top of page

Usher: tại sao anh không kế cận Michael Jackson?

Khi Michael Jackson đột ngột ra đi vào năm 2009, năm cuối cùng của thập niên 2000s, thế giới bỗng chợt hoang mang khi không còn một hình tượng mang tính biểu tượng cho nhạc Pop, người vừa có thể hút fan lẫn là đề tài hấp dẫn của cánh báo chí cho những scandal và chỉ trích, một cái tên vừa có khả năng bán đĩa sòn sòn lẫn đảm bảo lấp kín cho các sân vận động. Lẽ tất dĩ ngẫu, các nhà bình luận âm nhạc đều chăm chăm đi tìm người kế vị ngồi vào cái ngai vua nhạc Pop đó của MJ, với hy vọng nhỏ nhoi nếu thành công thì sẽ có thể ngồi mát ăn bát vàng cả đời.

Tôi nghĩ trong số những người mang kỳ vọng cao nhất, hẳn có cái tên Usher. Nổi lên từ cuối những năm 90, đình đám ở thời điểm đầu những năm 2000s, không ai hát hay và nhảy đẹp như anh. Với bộ sưu tập album như My Way, 8701, Confessions, hay Here I Stand, Usher cũng đã trở thành người bán nhiều đĩa thứ nhì của thập kỷ (sau mỗi Eminem), và cũng là một cái tên đảm bảo cho việc lấp kín các sân vận động bằng những màn trình diễn siêu hạng. Hẳn không ít người giống như tôi thời đó, cũng hy vọng đây sẽ là người giữ lửa cho MJ từ giờ. Nhưng hóa ra mọi việc cũng không dễ, và từ khi bước sang thập niên 2010, Usher bỗng hụt hơi trong việc gây dựng một tượng đài như MJ.

ÂM NHẠC

Usher sở hữu một giọng hát vô cùng tốt. Giọng anh cao khỏe và dầy tiếng khi dùng giọng ngực. Không những thế, Usher có thể luyến âm tốt khiến cách hát R&B – một dòng nhạc khó trong thể hiện giai điệu ở những đoạn verse, được thể hiện mượt mà và quyến rũ.


Ca khúc mang tên tuổi anh đến thị trường âm nhạc đại chúng là bài “You Make Me Wanna” trong đĩa My Way (1997). Usher thể hiện sự tình tứ điêu luyện khi hát những khúc nhạc khó. Trong đoạn verse đầu, câu “the one I used to run and talk to / when me and my girl was having problems” gần như chỉ ở quanh một nốt nhạc nhưng được Usher hát với hơi đầy và có độ luyến nên nghe vẫn đầy quyến rũ. Khi ở câu điệp khúc, anh hát nhấn chữ “leave” một cách ấm áp.


Bớt dập dình hơn bài trên, trong ca khúc “Can U Help Me” trong đĩa 8701 (2001), một bản ballad ngọt ngào được Usher hát hoàn hảo nhờ giọng hát đầy đặn. Sau đó khi Usher kéo giọng lên cao vút ở cuối đoạn bridge để vào phần điệp khúc lần cuối “Would you help me?”, giọng anh hơi có độ khàn như MJ hát ở khúc cuối bài “You Are Not Alone”.

Ngoài các bài R&B trữ tình ballad, Usher xử lý tốt cả những bản upbeat hơn như “Pop Ya Collar”, “Caught Up”, liên tục biến tấu trong nhịp điệu mà vẫn rất tình.

Sau đĩa My Way, Usher có được một bệ phóng vững vàng với hai album sau 8701 Confessions của anh đều thành công rực rỡ. Album 8701 thì được Usher lấy cảm hứng từ giai đoạn sự nghiệp bắt đầu từ 1987 đến 2001 và cũng được phát hành vào đúng ngày 7 tháng 8 năm 2001 (theo cách viết lịch của mấy ông Mỹ là 8/7/01). Cái chất R&B vẫn còn rất sâu trong 8701 và lại được khoác “bộ áo” âm thanh tối tân hơn nhờ các producer tài năng như Jermaine Durpi, Babyface, The Neptunes. Đến album Confessions, Usher thậm chí còn cho thấy sự trưởng thành rõ rệt với những thay đổi cần thiết. Ví dụ đơn giản như: Usher đã chứng tỏ cho người nghe thấy là anh không phải là kiểu soái ca phục vụ cho các chị em tuổi teen. Nội dung trưởng thành và có phần gây sốc hơn trong Confessions khiến cho Usher gặt hái vô vàn giải thưởng và số đĩa bán ra đưa anh vào hàng ngũ top các nghệ sĩ bán chạy nhất lịch sử. Các ca khúc được phát hành dưới dạng single như “Confessions Part II”, “My Boo”, “Caught Up”, “Burn” đều rất hay.


Duy chỉ có điều thể loại nhạc của cả My Way, 8701Confessions đều đậm chất R&B, thể loại không phải được số đông ưa chuộng và chóng tàn. Và dường như Usher lại không làm được như MJ trong việc mang tới người nghe sự phong phú về thể loại nhạc.


Có lẽ là nhờ khả năng thiên bẩm trong đôi tai của MJ đã cho phép anh sản xuất những ca khúc "lai" Rock, Pop, R&B, Soul và Disco một cách phong phú và hấp dẫn. Nếu để ý sẽ thấy trong bất cứ bài dựng thông thường nào của MJ, phần nhạc beat được chuẩn bị cực kỹ lưỡng với độ dầy của nhạc cụ và phần tiết tấu trống rất độc đáo: một là theo nhịp điệu bắt tai, hai là do cách dùng đàn bass, ba là do dàn trống được sử dụng, và bốn là tiếng beatbox mà MJ pha trộn thêm. Còn với Usher, anh dường như vẫn phụ thuộc nhiều vào phần làm nhạc của các nhà sản xuất. Nhạc của Usher hay, mix hay (và khá thể hiện cá tính của nhà sản xuất), nhưng không nhiều bài có được nét độc đáo riêng. Usher thiếu những cú đập trống intro mạnh mẽ như “Bad”, không có tiếng guitar cực phê của Eddie Van Halen trong “Beat It” hay của Slash trong “Give Into Me”, không có dàn trống hùng hậu đầy hào hùng trong “They Don’t Care About Us”.


Và rồi dường như Confessions là đỉnh cao cuối cùng mà Usher vươn tới được. Hiểu rằng dòng nhạc R&B vẫn thuộc dạng kén khách, Usher đã có những bước chuyển biến thương mại hơn khi single “Yeah!” đã là phép thử thị trường với dòng nhạc điện tử. Không may là “Yeah!” lại rất thành công, nhờ âm thanh thời thượng lúc đó và vẫn lưu lại được giai điệu R&B tình tứ. Điều đó khiến cho Usher và đội ngũ hãng đĩa tự tin chuyển sang dòng nhạc điện tử sau này, nhưng hóa ra không đạt như kỳ vọng. 


Xem ra, cái mà Usher đánh mất đi trong âm nhạc của anh khi chuyển hướng lúc đó là tiếng hát truyền cảm đầy trữ tình mà ít ca sĩ nào sánh được cùng thời với anh. TẠO HÌNH Trong “tạo hình”, Usher thực sự sở hữu khả năng vũ đạo rất tốt. Như video clip bài “You Make Me Wanna” chẳng hạn, Usher gây ấn tượng mạnh với người xem bằng cú lướt ngang biến tấu từ điệu Moonwalk của Michael Jackson. Điệu này khác với Moonwalk là thay vì bước trượt lùi về phía sau, điệu này (có tên gọi là side glide) lại cho vũ công di chuyển sang ngang như con cua, nhưng mượt hơn, như lướt trên mặt sàn. Điệu đi ngang của Usher khác với MJ là bàn chân anh xoay góc rộng hơn, khiến cho bàn chân anh xoay chuyển nhiều hơn. Gần giống như cái ngày MJ khiến cả thế giới kinh ngạc trước điệu Moonwalk thần sầu khi anh biểu diễn bài "Billie Jean", Usher gây sự chú ý với người nghe với điệu side glide và bài hát phong cách R&B pha hip hop thời thượng lúc đó.


Sau “You Make Me Wanna”, hình ảnh vũ điệu điêu luyện của Usher tiếp tục gây sốt qua các điệu popping, locking, slide gliding trong các video clip, bài biểu diễn, cho đến lúc các điệu nhảy đó bắt đầu nhàm mắt. Mặc dù phải thú thật là đi xem Usher diễn cực kỳ đã mắt, y như một show diễn hoàn chỉnh của những vũ công tài năng, mọi người chợt nhận ra những động tác nhảy của Usher không có khả năng truyền cảm hứng như MJ. 

Có lẽ tất cả chúng ta đều nhớ những động tác tiêu biểu khi MJ biểu diễn, ngoài các cú signature ngoài moonwalk là đá chân, xoay người, nghiêng người, anh vẫn có những màn dàn dựng vũ đạo biến tấu và quan trọng là cực khớp với nhịp điệu cũng được biến tấu remix của bài hát gốc để gây hứng thú cho người xem. Một ví dụ trong vô vàn các điền hình, như trong màn diễn của MJ tại giải MTV Music Awards năm 1995, khi đến bài "Dangerous", MJ thực hiện cú uốn người khi hát đến câu "divinity in motion", rồi đưa tay xuống bộ hạ, một tay hôn gió khi hát đến "a touch, a kiss, a whisper of love". Nói nôm na thì MJ đã trở thành nguồn cảm hứng cho những đứa trẻ, trong đó có tôi, tập tành những bược nhảy đầu tiên. Tất cả tụi trẻ con đều muốn làm được như MJ, và coi anh như một hero đúng nghĩa. Trong khi với Usher, có lẽ tất cả chúng ta đều ngắm nhìn anh với một sự ghen tị không nhỏ theo cách "cậu quả nhiên học được nhiều từ MJ hơn tôi".

Chưa kể, vũ đạo của Usher dường như không nhằm mục đích "tạo hình" cho âm nhạc của anh một cách đúng nghĩa. Những màn vũ đạo của anh chỉ đa phần dừng ở phần nhảy, rất quyến rũ, và rất giải trí, nhưng ít khi mang lại nội dung cho bài. Trong khi đó, những khán giả đi xem MJ đều cảm nhận được thông điệp trong từng màn nhảy múa của MJ, không những góp phần minh họa cho phần nhạc, mà còn biến màn trình diễn của MJ mang nặng tính sân khấu kịch trường. Rất tự nhiên, vũ đạo của MJ và những đồng đội xung quanh giúp âm nhạc của anh bỗng gần gũi hơn với hàng ngàn khán giả ở dưới.  Trong khi đó, Usher đáng nhẽ vẫn có thể thuê những đạo diễn chương trình như cách Justin Timberlake làm trong show tại Madison Square tuyệt đỉnh. Justin có cả dàn vũ đạo nhảy cùng với các động tác đẹp và sáng tạo, rồi lúc không nhảy, Justin lại cầm đàn guitar gảy, bấm piano, beatbox, và thậm chí chill cùng các nhạc công trong ban nhạc diễn live hoành tráng. Thực sự với cách mà JT tương tác với các đồng đội của anh trên sân khấu đã đem lại một cảm giác rất gần gũi với khán giả bên dưới. HÌNH ẢNH VÀ SỨC ẢNH HƯỞNG

Hình ảnh của Michael Jackson khi chuyển sang solo đã sớm thể hiện sự tự chủ trong định hướng, một phần cũng nhờ tài năng sáng tác nhạc. Cùng Lionel Ritchie sáng tác bài “We Are The World” nhưng nhiều người chỉ nhớ đến MJ như người có công lớn nhất cho ca khúc mà đủ các đại anh tài phải tham gia.

Còn Usher thì dù sao vẫn là cậu ca sĩ tài năng với sự hỗ trợ của bộ sậu phía sau. Lúc đầu là giúp đỡ của tay chơi P.Diddy, sau đó là hàng loạt các nhà sản xuất đại tài như nhắc tới ở trên. Không sao hết, hợp tác đúng người thì công sức của Usher trong việc mang lại các sản phẩm âm nhạc chất lượng đó vẫn không thể phủ nhận. Chỉ là sau đó, anh bắt đầu loay hoay trong việc lựa chọn người đồng hành. Các ca khúc bị thương mại hóa hơn thể hiện trong âm nhạc có sự ảnh hưởng của khách mời như Will.I.Am, Jeezy, Nicki Minaj, hay Ludacris.


Không có gì quá ghê gớm với việc rủ các nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời, chỉ có điều là anh bỗng nhiên tự đánh mất đi cái gốc “Usher” của mình trong những bản nhạc cùng khách mời ngày một dày đặc. Trong khi đó với MJ, kể cả bài hát có sự tham gia của Paul McCartney, Stevie Wonder, Notorious B.I.G., Slash, cái chất “MJ” vẫn lấn át được cả những gạo cội kia.

Về tầm ảnh hưởng, nội dung về chuyện tình cảm, dù có tính gây sốc của Usher cũng không thể vươn tới người nghe đủ mọi lứa tuổi, ở mọi quốc gia trên thế giới như âm nhạc mang tính “nhạy cảm” thời sự như “Man In The Mirror”, “Heal The World”, “Earthsong” của MJ. Kể cũng khó khi không thể tưởng tượng Usher hát những lời như “Kick me, kick me / Don't you black or white me / All I want to say is that / They don't really care about us” trên nền nhạc R&B được, hoặc một cậu ca sĩ soái ca hút hồn đám chị em vốn hay hát về chuyện cắm sừng bạn gái nay lại đi hát “Heal the world / Make it a better day / For you and for me / And the entire human race”.

*****

Nhìn lại, cuối cùng sự kỳ vọng của ngành âm nhạc khi đi tìm một người kế nhiệm cho MJ có vẻ không thực tế?

Kể ra không công bằng chút nào nếu đem Usher đi so với MJ. Sự so sánh khập khiễng đó chỉ cho thấy là hình ảnh của mỗi nghệ sĩ giỏi đều có sự độc nhất. Những điểm tương đồng của Usher với MJ trong giọng hát, vũ đạo không làm Usher trở thành MJ và cũng không làm mờ đi tài năng của ca sĩ này.

Chỉ là sự thành công trên đà của My Way, 8701 rồi đến Confessions (trong khi MJ đã không còn ra nhạc đúng nghĩa nữa) khiến mọi người quá kỳ vọng vào sự xuất hiện của một MJ thứ hai. Tôi không dám chắc là Usher có muốn trở thành MJ không, nhưng hẳn là với những người tài giỏi như anh, ai mà chẳng muốn ngự trị trên đỉnh cao thế giới. 


Rốt cục, chắc bởi vì tôi thấy tiếc là anh không giữ lại được cái hồn trong nhạc R&B trước đó sau Confessions và Here I Stand. Kể cả thể loại này không được thị trường đại chúng ưa chuộng như trước, anh vẫn có thể thay đổi xung quanh cốt lõi đó, để sản xuất những tác phẩm âm nhạc hay giống như Miguel, The WeekndFrank Ocean đang làm.

Sao phải ngừng làm thứ mình giỏi nhất cơ chứ, Usher?

Hẹn gặp lại! Kroon

1,545 views

Recent Posts

See All
bottom of page