top of page

Toni Braxton: làm gì cho ra tiền đây?

Updated: Aug 22, 2021

Chuyến lưu diễn sau khi Toni Braxton ra đĩa Secrets được đón nhận nhiệt liệt. Không thành công sao được? Bài “Un-Break My Heart” của cô đứng số 1 Billboard Hot 100 suốt 11 tuần. Trước đó, mọi người còn đã biết tới Toni qua các hit, “Another Sad Love Song”, “Breathe Again” và “You’re Makin’ Me High”. Cô còn đoạt được 5 giải Grammy cho album đầu tay Toni Braxton (1993) và Secrets (1996).

Ấy thế mà khi cô nhìn thấy số tiền phí bản quyền ghi trên tấm séc của hãng đĩa trả cho mình, cô mới ngã ngửa ra. Con số chỉ vỏn vẹn $1.972. Theo tỷ giá năm 1998, số tiền chỉ tương đương 25 củ tiền Việt. Ở thời điểm đó, 2 album đầu tay của Toni đã bán được tới số lượng hơn 15 triệu bản, con số không tưởng cho một nghệ sĩ trẻ. Tính ra doanh thu mà hãng đĩa của cô thu về phải tầm 170 triệu Đô. Vậy mà phí bản quyền hãng trả cho cô có 5 triệu, chưa được 3% trên tổng doanh số, sau đó hãng còn trừ đi vô số các chi phí khác bao gồm nhưng không giới hạn ở: tiền ứng trước để cô thu âm đĩa, tiền quảng bá lăng xê, tiền thuê nhà, tiền ứng trước để cô chạy sô diễn, v.v. Thế là trừ tới trừ lui, cô đút túi có 25 củ, sau khi bán được 2.210 tỉ VNĐ (vẫn theo tỉ giá lúc đó) tiền đĩa.

Hãng đĩa mà Toni ký lúc bấy giờ là LaFace Records do chính Antonio “L.A.” Reid và Kenneth “Babyface” Edmonds sáng lập. LaFace nổi tiếng với các nghệ sĩ như nhóm nhạc TLC hay Usher, chuyên theo dòng R&B - một thể loại thuộc thế mạnh của nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ và sản xuất nhạc hàng đầu Babyface. L.A. Reid và Babyface vì vậy cũng là những người phát hiện ra tài năng Toni Braxton giữa đám chị em nhà Braxton. Họ ban đầu mời Toni về làm ca sĩ chuyên ghi âm các bản demo những bài Babyface và những nhạc sĩ khác sáng tác để làm mẫu gửi cho những nghệ sĩ lớn hơn. Vận may đến với Toni khi Anita Baker bận không ghi âm được soundtrack phim Boomerang nên Toni từ một cô gái hát demo trở thành ca sĩ chính thức, do chính Anita gợi ý cho Babyface lăng xê Toni sau khi nghe giọng hát có một không hai của cô gái trẻ. Toni sở hữu chất giọng cực trầm và ấm, nhưng vẫn luyến được những quãng cao trào với đầy “nỗi đau”, điểm mạnh giúp cô trở thành một Diva hàng đầu của hãng đĩa LaFace, cạnh tranh với Whitney Houston, Mariah Carey. Dưới sự dẫn dắt của Babyface, có rất nhiều bài do anh sáng tác được Toni thể hiện hoàn hảo, ở cái độ mà nghe cô hát, nó giống như cách Babyface hay thể hiện trong các tác phẩm solo của anh, theo phiên bản nữ. Sự kết hợp tuyệt vời giữa Babyface và Toni mang đến hàng loạt thành công, mà đáng kể nhất là “Breathe Again”, “How Could An Angel Break My Heart” và “Another Sad Love Song”. Trên đà đó, ca khúc “Un-Break My Heart” tuy không phải do Babyface sáng tác, đã trở thành ca khúc bất hủ ngang tầm với “I Will Always Love You” của Whitney Houston và “Without You” của Mariah Carey về độ phổ cập và phát đi hàng nghìn lần trên các kênh loa đài truyền hình. Ca khúc “Un-Break My Heart” đó khoe hết đủ tài năng ca hát của Toni Braxton, bài hát chuyển tông giọng liên tục đưa người nghe cảm nhận các cung bậc trầm và dày tiếng đến những cao trào ở cuối đầy đau đớn của cô ca sĩ. Trên đỉnh cao thành công, Toni không để ý một điều là hợp đồng ghi âm của cô vẫn theo các điều khoản cũ của một người hát nhạc demo mướn cho dân chuyên nghiệp. Đó chính là lý do cô chỉ nhận được chưa đến 3% doanh thu. Các ông ở hãng đĩa thì không quên điều đó đâu. Mà chính là từ mấy ông to ở Arista Records - công ty mẹ của LaFace cố tình lờ đi để ăn chặn cô gái tội nghiệp. Đó cũng là lý do mà chính mấy cô gái TLC từng phải tuyên bố phá sản (với tỷ lệ tiền phí bản quyền chỉ có 7%) dưới thời LaFace và Arista. Các con số % này thua xa mức 10%-25% mà một nghệ sĩ thông thường sẽ được hưởng trên doanh thu bán nhạc, dù dĩ nhiên họ cũng sẽ bị trừ đi loạt các chi phí khác nêu trên. Lúc này Toni đã có trong tay tài sản căn nhà to đẹp và nhiều đồ giá trị, nhưng lòi ra một khoản nợ lên tới 3,9 triệu Đô bỗng dưng đổ lên đầu. Với thu nhập thấp vô lý từ phí bản quyền, chỉ được 33 – 35 cent cho mỗi album bán ra, Toni Braxton sẽ không đủ khả năng chi trả cho các khoản chi tiêu của một celeb đã có gia đình chồng con. Thế nên, để giải quyết vấn nạn của mình, Toni Braxton phải tìm đến giải pháp đệ đơn khai phá sản - chương 7, một dáng phá sản vì “vỡ nợ”. Theo luật này, các hợp đồng hiện có của cô sẽ trở nên vô hiệu lực và số tiền 3,9 triệu đô cô đang nợ sẽ được giải quyết một phần với các chủ nợ qua việc bán các tài sản, nhà ở, xe cộ và cả mấy tượng vàng giải Grammy của cô. Chỉ là riêng hợp đồng ghi âm thì không thuộc diện quy vào vô hiệu lực, do đó Toni quay ra kiện ngược lại hãng đĩa để tìm cách tự giải thoát mình.

Như lời Toni kể lại qua bộ phim hồi tưởng cùng tên “Un-Break My Heart”, chính Babyface là người đứng trước toà thừa nhận rằng, dù anh là một trong những người sáng lập ra chính LaFace, nhưng với vai trò cũng là một nghệ sĩ trong nghề, anh sẽ không bao giờ ký một hợp đồng ghi âm ăn chặn như LaFace và Arista đã làm. Kết quả là hãng đĩa phải dàn xếp lại với Toni bằng tấm séc 22 triệu Đô và khoản % phí bản quyền cũng tăng lên. Vụ việc đó xảy ra năm 1998. Bẵng đi một thời gian đến năm 2010, Toni Braxton lại đệ đơn phá sản - chương 7 lần thứ hai. Lần này là vì khoản nợ cô vướng vào với hàng tá hợp đồng dịch vụ tổ chức show tại Las Vegas. Vậy còn khoản thu nhập từ tiền bản quyền thì sao? Chẳng nhẽ nó không đủ để cô trả tiền chạy sô sau khi % đã được hãng đĩa LaFace và Arista tăng lên? Đây nhé, tiền bản quyền của một bài hát sẽ được chia ra cho hai nhóm: (1) Nhóm đầu là những người tham gia sáng tác bài hát đó, bao gồm phần nhạc và phần lời. Trong hai đĩa đầu, đóng góp của Toni trong khâu sáng tác chỉ điểm suyết 2 bài/album, nên từ đĩa The Heat về sau, Toni có tên trong danh sách sáng tác phải hơn 60% (thế nên giờ các bạn cũng có thể hiểu các nghệ sĩ ngày nay ai cũng phải cố ít nhất góp lời để hưởng sái từ mục này). (2) Nhóm thứ hai, những người tham gia thu âm, nên dĩ nhiên Toni có tên trong đó. Doanh thu tiền bản quyền thì không chỉ đến từ việc bán đĩa (sau này có thêm cả từ nhạc kỹ thuật số như iTunes và các app stream nhạc như Spotify, Tidal), mà còn cả qua các kênh phát nhạc trên Internet (các bài phát trên sóng radio truyền thống chỉ trả tiền bản quyền cho nhóm sáng tác bài hát), và những lần bài hát được sử dụng trên phim ảnh, truyền hình, tại các cửa hàng tạp hóa, sân bay, bệnh viện, v.v. Nghe có vẻ nhiều nguồn thu là vậy, nhưng thực tế là ngoài chút vớt vát của album The Heat (2000), các đĩa nhạc về sau của Toni cũng kém hơn hẳn về số đĩa bán ra. Các tác phẩm của cô bị chìm nghỉm giữa những bể vô vàn những nghệ sĩ trẻ mới mẻ, chiếm sóng của cô ca sĩ hát nhạc R&B thuần hương vị ballad - thể loại giờ đây đã bị lãng quên. Cả khi Toni có thêm mắm thêm muối các gia vị của xu thế trẻ như trong đĩa More Than A Woman (2002), thứ âm nhạc đó vẫn cứ trơn tuột khỏi giọng hát trầm buồn đặc trưng của cô, không tạo được ấn tượng với người nghe như chính kết quả trên bảng xếp hạng. Thế nên tiền bản quyền từ các album mới về sau này cũng không còn màu mỡ như trước nữa. Đó là lý do Toni phải cày thêm từ những tour diễn, đặc biệt ở Las Vegas. Đen cái là khi cô vừa mới gia hạn hợp đồng với một loạt nhà cung cấp dịch vụ, cô phát hiện mình bị căn bệnh Lupus ban đỏ, gây ảnh hưởng đến tim, khiến Toni còn bị ngất ngay trên sân khấu. Trớ trêu cho cô ca sĩ chuyên hát các bài có tên liên quan đến “tim” với “thở”, thì giờ bị bác sĩ khuyên phải hạn chế tối đa biểu diễn nếu cô không muốn nguy hiểm tới tính mạng. Huỷ hết loạt show với chi phí tổ chức vô cùng đắt đỏ ở Vegas mà do cô hoàn toàn tự bỏ tiền đầu tư trong khi không huỷ được hợp đồng, Toni lại ôm một đống nợ. Một lần nữa, cô phải tìm tới con đường phá sản để giải thoát mình lần thứ hai vào năm 2010. Hai lần phá sản, một đứa con bị phát hiện mang chứng tự kỷ, vợ chồng trục trặc dẫn tới ly dị, Toni Braxton tưởng như mất hết hy vọng và bỏ dở sự nghiệp âm nhạc đầy đam mê. Thì “người tình trăm năm” Babyface xuất hiện.

Sự gắn kết và đồng cảm ở âm nhạc đã luôn nung nấu ý tưởng một album song ca của hai người từ lâu. Nhưng họ không thực hiện khi chưa tìm được cảm xúc chân thành nhất. Nên sự xuất hiện của Babyface lúc này không thể đúng thời điểm hơn được nữa. Kết quả là album rất hay Love, Marriage & Divorce (2014) ra đời. Với Toni Braxton, khi gặp lại người mà cô gọi là “ông chồng nhạc nhẽo” của mình, cô chỉ biết trách cứ dỗi hờn khi Babyface cứ đem những bài nhạc hay của mình cho mấy cô nàng khác như Beyonce. Nhưng sự đồng cảm vẫn còn như ngày đầu, chỉ khác là giờ Toni đã đủ tự tin để bảo vệ suy nghĩ của mình, như cách cô giữ lại phần lời cô viết rất thật, đầy nhỏ nhen thù hằn theo cách “rất phụ nữ” khi ghen tuông trong bài “I Wish”: I wish, I wish, I wish she'd break your heart Like you did to me I hope you're unhappy And I pray, I pray, I pray she brings you to your knees So you'll come back to me I really don't want to see you die But only make you cry Like you did me”

Với Babyface, khi được nghe lại giọng hát cất lên trong studio mà anh đã yêu từ ngày đầu tiên anh gặp Toni, anh thấy như mình được trở về căn nhà, được ăn những món ngon mẹ nấu, được ngồi xem tivi cùng bố. Tất cả các cảm xúc trên mọi giác quan ùa về. Việc của Babyface và Toni Braxton giờ thật đơn giản. Chỉ là cùng nghĩ về những hạnh phúc trong tình yêu, những đau buồn khi rạn nứt và nhưng đau đớn khi chia tay, và kết quả là đơn ly hôn mà cả hai nghệ sĩ này đều phải trải qua. Nó cũng giống như chính mối quan hệ trong âm nhạc mà cả hai đã có: “yêu nhau” từ thuở Toni còn mới chân ướt chân ráo vào làng nhạc, “tình yêu trỗi dậy” khi Toni lên đỉnh cao của thành công, và “rạn nứt rồi chia tay” khi vụ việc thiếu công bằng trong hợp đồng ghi âm bị vỡ lở. Khác cái là trong mối quan hệ này, Babyface đã chủ động là người hàn gắn, như sự kết hợp tuyệt vời của anh cùng Toni trong album này. Âm nhạc của nó vẫn có trữ tình và nỗi buồn đặc trưng trong nhạc của Babyface, có điều cách làm nhạc lần này không còn những câu đàn keyboard và bass rất tình nhưng dùng nhiều đến độ dễ đoán của anh nữa. Ở đây có sự buồn đến tê người của “Roller Coaster”, tempo nhanh hơn chút gợi tình hơn chút ở “Sweat”, sầu thảm ở đoạn mở đầu rồi mạnh mẽ hơn về sau ở “Hurt You”, sâu lắng ở “Where Did We Go Wrong”.... Giọng hát đôi của Toni Braxton và Babyface mới thật hợp và quyện với nhau vô cùng đẹp. Thực sự phải có những bài như “The D Word”, mới hiểu được sao cả Babyface và “L.A.” Reid đã luôn khuyên Toni hát những bài buồn, vì chỉ có giọng cô mới bộc bạch ra nỗi đau đó. Album Love, Marriage & Divorce đó chỉ bán được 67 nghìn bản tuần đầu tiên và cho đến nay mới vượt số 200 nghìn bản. Bù lại, nhạc phẩm này được giới phê bình khen ngợi và được người nghe nhạc già U40 và U50 - những fan cũ của Toni Braxton và Babyface đón nhận tích cực. Nó cũng mang đến cho cả hai nghệ sĩ giải Grammy cho album R&B hay nhất, giải Grammy đầu tiên sau 14 năm của Toni. Nói cho cùng, thành công đến với Toni Braxton không phải ở mặt thương mại, nhưng lại là giải thưởng tinh thần lớn để cô tự vực mình dậy sau hàng loạt thất bại trong cả tìm lại những bản hit mới cho riêng mình lẫn xoay sở kiếm tiền từ những buổi chạy sô. Đúng như lời Babyface đã nói với cô ngày gặp lại: “Toni, cô quên mất mình là một nghệ sĩ. Thế nên đừng lo các việc kinh doanh kiếm tiền nữa mà hãy nên kể cho mọi người nghe câu chuyện về cuộc đời của cô”.


Hẹn gặp lại! Kroon

1,454 views

Recent Posts

See All
bottom of page