top of page

Còn ai điên hơn Kate Bush?



Hồi nhỏ tôi sợ nhất xem phim “Ma Cây” (tên tiếng Anh là “The Evil Dead” phát hành năm 1981) do Sam Raimi đạo diễn. Tôi nhớ khi mấy cô diễn viên xinh đẹp bị ma nhập là mặt mũi không những bị biến dạng, mà mấy cô còn nói thứ giọng lúc khàn đục như quỷ, lúc cười rú lên cao vút the thé. Thứ âm thanh đó kinh dị đến độ cả khi tôi quay đi không xem hình mà vẫn phải cảm thấy rợn người khi nghe tiếng.


Đấy là hồi nhỏ. Còn bây giờ lớn rồi tôi vẫn chưa dám xem thử lại.


Thế rồi tôi có biết đến nhạc của Kate Bush – cô ca sĩ được chính David Gilmour của Pink Floyd phát hiện và dìu dắt những ngày đầu. Được hẳn Gilmour để ý tới thì Bush phải có một tài năng xuất chúng “không giống ai” đây?




Đúng vậy, điều đó thể hiện rất rõ trong bài “Wuthering Heights” của cô.

Ở phần đầu bài, tiếng hát cô cao lanh lảnh đến rợn người, đã thế có lúc còn bẹt giọng ra nghe càng quái dị. Riêng câu “I hated you” và “I loved you too” mà Bush hát bằng hai kiểu giọng, một trầm một cao như ma quỷ đa nhân cách. Nôm na, giọng cô nghe tựa như mấy nhân vật nữ trong phim “Ma Cây” kia, mà tôi có thể tưởng tượng cô đang cầm cây bút chì chuẩn bị cắm vào màng nhĩ (trong phim hình như có đoạn mấy cô kia sau khi bị nhập có dùng bút chì xiên qua bàn chân mấy anh giai).


Đấy là nhạc nhé, xem video clip (bản Version 2) mới thấy độ dị và điên lên hẳn một đẳng cấp. Kate Bush mặc bộ váy đỏ rực múa máy trong rừng những điệu rất quái đản, nửa ba lê nửa ma nhập. Như cách cô giơ hai tay về phía trước giống hệt ma cương thi trong phim kinh dị của Hong Kong. Nói thật là những động tác múa đó trông thuần thục lắm, nhưng nó kỳ quặc vô cùng, và đáng nhớ nhất là điệu đứng một chỗ uốn éo như đang chào khán giả ở đoạn outro cuối của bài.


Thế mà các bạn biết không, bài “Wuthering Heights” đó là single đầu tiên của Bush với công chúng thị trường âm nhạc Anh Quốc. Nó được phát hành cuối năm 1977 và giành vị trí số 1 tại nước Anh suốt 4 tuần. Pitchfork thì xếp bài đó vị trí số 5 các ca khúc hay nhất thập niên 1970.


Không những thế, ở thời điểm cuối năm 1977 đó, với “Wuthering Heights”, Bush trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên (lúc đó cô mới 19 tuổi) có được bản hit vị trí số 1 tại Anh bằng một ca khúc hoàn toàn do cô sáng tác. Rồi khi album đầu tay The Kick Inside (1978) phát hành, cô trở thành nghệ sĩ nữ đầu tiên trong lịch sử âm nhạc có một album bán trên 1 triệu bản với các bài hoàn toàn do cô tự sáng tác. Đến tuổi 24, Bush bắt đầu kiêm cả sản xuất tất cả các album nhạc của mình, bắt đầu với đĩa The Dreaming (1982).


Nhưng phải tới tuyệt phẩm Hounds Of Love (1985), Kate Bush mới được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về định hướng nghệ thuật và 4 album đầu tay trước đó mới được đánh giá lại là những sản phẩm âm nhạc xuất sắc có tính ảnh hưởng cực lớn với các thế hệ nghệ sĩ sau này.


Kể cũng khó trách những nhìn nhận có vẻ thiển cận của người nghe nhạc ở Anh Quốc và Châu Âu thời đó. Phong cách kỳ quặc trong cả âm nhạc lẫn hình ảnh của Bush tạo một vỏ bọc rất kém “cool” của người nghệ sĩ trẻ đa tài này. Bất chấp có những thành công về mặt thương mại, người ta vẫn cứ e ngại khi phải thú nhận với một ai đó rằng họ nghe nhạc Kate Bush. Rào cản đó khiến cho cô không có được chỗ đứng ở thị trường nước Mỹ.


Tôi may mắn tiếp cận với nhạc của Bush bắt đầu từ album Hounds Of Love nên sau đó khi nghe quay ngược lại về trước, việc cảm nhận âm nhạc của cô dễ tiếp thu hơn rất nhiều. Ấy thế mà cái lần tôi bật ra loa nghe đĩa The Kick Inside, thứ giọng cao chóe hơi chói tai đó khiến tôi khó chịu phải tắt đi sau đó. Nhưng khi nghe lại qua tai phone thì tôi mới cảm nhận được những cái hay ho trong thứ nghệ thuật có phần “điên” của cô.


Bởi do cái “điên” không phải là một tiêu chuẩn để con người ta tự dưng nghe nhạc của Kate Bush. Về mặt nghệ thuật, bên trong đó ẩn chứa những thứ đẹp và hay trong âm nhạc của cô.


1. Âm nhạc:

Thứ nhất về mặt âm nhạc, ta thử quay lại với ca khúc “Wuthering Heights”. Phải nói là nếu bạn không vượt qua được thử thách 30 giây đầu tiên thì sẽ không tìm đến được cái đẹp của bản nhạc này. Đoạn tiền điệp khúc (pre-chorus) tiếp đó đưa tai người nghe về trạng thái cân bằng nhờ những giai điệu mềm đẹp dù vẫn bằng tiếng hát cao vút đó. Điệp khúc cũng là những giai điệu thực sự rất catchy với đôi tai, nếu ta gạt đi được thứ âm sắc lạ từ giọng hát của Kate Bush. Nếu xem bản nhạc của bài thì sẽ thấy trong phần verse khó nghe đó toàn bộ là hợp âm trưởng, chưa kể mấy hợp âm sau đó đều không nằm trong tông giọng của bài. Phần tiền điệp khúc chuyển giọng của bài và làm dịu bằng hợp âm thứ trước khi đưa người nghe đến phần điệp khúc có chuỗi hợp âm theo quy luật hơn.

Chỉ điểm qua thôi đã thấy tài năng đến dị của Kate Bush trong cách sáng tác nhạc của cô khi mà chuỗi hợp âm cô dùng lạ mà không chướng tai.


Dễ nghe hơn trong cùng album, có thể cảm nhận giai điệu êm ái cực đẹp trong bài “Moving” đầu tiên. Điều dễ nhận thấy là qua cách sáng tác cực giỏi trong giai điệu trên nền những chuỗi hợp âm sáng tạo, album đầu tay này có những câu bass lướt nhẹ trên dải hợp âm đó làm ấm và cân bằng lại chính giọng hát cao vút của Bush.



Tới các đĩa sau đó, cô tiếp tục cho thấy tài năng viết các bài nhạc phong cách Art Pop / Baroque Pop đầy phong cách, và không “đụng hàng” cả với chính những tác phẩm khác của cô. Đó là âm sắc nhẹ nhàng qua “In Search Of Peter Pan”, “Kashka From Baghdad”, “Hello Earth”, upbeat với “Babooshka”, “The Wedding List”, “Running Up That Hill”, “Jig Of Hill”, mạnh mẽ phong cách Rock hơn với “Full House”, “Hammer Horror”, “Violin”.


Cả ở vai trò sản xuất, khi một mình tự loay hoay, nhưng Bush vẫn tạo được tuyệt phẩm Hounds Of Love được đánh giá cao nhất sự nghiệp của cô. Có vẻ như khi có cơ hội thể hiện ý tưởng nhạc dị của bản thân, thì việc tự sản xuất là cánh cửa cho cô thỏa sức thử nghiệm âm nhạc. Bớt “điên” hơn trong Hounds Of Love, Bush có cách làm nhạc đầy ấn tượng. Không chỉ ở tiết tấu trống nhanh trong “Running Up That Hill”, cô còn nghĩ ra phần tiếng trống fill về sau vang dội như sấm xen với âm thanh guitar điện dồn dập như đang đuổi theo phía sau, hay tê người. Ở bài “Mother Stands For Comfort”, câu bass mượt ấm được tôn lên làm êm dịu như tình cảm của người mẹ. Trong “Jig Of Life”, tiếng kèn đặc trưng của người Ireland được đưa vào làm nền rất khéo tạo không khí của một buổi lễ.



2. Giọng hát và lời ca:

Đây có lẽ là yếu tố khó tiếp nhận nhất khi nghe nhạc của Kate Bush. Như bài “Wuthering Heights” đấy, giữa những giọng ca “ngọt” của Joni Mitchell, Aretha Franklin, Diana Ross trên thị trường thì ta có âm thanh “chua” đến rùng mình của Bush ngay từ ca khúc ra mắt công chúng đầu tiên này.


Cả với đĩa Hounds Of Love là sản phẩm dễ nghe hơn khi Bush ít dùng lối hát cao chói tai đó, thì ta vẫn thấy được sự biến hóa dị như quỷ nhập trong tiếng hát của cô trong track “Waking The Witch”. Bởi lẽ với Bush, cô không thể hiện bài hát theo phong cách truyền thống là giọng hát sao cho hay và vừa tai nhất có thể. Cô dùng nó như một thứ nhạc cụ thể hiện nội dung của bài.


Quay lại chính “Wuthering Heights”, nội dung bài hát được dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Emily Jane Brontë. Trong bài hát, Bush viết lời từ cái nhìn của Cathy, cô gái nhân vật chính trong câu chuyện và đồng thời chính là hồn ma lởn vởn bên cửa sổ. Bảo thế sao giọng hát của Bush nghe có phần ma quái đến vậy, nhất là khi cô đổi giọng giữa “I hated you” và “I loved you too” như đã nói ở trên.



Ở bài “Hammer Horror”, câu chuyện kể về một anh diễn viên được giao vai chính trong bộ phim Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà thay cho người diễn viên mới chết trước đó vì tai nạn. Cả hai đều từng là bạn của nhau, một người ra đi quá sớm trước khi được thể hiện vai diễn đời anh mơ ước, một người lưỡng lự tiếp nhận thế chân nhưng dằn vặt lương tâm. Trong bài hát, đoạn lời: “Hammer Horror, Hammer Horror / Won't leave it alone / The first time in my life / I keep the lights on to ease my soul / Hammer Horror, Hammer Horror / Won't leave it alone” ở điệp khúc là lúc hồn ma anh bạn xấu số quay lại ám vì sự tiếc nuối và ghen tị. Do đó khúc này Bush hát bằng giọng hát ồm như đàn ông để phản ánh hai nhân vật khác nhau trong câu chuyện.



Bài “The Wedding List” kể về chuyện cô gái trả thù cho người chồng mới cưới khi bị một nhóm người giết hại. Bài hát là một màn thể hiện các giọng điệu khác nhau ở từng tâm trạng: khi cô hả hê tìm ra kẻ sát nhân và chuẩn bị ra tay kết liễu hắn, khi cô buồn bã hát về vụ án mạng xảy ra tới người chồng trước đó.

Đỉnh điểm ở lối dùng giọng hát như một nhạc cụ thể hiện cảm xúc ý tưởng bài là “Get Out Of My House” khi trong đó đầy rẫy những âm thanh gào thét phía sau của Bush, làm nền cho phần track vocal chính đầy căm tức của một nhân vật đang dần hóa điên như cuốn tiểu thuyết “The Shining” của Stephen King mà cô lấy cảm hứng.


Các bài hát của Kate Bush đều có một câu chuyện nào đó, nhưng không bao giờ là câu chuyện của cuộc đời cô. Thế nên, Bush luôn tự hóa thân vào nhân vật trong bài hát đó và nghĩ ra những kiểu hát có tính hình tượng nhất, biến các bài hát thành một khung cảnh bao trùm người nghe nhạc trong đó, được chứng kiến tận mắt các thể loại câu chuyện qua lời kể của cô. Ngoài những bài trên, cô cũng không ngại ngùng cả với những nội dung mang tính nhạy cảm như mối tình loạn luân giữa hai anh em trong bài “The Kick Inside”. Nếu như câu chuyện gốc “Lucy Wan” có kết cục là cô em gái bị người anh giết chết sau khi cô này có thai thì Bush thay đổi thành câu chuyện có cảm xúc hơn khi nhân vật cô nhập vai lựa chọn cái chết và không muốn người anh phải mang tội. Nhẹ nhàng hơn, cô cũng hát cả về toán học trong bài “Pi” khi đoạn lời cô liệt kê tới cả chữ số thứ 137 đằng sau dấu phẩy của số Pi. Đúng hay sai thì các bạn đọc thử dưới đây mà tự kiểm tra nhé:

“[Verse 1]

3 . 1 4 1 5 9

2 6 5 3 5 8 9 7 9 3 2

3 8 4 6 2 6 4

3 3 8 3 2 7 9

….

[Verse 2]

5 0 2 8 8 4 1 9

7 1 6 9 3 9 9 3 7 5 1 0

5

8 2 0 9 7 4 9

Oh he love, he love, he love, he does love his numbers

4 4

5 9

2 3 0 7 8 1 6 4 4 0 6 6 2 8 6 6 2 0 8 8 8 8 2 1 4

8 0

8 6 5 1 3 2

[Outro]

8 2 3 0

6 6 4 7 0 9 3 8 4 4 6 0 9 5 5 0 5 8 2 2 3


3. Hình ảnh:

Nếu như ai đó chưa biết tới Kate Bush, hoặc kể cả có từng nghe nhạc cô đi chăng nữa, mà xem màn biểu diễn bài “Kite” của cô tại Hammersmith thì chắc hẳn họ sẽ phải há hốc mồm không hiểu thứ gì đang diễn ra trên sân khấu. Những động tác khua hai tay hai bên như một kẻ tâm thần hay kiểu đưa tay xuống ôm như đau bụng của Bush quái đản không khác gì âm nhạc mà cô đang diễn.


Bên cạnh giọng hát, hình ảnh hay đúng hơn là ngôn ngữ tượng hình qua các điệu nhảy của Kate Bush cũng là thứ khó nhằn với người yêu nhạc, kể cả với fan âm nhạc của cô.


Như chính bài “Wuthering Heights”, điệu nhảy trong video clip đó hẳn cũng hợp lý khi nhân vật trong bài là một hồn ma, do đó mới xuất hiện những điệu múa như ma cương thi hay uốn éo có phần dị hợm ma quái.


Lối diễn vừa nhảy vừa hát của Bush bắt nguồn từ việc cô đi học múa trong thời gian đầu khi hãng đĩa chờ cho cô “đủ lớn” cũng như tới thời điểm chín muồi cho thứ nhạc lạ của cô phù hợp hơn với thị trường. Từ đó Bush bắt đầu nghĩ tới việc hình tượng hóa các bài hát qua các điệu nhảy, điều mà tôi có lẽ không đủ chuyên môn để phân tích sao mà nó hợp với bài hát.



Cứ xem video của bài “Babooshka”, Bush trong chiếc khăn đen bên cây đàn contrabass đưa từng động tác tay giật cục ôm chiếc đàn như hình tượng người chồng trong bài, sau đó chuyển bụp sang trang phục phong cách nước Nga như nhân vật Babooshka trong bài. Hay trong video bài “Hammer Horror”, cứ đến đoạn hồn ma quay lại ám người diễn viên trong bài là có một vũ công phụ họa tiến tới ngay sau múa những động tác rũ rượi. Kể ra cũng tượng hình đấy nhỉ?


Do vậy, vũ đạo là thứ không thể thiếu trong nhạc của Kate Bush. Chính sự đòi hỏi và yêu cầu thể hiện các động tác phức tạp trong lúc hát của cô là lý do đội ngũ kỹ sư âm thanh áp dụng luôn công nghệ mic không dây lần đầu tiên trong biểu diễn trên sân khấu ở tua lưu diễn “The Tour of Life” năm 1979. Hình ảnh người nghệ sĩ đeo mic không dây giờ đây hẳn đã phổ biến, nhưng với Kate Bush, đó là một điều kỳ diệu. Nó cho phép cô tự do trình diễn mà không ảnh hưởng tới giọng hát.


Dù không phải là một nghệ sĩ cần mẫn đi lưu diễn, và cũng như không phát hành nhiều album nhạc trong sự nghiệp, những gì Kate Bush mang tới cho âm nhạc nhiều hơn cái sự “điên” đó. Sức ảnh hưởng lớn của cô lan tỏa ở nhiều góc cạnh: từ sự tiên phong giành quyền tự chủ trong định hướng âm nhạc cho đến sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật mà không một khuôn mẫu nào có thể áp đặt được. Do đó có thể thấy không chỉ các nữ nghệ sĩ sau này như Madonna, St. Vincent, Lady Gaga, Grimes, Tori Amos, Björk, Lorde, mà còn cả Brett Anderson của Suede, Darren Hayes của Savage Garden hay Perfume Genius đều chịu ảnh hưởng lớn từ chính phong cách nghệ thuật của cô.


Tự dưng chính những động tác khoa chân múa tay kỳ quặc đó lại hợp với thứ âm nhạc lạ kén người nghe của Kate Bush chăng? Và bỗng dưng khi âm thanh “điên” kết hợp với hình ảnh “điên” lại trở nên bình thường? Nhưng chắc chắn rằng cách thể hiện nghệ thuật của Kate Bush chỉ đơn thuần là môt phong cách rất riêng, không muốn giống một ai của cô. Và quan trọng hơn cả là cô không quan tâm ai nghĩ hay phán xét phong cách nghệ thuật của cô.



Hẹn gặp lại!


Kroon

1,447 views

Recent Posts

See All
bottom of page