FKA Twigs là cô gái nhỏ người với chiều cao khiêm tốn theo tiêu chuẩn của người Anh. Rồi cũng không có gì là lạ khi cô mang một làn da nâu, đến từ dòng máu lai giữa gốc gác Tây Ban Nha của bà mẹ và Jamaica của ông bố. Nhưng vấn đề là nơi đồng quê miền Nam nước Anh mà mẹ cô nuôi dưỡng cô lớn lên, Twigs chỉ là một trong vài người da màu trong cộng đồng ở đây. Bố đẻ của cô đã không xuất hiện trong cuộc đời cô từ thuở nhỏ mãi cho đến khi Twigs 18 tuổi. Thay vào đó, Twigs sống cùng mẹ và một người cha dượng, mà như cô tả, có gốc gác trỗn lẫn giữa Anh / Tây Ban Nha / Jamaica / Ai Cập, với nước da nâu giống cô.
Từ khi lên 7, cô đã được cha dượng dạy cho bài học quý giá của cuộc đời:
“Nếu con muốn nổi trội thì con luôn phải giỏi gấp đôi những đứa con gái da trắng xung quanh khác”.
FKA Twigs hiểu rằng nếu cô muốn chiến thắng trong một cuộc thi đấu, thì giỏi không cũng chưa đủ. Cô phải thực sự xuất sắc đến độ sẽ là điều vô lý với tất cả những người xung quanh nếu cô không phải người chiến thắng. Giống như bài hát “To Be Young, Gifted and Black” của Nina Simone, đó chẳng phải là điều mà rất nhiều thế hệ người da màu, ở cả nước Anh lẫn nước Mỹ, vẫn luôn chỉ bảo cho nhau ư?
Nhưng trước khi là một Twigs được người hâm mộ yêu mến và các nhà phê bình nể trọng, cô gái trẻ này đã từng phải vật lộn với nghề vũ đạo phụ họa cho các nghệ sĩ lớn khác như Kylie Minogue, Ed Sheeran và Jessie J. Với Jessie, Twigs xuất hiện trong hai MV của cô này, “Do It Like A Dude” và “Price Tag”. Riêng với bài “Price Tag” mà Jessie J hát cùng B.o.B, Twigs phải đóng mấy vai mà cô ghét nhất là con rối và con búp bê vẫy tay. Dù gì cô cũng chỉ là kẻ phụ họa, xuất hiện chóng vánh trong một vài cảnh, núp đằng sau bóng của Jessie, và quan trọng là chưa đến những ngày tháng cô được làm chủ chính mình trong sự nghiệp âm nhạc.
Thế rồi khi FKA Twigs bắt đầu có cơ hội sáng tác và làm nhạc, điều ngạc nhiên nhất là khi đem những bài hát từ những ngày đầu, trong các bản EP1 (2012) và EP2 (2013), chúng khác xa nhạc của những nghệ sĩ mà cô từng làm vũ công cho họ. Tôi muốn tránh nói đến chuyện so sánh nhạc FKA Twigs hay hoặc dở hơn những nghệ sĩ như Jessie J, Kylie Minogue, Ed Sheeran, nhưng có một điều rõ ràng là nhạc của Twigs mang đấy dấu ấn đặc sắc và ấn tượng hơn hẳn.
Vì Twigs đã làm đúng theo tâm niệm trong lời dạy của người cha dượng, đó là phải giỏi gấp đôi những người khác.
Về mặt âm nhạc, khi nhìn vào những sản phẩm đầu tiên gồm hai bản EP kể trên, đĩa LP1 (2014) và M3LL155X (2015), sự độc đáo trong gu nhạc của Twigs nằm ở cách làm không gian âm nhạc với đầy khoảng trống, tựa như phong cách của anh James Blake, và phần giai điệu thì biến đổi khó đoán như anh Frank Ocean. Như vậy là nhạc của Twigs khác hẳn một trời một vực những dòng nhạc của đa phần các nữ ca sĩ khác. Và cái riêng của cô, kể cả so với đồng nghiệp nam như James và Frank vừa kể trên, là những lời hát không liền mạch trên nền nhịp trống không đồng đều.
Thời điểm đó, FKA Twigs có phòng cách viết nhạc trên phần nhạc nền luôn biến chuyển đầy ngẫu nhiên, cả về nhịp điệu lẫn nhạc điệu. Đặc biệt kiểu program nhịp trống của cô trong các nhạc phẩm thời kỳ đầu này luôn là chuỗi những tiếng động, lúc đều đặn, lúc lệch nhịp, lúc lặn mất tăm, giống như ở bài “Lights On”. Với “Two Weeks”, tiếng hi-hat đáng nhẽ dùng để giữ nhịp thì cũng lúc chạy nhanh tăng tốc, lúc tắt lịm. Còn như “Pendulum”, tiếng trống đi theo những kiểu nhịp “đá nhau” với giai điệu.
Tôi có cảm giác tiếng trống được Twigs tạo ra để đi theo cô chứ không phải ngược lại như thường thấy trong một bài nhạc tiêu biểu. Vì vậy sự khác biệt trong nhạc của cô là Twigs luôn làm chủ nó, và chất lượng những nhạc phẩm này được thể hiện qua những lời khen có cánh của những nhà phê bình âm nhạc khi họ sẵn sàng so sánh cô với cả những huyền thoại như Kate Bush và Prince.
Nếu không đem yếu tố nhạc ra để làm thước cân, thì những tài năng khác của Twigs rõ ràng hơn nhiều người đồng lứa. Cô tự thu âm keyboard, synth, rồi sắp xếp cả phần nhạc cho tiếng trống, bass, giàn dây. Cô thể hiện những đoạn vũ đạo mang tính tạo hình vô cùng ấn tượng, như trong MV của bài “Pendulum” và “Video Girl”. Rồi cô còn tham gia cùng vai trò đạo diễn video nhạc của mình trong các bài ở bản EP. Những hình ảnh lạ, đẹp đến táo bạo ví dụ như góc quay sát hình ảnh người đàn ông trong chiếc mặt nạ trong bài “Ache”, hay thân một cô gái mặc độc chiếc áo lót cùng một bông hoa hồng môn gắn lên che thay cho chiếc quần trong bài “Hide”.
Vậy là cô đã giỏi gấp đôi người khác chưa nhỉ?
Nếu đó là chưa đủ thì khi FKA Twigs còn đang thai nghén album studio thứ hai, cô vẫn liều lĩnh tham gia sơ tuyển đóng video quảng cáo cho HomePod của hãng Apple do Spike Jonze làm đạo diễn. Sự liều lĩnh ở đây là Twigs phải nhảy quanh căn phòng trước chiếc máy laptop chỉ mới vài tuần sau khi cô mổ u xơ tử cung. Rồi khi thực hiện xong lượt nhảy đó, người ta đề nghị cô làm lại một lượt và đồng thời chạm vào các đồ vật trong phòng. Từng là vũ công chuyên nghiệp, nhưng quan trọng là niềm kiêu hãnh không muốn bộc lộ một vẻ yếu đuối hay thậm chí là lo lắng với vết khâu còn chưa lành, cô vẫn tỉnh queo tham gia vào phần diễn một cách hết mình.
Câu chuyện đó cũng giống như khi Twigs tập luyện để quay video bài “Cellophane” cho album thứ hai. Mặc dù cô đã biết các kỹ thuật múa cột và từng thực hiện trong video bài “Fukk Sleep” cùng A$AP Rocky, lần này Twigs muốn thực hiện một cách bài bản hơn. Rèn luyện trong thời gian 6 tháng, cô thuần thục nó. Twigs như một vận động viên thực thụ khi cô biết nhào lộn, nhuần nhuyễn các động tác múa kiếm theo bộ môn wushu, và giờ là múa quanh chiếc cột với một sức mạnh phi thường. Các vũ công khác đa phần chỉ có thể bám trên cột tầm hai tiếng, vậy mà để quay video “Cellophane”, cô có thể dùng đôi tay và đôi chân giữ cả trọng lượng cơ thể trong suốt 8 tiếng liền.
Như vậy có được coi là giỏi gấp 4 lần người khác chưa nhỉ?
Rồi trong lần đi tour lưu diễn cho album thứ hai, sau lịch trình dày đặc tại Los Angeles và một chuyến bay dài tới Berlin chỉ hai tiếng trước khi biểu diễn, FKA Twigs vẫn vừa hát, vừa nhảy, vừa múa trên cột, vừa biểu diễn múa kiếm trên sân khấu một cách xuất sắc, mặc dù cô không hề được ngủ trong 50 tiếng liền trước đó.
Mạnh mẽ và lì lợm là vậy, cô gái nhỏ bé đó thực ra chỉ khoác ra ngoài một “thần thái cứng rắn” để vượt qua những phân biệt trong xã hội, thậm chí những lời lẽ độc địa của thiên hạ, để trở thành kẻ chiến thắng như lời bố dượng cô từng dặn dò.
Tên thật là Tahliah Debrett Barnett, cô từ nhỏ đã phải làm quen với thiệt thòi của một cô bé không có làn da trắng và mái tóc vàng mượt. Lớn lên, người đời còn độc mồm độc miệng với cô hơn. Twigs tưởng rằng việc làm người yêu của một cậu bạn trai da trắng điển trai như Robert Pattinson sẽ khẳng định vị trí của cô, nhưng ngược lại, Twigs vẫn nhận những lời xỉ nhục mang đầy sự phân biệt màu da trên mạng xã hội. Nhưng cô vẫn tìm được sự tự tin và sức mạnh để gạt bỏ chúng. Như lần chuẩn bị quay MV “Video Girl”, mới chỉ vài phút trước đó, Twigs sững sờ khi thấy mình bị một kẻ trên mạng ví cô như “con khỉ”, vậy mà cô vẫn hoàn thành phần quay trọn vẹn.
Vì lẽ đó, Twigs đã đặt tên album thứ hai của mình là Magdalene. Theo Giáo hội Công giáo, Mary Magdalene là một cô gái điếm, người đã được gặp chúa Jesus và rửa chân cho ngài bằng một loại dầu quý hiếm và đắt tiền, như một cử chỉ sám hối và biết ơn. Theo cái nhìn của Twigs, Magdalene là một người phụ nữ phi thường nhưng luôn bị che khuất bởi cái bóng của một người đàn ông, và cô cảm thấy mình cũng như vậy. Ở đây không phải là Twigs muốn thành cái bóng của bất kỳ ai, mà chỉ là ngay từ khi sinh ra, định kiến và áp đặt của xã hội luôn đẩy cô lùi về phía sau, làm nền cho những con người khác. Vì lẽ đó, với những người cùng hoàn cảnh như Twigs, sự nỗ lực gấp đôi, gấp ba, hay thậm chí gấp trăm lần những kẻ xung quanh mới may ra đưa họ tới một vị trí cao hơn trong xã hội.
Và đó cũng là cái hay trong âm nhạc mà FKA Twigs làm, khi ta có thể nghiệm theo cảm xúc của cô ở mỗi giai đoạn, và trong đó, giai đoạn của album Magdalene (2019) như phơi bày những cảm xúc yếu đuối ẩn sâu phía trong vỏ bọc mạnh mẽ của Twigs.
Phần nhạc và giai điệu ở giai đoạn này rõ ràng và dễ nắm bắt hơn trước. Lối hát của Twigs cũng khác hơn và người nghe được thưởng thức những cung bậc lên xuống của một giọng hát hay tuyệt đẹp. Thế nhưng cô vẫn giữ lại nét đặc trưng của mình qua các âm thanh lạ lẫm đầy tính thể nghiệm. Ở “Home With You”, tiếng trống vẫn không rõ ràng, đa phần vắng mặt. Trong “Sad Day”, đoạn bridge phá cách với âm thanh chắc khỏe phá tan không gian trầm lắng trước đó. Rồi như ca khúc tuyệt hay “Mary Magdalene”, những âm thanh rè đặc không che lấp được giọng hát mượt ngọt của Twigs trong phần thể hiện vocal tuyệt hay. Mặc dù cấu trúc các bài hát của cô đa phần khó nắm bắt, khi nghe nhạc cô không cần chú tâm đến trình tự của nó, mà cứ để cảm xúc tự thả trôi theo bài nhạc.
Rồi để hiểu FKA Twigs kỹ tính trong làm nhạc như nào, chỉ cần so sánh những âm thanh mới lạ bị băm xẻ trong các bản EP và đĩa LP1 với nhạc trong đĩa Magdalene đã thấy nó khác đi rất nhiều.
Để chuẩn bị cho album này, Twigs đi tìm âm sắc soulful cảm xúc hơn bắt đầu từ chính giọng hát của mình. Để giọng hát làm chủ trong bài nhạc, Twigs mời hẳn giáo viên thanh nhạc về để luyện tập trong suốt một năm. Sức mạnh và sắc thái trong giọng hát của cô được khơi dậy và mở rộng hơn hẳn, giúp cho Twigs có thể kéo giọng hát lên xuống mượt mà với nhiều sắc thái khác nhau, như chính bài hát “Mary Magdalene” mà cô thể hiện. Ca khúc này của được Twigs sáng tác dựa trên đúng kỹ thuật và khả năng hát của mình. Như thê vẫn chưa đủ, đến khâu sản xuất, cô dành cả vài tháng trời cùng với Nicolás Jaar, người cùng cô sản xuất album này, để tìm ra âm thanh chuẩn cho bài hát. Nếu như trước kia, những tiếng trống khô và thô ráp được dùng để xé toạc bầu không gian tĩnh trong các sản phẩm âm nhạc trước của Twigs, thì nay âm thanh hi-hat rè to dần bao trùm toàn bộ bài “Magdalene” là thứ cô cảm thấy mãn nguyện.
Tất cả những nỗ lực này của FKA Twigs trong sáng tác nghệ thuật chỉ một lần nữa chứng tỏ cô có thể làm tốt hơn gấp đôi gấp ba những người khác thì mới được mọi người ghi nhận, như chính kết quả của loạt lời ca tụng với album này.
Cho đến bản mixtape gần đây - Caprisongs (2022), Twigs một lần nữa làm mới âm nhạc của mình bằng phong cách gần gũi với mainstream hơn, không phải để tìm kiếm danh vọng mà dường như để chứng tỏ khả năng làm nhạc hơn người. Âm thanh tươi sáng hơn. Nhịp điệu trống và tiếng bass đều đặn rõ ràng hơn. Giai điệu dễ hiểu hơn. Và giọng hát của Twigs vẫn đẹp như thiên thần, và hay hơn bao giờ hết.
Gọi là mixtape nhưng tổng thể cả nhạc phẩm này mang tính đồng nhất về chất liệu nhạc cũng như chất lượng của một album toàn diện. Và nhạc của Twigs ở đây vẫn còn xa mới bị gọi là thương mại hóa. Bên cạnh những bài nhạc được sáng tác mang giai điệu đẹp mà không dễ dãi, ta vẫn tìm được những đoạn nhạc có nhịp điệu biến đổi khó đoán, những âm thanh lạ lẫm xuất hiện giữa chừng đầy bất ngờ. Một lần nữa để kiểm soát chất lượng âm nhạc của mình, FKA Twigs hầu như sáng tác / đồng sáng tác, cũng như sản xuất / đồng sản xuất cho các bài trong mixtape này.
Nghệ danh FKA Twigs được cô lấy cảm hứng từ nickname “Twigs” mà đám bạn trong lớp học nhảy hồi bé gọi cô vì các khớp xương của cô thường kêu răng rắc, và ba chữ cái FKA được cô thêm vào để tránh rắc rối trùng tên với một nhóm nhạc khác. Tôi có thể mường tượng ra hình ảnh một cô gái bước lên “sàn đấu”, bẻ khớp tay răng rắc đầy tự tin trước màn thể hiện của mình. Giống như lần cô làm đạo diễn phần quay một thước phim quảng cáo, cô muốn anh vận động viên trong phim phải hét thật to và đầy dũng khí của một kẻ chiến thắng, nhưng anh này có chút ngại ngùng. Twigs thấy vậy bèn bước lên để làm mẫu.
Cô gái bé nhỏ đó đi lên trước máy quay và hét vang đến cháy họng. Nói đoạn, cô quay sang anh kia và hỏi nhẹ nhàng:
“Anh thấy chưa?”.
Hẹn gặp lại!
Kroon
Mình mới được biết đến FKA Twigs gần đây qua Caprisongs nhưng cô ấy là một trong những nghệ sĩ mình thích nhất hiện tại :>