top of page

Captain Beefheart và “tuyệt phẩm” khó nhằn nhất quả đất

Ranh giới giữa phá cách và phá phách thật mong manh. Nó chỉ được phân định bằng tài năng của người sáng tạo ra chúng và khả năng cảm thụ của người nghe” - EmoodziK

Ngày xửa ngày xưa, khi mà chúng tôi chuẩn bị cho page EmoodziK, cả bọn ngồi ôn lại các album ưa thích và thách nhau nghe thêm những album được đánh giá cao mà chưa từng có dịp được nghe. Trong lúc mày mò theo trình tự đi ngược về quá khứ, tôi bỗng “vấp” phải album Trout Mask Replica phát hành năm 1969 bởi Captain Beefheart And His Magic Band. Gọi là “vấp” bởi tại lần đầu trải nghiệm, tôi bị sốc trước những âm thanh hỗn loạn chồng chéo lên nhau. Ngay từ bài đầu tiên “Frownland”, mọi ý nghĩa của một sự cân bằng hoặc giải toả trong nhạc đều không tồn tại dù chỉ một khoảnh khắc. Một sự vô định không chỉ về tông giọng, vòng hợp âm, mà còn cả nhịp điệu lẫn tempo, khiến cho tổng thể album nghe tựa như một đám con nít đập phá nhăng xị cuội đống nhạc cụ trong một căn phòng vậy. Âm nhạc của Trout Mask Replica “kỳ quặc” đến độ nếu đem ra so sánh thì Tom Waits, Talking Heads, Sonic Youth hay Pixies chỉ như những nghệ sĩ theo dòng nhạc Pop dễ nghe dành cho thị hiếu số đông.

Vậy nhưng các bạn biết không? Trout Mask Replica (TMR) được nhiều chuyên gia âm nhạc xếp vào hàng những album vĩ đại nhất, ví dụ như thứ hạng #60 trong danh sách 500 album hay nhất mọi thời đại của tạp chí Rolling Stone. Chưa hết, album này được nhiều người coi là một tuyệt tác với số điểm không phải 7, 8, hay 9 hoặc 3 hay 4 sao, mà được chấm với mức tối đa có thể của AllMusic, Pitchfork, Q, Vox và dĩ nhiên Rolling Stone.

Để tăng phần gay cấn, xin chia sẻ thêm rằng album TMR được sáng tác bởi một mình thủ lĩnh Captain Beefheart, người chưa bao giờ học về nhạc lý, hay thậm chí biết đọc bản nhạc, cũng như không hề biết chơi một thứ nhạc cụ nào cả. TMR được ông viết ra qua việc mày mò trên cây đàn piano mà ông mới đánh thử lần đầu tiên, rồi vì không soạn lại được lên các bản nhạc những sáng tác của mình, một thành viên của nhóm Magic Band phải ngồi cạnh ông làm công việc đó, ghi chép lại giúp Captain Beefheart và sau đó chuyển tải hết ý nhạc đó cho các thành viên còn lại.

Kỳ quặc đến mức độ như vậy, tại sao một nhạc phẩm như TMR lại trở thành một hiện tượng trong lịch sử âm nhạc để rồi còn được lưu giữ tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 2010? Chúng ta hãy thử xem xét album này từ các góc nhìn khác nhau nhé.

1. GÓC NHÌN CỦA NHỮNG NGƯỜI THỨ BA

Trong một comment trên Youtube liên quan đến album TMR, có người đã viết: “Ồ ok, vậy là khi Captain Beefheart đưa các đoạn nhạc đa nhịp điệu (polyrhythms) và những cách dùng số chỉ nhịp (time signature) lạ mang chất thể nghiệm thì ông ấy được coi là “nhạc sĩ có tầm nhìn” và “phá cách”, nhưng khi tôi làm như vậy thì bị coi là “phá phách” và “cần phải tống ra khỏi cửa hàng bán đàn guitar ngay lập tức””. Đây là một lời nhận xét có phần mỉa mai, phản ánh đúng thực tế về hai nhóm người sau khi nghe TMR.

Đối với nhóm không ưa nổi nhạc của TMR thì đây quả là một điều dễ hiểu khi mọi diễn biến trong các bài của album đều đi ngược hẳn những gì người nghe nhạc thường tìm thấy trong một sản phẩm âm nhạc. Nó thậm chí còn giống mớ âm thanh hỗn độn vì sự thiếu vắng “tính nhạc” trong album này.

Nhưng với những người yêu thích TMR thì lập luận trên sai toét khi mà có quá nhiều “tính nhạc” trong cả album. Với nhóm người này, TMR như một tập hợp các mảnh ghép rời rạc mang hình dạng cực kỳ khác nhau và đa dạng mà người nghe phải kiên nhẫn tìm tòi để ghép chúng lại, để rồi thậm chí bức hình sau khi ghép vẫn có những khoảng trống được cố tình để mở cho người nghe đặt mảnh ghép tưởng tượng của họ vào đó. Người ta bảo muốn cảm nhận TMR thì phải đầu tiên cố gắng lắng nghe tách biệt từng nhạc cụ một. Một khi tìm ra cái hay của câu riff trong mỗi âm thanh nhạc cụ thì lúc nghe một cách tổng thể, mọi thứ sẽ tự dưng trở nên hòa hợp.


Lấy thử ví dụ một bài phân tích chi tiết của Samuel Andreyev trên Youtube với ca khúc “Frownland” ở trong đĩa. Đây là track đầu tiên và cũng là một bài mang cấu trúc phức tạp “hardcore” nhất TMR. Theo nhận xét của Samuel, âm nhạc của TMR nói chung và của bài “Frownland” nói riêng, yếu tố đáng nể là: (1) các vòng lặp được chơi hoàn toàn lệch nhịp với nhau; (2) những đoạn nhạc ngắn rất có giai điệu; và (3) nhịp trống biến thiên liên tục và lại là nhạc cụ ít lặp nhất. Về nhạc lý, anh này chia bài nhạc dài 1 phút 40 giây ra làm 7 khúc:

Nguồn: Samuel Andreyev trên Youtube

- Khúc 1: như hình bản nhạc bên dưới, đoạn này được chơi theo tông C (đô trưởng) nhưng nốt thấp nhất mà đàn bass chơi lại không bao giờ chạm tới nốt C. Nhạc cụ guitar 1, bass và trống chơi cùng nhịp 7/4. Còn guitar 2 thì chơi nhịp 5/4 nhưng lại theo một tempo khác. Phần trống ở khúc này đến tiếng hi-hat giữ nhịp còn lúc có lúc không, nên thứ gõ đều đặn nhất lại là tiếng kick drum.


- Tua nhanh và gộp luôn từ khúc 2 đến khúc 7: như hình các bản nhạc bên dưới, có thể tóm gọn là tính phức tạp của bài nhạc ngày một tăng cao. Tông giọng không hề rõ ràng. Mỗi nhạc cụ chơi theo một số chỉ nhịp riêng, theo một tông khác nhau, và có thể chuyển tông vào bất kỳ lúc nào.

Nguồn: Samuel Andreyev trên Youtube

Sự phức tạp thì hiển nhiên đấy, nhưng vẫn chưa bật rõ ra được ý đồ nhạc của Captain Beefheart. Liệu ông viết ra album này với chủ đích nào đó hay tất cả chỉ là những nốt nhạc ngẫu nhiên được bấm lung tung trên các phím đàn piano rồi bắt các thành viên trong ban nhạc Magic Band của mình chơi lại y hệt như vậy?

Chúng ta hãy thử chuyển sang một góc nhìn khác, đó chính là góc nhìn của người trong cuộc.

2. GÓC NHÌN CỦA BAN NHẠC

Captain Beefheart & John "Drumbo" French

Gọi là góc nhìn của ban nhạc nhưng ở đây tôi sẽ chỉ trích dẫn từ cuốn “Beefheart: Through The Eyes Of Magic” của tác giả John French, người còn được biết đến với nickname “Drumbo” – tay trống của ban nhạc The Magic Band và chính là người đã ngồi cạnh Captain Beefheart để biên soạn lên các bản nhạc cho những thành viên trong band có thể chơi lại.

Sẽ thiếu tính khách quan và còn không đáng tin hoàn toàn nếu nhìn từ góc nhìn của Captain Beefheart - người sáng tác ra album này, nhất là khi ông luôn kể với mọi người rằng ông dành đúng 8 tiếng rưỡi đồng hồ ngồi sáng tác liền tù tì cả album TMR trong khi thực tế John French đã ngồi chứng kiến Captain mất tới 40-50 tiếng bên cây đàn piano. Captain còn là người khoe với báo chí về âm vực giọng của ông, lúc thì 4 ½ quãng tám, lúc thì 8 ½ quãng tám. Nhưng sao mà có thể nhìn nhận một cách nghiêm túc từ một nghệ sĩ vốn tên thật là Don Van Vliet (mà sau đây tôi sẽ gọi ông là Don thay vì Captain), nhưng lại lấy nghệ danh dựa trên câu nói xàm lờ của ông cậu Alan - người thường hay có thói quen tiểu tiện mà không đóng cửa và đợi mỗi khi cô bạn gái của Don đi qua là ông cậu lại tự thốt lên “Ahh, what a beauty! It looks just like a big, fine beef heart”? Hóa ra “tim bò” với “tr*y*m to” là hai từ đồng nghĩa ư?

Còn cái nhìn của John French thì sẽ mang tính chân thực nhất trong số các thành viên ban nhạc. John đã chơi nhạc cùng Don từ album đầu tiên và ở sát cạnh Don trong suốt quá trình sáng tác album TMR, với nhiệm vụ như một “thư ký” ghi lại những câu nhạc của Don. Cùng với cả ban nhạc, John cũng là một trong những nạn nhân của thói bạo hành áp bức của Don trong suốt thời gian 8 tháng luyện tập để thu âm cho album. Sẽ có một cái thùng phuy đặt trong căn nhà và tại đây nếu ai mắc lỗi khi chơi nhạc hay tỏ thái độ thì sẽ bị Don ra lệnh cho những người khác tẩn một trận hoặc tống vào thùng để ông hành hạ về mặt tinh thần cho đến khi người đó tâm phục khẩu phục. John dĩ nhiên đã bị mấy trận và cho đến khi chịu hết nổi, John rời bỏ ban nhạc tại thời điểm album đã gần thu âm xong xuôi dẫn tới kết cục là Don gạch luôn tên John ra khỏi phần credit của đĩa. Sau này John có quay lại với Don và The Magic Band, nhưng những ý kiến của John về người thủ lĩnh này và album TMR hẳn sẽ vẫn mang tính chân thực nhất.


Một điều đáng nói là như chia sẻ của John French, dù những trải nghiệm trong quá trình thu âm TMR giống như các cuộc tra tấn liên miên, nhưng cuối cùng chính âm nhạc độc đáo của Don Van Vliet lại là thứ níu giữ John ở lại lâu đến vậy. Nếu như album đầu tay Safe As Milk (1967) còn có nhiều đóng góp của cả band, đặc biệt của cầm thủ Ry Cooder trong việc chơi guitar và đóng góp biên soạn một số bài, thì tới đĩa Strictly Personal (1968), vai trò của Don đã nâng lên rất nhiều khiến cho đĩa này càng trở nên độc đáo hơn. Nhưng vì thất bại về mặt thương mại, Captain Beefheart And His Magic Band đã bị đá khỏi hãng đĩa. May mắn là cùng lúc đấy, Frank Zappa - người bạn từ thời niên thiếu của Don mới lập ra hãng đĩa riêng, và với tính cách táo bạo thích âm nhạc thể nghiệm, Frank đã để Don và mọi người thoả sức sáng tạo trong sản phẩm tiếp theo. Kết quả là album TMR đã ra đời và được Frank đóng vai trò sản xuất bằng cách gần như “đứng ngoài quan sát” hoàn toàn. Đây là một bước đi đúng đắn của Frank vì phong cách làm nhạc dù thể nghiệm nhưng vẫn mang đầy sự chỉn chu trong cách sáng tác và chơi nhạc của ông sẽ đối lập và mâu thuẫn với phong cách đầy ngẫu hứng và bột phát của Don.


Rồi, quay lại với góc nhìn của John French, dưới vai trò của một nghệ sĩ trống cực kỳ tài năng, tình cờ những ý tưởng nhạc của Don có một sự kết nối với chính John. Mặc dù đúng là Don chả biết gì về nhạc lý, và cũng không chơi được nhạc cụ, nhưng thực ra ông lại có một khả năng trời phú để cảm nhận về nhịp cực nhạy. Cách Don đánh đàn piano cũng vậy. Ông coi nó như một bộ gõ nhịp.

Khi ngồi nghe một loạt các câu đàn được Don chơi, John sẽ chỉ viết lại trên bản nhạc từ 1 đến 2 khuông nhạc các câu riff đáng nhớ. Nhưng cái khó nhất sẽ là chuyển thể phần nhịp điệu. John để ý khi Don chơi, bàn chân của Don gõ trên pedal của đàn piano như kick drum của giàn trống để giữ nhịp. John dỏng tai và quan sát để biết được nốt đen nào sẽ vào cùng nhịp chân của Don. Và thường đoạn nhạc khi vào khúc giải toả sẽ được Don chơi chùm 3 nốt móc đơn hoặc móc kép. Bằng cách này John mới luận ra đầy đủ cao độ, nhịp độ các nốt, tempo và số chỉ nhịp (time signature). Còn về tông giọng, không phải vì Don Van Vliet không cảm nhận được sự cân bằng và cách giải toả trong chuỗi hợp âm khi ông thực ra là người nghiền ngẫm và thấm sâu thứ âm nhạc Delta Blues (bằng chứng là hai album đầu của Captain Beefheart hoàn toàn nghe rất vào tai), mà do Don hoàn toàn chủ ý đi chệch hướng, phá vỡ mọi rào cản trong khuôn khổ âm nhạc để tạo ra các câu riff nghe “ngang phè” khi ghép với nhau như vậy. Đó là lý do câu hỏi “Bài này ở tông giọng gì?” không bao giờ được John mở lời với Don.

Khi nghe album TMR, và cụ thể như bài “Frownland” chẳng hạn, người nghe sẽ dễ lầm tưởng các thành viên trong ban nhạc đánh loạn xạ và người sáng tác chính như Don không quan tâm. Thực tế là theo lời của John, đúng là Don không thể nhận ra một số nốt nhạc bị chơi sai do sự phức tạp của vô vàn các khúc nhạc khác nhau đó. Nhưng Don lại rất tinh trong việc yêu cầu chỉnh âm sắc của cả câu đàn mà từng thành viên chơi.

Captain Beefheart & The Magic Band và căn nhà cả band tập nhạc trong suốt 8 tháng

Về phía John, sau khi truyền đạt và chỉ dẫn cho từng thành viên phần nhạc mà họ phải đảm nhiệm, từng người một sẽ luyện tập cực kỳ nghiêm túc. Vì mỗi người sẽ chơi theo một time signature khác nhau, họ sẽ phải vừa tập trung chơi vừa tập trung đếm 1 2 3 4 (nếu là 4/4), hay 1 2 3 4 5 (nếu là 5/4), v.v., chưa kể tới chuyện khi đoạn nhạc của họ đổi time signature thì sẽ phải nhớ để đếm một dãy số mới. Và rồi tưởng tượng khi họ tập cùng nhau, do mỗi thành viên chơi theo số nhịp khác nhau, họ lại càng phải tập trung để không bị loạn nhịp, và lưu ý đến điểm hội tụ sau một số lượng khuông nhạc nhất định, khi mà tất cả các nhạc cụ cùng vào nhịp chính đầu tiên. Đấy là về nhịp, còn về tông giọng, các thành viên định ra sẵn những kiểu tuning đàn riêng cho từng bài, và luôn lưu ý chỉnh lại dây sau vài lần tập vì việc nhấn và nhéo dây nhiều sẽ khiến đàn bị lệch tông.

Thử hỏi nếu các thành viên trong The Magic Band cố tình chơi linh tinh và Don Van Vliet không cảm nhận được nhạc, thì họ cần gì phải nghiêm túc quan tâm tới việc đánh đúng nhịp hay chơi đúng nốt trong những bài nhạc thực sự có sự mơ hồ về tất cả các yếu tố trong một tác phẩm âm nhạc? Đó là lý do trong suốt 8 tháng trời tập luyện nghiêm túc với tần suất 14 tiếng mỗi ngày, cả ban nhạc mới có thể chơi cùng nhau một cách nhuần nhuyễn để khi vào phòng thu, họ chỉ mất có 4 tiếng rưỡi để hoàn tất 21 bài.


Riêng với thủ lĩnh Don Van Vliet, ông sẽ thu âm giọng hát bằng cách không thèm đeo tai nghe mà ngồi trong một căn phòng kín để âm lượng nhỏ của nhạc chỉ vừa đủ lọt vào trong, với mục đích việc ông hát sẽ bị bó buộc bởi bất kỳ nhịp điệu nào cả. Ngoài ra, Don cũng thi thoảng trực tiếp tham gia chơi nhạc hoặc đưa ra ý kiến với phần thu âm nhạc cụ trong một số bài. Ví dụ như tiếng kèn clarinet trong bài “Dachau Blues”, với một nhạc công được đào tạo bài bản họ sẽ không thể nào dám “vượt rào” để thổi những nốt có sức mạnh như Don. Rồi trong bài “Pachuco Cadaver”, đoạn trống đầu tiên là lối chơi đặc trưng của Don khi ông thi thoảng ngồi mày mò, đó là cách vào kick drum đồng thời với snare ở downbeat trong khi upbeat lại sử dụng tiếng hi-hat. Hay như bài “Bill’s Corpse”, John không hiểu sao Don lại đưa một đoạn trống lệch nhịp lệch phách vào cho tới khi vỡ lẽ nhận ra phần lời của khúc nhạc đó là “That’s not the way I’d like it to get together”.


Vậy nên có thể kết luận rằng Captain Beefheart And The Magic Band không hề làm ra một nhạc phẩm mang tính ngẫu nhiên với nhiều biến tấu, mà tất cả đều được sắp đặt kỹ lưỡng và có tính toán cụ thể. Vậy thì có đủ để người nghe hiểu và thay đổi cách nhìn nhận về TMR như một tuyệt phẩm hay nhất mọi thời đại không? Xin lấy chính góc nhìn của tôi để làm ví dụ cho phần tiếp theo.

3. GÓC NHÌN CỦA EMOODZIK

Matt Groening, cha đẻ của series hoạt hình Simpson đã nói về trải nghiệm của album TMR khi ông bắt đầu nghe như sau: “Ban đầu tôi thấy đây là thứ nhạc tệ nhất mình từng nghe được… Nhưng sau đó tôi nghe thêm một vài lần nữa vì tôi không thể tin Frank Zappa (producer của album TMR) lại đối xử với tôi như vậy và cũng vì trót mua album đôi như vầy với cái giá quá mắc. Nghe tới lần thứ ba, tôi chợt nhận ra cả ban nhạc hoàn toàn chơi nhạc như vậy một cách có chủ ý và họ cố tình tạo ra thứ âm thanh như vậy. Rồi tới lần nghe thứ sáu hoặc thứ bảy gì đó, tôi bỗng cảm được nó, và rồi đĩa nhạc này trở thành album nhạc hay nhất mà tôi đã từng được nghe”.

Vậy là từ lúc nghe lần đầu tiên trước khi lập ra page EmoodziK cho đến thời điểm tôi đang viết bài này, tôi chắc đã nghe TMR được độ 5 lần. Rồi kể cả ở lần nghe gần đây nhất, sau khi mà tôi đã đọc và hiểu được chắc chắn những yếu tố tưởng như ngẫu nhiên với các âm thanh “phá phách” đó lại là những sắp đặt có chủ đích và đó là âm nhạc “phá cách” theo dòng thể nghiệm Experimental Rock lẫn Avant-Garde, thì tôi cũng chỉ rút ra được những nhận xét như sau:


- Sự hỗn loạn của bài “Frownland” thật sự khó hiểu.

- Tiếng nhạc cụ ở đầu “Hair Pike: Bake 1” nghe như nhạc đám ma.

- Rồi nhiều bài hardcore khác như track “Pena” chỉ càng như thử thách sức chịu đựng của tôi.

- Nhưng cũng nhờ những âm thanh khó nuốt đó mà các bài nhạc xen kẽ trong đó như “Parucho Cadaver”, “Bill’s Corpse”, “My Human Gets Me Blue” lại trở nên dễ nghe, và những bài như “Moonlight On Vermont”, “China Pig” lại càng hay hơn nhờ màu sắc Delta Blues mà Don Van Vliet chịu ảnh hưởng.


Cái khó tiếp cận với album TMR của Captain Beefheart And The Magic Band là nếu so với Tom Waits, Talking Heads, Sonic Youth hay Pixies, những nghệ sĩ / ban nhạc kia luôn có yếu tố nhạc cân bằng kết nối tất cả với những điểm giải tỏa sau những khúc “căng” ở thời khắc hợp lý. Với Tom Waits (nghệ sĩ mà nửa sau của sự nghiệp ông chịu ảnh hưởng của chính Captain Beefheart nhiều nhất), đó là sự hòa hợp nhạc cụ trên nền bộ gõ kỳ lạ. Với Talking Heads, đó là những tiếng đàn gắn kết các track thể nghiệm sự đa nhịp (polyrhythms). Với Sonic Youth, đó là tiếng trống chắc nịch cho các câu đàn guitar “ngang phè”. Với Pixies, đó là nhịp bass đều đặn để các thành viên khác tìm tòi phá cách. Còn với TMR và Captain Beefheart, những bản như “Frownland” là ví dụ tiêu biểu cho điểm cân bằng nằm ở các vị trí rất mơ hồ đối với “người trần tai thịt” như tôi.

Thế nhưng không phải vì thế mà người nghe nên bỏ qua các nhạc phẩm khác của Captain Beefheart And The Magic Band. Công bằng mà nói, đối với tôi, một khi vị thủ lĩnh Don Van Vliet tem tém đi thú vui “phá cách” đó thì âm nhạc của ông và band lại “dễ nghe” hẳn. Một lần nữa, nhờ âm nhạc Delta Blues ăn sâu trong cái gu của Don, nên người nghe mới được dịp thưởng thức các album xuất sắc khác, ví dụ như đĩa đầu tay Safe As Milk (1967) và hai album ở thời kỳ gần cuối sự nghiệp âm nhạc của Don, đó là Shiny Beast (Bat Chain Puller) (1978) Doc At The Radar Station (1980). Điểm sáng của những album này ngoài âm hưởng nhạc Blues và đâu đó một số nét phá cách một cách vừa phải, còn là các nhạc cụ được phối ăn ý vô cùng và đặc biệt tiếng trống trong các bài của Captain Beefheart cùng The Magic Band (dù là đội ngũ thành viên nào đi chăng nữa) đều luôn vang lên như một giọng hát, tất cả là nhờ độ nhạy của Don với âm sắc và nhịp điệu.


Thế mới thấy “ranh giới giữa phá cách và phá phách thật mong manh. Nó chỉ được phân định bằng tài năng của người sáng tạo ra chúng và khả năng cảm thụ của người nghe”. Do đó với những người hiểu được album Trout Mask Replica của Captain Beefheart And The Magic Band thì thường họ sẽ đặt album này lên những vị trí cao nhất, còn qua góc nhìn của tôi, album này giống như một nhạc phẩm kỳ quặc được làm một cách nghiêm túc, mà tôi không có đủ khả năng để thưởng thức.


Thế còn góc nhìn của bạn thì sao?

Hẹn gặp lại!

Kink

242 views

Recent Posts

See All
bottom of page