top of page

Ẩn sau giàn trống (Ep. 10): Bernard "Pretty" Purdie

Các tay trống có lẽ luôn là người thiệt nhất trong ban nhạc về mặt hình ảnh, bởi khi mỗi lần biểu diễn thì họ thường bị che khuất bởi cả đống nhạc cụ trên giàn trống (chẳng nhẽ lại ngồi quay lưng vào khán giả để được nhìn thấy nhiều hơn), còn khi không biểu diễn mà đi ra ngoài cùng band thì y như rằng sẽ bị ca sĩ chính với tay lead guitar làm lu mờ. Thậm chí ở nhiều nơi, khán giả còn không phân biệt được ông nào đánh trống hay chơi bass trong ban nhạc.


Có lẽ tay trống còn chịu thiệt hơn gấp vạn lần nếu như họ còn phải chơi session cho ban nhạc hay nghệ sĩ, mà thậm chí trong những thời kỳ như thập niên 60s và đầu 70s, hãng đĩa còn không cho phép họ có tên trong credit. Đơn giản là vì cái lệ hồi đó nó vậy.


Benard “Pretty” Purdie, tay trống bậc thầy của các tay trống bậc thầy, một trong những nghệ sĩ session thu âm nhiều nhất trong lịch sử - bất chấp việc ông không được ghi credit trong suốt thập niên 60s và 70s, con số không chính thức số bản thu của ông là 4000 và cỡ hàng chục ngàn session – đáng nhẽ phải là người cảm thấy thiệt thòi nhất.


Nhưng không, ông lúc nào cũng xuất hiện nom thật vui vẻ, bởi ông chỉ muốn được chơi trống. Và hơn nữa, chẳng ai có thể “cả gan” phản bác người đàn ông có thể tự nhận là lịch sử hiện đại của chơi trống như Purdie. Kể cả việc ông chém rằng ông là thành viên thứ 5 giấu mặt của The Beatles.


James Brown, Ray Charles, Frank Sinatra, The Animals, The Monkees, Aretha Franklin, Jeff Beck, BB King, Miles Davis, Ray Charles, King Curtis, Hall & Oates, Peter Frampton, Cat Stevens, Quincy Jones, Bob Marley, Steely Dan, Jeff Beck. Bạn cứ việc gọi tên bất cứ nghệ sĩ lừng danh ở thập niên 60s 70s nào và gần như chắc chắn Benard Purdie có mặt trong các album và bản hit lừng danh thời đó.


1. Steely Dan và điệu Purdie shuffle


Ai cũng biết tới sự cầu toàn quá mức của Steely Dan khi thu nhạc, và khi bộ đôi Donald Fagen và Walter Becker kiếm Benard Purdie nhờ tham gia thu album Aja, họ đã độp ngay rằng họ không muốn điệu shuffle, không kiểu Motown, cũng không cần kiểu Chicago; túm lại chính bộ đôi cũng không rõ là điệu gì nhưng phải chơi ở half time.


“Pretty” Purdie chỉ đáp lại: “Thế các cậu sẽ có điệu shuffle kiểu Purdie”.


Điệu shuffle của Purdie có lẽ chỉ giữ lại cái nét chơi chùm ba ở mỗi nốt đen với nốt thứ hai lặng (1-[lặng]-3/2-[lặng]-3/3-[lặng]-3/4-[lặng]-3) trên giàn hihat nhưng với cách chơi kick và snare không lọt vào nhịp 1 và 3 của beat như những nhịp 4 thông thường, cũng như không nhấn vào nhịp [1] của mỗi câu chùm 3, câu beat của Purdie bỗng chốc biến thành một cuộc dạo chơi nước kiệu với kịch tính dồn vào tiếng hi-hat nom bỗng giống như tick-tick [nghỉ] tick-tick [nghỉ].


Cả hai ông kẹ đều trợn tròn mắt mà không hiểu tay trống này có ý gì. Cho đến nghe được Purdie thể hiện điệu shuffle do ông chế ra, cả hai đều phải thừa nhận bản “Home At Last” của họ thực sự đã được dẫn dắt bởi câu trống này: vẫn có half time, vẫn có sự funky, chút lười biếng chậm rãi mà hóa ra không ai nghĩ đó là điệu shuffle truyền thống.


Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là họ sẽ dễ dàng kể cả với bậc gạo cội như Benard Purdie – ông đã phải thu tới 40 hay 50 takes cho tới khi cặp đôi này hài lòng. Đấy là Benard Purdie đã từng uýnh nguyên cả đĩa The Royal Scam (1976) cho Steely Dan rồi đó.


Điệu Purdie Shuffle này sau đã truyền cảm hứng cho John Bonham thu “Fool in the Rain” và Jeff Porcaro đẩy nó lên một bậc với bản “Rosanna” huyền thoại cùng Toto ở thập niên 80s.


2. To còi


“Big Mouth” vẫn là cách mà Purdie tự nhận về mình thời trẻ. Vốn xuất thân từ một gia đình lao động ở Baltimore, Maryland, Purdie đã quen với việc phải làm việc chăm chỉ từ khi 6 tuổi – tham gia cùng bố và anh trai đi lắp đường rầy cho xe lửa. Với tài năng thiên bẩm và vươn lên từ nghèo khó, Purdie chắc hẳn cũng có cái miệng đáng tự hào và không nề hà bất cứ ai khi bắt đầu có những thành công với âm nhạc từ khá sớm ở Maryland.


Nhưng rồi Purdie đã quyết định chuyển tới New York năm 19 tuổi vì đây mới là nơi để phát triển sự nghiệp của ông. Ông đã từng làm đủ mọi nghề khác song song với việc đi đánh quán để trụ lại New York. Nhưng ngay khi bắt đầu có những hợp đồng thu âm session đầu tiên, Benard Purdie quyết định đi in cho mình 2 tấm bảng hiệu.


Bảng hiệu thứ nhất có dòng chữ: “PRETTY PURDIE THE HITMAKER. CALL ME.”


Còn cái thứ hai: “IF YOU NEED ME, CALL ME. LITTLE OLD HITMAKER. PRETTY PURDIE.”


Hoặc đại loại như vậy. Một hành động rất ngông ở thời đó.


Thế rồi mỗi khi chơi nhạc, dù là ở club hay trong phòng thu, Purdie đều chăng 2 tấm bảng hiệu đó ở sau lưng mình. Lúc đầu mọi người chỉ cười nhạo ông khi ông cố giải thích mình lúc nào cũng sẵn sàng.


Cho tới khi những bản nhạc có sự góp mặt của Purdie trở thành hit. Hết bài này tới bài khác. Mấy tấm bảng hiệu đã trở thành thương hiệu của Purdie cho tới tận giữa thập niên 70s, khi ông đã quá nổi tiếng và trở thành tay trống session bận bịu nhất New York, ông mới chịu bỏ chúng.


Tới luôn, Benard Purdie còn dấn tới ra hẳn một album solo của riêng mình vào năm 1967 với cái tựa Soul Drums, có từ những giai điệu từ funky cho tới latin và dù thứ âm nhạc trong đó là tiếng kèn và piano, không khó để nhận ra tiếng nhịp điệu của Benard Purdie mới là thứ dẫn dắt.


Một sự to còi rất dũng cảm khi tay trống tưởng chừng chỉ là một kẻ đánh thuê nay có nguyên một nhạc phẩm của riêng mình để phô diễn cái groove của mình. Và đây mới là cuối thập niên 60s.


3. Cầu toàn


Tính cách của Benard Purdie có lẽ khiến ông được nhiều người “đặt hàng” thu âm nhất, ấy là sự kỷ luật và sự cầu toàn. Với Purdie, đó đơn giản là vì ông được trả tiền để làm việc ông thích – chơi trống – nên ông sẽ chơi đúng theo cái người ta cần, cho dù đó là beat đơn giản nhất. Cách Purdie tạo ra dấu ấn của riêng mình chính là cái “cảm” trong cách chơi, khi nhấn nhá thêm hoặc nhả ra những nốt ghost, hoặc cách điều chỉnh âm lượng cũng như độ căng trầm trong từng beat của mình.


Không chỉ vậy, Purdie còn chơi được tất cả mọi thể loại từ Jazz tới R&B, và rock n roll cũng là thứ mà Purdie luôn rất tâm đắc.


Sự đa dạng về phong cách và tính chuyên nghiệp đã đưa ông tới tất cả các nghệ sĩ lừng danh ở thời đó, từ Aretha Franklin Nina Simone. Ông có thể chơi cho những người cầu toàn nhất như Simon & Garfunkel, những người đòi hỏi phải thu thêm thu nữa và thu mãi thật nhiều takes cho tới khi họ hài lòng (và cả Steely Dan ở trên), lẫn những người chỉ đưa ra ý tưởng về nhịp điệu nhưng lại không cho phép nhạc công của họ “phiêu” như James Brown hay Otis Redding.


4. Lặng lẽ


Không biết có phải do trùng hợp với sự kết thúc của một thời kỳ các nghệ sĩ và kỹ sư liên tục mày mò về các “chiêu” để ghi âm tốt hơn hay vì công nghệ thu âm và các nghệ sĩ session đã trở nên đầy rẫy, sau giai đoạn thu Gaucho cùng với Steely Dan cũng là khi bắt đầu giai đoạn trầm lắng của những nghệ sĩ session tài năng như Benard Purdie. Purdie rút về hậu trường với vai trò dạy học cho các tay trống khác, và vẫn tiếp tục lặng lẽ làm nghệ sĩ session đóng góp vào thành công của những nghệ sĩ khác, nhận những lời mời tham gia đặc biệt, cũng như đều đặn chơi ở club trong khu vực; trong khi thị trường chứng kiến một thế hệ nghệ sĩ mới bắt đầu lấy beat của ông làm sample cho cái thứ nhạc mà sau được biết đến với cái tên hip hop.


Và mặc dù vẫn tiếp tục thu âm đều đặn trong phòng thu cũng như tham gia góp sức trong các bản nhạc kịch hay nhạc phim, Benard Purdie dường như muốn tiếp tục gây bão với cái miệng của mình.


Lần này là với một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất hành tinh.


5. Chuyên đó xảy ra với The Beatles?


Liên tục trong các cuộc phỏng vấn của mình, Benard Purdie nhắc tới việc ông được “người ta” gọi tới để overdub cho mấy track của The Beatles để nghe cho chuẩn. 21 track tổng cộng trong suốt 2 năm đầu của Tứ Quái, nhưng ông không nói tên bài nào mặc dù có gợi ý một bài có kiểu “yeah yeah yeah” (Emoodzik đoán là "She loves you"). Ông nhắc tới việc bị dọa giết và không có ý định nói thêm bởi dù sao ông cũng đã nhận đủ thù lao cho công việc này.


Riết rồi, Purdie thậm chí còn dọa sẽ ra sách để nói đến chuyện này, và dù không nhắc tên cụ thể bài nào, Purdie quăng một trái bomb to đùng rằng Ringo Starr không có thu bài nào trong 2 đĩa đầu của Beatles. Ông tuyên bố mình đã tham gia overdub cho tất cả các band từ nước Anh muốn thành công ở Mỹ. The Monkees hay The Animals cũng nằm trong số đó.


Dĩ nhiên fanbase của Beatles đã dậy sóng. Và mặc dù sau này Purdie có ra sách thật vào năm 2021, cuốn sách của ông hóa ra cũng không nói gì cụ thể hơn về việc ông tham gia The Beatles thế nào.


Huyền thoại!


Kai

101 views

Recent Posts

See All
bottom of page