crow đã xảy ra trước đó. Sau thời gian một năm jam cùng với nhau và hoàn thành tác phẩm cho album solo đầu tay của Sheryl Crow, cả hội TMC bao gồm cả nhà sản xuất Bill Bottrell đều sốc khi nghe tin Sheryl và hãng đĩa của cô đưa ra quyết định không quảng bá album và đi tour cùng ban nhạc TMC, dù là quyền tác giả của mỗi thành viên trong TMC đều được ghi nhận đầy đủ trong album. Chuyện cũng sẽ không có gì đáng nói nếu không phải các đấng mày râu đồng ý nhường Sheryl phần nhiều hơn vì cô lúc đó còn đang ngập trong khoản nợ với hãng đĩa vì đống tiền đã lãng phí bỏ ra ghi âm album bị vứt bỏ trước đó.


Với Sheryl Crow, một phần vì chi phí đắt đỏ để thuê ban nhạc TMC cũng như sự cầu toàn có phần độc đoán của Bill và gã bạn trai của cô dường như là lý do Sheryl dần tự tách mình ra khỏi nhóm. Nếu như đĩa Tuesday Night Music Club mà làng nhàng về mặt thương mại và không giành giải gì thì có khi các anh TMC cũng không khó chịu đến thế đâu. Nhưng nào ai ngờ sau single ”All I Wanna Do”, người nghe lại chào đón âm nhạc Folk Rock và Country như vậy. Album đó bỗng chốc thành công vang dội khi bán được tới 7 triệu bản ở Mỹ, giành 3 giải Grammy. Tiền bản quyền tác giả rủng rỉnh đổ về túi mấy anh trong TMC cũng không đủ làm các anh nguôi ngoai.

Chỉ có Sheryl Crow, khi không từ một nghệ sĩ vô danh, với suy nghĩ đơn giản chỉ là “all I wanna do is have some fun” thì nay thành công, phải đối mặt với những căng thẳng đến từ sự ghen ghét, thù hằn của gã bạn trai và ban nhạc, và cảm giác tội lỗi sau cái chết của John O’Brien.


2. Sheryl Crow (1996) - “If it makes you happy / Then why the hell are you so sad?

Bìa đĩa cùng tên Sheryl Crow

Mọi người đâm ra thường quên, trong bìa đĩa Tuesday Night, Sheryl Crow dành những lời có cánh cho từng thành viên của TMC, trong đó đặc biệt với Kevin Gilbert, gã bạn trai của cô lúc đấy. Cô viết: “Em nợ anh nhiều trong suốt hai năm qua với sự hỗ trợ cả về âm nhạc lẫn cảm xúc. Cám ơn anh”. Nhưng có vẻ như thế là chưa đủ. Cái ngày Kevin xem đoạn phỏng vấn của cô trên show David Letterman xong, gã gọi cho Sheryl và cả hai cãi nhau ỏm tỏi trên điện thoại.


Thế rồi, chỉ 4 tháng trước khi album thứ hai của Sheryl Crow được phát hành, cô bất ngờ nhận tin Kevin Gilbert chết khi mới 29 tuổi. Lý do là vì tai nạn ngạt thở khi gã tự quấn cổ để hạn chế lượng oxy và tăng cảm giác lên đỉnh lúc “tự sướng”. Thế nhưng một lần nữa, sự ra đi của Kevin lại là một cái cớ để David Baerwald lại nhắc lại sự "phản bội” của Sheryl. Khi cô đến dự đám tang, người bạn gái mới của Kevin lúc đó còn gào vào mặt Sheryl, khiến cô phải bỏ đi trong nước mắt.


Kevin vốn là một nhạc sĩ rất đa tài khi gã chơi được đủ các loại nhạc cụ, biết cả sáng tác cũng như ghi âm. Chỉ là sự cầu toàn đến điên dại của Kevin khiến gã tự hủy hoại bản thân với những bản thu âm cho tác phẩm solo mãi không hoàn thành nổi. Rồi cho đến lúc đĩa nhạc đó được ló dạng ra thị trường thì nó cũng chỉm nghỉm trong khi album Tuesday Night Music Club với sự góp sức của gã thì giành vinh quang. Vì thế cho đến trước khi chết, Kevin vẫn còn mang niềm hận thù với Sheryl và người bạn gái mới của gã lúc đó như cái sọt rác để Kevin trút hết bầu tâm sự.


Với Sheryl Crow, sau sự việc tan đàn xẻ nghé với TMC và Kevin Gilbert, cô hiểu mục tiêu với album thứ hai rõ hơn ai hết. Nhưng thành công quá lớn của Tuesday Night Music Club cũng là cái cớ cho những con kền kền báo chí và những kẻ ghen ghét mong chờ sự thất bại của Sheryl Crow. Chúng mong cô bộc lộ sự kém cỏi, hầu chứng tỏ thành công của album đầu tay kia là nhờ sáng tạo nghệ thuật của TMC và nhà sản xuất Bill Bottrell chứ không có một Sheryl Crow nào hết.

Từ một cô gái vô tư, Sheryl bỗng nhiên phải lo lắng chứng minh tài năng của mình với thiên hạ. Không biết là do tự ái, cái tôi, hay cả sức ép chứng tỏ bản thân, mà sau thời gian hợp tác lại với Bill Bottrell, Sheryl cũng chia tay với ông nốt. Cô tự tay một mình sản xuất album thứ hai này và đặt cho nó cái tên dễ đoán hơn bao giờ hết, Sheryl Crow. Trong album này, Sheryl tự mình sáng tác hoặc chỉ cộng tác cùng lắm với một hoặc hai người ở mỗi bài hát, tự mình chơi hầu hết các nhạc cụ trong đĩa, từ đàn bass, guitar đến keyboards và piano.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu Sheryl Crow đúng là kẻ bất tài và album thứ hai cùng tên này có chất lượng tầm thường. Ngược lại với sự chờ đợi của những kẻ ghen ghét, và vượt cả kỳ vọng của những người hâm mộ, đĩa nhạc này tính ra lại nhỉnh hơn cả Tuesday Night về chất lượng. Có lẽ sự dồn nén và bức xúc của Sheryl như được giải tỏa trong âm nhạc của album này nên âm thanh có phần tăm tối và trưởng thành hơn. Album được mở màn bằng “Maybe Angels” có phần mở màn bằng tiếng đàn guitar điện và âm sắc bộ gõ bị rè đặc.


Down here I feel like a citizen of nowhere / My bag’s all packed in case they ever come for me / Got a hundred stories and tabloid lies”.


Lời lẽ mới thấm thía làm sao, đúng là những ngôn từ đầy tự sự của Sheryl khi bị những mũi rìu tấn công vô hình sau hàng loạt sự việc tréo ngoe. Thì đây ở album thứ hai, Sheryl phải dốc sức chứng minh cái tôi và tài năng của mình. Ca khúc “Home” mà cô tự mình sáng tác là một bản Country nhẹ nhàng cực hay do cách cô lựa chọn những hợp âm biến đổi đầy màu sắc. Giọng hát của cô cũng được thể hiện khác đi khi những ca từ như được thở ra, mà trong đó sâu thẳm là sự mệt mỏi của cô gái đáng thương.


Vẫn còn đó cái gốc Folk Rock và Country như album đầu tay, ở album thứ hai, Sheryl tôn cái tiếng khàn của guitar điện lên và những cú vuốt dây bass, mang thêm hương vị Alternative Rock và Blues vào. Cũng chỉ ở album này, người nghe mới há hốc mồm khi được nghe Sheryl Crow kéo những nốt nhạc cao vút day dứt ở điệp khúc của bản “If It Makes You Happy” đối nghịch với các nốt trầm trong giai điệu của những câu verse.


You get down, real low down / You listen to Coltrane, derail your own train / Well, who hasn’t been there before? / I come ‘round, around the hard way


Ngược lại với từ “happy” trong tên bài hát, lời bài hát thuật lại chuỗi ngày đau khổ của Sheryl Crow mà cô không ngờ phải đối mặt. Có lẽ vì thế mà cô đã mỉa mai rằng “If it makes you happy / Then why the hell are you so sad?”.

3. The Globe Sessions (1998) - “When you go, all I know is you’re my favorite mistake

Bìa đĩa The Globe Sessions

Cuối thập niên 90s, những kẻ ghen ghét vẫn cố gắng cười cợt con số 3 triệu bản bán được ở Mỹ của album Sheryl Crow, có thể coi là thất bại so với đĩa đầu tay, và hai giải Grammy cho đĩa này chỉ là nhờ may mắn. Lặng lẽ chứng tỏ mình bằng sản phẩm, album thứ ba, The Globe Sessions, vẫn là Sheryl Crow tự mình sản xuất, được đề cử 4 giải Grammy, trong đó có Album Của Năm, Album Rock Hay Nhất, Nữ Ca Sĩ Nhạc Pop Hay nhất (cho bài “My Favorite Mistake”), Nhà Sản Xuất Của Năm và Album Có Chất Lượng Ghi Âm Tốt Nhất. May mắn không thể lặp lại, và tài năng của Sheryl giờ đây đã không thể bị chối bỏ.


Nhà sản xuất âm nhạc Bill Bottrell, người từng giúp cho Madonna, Michael Jackson, và Electric Light Orchestra, khi được phỏng vấn về album Tuesday Night, sau này cũng thừa nhận những đóng góp đáng kể của Sheryl Crow trong khâu sáng tác của đĩa đó, dù không quên nhấn mạnh ông là người đã tạo ra âm thanh cho Sheryl Crow. Có điều ông cũng không ngờ Sheryl đủ tài năng để không cần nhờ tới chuyên gia nào cả, một mình mò mẫm và hai lần giành được thành công với đĩa Sheryl Crow và đĩa The Globe Sessions sau này.

Cho tới lúc này, Sheryl có lẽ đã vượt qua được những chuyện buồn trước đây. Vì thế mà âm nhạc của The Globe Sessions không còn âm thanh khàn đục của nhạc cụ, của cảm giác buồn khổ và mệt mỏi từ đĩa trước đó nữa. Kỹ thuật sản xuất nhạc cũng thuần thục hơn khi Sheryl cho cả đàn violin cộng cello vào ca khúc “Riverwide”, cả bộ dàn dây trong “Am I Getting Through” và bộ kèn saxophone, trumpet, trombone trong “There Goes The Neighborhood”.


Kỹ thuật sáng tác của Sheryl cũng lên tay rất nhiều khi cô bắt đầu gắn bó với cây đàn bass hơn. Không bị bó buộc theo thói quen từ những dải hợp âm bấm trên đàn keyboard nữa, giờ cô thả lỏng tự do những ngón tay trên phím đàn bass tạo ra các chuỗi hợp âm đầy ngẫu hứng và bất ngờ, như cách biến tấu Sheryl thể hiện trong đĩa, cụ thể như ngay bài “My Favorite Mistake”.


Đĩa The Globe Sessions vì thế tính ra lại chất lượng và hoàn thiện nhất. Quan trọng là nó thể hiện con người nghệ sĩ theo cách chuẩn xác nhất của Sheryl Crow, một người phụ nữ vui tươi đầy năng lượng. Để mở đầu với bài “My Favorite Mistake”, Sheryl hát:


Did you know when you go it’s the perfect ending / To the bad day I was just beginning / When you go, all I know is you're my favorite mistake


“Favourite mistake” mà cô nói đến ở đây có vẻ không phải là huyền thoại Eric Clapton, người mà cô đã từng bị đồn có hẹn hò. Quan trọng hơn, để có thể nhìn lại những “sai lầm” với cái nhìn tích cực hơn thì hẳn là Sheryl Crow đã lấy lại được sự cân bằng của cuộc sống. Cô không còn phải lo cho việc chứng tỏ bản thân nhờ hàng loạt thành công trong giới phê bình và người hâm mộ. Sau nửa thập kỷ đầy căng thẳng, công sức của TMC và cả Bill Bottrell đã được ghi nhận, và công sức của cô nay cũng vậy. 

Sheryl Crow cuối cùng cũng có thể quay lại, để đơn giản là chính bản thân cô.


All I wanna do is have some fun


Hẹn gặp lại!

Kroon

277 views

Recent Posts

See All
bottom of page