top of page

Ẩn sau giàn trống (Ep. 2): Jeff Porcaro

Updated: Feb 25, 2022

Các tay trống có lẽ luôn là người thiệt nhất trong ban nhạc về mặt hình ảnh, bởi khi mỗi lần biểu diễn thì họ thường bị che khuất bởi cả đống nhạc cụ trên giàn trống (chẳng nhẽ lạ ngồi quay lưng vào khán giả để được nhìn thấy nhiều hơn), còn khi không biểu diễn mà đi ra ngoài cùng band thì y như rằng sẽ bị ca sĩ chính với tay lead guitar làm lu mờ. Thậm chí ở nhiều nơi, khán giả còn không phân biệt được ông nào đánh trống hay chơi bass trong ban nhạc.


Thà như ông đánh bass thường bị dân tình “chọc ngoáy” và làm giảm tầm tài nghệ, bởi đúng là có một số ông kể ra cũng "lười vận động"; đàng này nói về độ sôi động thì chắc hẳn tay trống “yên ắng” nhất cũng hoạt động ở cường độ cao trong ban nhạc. Dù họ đôi khi bị hiểu lầm là “chỉ giữ nhịp” thay vì “chơi nhạc”, tay trống vẫn luôn là người có thể vỗ ngực về những khả năng “trời phú” như tâm thần phân liệt giúp cho bốn tay chân mỗi thứ chơi một kiểu được. Chưa kể, họ có khi còn thuộc bài chả kém gì tay guitar và ca sĩ chính.


Trước nay EmoodziK vẫn thường ca tụng những tay trống “nện mạnh”, vậy hãy nhân cơ hội này để cùng nhau tán dóc về một trong những tay trống điển hình của thể loại này, Jeff Porcaro.


Jeff Porcaro sinh năm 1954 trong một gia đình gốc Ý khá là lừng lẫy về âm nhạc. Khỏi phải nhắc nhiều thì ai cũng nhớ Jeff cùng hai người anh em Mike (chơi bass) và Steve (keyboard) đều là những thành viên cốt cán của Toto và là những nghệ sĩ phòng thu cự phách. Nhưng nổi bật nhất trong số đó vẫn là Jeff, tay trống chơi trong phòng thu có lẽ là bận rộn nhất thập niên 70s và 80s khi liên tục được các ban nhạc và nghệ sĩ nổi tiếng mời tham gia thu đĩa bởi lối chơi đa dạng, đa thể loại, và đặc biệt là khả năng làm chủ hoàn toàn phần thu trống của mình từ phần tạo beat và màu cho bài hát, cho tới sự thể hiện về mặt âm thanh trong bản thu cuối cùng. Mọi người hẳn là ít biết đến Jeff Porcaro cho tới khi anh tham gia ban nhạc Toto cùng hai người em và tay guitar Steve Lukather, nên đúng nghĩa Jeff đã không chỉ giấu mình sau giàn trống, mà thậm chí còn giấu mình luôn trong phòng thu. Những nghệ sĩ nổi tiếng mà Jeff đã từng thu trống cùng thì không thể kể hết, như Joe Cocker, Leo Sayer, The Bee Gees, Peter Frampton, Paul Simon, David Gilmour, Madonna, Rod Stewart, Richard Marx, Dire Straits và thậm chí là cả những tay trống thích hát khác như Don Henley. Hãy cứ chọn ra khoảng chục bài hát ưa thích của các nghệ sĩ solo thập niên 70 80 của bạn, và tui tin rằng sẽ có ít nhất dăm bài trong số đó có phần trống của Jeff Porcaro.


Nhưng những phần trình diễn sau đây mới là những thứ đẳng cấp nhất.


1. Michael Jackson – “Beat It”

Mọi người thường chỉ nhắc đến câu chuyện Eddie Van Halen tặng “miễn phí” câu solo guitar cho Michael Jackson, mà ít đề cập đến phần rhythm chắc nịch của bài được chơi bởi bộ khung của Toto, mà điển hình là câu riff kinh điển được chế ra bởi Steve Lukather, và phần trống duyệt binh đầy háo hức của Jeff Porcaro.


Khi chơi những bản nhạc như “Beat It”, lẽ tự nhiên nhà sản xuất sẽ phải chọn ra người giữ nhịp phải là một tay trống “nện mạnh”. Và “Beat It” chính là bài hát mô tả rõ ràng nhất về cái sự nện mạnh ấy. từng nhịp tay nhịp chân đều là những nhịp dứt khoát và người nghe đều có thể cảm nhận được sức mạnh của đôi tay trên giàn trống. Nó không “nặng nề” giống như tiếng một chiếc búa tạ nện xuống khô khốc, bởi vì ngay sau khi nện xuống, lập tức cánh tay cầm dùi của tay trống lập tức được nhấc lên sau một vài phần trăm giây ngắn ngủi, để cho tất cả không khí nằm giữa hai mặt trống bị nén lại một cách bức bối và bật ra những tiếng vang tắt dần đặc trưng của thứ nhạc cụ này. Bạn biết một tay trống có nện mạnh không khi tiếng vang của nó có to không, bởi trống không phải thứ nhạc cụ tạo tiếng vang như những thứ có dây, bằng sắt, hoặc mang theo hộp cộng hưởng. Cái chạm của dùi trống nó phải mạnh, nhưng cũng phải đủ nhanh khiến cho mặt da như bị chích đau điếng bởi vòi con ong vậy.


Không giống như những tay trống đi theo bài hát dựa vào “cảm nhận” của họ, những người có thể chơi trước nhịp (như Steven Adler của Guns N Roses), hay chơi sau nhịp (như Ringo Starr), Jeff Porcaro như một chiếc máy đánh nhịp với những nhát chém gần như hoàn hảo tại vị trí của beat. Phần beat của “Beat It” vì vậy, nó rất háo hức, nhưng không quá háo hức đến mức “chạy tán loạn”, và từng nhịp từng nhịp giã xuống đều tăm tắp của Jeff Porcaro như tạo ra “cái chân” cần có cho phần rhythm, bởi ở đây, thứ cần được phô bày là giọng hát của Michael Jackson (và cả câu solo của EVH). Thậm chí ngay cả phần cuối của đoạn solo, khi Van Halen bắt đầu vê những nốt chạy dần lên cao vút, Jeff Porcaro vẫn tỏ ra cực kỳ điểm tĩnh và không bị hút theo, và khi câu solo kết thúc, đó chỉ là một câu fill đơn giản để giọng của Michael có thể bắt đầu.


Sự điềm tĩnh và cách họ tạo ra không gian cho những người khác thể hiện, đó là điều khiến cho những người cần thu nhạc tìm đến Jeff Porcaro mỗi khi họ cần. Hãy nhớ lại khi Jeff Porcaro chơi trong những ca khúc kinh điển như “Africa” cùng Toto, câu dồn trước khi vào đoạn điệp khúc cũng chỉ có một vài tiếng tom đơn giản (baa-dum baa-dum-dum), nhưng thực sự đã đi vào kinh điển theo cách “nghe dăm tiếng trống là nhận ra bài gì rồi”, y như “In The Air Tonight” của Phil Collins vậy.


Không chỉ ghi dấu ấn trong “Beat It”, Jeff Porcaro còn có credit trong những track khác của Thriller (1982) như "The Girl is Mine", "Beat It", "Human Nature", "The Lady in My Life"; và sau này là siêu phẩm "Heal the World" năm 1991.


2. Toto – "Hold The Line”

Hãy thử nghe “Hold The Line” của Toto để thấy Jeff Porcaro có thể nện mạnh đến cỡ nào. Nhưng không chỉ thế, phần beat anh tạo ra còn đầy bất ngờ và mặc dù chơi chính xác như một cái máy, Jeff Porcaro lại không hề “máy” một chút nào. Các câu nhịp 4 bình thường thường xuyên bị nhân cấp lên thành nhịp 12 hoặc 16 hoặc thậm chí 32 chỉ với cách dẫn dắt bằng hi-hat hoặc ride cymbal, và khi số nhịp trong cùng một khuông nhạc đã được “băm nhỏ” ra như vậy, Jeff Porcaro sẽ đưa tiếng kick hoặc tiếng snare cũng như bồi đắp thêm vài tiếng tom tom ở đâu đó, có thể là nhịp số 2, có thể là ở nhịp số 5, có thể là ở vị trí số 11. Vẫn cực chính xác và hoàn toàn đồng bộ với tiếng hi hat, cách chơi này khiến cho cái “cảm” của câu trống vẫn có độ trễ hay độ sớm khi cần, khi tiếng phát ra từ beat đã không còn ở các nhịp 1/2/3/4 như thường lệ nữa.


Điều khiến tui luôn thích thú với cách chơi của Jeff Porcaro vì thế có lẽ là tiếng hi hat dẫn đường. Nó luôn dày đặc và luôn khiến tui phải tò mò đếm xem nó được chia ra bao nhiêu phần. Phần nhạc của Toto chính là nơi điều này được thể hiện rõ nhất, khi tiếng trống của Jeff Porcaro luôn dẫn dắt ban nhạc, và trong những bản thu dày đặc của cả dàn dây, kèn, lẫn keyboard đó, tiếng hi hat của Jeff Porcaro luôn hiển hiện rõ ràng nhất. Đó có lẽ cũng là điều độc đáo chắc hẳn khiến tất cả những tay trống trên thế giới này phải ghen tị.


Hãy nghe thử cả "Mushanga", để thấy sự tài tình trong tính toán như điện xẹt của Jeff Porcaro, khi thả tiếng kick và tiếng snare vào những chỗ không ai ngờ tới trong tiếng hi hat cực nhanh của mình.



3. Pink Floyd – “Mother”

Chuyện kể rằng ca khúc “Mother” của Pink Floyd (album The Wall kinh điển), có quá nhiều sự biến đổi về nhịp và tay trống Nick Mason tập không kịp với thời gian studio, nên Pink Floyd đã phải mời Jeff Porcaro, lúc ấy còn là một tay trống session ít người biết, lấp vào phần thu trống.


Nôm na nhịp điệu của phần verse bài "Mother - hơi khó tập" là như vầy: 5/8 - 8/8 × 4 - 5/8 - 8/8 × 8 - 6/8 - 8/8 × 2 - 5/8 - 8/8 × 4 - 5/8 - 8/8 × 8 - 6/8 - 8/8 × 3 (theo wikipedia).


4. Steely Dan – “Gaucho”

Danh tiếng của Jeff Porcaro có lẽ đi ra từ lần thu Katy Lied (1976) cùng ban nhạc khó tính nhất trái đất, Steely Dan. Quên đi những hành hạ mà bộ đôi Donald Fagen và Walter Becker của Steely Dan đã hành hạ anh khi thu bài "Gaucho" sau này, nhạc phẩm này đã nhanh chóng đi vào lịch sử còn Jeff Porcaro cũng nhanh chóng chứng tỏ tại sao anh luôn là người được chọn mặt gửi vàng ở những ca khúc khó chơi nhất. Tất nhiên sau đó không thấy Jeff chơi cùng Steely Dan nữa.


Dĩ nhiên cũng phải kể đến Boz Scagg, một cái tên khó nhằn khác trong làng thu nhạc nhưng không những giúp Boz Scagg thu cả album Silk Degrees (1976) và rất nhiều album sau này, Jeff Porcaro còn giúp Boz Scagg giành được những hit như “Lido Shuffle” hay “Lowdown”, đặc biệt là “Lowdown” với phần beat sáng nhưng nghe đầy "khó chịu".


5. Toto – “Rosanna”

Đây có lẽ là ca khúc nổi tiếng nhất, đến mức nhịp điệu trống trong bài này đã được gọi là “Rosanna shuffle”, một phiên bản copy đầy sáng tạo từ “Purdie shuffle” lừng danh của tiền bối Bernard Purdie. Phần phân tích của bài trống này thì có rất nhiều trên youtube, và chính bản thân Jeff Porcaro cũng đã phân tích nó trong một clip dạy chơi trống của anh nên tui sẽ không bàn thêm nữa.


Tui chỉ muốn các bạn nếu ưa thử thách, hãy thử làm điệu shuffle bằng vỗ tay để xem nó thú vị tới nhường nào. Shuffle nôm na là cách chơi hi-hat nhịp 4 chùm 3 nhưng khuyết nhịp giữa của chùm 3.


Với chùm 3 bình thường, mình có thể vỗ tay theo như vầy: 1-2-3/2-2-3/3-2-3/4-2-3.


Nhưng với điệu shuffle, mình sẽ vỗ tay như vầy: 1-[lặng]-3/2-[lặng]-3/3-[lặng]-3/4-[lặng]-3.


Khi nghe, tiếng vỗ tay sẽ nghe thành clap-clap [nghỉ] clap-clap [nghỉ], v.v.


Điều thú vị là ở chỗ, tai người nghe sẽ bị cuốn theo tiếng clap clap như là điểm ra hiệu bắt đầu của mỗi nhịp, trong khi điểm thực sự là đầu nhịp lại là tiếng clap thứ 2. Và vô hình trung, phần beat của trống sẽ tạo ra cảm giác sớm hơn 1/12 so với phần nhịp của các nhạc cụ còn lại, và rất tự nhiên, trống sẽ thành nhạc cụ dẫn dắt cho ban nhạc.


Thú vị hơn, hãy thử vỗ tay theo tiếng hi-hat của Jeff Porcaro trong "Rosanna", và thử xem bạn trụ được bao lâu trước khi tiếng clap clap của mình chậm lại và tự nhiên bị đồng bộ với phần nhịp của những nhạc cụ khác. Khi đó nó không còn là shuffle nữa mà trở thành 1-2-[lặng]/2-2-[lặng]/3-2-[lặng]/4-2-[lặng]. Quả nhiên không đơn giản để giữ nhịp này suốt cả bài, chưa kể còn những lần thay đổi beat giữa đoạn verse và chorus nữa.


Hãy nhìn tất cả những người có dịp chơi cùng Steve Lukather hay Toto sau này, như Simon Phillips, hay Ringo Starr cùng Gregg Bissonette, không khó để nhận ra niềm vui hết cỡ của các tay trống này khi được thử thách phần beat của “Rosanna shuffle”.


Chỉ tiếc là Jeff Porcaro đã ra đi đầy đường đột vào năm 1991 khi mới 38 tuổi.


Bạn có thể tìm nghe playlist những bài có sự tham gia của Steve Porcaro ở playlist do Emoodzik tạo ở đây.


Hẹn gặp lại.


Kai

527 views
bottom of page