“Tất cả các bài hát được sáng tác bởi David Byrne, Brian Eno, Talking Heads”. Đọc dòng chữ ghi credit trên bản in thử của đĩa Remain In Light mà Tina Weymouth, Chris Frantz và Jerry Harrison phát giận run người.
Trước đó, nhà sản xuất nhạc đại tài Brian Eno và gã frontman David Byrne đã đòi đặt tên album thứ tư của ban nhạc là “Remain In Light by Talking Heads and Brian Eno” nhưng cả ba thành viên còn lại đều không đồng ý. Tất cả sau đấy thống nhất ghi phần credit là “Tất cả các bài hát được sáng tác bởi David Byrne, Brian Eno, Chris Frantz, Jerry Harrison và Tina Weymouth”, theo trình tự bảng chữ cái ABC. Thế rồi thế quái nào, Byrne, và có thể cả Eno, đã len lén sửa lại sau đó mà không hỏi ý kiến những kẻ còn lại.
Vậy là thay vì được ghi danh đầy đủ, ba thành viên trong band chỉ được gói gọn trong hai từ “Talking Heads”. Tầm quan trọng của Byrne và Eno được đặt lên đầu và tách khỏi tên ban nhạc, cứ như thể gã frontman không còn trong ban nhạc vậy. Cũng không có gì là lạ vì cũng đã nhiều lần Byrne tỏ ý muốn tách khỏi band để đi solo và cũng không phải lần đầu xảy ra sự khục khặc nội bộ ban nhạc Talking Heads. Điều lạ nhất là họ vẫn duy trì cùng nhau phát hành đến 8 album trong vòng 11 năm sự nghiệp, trở thành một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất, có tới 4 đĩa trong danh sách 500 album xuất sắc nhất mọi thời đại của tạp chí Rolling Stone, và được vinh danh tại Rock and Roll Hall of Fame năm 2002.
Trong lần Talking Heads được nêu tên tại buổi Rock and Roll Hall of Fame, buổi diễn của ban nhạc thực sự vẫn đầy mê hoặc như thể họ đã chơi với nhau cả cuộc đời dù thực tế hoàn toàn ngược lại. David Byrne vẫn đầy sức hút của một frontman vừa kỳ dị vừa bắt mắt, cầm cây đàn guitar chơi nhạc với đầy phong thái bất cần. Chris Frantz vẫn chơi trống với khuôn mặt hạnh phúc cùng năng lượng tỏa ra cực lớn. Jerry Harrison vẫn chăm chút tạo âm thanh ma thuật từ cây đàn keyboard. Và nhìn Tina Weymouth, thành viên nữ duy nhất trong nhóm, vẫn toát ra sự quyến rũ y như ngày nào, khi vừa chơi bass vừa hát bè cho Byrne.
Nhìn cả band diễn live cùng nhau cứ như thể họ là một tập thể đoàn kết thân thiết, mà ít người ngờ rằng, đó là lần diễn chung đầu tiên sau hơn 10 năm và cũng là lần cuối cùng. Sau đó Byrne cũng chả buồn tham dự tiệc cùng mọi người ở cuối buổi. Đó còn là ngày gã bỏ mặc bà vợ tại buổi lễ và hôm sau thông báo quyết định ly dị người phụ nữ đã chung sống hơn hai thập kỷ, bất ngờ như những lần gã quyết định rời bỏ ban nhạc vậy.
Dĩ nhiên đó chưa phải là tất cả những gì kỳ lạ nhất về ban nhạc vĩ đại này.
Gần giống như câu chuyện mâu thuẫn giữa Black Francis – frontman hát và chơi guitar với thành viên nữ duy nhất, Kim Deal người đánh bass trong ban nhạc Pixies, câu chuyện của Talking Heads xoay quanh hai nhân vật chính - David Byrne và Tina Weymouth.
David Byrne quen với Chris Frantz khi học chung trường thiết kế nghệ thuật. Cả hai lập band The Artistics, nhưng rồi cũng tan rã chóng vánh. Một thời gian sau Byrne mới cùng Frantz lập ra band mới. Byrne chơi guitar và hát còn Frantz đánh trống. Nhưng do thiếu cây bass, cả hai mới quay ra thuyết phục Tina Weymouth - cô bạn gái của Frantz thử sức dù cô trước đó mới chỉ biết chơi qua loa đàn guitar. Byrne và Frantz hướng dẫn cô tập bass và chỉ sau đúng vài tháng, Weymouth đã đủ khả năng chơi các câu bass riff tối giản không cầu kỳ, nhưng lại đầy nhịp điệu nhún nhảy phong cách Funk, là phần âm sắc nền đầy đặc trưng cho Talking Heads sau này.
Với nhiều người quen David Byrne trước đó, họ đều chung một suy nghĩ, nếu có ban nhạc và nghệ sĩ nào không thể tìm được thành công trong ngành âm nhạc, thì ắt hẳn trong đó có David Byrne. Ngoài tính cách lập dị, giọng hát của Byrne hay bị lệch tông, lối ăn mặc và phong cách nhạc của Byrne cũng luôn khác người. Thế mà rồi ban nhạc bắt đầu gây chú ý qua lần diễn mở màn cho Ramones và các bản thu demo sau đó, Talking Heads đã có được bước đi thành công mở màn cho sự nghiệp là hợp đồng ghi âm với Sire Records.
Vấn đề đầu tiên nảy sinh là lúc này, có vẻ như chưa hài lòng lắm về khả năng chơi bass của Tina Weymouth, David Byrne bỗng dưng nổi hứng đòi cô phải thử vai lại thì mới cho gia nhập ban nhạc chính thức một lần nữa. Dĩ nhiên cô vượt qua được thử thách. Có điều nước đi không ngờ của Byrne đã khiến Weymouth và anh bạn trai Chris Frantz có những lăn tăn đầu tiên về tay thủ lĩnh nhóm.
Lúc này ban nhạc tuyển thêm - Jerry Harrison, anh sinh viên trường Harvard về đánh keyboard / guitar để tạo thành mảnh ghép hoàn thiện cho ban nhạc. Harrison tham gia đúng lúc Talking Heads đang vùi đầu ở studio thu âm.
Đĩa đầu tiên Talking Heads: 77 (1977), chưa nói đến âm nhạc, có cái bìa đĩa đỏ lừ không một hình artwork nhìn phát chán, cho thấy cái suy nghĩ kỳ quặc của Byrne và ban nhạc khi đáng ra cái họ cần là tạo ấn tượng tốt ban đầu về hình ảnh đã không có.
Mặc cho dòng chảy của Punk Rock ngoài đó, Talking Heads lại tìm cho mình âm thanh không ồn ào nhưng lại phức tạp hơn Punk. Có người nói, Talking Heads chơi thứ nhạc New Wave là tiền đề của những gì gọi là Post Punk trước khi mà nó xảy đến. Nghe đĩa đầu này, các track âm thanh guitar của David Byrne cùng Jerry Harrison đánh mỏng, điểm xuyết có ngắt nghỉ miễn là tiếng hay, kể cả lúc gã quạt chả hay tỉa dây. Ấy mà nghe nó hay thật dù chẳng ồn ào tẹo nào. Còn tiếng trống của Chris Frantz có tempo vừa phải, nhịp điệu đều đặn, là cơ sở cho Tina Weymouth cân nhắc lựa chọn câu bass thật là phù hợp. Như với bài “Psycho Killer”, cô điền phần lớn chỗ trống của khuông nhạc với nốt đen ở cao độ nốt gốc của hợp âm, tưởng chừng có vẻ quá cơ bản, nhưng nốt móc đơn cuối mỗi hai khuông nhạc tạo sự chuyển đoạn vừa đủ. Và vì âm thanh mỏng của Talking Heads, tiếng bass của Weymouth đâm ra rất rõ nét, và dù nó không quá phức tạp, ở những bài về sau này khi mà cô bắt đầu chơi lên tay, đều có sự lựa chọn rất tinh trong phần nhịp điệu và câu riff của mình. Nhờ vậy, nhạc của Talking Heads cuốn hút qua không gian âm nhạc tổng thể mà họ tạo ra, không quá cầu kỳ ở kỹ thuật, mà tiếng guitar và bass cứ bập bùng hai bên tai.
Cái cá tính, hay nói đúng hơn là sự kỳ quặc trong nhạc của Talking Heads chính là giai điệu, lối hát dấm dẳng, thi thoảng lệch tông, lạc cả giọng chả giống ai của David Byrne mà nếu để các producer thời nay động tay là họ sẽ phải autotune nát cả bài.
Khi lưu diễn, Byrne còn khoác lên mình bộ véc to quá khổ độn vai ngang phè kéo dài ra hai bên, để lại cái đầu anh lọt thỏm trong bộ cánh đó. Với mái tóc chải mượt, gã frontman nhìn tựa như nhân vật giết người Norman Bates trong bộ phim Psycho. Ấy thế mà, sự kỳ quặc từ âm thanh đến hình ảnh đó mê hoặc vô cùng tận.
Trên sân khấu, sức hút của Byrne và Weymouth gần như ngang ngửa nhau. Với Byrne, lợi thế của gã là vị trí frontman, cầm đàn và hát. Còn với Weymouth, dù camera ít tập trung tới, nhưng mỗi lần lên sóng, cái dáng người mảnh khảnh, mái tóc vàng và khuôn mặt thanh tú lại bừng sáng, còn lúc cô ngoài khung hình, tiếng bass và tiếng hát bè của Weymouth vẫn đủ sức nặng để người xem lại phải ngóng nhìn khuôn mặt cô.
Hàng loạt vấn đề thứ hai, thứ ba, thứ tư và nhiều nữa xảy đến với ban nhạc là khi họ bắt đầu hợp tác với nhà sản xuất nhạc Brian Eno, người vừa tạo ra phép màu với David Bowie qua hai đĩa Low và Heroes (rồi sau này là Lodger, sản phẩm cuối của triology). Tương tự như lần hợp tác với Bowie, Eno hợp ý với David Byrne đến độ ông sau đó sản xuất luôn một lèo bộ triology ba album đi vào lịch sử của Talking Heads, chính là More Songs About Buildings And Food (1978), Fear Of Music (1979) và Remain In Light (1980). Ban nhạc đang từ 4 cái đầu chụm lại cùng sáng tác, nay gói gọn phần lớn ở David Byrne và Brian Eno. Hoặc đấy là cách mà hai gã này nghĩ thế. Sự thật như thế nào không ai rõ, nhưng một điều chắc chắn là vai trò của Weymouth, Frantz và Harrison trong ban nhạc ngày trở nên mờ nhạt.
Đến độ, khi mới làm nhạc cùng Eno từ album có cái tên kỳ cục More Songs About Buildings And Food, Weymouth đã mỉa mai nhận xét rằng chỉ mới 3 tháng làm việc cùng nhau “đôi bạn cùng tiến đó đã bận đồ giống y chang nhau”. Đấy là với sản phẩm hợp tác đầu tiên, vai trò Eno còn mới dừng ở việc sản xuất. Dần dà sang tới Fear Of Music và đặc biệt ở Remain In Light, Eno còn lấn sân sâu hơn, trong cả hạng mục sáng tác. Phải công nhận rằng, nhờ công lớn của nhà sản xuất huyền thoại này, Talking Heads mới có bước chuyển biến diệu kỳ. Album Talking Head: 77 là một sản phẩm hay, nhưng thua xa về tính độc đáo của bộ ba liền sau đó.
Bằng ý tưởng táo bạo của Eno, cùng với sự ủng hộ của David Byrne, họ đưa âm thanh Funk vào nhiều hơn, thêm màu sắc của nhạc châu Phi vào, đẩy nhịp điệu lên trước. Kết quả là nếu như ở đĩa Fear Of Music, ba thành viên Weymouth, Franz và Harrison còn giống như band đánh đệm cho David Byrne hát, thì đến Remain In Light, toàn bộ ban nhạc Talking Heads tựa như một dự án âm nhạc của Eno. Như trước đấy, các thành viên sẽ chơi và sáng tác nhạc dựa trên lời hoặc giai điệu của Byrne, thì ở Remain In Light, họ hợp lại jam nhạc cùng nhau. Có điều để đạt được thứ âm thanh phức tạp về nhịp điệu gọi là polyrhythm, Eno để từng người thu âm các phần nhạc cụ riêng của họ nhiều lần, để chọn ra các đoạn thú vị nhất và ghép lại. Một ví dụ của polyrhythm là khi trong một khuông nhạc, hai track nhạc được chơi ở hai nhịp phách khác nhau. Ví dụ để khớp được khuông nhạc 4/4, một đàn có thể chơi 4 lần chùm 3 móc đơn trong khi một nhạc cụ khác có thể chơi 8 nốt móc đơn thường, khiến cho hai nhạc cụ này chỉ vào cùng nhịp 4 lần trong mỗi khuông nhạc. Đây chỉ là ví dụ đơn giản, nhưng trong nhạc world music đến từ châu Phi, các nốt nhạc có khi gặp nhau ít hơn thế, đòi hỏi người sản xuất phải hiểu sâu bản chất của nó. Với Eno và Talking Heads, nhiều khi đó là hai track nhạc được bật lệch nhịp nhau trong suốt cả bài. Ví dụ đó được thể hiện hết sức tượng hình qua video clip bài “Once In A Lifetime”, từ giây thứ 55, hình ảnh Byrne nhảy các động tác giật cục kỳ quặc được lồng vào nhau không theo cùng phách, tựa như chính nhạc của Talking Heads, đặc biệt trong album hay nhất của ban nhạc, Remain In Light.
Điều dở đối với cách làm nhạc này là sự tối giản vai trò của các thành viên chính trong ban nhạc. Do sự phức tạp của nó, có những buổi lưu diễn, Talking Heads phải cần thêm 5 nhạc công khác để tái tạo lại không khí của album này.
Và quan trọng hơn là quay đi quay lại, cả Tina Weymouth, Chris Frantz và Jerry Harrison, mà tôi phải nhắc lại đầy đủ họ tên của họ ở đây, bỗng dưng chìm vào đám đông các nhạc công đi cùng. Đó cũng chính là cách nhìn của Byrne với ba thành viên còn lại, đặc biệt với Weymouth. Gã vẫn không từ bỏ ý định cho Weymouth “nghỉ việc”. Gã thậm chí còn mời thêm nhạc công bass khác đến thu âm cùng, như để bóng gió gửi lời tới Weymouth là “nhạc của band giờ đòi hỏi kỹ thuật hơn tài năng cô nhiều”.
Từ phía cô gái đánh đàn bass, từ vị trí nổi bật là thành viên nữ duy nhất, có thần thái đầy sức hút, bỗng dưng báo chí dồn hết chú ý tới gã frontman David Byrne. Càng trở nên quyền lực, cái tôi Byrne càng cao, sự ghen tị của Weymouth càng lớn. Dĩ nhiên cả Frantz (nay đã là chồng của cô) và Harrison cũng không ưa gì Byrne. Nếu như gã frontman muốn cho Weymouth nghỉ, thì cô cũng không phải dạng vừa. Weymouth cũng từng ngỏ ý rủ Adrian Belew – anh guitarist đi diễn cùng band, để vào thay Byrne. Dĩ nhiên Belew đủ khôn để không dây vào mấy thứ drama của nhóm này.
Rồi David Byrne cũng mấy lần nổi hứng quyết định từ bỏ ban nhạc bằng việc tuyên bố với báo chí mà không nói với ba thành viên còn lại. Nhưng gã cũng đổi ý ở lại sau đó.
Sau quãng thời gian với Brian Eno, ban nhạc rút kinh nghiệm, tự sản xuất các album của mình. Họ còn rủ cả Bernie Worrell – keyboard của Parliament / Funkadelic về chơi cùng. Dù không bao giờ thành một thành viên chính thức, (có thể do thấy mùi hiềm khích nội bộ), Worrell đã đóng góp nhiều cho âm thanh nhạc Funk mà ông có được từ những ngày hợp tác cùng George Clinton, giúp cho những đĩa Speaking In Toungues (1983) hay Little Creatures (1985) vẫn mang tới những điều hay ho thú vị của ban nhạc Talking Heads.
Bất chấp những mâu thuẫn lớn từ thời Brian Eno, Talking Heads vẫn nặn ra được 4 đĩa sau đó, để rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Trong buổi họp lần cuối cùng năm 1991, David Byrne tuyên bố với Tina Weymouth, Chris Frantz và Jerry Harrison rằng gã sẽ tách ra solo. Byrne - giống như cậu bé chăn cừu hay đi lừa người dân làng trong câu chuyện ngụ ngôn, sau nhiều lần tuyên bố bỏ ban nhạc, cái lần mà gã quyết định thực sự này, không một ai tỏ thái độ bất ngờ hay tức giận. Sự bình tĩnh của họ chỉ khiến gã hét lên “Mấy người phải gọi tôi là thằng khốn chứ”. Cả ba người đều nghĩ Byrne sẽ lại đổi ý. Nhưng không.
Sau một thời gian không thuyết phục được Byrne quay về, cả ba đành lập nhóm The Heads và ra đĩa No Talking, Just Head, một cái tên mang hàm ý đá đểu David Byrne chỉ được mỗi cái mồm dùng để hát, còn đầu não của ban nhạc mới thuộc về ba thành viên thầm lặng còn lại. Có điều The Heads cũng không gặt hái được thành công, và chính David Byrne cũng không tạo được dấu ấn nào với các sản phẩm solo của gã.
Điều mà Byrne không nhận ra rằng gã cần bộ ba tạo rhythm của Weymouth, Frantz và Harrison. Còn với ba người kia, họ chỉ càng thấy âm nhạc họ tạo ra không thể thiếu giọng hát quái đản của Byrne.
Điều đó thì Tina Weymouth hiểu rõ từ những ngày đầu tiên gặp mặt gã. Bất chấp cái lần cô định rủ nhạc công khác vào thay Byrne vì sự ghen ghét bản mặt và thái độ, cô luôn luôn có một “tình cảm” đặc biệt giành cho Byrne. Trong những lá thư sau này Weymouth viết cho Byrne, nó dài ngoằng đầy những lời trách móc của “cô bạn gái cũ” dành cho “tay bạn trai đểu giả” bằng những từ ngữ như “thằng khốn nạn” để tả về những hành động gã từng đối xử với cô và ban nhạc. Nhưng rồi ở cuối thư, cô vẫn níu kéo gã bằng câu hỏi “Sao anh nỡ lòng nào không muốn quay lại làm nhạc với bọn tôi?”
Mỗi khi Talking Heads diễn trên sân khấu, người ta đều nhận thấy một ánh mắt nhìn xoáy thẳng vào Byrne của Weymouth, đặc biệt vào những khúc đầu của bài hát. Cái lần diễn cuối cùng tại Rock And Roll Hall Of Fame cũng vậy. Đó có lẽ là ánh mắt nhiều cảm xúc yêu ghét lẫn lộn nhất của một người đàn bà. Weymouth “yêu” Byrne vì tài năng và sức hút của gã frontman lập dị. Nhưng cô cũng ghét gã vì vô số các lý do kể trên, và thêm lý do “tình yêu trong âm nhạc” của cô giành cho gã mà không được đáp trả.
Thế, hóa ra Byrne cũng không phải là kẻ kỳ quặc duy nhất trong ban nhạc.
Hẹn gặp lại!
Kink
Hay