top of page

Talib Kweli: đại diện của Conscious Rap

Jay-Z, trong bài “Moment Of Clarity” của anh, có đồ rằng “if skills sold, truth to be told, I’d probably be, lyrically, Talib Kweli”. Nôm na là “nếu giỏi văn mà ăn tiền, thì tao thật tao sẽ viết nhạc như Talib Kweli”.

Talib Kweli nổi lên từ album đầu tiên rap chung với một nghệ nhân khác là Mos Def. Với cái tên album là Mos Def & Talib Kweli Are Black Star, tiếng tăm của hai anh nổi lên trong giới nhờ sự ăn ý trong phần rap đôi và nội dung mà người hâm mộ sau này gán cho Talib (và cả Mos Def) cái mác những rapper theo dòng Conscious Rap mà tôi sẽ đề cập đến sau.

Bởi vì trước tiên tôi muốn nói đến trong nhạc Rap của Talib Kweli là cách flow độc đáo của anh. Nếu nghe đoạn rap của người đồng môn - Mos Def trong album Black Star sẽ thấy giọng anh này rất trôi chảy và lướt trên beat một cách nhịp nhàng. Vậy nên khi nghe đến phần rap của Talib, người ta chợt nhận ra anh có vẻ như bị lệch nhịp. Hay không phải vậy?


Trong nhạc Hip Hop, sự biến ứng với nhịp theo cách cảm nhận của rapper dễ bị gây hiểu nhầm với lệch nhịp. 


Nói một cách khác, có một nhóm những rapper có tiết tấu cực rõ như 2Pac, Tech N9ne, CunninLynguists và kể cả họ có thay đổi flow từ nhanh sang chậm hoặc ngược lại thì vẫn chạy theo nhịp đều đặn khi họ nhấn âm ở đúng beat của trống. 


Nhóm thứ hai là rapper lệch hẳn nhịp mà tôi chỉ nghĩ ra ví dụ là anh béo Bizarre trong nhóm D12, theo cái cách “đường ai nấy đi”, không lề lối gì và chỉ cần nhét các từ vào đúng trong khuông nhạc của nó.


Nhóm thứ ba là những anh như Talib Kweli. Nhóm này dễ bị hiểu nhầm vì cách rap của họ không nhấn âm vào nhịp trống như các anh nhóm đầu, đặc biệt là từ được gieo vần có lúc không khớp với nhịp trống. 


Cái cách Talib tiếp cận nhạc Hip Hop lúc mới vào nghề như sau. Do "chưa đủ điều kiện", anh không mua hay tìm được beat trước để sáng tác lời. Thay vào đó Talib ngồi viết lời thơ trước, rồi khi ngồi phòng thu âm anh sẽ nghe kỹ beat và hình dung trong đầu flow như thế nào. Chính vì cách đó mà vô tình nhịp điệu lời của Talib không trong một khuôn mẫu định trước.


Theo như bài phân tích của Martin Connor trên trang Rap Analysis, ở bài “Re:Definition” trong album Black Star, đoạn đầu lời rap của Talib còn truyền thống với nhịp móc kép (chia mỗi beat trống làm 4) nhưng sau đó anh tăng tốc bằng nốt móc kép chùm 5. 

RE: DEFinition, turning your play into a tragedy

Exhibit level degree on the mic, passionately

N***** is sweet so I bet if I bit I'd get a cavity

Livin to get high, you ain't flyer than gravity

We Die Hard like the battery done in the back of me by the mad MC

who think imitation is the highest form of flattery, actually

Don't be mad at me, I had to be the one to break it to you


Từ khúc “battery done...” trở đi đến “...mad at me” là lúc Talib dùng nốt móc kép chùm 5 nghe nhanh luyến thoắng, nhưng vẫn có vẻ như trái khoáy với nhịp trống. Lý do là vì các âm vần đều một là lệch nhịp, hai là vào nhịp nhẹ thứ 2 hoặc 4 (thay vì nhịp 1 và 3). Lý do tiếp là thay vì 4 nốt móc kép tạo nên một nhịp trống thì nay phải 5 nốt mới được, dễ khiến bộ não con người lầm tưởng rapper đang đi lệch nhịp. Vậy nên để chia nhịp theo số lẻ thì phải rất tinh ý với phần trống. Do lời của Talib có mật độ dày về số từ trong mỗi khuông nhạc khiến câu rap dài hơn, và anh phải rap tăng tốc ở một số chỗ, flow của anh vì thế lại thành độc đáo khác hẳn nhiều rapper trong nghề.

Trải qua nhiều album, Talib vẫn giữ lối biến đổi đặc trưng này. Trong album gần nhất Radio Silence, bài “The Magic Hour” là một tràng rap trên nền nhạc Soul không có tiếng trống, ngoại trừ một số đoạn fill-in. Nhờ đó Talib lại càng có dịp rap theo lối phiêu đấy. Flow của anh biến tấu ngẫu hứng như một nghệ sĩ nhạc Jazz.


****

Quay lại câu chuyện về thể loại Conscious Rap, trên trang web Complex có bài viết “25 Điều Mà Mọi Người Đều Nghĩ Về Hip Hop (Nhưng Không Ai Nói Đến)”, trong đó ở điều thứ 7 có câu “Hầu hết nhạc Rap thể loại Conscious là tỏ vẻ hơn người, nhưng lại thực ra ngây ngô, và cố gồng mình”. Đã thế trong mục số 7 đó, Complex còn để hình Talib Kweli Mos Def làm hình minh hoạ.

Talib Kweli và Mos Def trong bộ đôi Black Star

Vậy Conscious Rap là gì? Khi mà nhạc Rap trên đài đa phần khoe khoang về súng ống, bạo lực, rượu chè, gái gú, tiền bạc, thì Conscious Rap mọc ra thành một nhánh trong Hip Hop để phản ánh thực tại như phản đối bạo lực, nạn phân biệt và các mặt trái khác của xã hội. Nói một cách bác học, Conscious Rap (được dịch trong tiếng Việt là Rap Thức Tỉnh) là phương tiện để có những thay đổi cấp tiến trong xã hội, thông qua sự giác ngộ của bản ngã.

Trong bài này tôi sẽ mượn album solo - Radio Silence gần đây nhất của Talib để mổ xẻ, do chất nhạc của đĩa này có phong cách Soul / Jazz cực hay mà tôi thấy hợp với một rapper được mệnh danh “nhiều lời” như Talib Kweli.

Ở bài “All Of Us”, Talib trích lời kêu gọi đầy quyết liệt của nhà hoạt động xã hội kiêm thành viên Đội quân Giải phóng Người da màu (Black Liberation Army)

It is our duty to fight for our freedom / It is our duty to win / We must love each other and support each other / We have nothing to lose / We have nothing to lose / We have nothing to lose but our chains


Nghe có vẻ hơi sặc mùi cổ động? Nhưng đến khi vào nhạc, một không khí nhẹ nhàng tình cảm đậm chất Soul với câu hook:


We send this one out to / To the mothers (they deceited) / To the fathers (they mistreated) / To the sisters (they misleaded) / To the brothers (and get beated) / All of us, (all of us), all of us, (all of us) / This is happening to all of us


Một bài ca Talib dành tặng cho những người mẹ “bị dối lừa”, những người cha “bị đối xử phân biệt”, những người chị “bị lạc lối”, những người anh em “bị bạo hành”, hay nói cách khác là tất cả dân tộc gốc Phi vì những điều họ phải trải qua. Vẫn có chút “làm quá” không?

Talib mở đầu câu verse đầu nhấn mạnh ngay việc mọi người luôn gắn tên anh với “consciousness” - Rap Thức Tỉnh:


If our struggle is a strain then the strain is dominant / My name is prominent for entertainment that's laced with consciousness


Nhưng ngay lập tức anh giải thích những gì anh muốn truyền đạt chỉ là những thứ rất rõ ràng “common sense” như “Lonnie Lynn” (tên thật của rapper Common, người còn được biết với tên Common Sense):


But really its just common sense like Lonnie Lynn / You don't need binoculars to see the light coming through the dome like it's an oculus / The common myth that we're savages with no history or accomplishments / Or knowledge of ourselves they did a job on us / Considering the prediction of economists / Machines will do our jobs for us / The future for the working class is ominous

Talib nhấn mạnh sự coi thường người da màu, coi những người như anh chỉ là “bọn mọi” không có lịch sử của dân tộc mình hay có được thành tựu gì, và sự thật đó rõ ràng hiển nhiên như ánh sáng chiếu qua cửa vòm của nhà thờ. Lời Talib viết hay như lời thơ ca, khi anh tạo vần ở những từ đa âm như “dominant”, “prominent”, “entertainment”, “consciousness”, “common sense”, “binoculars”, “an oculus”, “savages”, “accomplishments”, “job on us”, “economists”, “jobs for us”, “ominous”. Đây đều là những từ thực tế không đồng âm nhưng cách Talib rap lại khiến chúng gắn kết lấy nhau, làm cho bài Rap đi vào lòng người kể cả với những kẻ còn hoài nghi về sự “làm quá” trong một bài sặc mùi Rap Thức Tỉnh.


Đấy là về nạn phân biệt màu da đã ăn sâu trong xã hội nước Mỹ. Đến bài “She’s My Hero” là một câu chuyện buồn có thật về Bresha Meadows, một cô bé cầm súng giết bố khi mới tuổi 14. Lý do vì cô bé không chịu nổi thêm cảnh đàn áp, đe doạ bạo lực với mẹ và em cô của kẻ cô bé phải gọi là cha. Như trong lời rap Talib có nói:


They say karma is a bitch and when you take a life, you pay the price / But if your way of life ain't been threatened and you safe at night / How you out here judgin' thinkin' you givin' people great advice / When those who should protect you disrespect you? You can't take it light”.


Người ta nói định mệnh sẽ đáp trả nếu ai đó giết người, nhưng đó là khi họ không ở trong hoàn cảnh bị đe doạ tính mạng như cô bé nhân vật chính trong bài. Và cô bé đã phải làm cái mà Talib diễn tả những từ cực đắt:


So what was she to do? She did what she was told to do / Exposure to violence increased the amount of violence that you open to


Cô bé Bresha đó chỉ đơn thuần làm những gì cô “được mách bảo”, khi mà “chứng kiến bạo lực chỉ càng làm tăng mức độ bạo lực trong suy nghĩ và hành vi của cô”. Vậy nên cuối cùng, với bà mẹ, cô bé chính là “người anh hùng”. Một kết cục đáng buồn không đáng có cho cô bé gái vì cô đã hy sinh tuổi thơ để cứu lấy người mẹ và đứa em.

Cô bé "người hùng" Bresha Meadows

Âm nhạc của Talib Kweli trong album này không hề có sự mạnh mẽ dồn dập để cố đánh thức người nghe. Thay vào đó là âm hưởng da diết và phiêu làm lời ca của anh mềm như rót vào tai. Bài “Knocturnal” có tiếng kèn thổi nhẹ bẫng phiêu chất Jazz làm mảng nền đối lập cho lời thơ đang vẽ bức tranh thô ráp hiện thực về sự nghèo đói, đấu tranh cho sinh tồn ở khu phố người da màu sinh sống.


He in the streets like he ain't got a home/Writing a poem to the beat of the sobs and moans” 

(tạm dịch: “Hắn bán mặt ngoài phố như kẻ vô gia cư / Viết những vần thơ trên nền nhạc của những tiếng khóc và than oán”)

hay

Streetlights illuminate how truly dark it is/The block is a college, you got a degree in marketing/A doctorate in swallowing, this pimping paid her scholarships/She poppin' out her tits, 'cos they pay her to be provocative”.


Những hình ảnh đối lập của “ánh đèn đường” với “sự tối tăm” trên con phố, nơi là “trường đời” cho bọn đàn ông rành môn “tiếp thị” để kiếm sống, còn hội đàn bà thì thuần thục các kỹ thuật như “tiến sĩ” khi làm nghề đứng đường.


Chắc không thể tóm gọn ý tứ của Talib Kweli hay hơn trong đoạn lời của ca khúc cùng tên album “Radio Silence”:


Better pass the mic in the afterlife / If so, let me spit flows, good enough to offer to God as a sacrifice / Born again like I passed away, castigated for being honest / Caught bail like a castaway, cause I feel like I’m swimmin’ on an island / When I’m gettin’ introspective: that’s radio silence / When I’m fuckin’ up program directives: that’s radio violence


Talib tự thấy anh như “bị trừng phạt” vì nói những lời chân thực, thứ tội lỗi khiến anh bị đày nơi hoang đảo để không ai có thể nghe được lời ca của anh. Rằng khi Talib trút ra những cảm xúc nội tâm, thì là lúc không đài báo nào đưa lên. Còn khi anh tỏ sự chống đối, thì anh sẽ bị quy kết kích động bạo lực.


Câu này trong bài cũng thể hiện một hiện thực trong nhạc Hip Hop. Khi mà những bài khoe về tiền của, gái gú, rượu chè, súng ống thì được phát trên sóng, còn nhạc Conscious Rap của anh hầu như không mấy ai biết đến. 

Đó cũng là lý do Talib không hài lòng với sự nhận xét phiến diện của trang web Complex. Trong buổi phóng vấn với chính người viết bài đó, Talib chỉ ra sự mâu thuẫn của tác giả nói riêng và con người nói chung. Với nhạc Hip Hop khoe khoang về bản thân thì không bị gán cho là “tỏ vẻ hơn người” trong khi nhạc của anh khi có ý phản đối những tệ nạn đó thì bị kết tội là dạy dỗ. Với Talib, nhạc Conscious Rap / hay Rap Thức Tỉnh là hướng đi anh lựa chọn. Anh không phê phán những người làm nhạc theo những hướng còn lại, vì nhiệm vụ của anh chỉ là kể về những thứ không được nhắc tới, nhằm cân bằng cho âm nhạc của người da màu. Anh cũng không lo đi dạy dỗ ai mà chỉ muốn mang tới thông điệp về góc khuất và hiện thực của cuộc sống được Talib tô vẽ bằng mảng màu sáng tối cực đẹp qua những vần thơ điêu luyện. 

Đó là vẻ đẹp của những rapper theo dòng nhạc này. Họ đúng ra là những nhà thơ tả thực hơn là những người hoạt động chính trị xã hội.


Hẹn gặp lại!

Kunt

221 views

Recent Posts

See All
bottom of page