top of page

Donna Summer: bọn tôi nghe cả Disco nhá

Updated: May 25, 2020



- “Disco Sucks!” -

Một tối ngày 12 tháng 7 năm 1979, vào giờ nghỉ giữa hai hiệp trận bóng chày của hai đội bóng hạng bét ở Comiskey Park, Chicago, một gã dẫn chương trình radio cho kênh WLUP – tên Steve Dahl đi ra giữa sân trên chiếc xe Jeep.

Trên sân là những đĩa vinyl nhạc Disco chất đống. Cạnh đó là thuốc nổ. Trên khán đài, hơn 50 nghìn người hô vang “Disco Sucks”.

Steve là kẻ mang mối thù truyền kiếp với nhạc Disco vì hắn yêu nhạc Rock, và sau khi bị chủ kênh radio cũ đuổi việc vào đúng ngày Giáng sinh vì nhạc Rock không còn được chuộng nữa. 50 nghìn kẻ trên khán đài chính là những thành viên trong hội anti nhạc Disco tại nước Mỹ. Chúng được kêu gọi mang theo các đĩa nhạc Disco đến tụ họp vào buổi tối định mệnh “Disco Demolition Night’’ – dịch nôm na là “Đêm Tiêu Diệt Nhạc Disco”.

BBBBBÙMMMMMM…..

Chỉ đợi sau khi Steve châm thuốc nổ phá tung đống đĩa là đám khán giả đó ùa hết xuống sân gây bạo loạn.

Một cậu soát vé người da màu nhìn đống đĩa bắn tung tóe, lẫn đâu trong đó là của Marvin GayeStevie Wonder – hai nghệ sĩ không hát nhạc Disco nhưng họ da màu.

Một tay cầu thủ bị một mẩu đĩa chém sát chân. Nhìn xuống, hắn thấy mình thật may mắn vì suýt bị nhóm nhạc Disco – Village People giết chết.


Disco Demolition Night

Tại sao nhạc Disco bị ghét đến vậy?

Có mấy lý do nhạy cảm liên quan đến sự thù ghét với nhạc Disco. Đó là việc bắt nguồn của Disco từ người da màu và việc nhạc Disco được quảng bá và tung hô bởi các cộng đồng yếu thế trong xã hội: từ phụ nữ, người da màu cho đến người đồng tính luyến ái.

Ngoài ra, vào giữa thập niên 70, khi nhạc Disco bắt đầu lấn át nhạc Rock để thống trị trên các bảng xếp hạng, các fan nhạc Rock càng bắt đầu cảm thấy bị đe dọa. Đến lúc bộ phim “Saturday Night Fever” của diễn viên da trắng John Travolta nhảy ưỡn ẹo gây sóng với soundtrack đầy các bản hit nhạc Disco như “Stayin’ Alive” hát giọng cao eo éo của ban nhạc da trắng Bee Gees là lúc nhạc Disco càng bùng nổ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.



Các fan nhạc Rock cảm thấy khó chịu vì nhạc Disco làm xấu hình ảnh mạnh mẽ đầy uy lực của cánh đàn ông (da trắng) và làm giảm tính giá trị trong âm nhạc với âm thanh điện tử vô cảm lặp đi lặp lại.

Donna Summer – huyền thoại làng nhạc Disco

Một trong những người đã góp sức phát triển dòng nhạc Disco chính là Donna Summer, người được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc Disco” cùng với bộ đôi nhà sản xuất tài ba Giorgio MoroderPete Bellotte. Giorgio là sếp lớn đưa ra những quyết định mang tính chiến lược ảnh hưởng tới sự thành công của các sản phẩm âm nhạc mà ông và đội ngũ tài năng đằng sau thực hiện. Còn Pete là nhân vật thầm lặng nhưng là cánh tay phải của Giorgio với những ý tưởng âm nhạc tuyệt vời.

Donna có được thành công rực rỡ đầu tiên với ca khúc “Love To Love You Baby” phát hành năm 1975. Sau khi ông chủ hãng đĩa Casablanca ở Mỹ nghe bản demo, ông ta khoái lắm và chơi đi chơi lại bản đó trong buổi tiệc tại gia. Sau đó ông này bảo Giorgio kéo dài bài hát đó lên thành 20 phút. Để thực hiện được nó, Donna phải nằm trên sàn phòng thu âm rồi tưởng tượng mình là Marilyn Monroe trong một vai diễn với nhiều phân đoạn khoái cảm. Kết quả là bản thu âm dài 16 phút với 23 lần “cực khoái”.



Với thời lượng dài như vậy, bài “Love To Love You Baby” đánh dấu cột mốc là single đầu tiên phát hành ở đĩa than định dạng “đĩa to” 12 inch – ngang với kích cỡ cả một album nhạc.

Tại thời điểm lúc bấy giờ, các đĩa đơn phát hành chủ yếu ở định dạng “đĩa nhỏ” 7 inch vì thời lượng ngắn hơn nhiều, quanh quẩn 3 phút rưỡi. Thế nên nếu cố nhét 16 phút thì kỹ sư âm thanh phải nén nhạc lại. Mà như vậy âm thanh sẽ bị kém đi nhiều, đặc biệt là âm bass không được dầy tiếng và sẽ kém hay khi bật trên sàn nhảy. Các DJ nếu chơi “đĩa nhỏ” thì lại phải mua 2 đĩa giống nhau bật luân phiên để chơi được lâu. Như thế lại phiền toái.

Thế nên khi một đĩa đơn như “Love To Love You Baby” ghi trên định dạng “đĩa to”, chất lượng âm thanh được vẹn toàn ngon lành, dù giá thành sản xuất có đắt hơn. May thay, sự thành công về mặt thương mại của nhạc Disco là kết quả xứng đáng cho cuộc cách mạng này.

Đầu năm 1976, bài “Love To Love You Baby” tiến thẳng lên vị trí số 2 trên Billboard Hot 100, và album cùng tên sau đó bán được tới 1 triệu bản. Không chần chừ, hãng đĩa Casablanca ngay sau đó liền tung ra hai album của Donna SummerA Love TriologyFour Seasons Of Love. Cho đến năm 1977, Donna tiếp tục gây sóng lớn với album I Remember Yesterday cùng bản hit “I Feel Love” leo ngay lên vị trí số 6 trên Billboard Hot 100 và vị trí số 1 tại nước Anh.



Nhạc Disco nhờ đó mọc lên như nấm sau mưa. Sự truyền bá của Disco không còn dừng lại ở các buổi đi “quẩy” ở các vũ trường nhờ công của các DJ, nó đã xuất hiện trên radio và dần dần nuốt trọn cả thời lượng phát sóng của các thể loại khác, bao gồm Rock.

Vậy có gì hay ở nhạc Disco và Donna Summer?

Khác với điều mà hội anti Disco lầm tưởng, âm nhạc Disco không hề đơn giản vì tính “lặp lại” của nó. Thực tế là nó phức tạp không kém nhạc Rock, thậm chí còn hơn ở khâu sản xuất.



Điều đầu tiên cơ bản để xác định nhạc Disco chính là ở phần kick drum trong dàn trống được đánh theo phong cách độc nhất vô nhị “four on the floor” – với tiếng kick drum dậm đều 4 lần trên cả 4 nhịp trong một khuông nhạc. Nhờ vậy, tạo được độ nhấn đều đặn khiến người nghe có thể dễ dàng nhún nhảy. Màu sắc tô điểm nằm ở tiếng hi hat được đánh biến tấu, đặc biệt nếu có được âm sắc như hơi thở của tiếng mở “hi hat”, giống như trong bài “Come With Me” hay “Hot Stuff” của Donna.

Ngoài ra, Giorgio và Pete mang tới sự sáng tạo trong bài “Once Upon A Time” khi mở bài bằng đoạn intro nhịp chậm rãi với những cú fill trống trước khi vào phần Disco “four on the floor” truyền thống, không bị nhàm tai như đám fan Rock tưởng tượng. 



Ngoài phần trống, nhạc Disco còn được biết đến như một thể loại tốn kém hơn các dòng nhạc khác ở khâu sản xuất. Các thành viên trong đội ngũ sản xuất đều phải dày dặn kinh nghiệm từ sáng tác, sắp xếp, căn chỉnh âm thanh nhất là khi điều kiện kỹ thuật ghi âm bấy giờ còn yếu kém với số track hạn chế. Ngoài ra trong khi nhạc Rock, Soul hay Funk chỉ có tầm 4 nhạc cụ, thì Disco có cả guitar, keyboard, synth, kèn, dàn nhạc, hay thậm chí sáo.

Nhạc của Donna vì thế nghe không đơn giản chút nào. Trong bài "Hot Stuff" có cả nguyên phần solo guitar chất lừ. Hay như album Four Seasons Of Love có vô vàn âm thanh rót vào tai đến từ tiếng bass chơi theo điệu R&B, tiếng keyboard bấm hợp âm, bộ gõ bổ trợ cho trống, dàn nhạc réo rắt và tiếng kèn saxophone êm ái. Là bản tình ca bốn mùa nên mỗi mùa được phối nhạc khác nhau rõ rệt và thậm chí còn chậm và nhẹ hơn như ở bài "Winter Melody", khác với mấy bản Disco tiêu biểu.

Đấy là phần âm nhạc. Còn giọng hát của Donna xứng đáng ở tầm các diva huyền thoại. Trong nhạc Disco, bà thường dùng giọng đầu (head voice) khi hát các nốt cao, khiến âm phát ra không dầy tiếng và không được thoát ra ngoài mạnh mẽ như giọng ngực. Nhưng đấy là do Donna cố tình dùng lối hát đó cho phù hợp với nhạc Disco – dòng nhạc của những âm thanh điện tử.

Như trong bài “I Feel Love”, Giorgio và Pete đã “phát minh” ra âm nhạc của tương lai vì nó loại bỏ các màu mè từ nhạc cụ truyền thống. Thay vào đó, chỉ còn lại duy nhất các âm thanh điện tử (trừ tiếng kick drum do đàn điện tử đánh không tới nên phải thuê một chuyên gia vào đánh lại không lệch nhịp phát nào trong suốt 15 phút). Âm bass điện tử có hiệu ứng “trễ” và xoay chuyển giữa hai loa trái và phải đầy ảo diệu. Các âm thanh điện tử khác trong bài tiêu diệt gần như hoàn toàn “tính con người”.

Ở phần thu âm giọng hát, thường Donna sẽ nghe nhạc để cảm nhận trước và sau đó chỉ cần thu một hoặc cùng lắm hai lần là hoàn hảo. Vì thế với “I Feel Love”, bà chọn lối hát giọng đầu xuyên suốt phần lớn trong bài, nghe càng giống tiếng hát của một robot android hơn. Ấy nhưng mà không vì thế tự dưng bài hát nghe vô cảm. Cách Donna lái giai điệu cao như đang đi trên dải ngân hà hay cách bà ngân giọng ở từ “love” dài gợi cảm giác bay bổng như thứ âm thanh không phải “người trần mắt thịt”. Kết quả là bài “I Feel Love” trở thành hình mẫu của âm thanh từ tương lai tạo ảnh hưởng tới nhạc dance suốt mấy chục năm sau đó.

Còn nếu ai muốn nghe nội lực giọng thật của Donna thì bài "Black Lady" là đủ phô trương chất giọng thiên phú mà có phần đáng tiếc vì không được tận dụng hết ở dòng nhạc Disco.



Nhờ sự phong phú ở âm nhạc mà Giorgio và Pete làm cho Donna mà các album của bà trong giai đoạn thập niên 70 đều cuốn hút không kém bất kỳ thể loại nhạc nào khác. Thực ra mà nói, màu sắc R&B, Soul và Funk trong nhạc Disco cũng là gia vị tạo nên độ quyến rũ trong nhạc Disco nói chung và nhạc của Donna Summer nói riêng ở thập niên này.

Chuyện gì xảy ra sau buổi Disco Demolition Night đó?

Vào đầu thập niên 80, nhạc Disco đến thời điểm thoái trào. Nhiều người chỉ ra là “nhờ” buổi Đêm Tiêu Diệt Nhạc Disco của Steve năm đó, nhạc Disco đã bị đánh bại. Đúng là sau lần đó, cái từ “Disco” tự dưng gây dị ứng với đại chúng nói chung mà các kênh phát sóng chỉ biết nói lái sang thành nhạc dance mỗi khi phát một bài Disco. Vậy nhưng thực tế là do sự nảy nở như nấm của Disco và chất lượng chung của các bài phát trên radio trở nên tầm thường hơn, nên nhạc Disco mới trở thành thoái trào.

Dù vậy, tuổi đời ngắn ngủi của nhạc Disco cũng giúp thị trường có được những sản phẩm âm nhạc rất hay không chỉ của Donna Summer, Bee Gees mà còn Chic, Diana Ross, Michael Jackson, ABBA hay Earth, Wind & Fire.

Cho đến nay, sức ảnh hưởng của Disco vẫn sống mãi, tỏa ra các dòng nhạc dance khác sau này từ House đến EDM mà những nghệ sĩ hạng top như Lady Gaga, Bruno Mars, Madonna vẫn tìm được thành công cả về mặt thương mãi lẫn nghệ thuật.

- “Disco Rules” -


Hẹn gặp lại!


Kroon

578 views

Recent Posts

See All
bottom of page