top of page

Loudness: Có "loud" mà không "nét" mấy

Updated: Jul 21

Có một sự mâu thuẫn không hề nhỏ giữa các ban nhạc chơi Rock không nói tiếng Anh: họ cần phải hát tiếng Anh để vươn tầm ra thế giới, nhưng khi họ lần mò tìm được tới thị trường quốc tế, mà nhất là Mỹ, quá trình đó đã bào mòn những thứ từng làm cho họ trở nên đặc biệt. Ban nhạc Loudness tới từ nước Nhật là một trường hợp như vậy. Có lẽ ở thuở ban đầu, họ từng là ban nhạc “ngậm thìa bạc” đầy may mắn khi trở thành band Heavy Metal đầu tiên của Nhật lọt được vào thị trường Mỹ và giành được hợp đồng ghi âm ngay tại đây, chưa kể tới việc sở hữu tay một tay guitar hero như Akira Takasaki, người được mệnh danh là Van Halen của Châu Á. Nhưng đây cũng là ban nhạc mà EmoodziK vẫn thường nâng lên đặt xuống nhiều lần không biết có nên viết không, cũng bởi họ hầu như nghe chả Nhật chút nào.


Với đội hình được dẫn dắt bởi Akira Takasaki, người viết nhạc chính cho ban nhạc, và tay trống Munetaka Higuchi, Loudness ra mắt ở Tokyo vào cuối năm 1981 khi nước Nhật hồi đó còn chưa có Heavy Metal band nào. Mặc dù là một đất nước ảnh hưởng từ văn hóa Âu Mỹ rất sớm, các thanh niên Nhật thời đó cũng chỉ dám cover lại những Deep Purple hay Led Zeppelin chứ cũng chưa có ai từng nghĩ tới việc chơi nhạc nặng của riêng mình (Bow Wow từ Tokyo hay Murasaki từ Okinawa có lẽ là vài ví dụ khác).


Thêm một điều may mắn nữa khi Loudness ra album The Birthday Eve (1981) của họ, phong trào New Wave of British Heavy Metal cũng vừa trở nên cực kỳ thịnh hành ở Nhật với những đại diện như Iron Maiden hay Saxon. Sẵn trong mình một tay guitar cự phách như Takasaki, ca sĩ hát giọng cao vút Minoru Niihara, và tay trống chơi chân bass đôi tuyệt hảo như Higuchi, Loudness xuất hiện thật đúng lúc và nhanh chóng tạo ra cho họ một lực lượng fan hùng hậu. Họ nhanh chóng lấp đầy các khán phòng vài ngàn người và tạo ra một làn sóng mới khi các ban nhạc làm theo phong cách của họ dần mọc ra nhiều như nấm. Chỉ trong hai hai ba năm sau khi Loudness ra album đầu tiên, Metal Nhật đã trở nên phổ cập hóa.


Lúc này đây với ba album lận lưng, tình cờ kỹ sư âm thanh của họ, Daniel McClendon, một gã tới từ San Francisco, gợi ý với Loudness đi tour ở Mỹ. Và thế là một ngày đẹp trời năm 1983, Loudness lên đường sang California chơi một vài show và mọi thứ ở đây đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của Loudness về âm nhạc nước Mỹ. Không phải cứ nhạc Mỹ là nghe như Eagles, Loudness hóa ra lại được diện kiến Metallica và Slayer ở thuở sơ khai của họ, và thậm chí có nơi đồn rằng Akira Takasaki còn được mời chơi guitar cho Metallica thay cho ai đó.


Sức nặng của Loudness khi đó tới từ những ca khúc đình đám như “Loudness” hay “Rock Shock”, những ca khúc thể hiện khả năng sáng tác những câu riff bắt tai và những câu guitar solo tốc độ với độ chính xác cực cao, ca sĩ chính Niihara lúc đó thậm chí còn chưa biết hát bằng tiếng Anh mà Loudness vẫn thừa khả năng chinh phục các khán giả ở bờ Tây nước Mỹ khi đó. Mãi sau này các ông trong Loudness mới biết ở Mỹ vốn có phong trào trao đổi băng trong đám nghe nhạc indie, mà Lars Ulrich của Metallica cũng chính là một kẻ sừng sỏ trong khoản này. Cũng nhờ đó, một vài cửa hàng đĩa ở San Francisco thậm chí còn chơi lớn bán đĩa Loudness “nhập”. Thiệt tình nghe sang không khác gì Quiet Riot thời Randy Rhoads hay Yngwie Malmsteen thời Rising Force, những ban nhạc phải bắt đầu từ thị trường Nhật trước khi được đón nhận ở Mỹ.


Đến đây tui phải thú nhận, mặc dù nhạc của Loudness trong thời kỳ hát tiếng Nhật này nghe đã và cuốn, sự hấp dẫn chính thực ra vẫn là vì họ chơi giống người Mỹ ghê gớm. Với cá nhân tui, mặc dù rất ngưỡng mộ tốc độ và khả năng shred siêu chính xác của đại cầm thủ Akira Takasaki, tui vẫn thường không thể nhớ được một câu riff nào cụ thể của anh, hay một khúc solo có thể khiến tui đang làm việc khác phải dừng lại để lắng nghe.


Thế, những nhà quản lý của Loudness lập tức khiến cho mọi người phải ngạc nhiên khi ngay sau đó giành được một hợp đồng ghi âm cho Loudness với hãng Atco của Mỹ, và ép ban nhạc này phải hát tiếng Anh. Có thể hiểu được, với cái giá cỡ 35 đô la thời đó cho một album “nhập khẩu”, có lẽ mấy tay quản lý kia cũng thừa hiểu dù Loudness có chơi hay đến mấy mà vẫn hát tiếng Nhật thì sự chú ý của khán giả dành cho họ cũng chả mấy chốc mà tiêu tan; huống chi đây còn là thị trường ít kiên nhẫn như Mỹ.


Có gì đâu, công thức nhạc nhẽo của Loudness thì vẫn do Takasaki đảm nhận như thế, và trong quá trình sáng tác, ca sĩ chính Niihara sẽ viết lời bằng tiếng Nhật để rồi sau đó, anh sẽ có 3 cộng sự khác tìm cách chuyển soạn ý đồ tiếng Nhật đó sang tiếng Anh. Khi thu âm, Niihara sẽ có một “cộng tác viên” khác hát “mẫu” bằng tiếng Anh để rồi sau đó anh sẽ bắt chước lại. Khó mấy chả chơi được, vì đây là thị trường Mỹ cơ mà.


Về phía Akira Takasaki, cũng phải nói thêm trong quá trình chuẩn bị cho album đầu tiên được phát hành ở Mỹ của họ, anh đã chế ra một loạt các câu riff dễ nhớ và poppy hơn hẳn. Nổi nhất trong số này hẳn là ca khúc “Crazy Nights”, ca khúc hẳn góp mặt trong vô khối các album nhạc Rock chọn lọc từ thời này.


Cùng với sự tham gia của nhà sản xuất Max Norman lừng danh, người vừa sản xuất một loạt album cho Ozzy Osbourne từ thời Randy Rhoads tới Jake E. Lee, Thunder In the East (1985) ra đời ngoạn mục và bay vèo vào top 100 của Mỹ rồi ngồi trong đó tới 23 tuần.


Rất nhiều fan của Glam Metal ở Mỹ đến tận bây giờ có lẽ vẫn nhớ tới album này như là một trong những album Glam kinh điển. Loudness đã khuynh đảo nước Mỹ với những màn trình diễn đầy năng lượng và khả năng solo guitar đáng kinh ngạc. Kỹ thuật quét dây, khả năng chơi alternate picking với tốc độ và độ chính xác cực cao, cũng như cách tapping bằng 2 tay được “sao chép có cải tiến” từ Eddie Van Halen có lẽ đã kéo không biết bao khán giả tới với các sân khấu ở bờ Tây nước Mỹ thời đó. Thứ tui nể nhất ở anh này, có lẽ là chiêu tapping với tay trái để ngược trên cần đàn và dùng ngón út của bàn tay trái để chặn dây theo chủ đích, trong khi các ngón còn lại của bàn tay trái và tay phải liên tục tap.


Nhưng rồi hóa ra cũng chỉ có “Crazy Night” hay “Heavy Chains” dường như là ca khúc dễ nhận ra nhất của Loudness. Dường như mọi người bị ấn tượng bởi tốc độ của Loudness bao nhiêu, thì cũng sau đó bị thất vọng bấy nhiêu bởi với Loudness, họ chỉ chơi với một tốc độ duy nhất: nhanh. Ngay cả “Heavy Chains” đã có một đoạn guitar chậm rãi ở đầu đầy hứa hẹn, nhưng rồi ngay sau đó cũng lại trở lại với điệp khúc pằm pằm và những màn shred loang loáng. Akira Takasaki chơi quá nhanh để mọi người kịp nhận ra một câu nhíu dây hay rung động cảm xúc, cũng như không có nhiều lần để cho nốt nhạc của anh kịp chơi vơi qua hai hay ba khuông nhạc.


Sau album tiếng Anh tiếp theo Lightning Strike (1986) nhạt nhòa, đám quản lý của Loudness quyết định phải đưa ra sự thay đổi. Người ra đi là nhà sản xuất Max Norman, và thay vào đó là Eddie Kramer lừng danh, người với cây đũa thần đã từng đưa Jimi Hendrix và nhóm Kiss lên đỉnh thế giới. Kết quả là Hurricane Eyes (1987), âm nhạc đã chậm lại với nhiều keyboard hơn và âm thanh nghe bóng bẩy poppy không khác gì Kiss của thập niên 80s. Vẫn còn đó những màn shred như búa bổ của Akira Takasaki, kể cả trong những bản ballad hiếm hoi như “So Lonely”. Vẫn chả bán được mấy, chứ đừng nói so với Thunder 1985.


Tới đây, nhận ra có vẻ Max Norman không phải vấn đề của sự xuống dốc của ban nhạc, đám quản lý của Loudness đã đưa ra một quyết định máu lạnh hơn: sa thải ca sĩ chính Minoru Niihara và thay vào đó bằng một ca sĩ người Mỹ chánh hiệu mang cái tên Mike Vescera. Max Norman đã được mời lại, và lần này Akira Takasaki cùng các đồng đội quyết tâm làm một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục mang tên Solider of Fortune (1989).


Tui nghĩ Mike Vescara đã làm được tốt hơn Niihara với giọng hát dày và nội lực hơn (anh này sau hát cho Yngwie Malmsteen trong album Seventh Sign cực hay), có vẻ như Akira Takasaki vẫn khá loay hoay sắp xếp các câu riff và solo của mình. Ca khúc tui thấy kết nhất có lẽ là “Twenty-Five Days”, một ca khúc không nhanh nhưng có phần guitar vang vọng đầy thú vị và đặc biệt là câu kết của bài là một khúc nhạc chơi với Japanese pentatonic đầy hứng khởi. Tui bỗng sực tỉnh khi nhận ra lâu nay, với trình độ chơi nhạc thượng thừa của các thành viên Loudness, họ dường như tránh né việc làm ra một thứ nhạc mang âm hưởng Nhật Bản cho tới khi có “Twenty-Five Days”; và đâu như cũng chỉ có bài này.


Vẫn biết vị trí địa lý vẫn luôn là điểm thiệt thòi cho các ban nhạc không nói tiếng Anh, những hãy thử nghĩ xem, Scorpions hay Helloween đều nghe là biết là nhạc Đức dù họ hát tiếng Anh; hoặc Sepultura từ Brazil nghe rõ ràng không phải là nhạc Anh hay Mỹ. Nếu như người Đức có thể vay mượn những thứ từ nhạc cổ điển với những vị tiền bối tài năng của họ, tại sao người Nhật không làm thế với thứ Japanese pentatonic nghe phát biết liền của họ? Chẳng phải ngoài kia những Marty Friedman hay Jason Becker của thời những năm 1980s vẫn luôn đau đáu đi tìm những âm hưởng tới từ nước Nhật cho thứ âm nhạc Neo-Classical của họ đó ư? Marty Friedman sau đó làm nên tên tuổi với lối chơi đậm chất phương Đông của anh thậm chí trong cả những câu solo cùng Megadeth, nhưng Loudness thì vẫn luôn chơi những âm thanh Mỹ không lẫn vào đâu được. Và đó vẫn luôn là dấu hỏi to đùng không có lời đáp với tui.


Dù rằng sau này Mike Vescara vẫn tiếp tục ra thêm một album với Loudness trước khi ca sĩ chính Minoru Niihara quay trở lại tái hợp cùng Akira Takasaki vào năm 2000, và dù vẫn đều đặn ra album mỗi năm (đến này Loudness đã ra tới 26 album) cũng như Akira Takasaki vẫn liên tục quét dây đã mắt trên sân khấu năm này qua năm khác, họ vẫn nghe nhạt nhòa như nhạc Glam Metal thời trước và những gì tốt đẹp nhất có lẽ đã dừng lại ở Soldier of Fortune năm nào.


Năm 2015, Loudness trở lại Mỹ để tour kỷ niệm 30 năm cho album Thunder in the East.


Hẹn gặp lại!


Kai

203 views
bottom of page