Nghệ sĩ nhạc jazz Miles Davis đã từng nói “Không quan trọng là nốt nhạc nào được chơi; mà chính những nốt không xuất hiện mới làm nên bài nhạc”.
Ở đây, ý tứ của Davis không phải để giảm nhẹ tầm quan trọng của các giai điệu mà các nhạc công thể hiện, mà cái ông nhấn mạnh là khoảng lặng giữa những nốt nhạc, những khoảnh khắc cho bài nhạc được nghỉ ngơi, được lấy hơi, và được thở. Giống như bài “Imagine” của John Lennon, ở cuối mỗi đoạn verse “Imagine all the people / Living for today / I” hay “Imagine all the people / Living life in peace /You”, các nhạc cụ bỗng ngừng chơi, để lại khoảng không cho giọng hát Lennon cất cao lên, tạo sự tương phản sắc nét tôn cho đoạn điệp khúc giai điệu đẹp tuyệt vời nối tiếp sau đó. Một ví dụ khác là bài “Smells Like Teen Spirit” của Nirvana mở đầu bằng tiếng đàn guitar điện rè đặc ầm ĩ, sau đó im bặt để lại mỗi trống và bass chơi phía sau, còn cây guitar giờ chỉ đánh đúng 2 nốt ngân dài trong từng cặp 2 khuông nhạc một, khiến người nghe ngấm từng lời Kurt Cobain hát, và chuẩn bị bình sinh cho sự cuồng nộ đối lập phía sau của phần điệp khúc.
Cái hay của những khoảng lặng trong âm nhạc là nó không những tạo nên sự đối lập với khoảnh khắc tiếng nhạc ngập tràn, mà nó lại là phần nền có màu sắc “trung tính”, tôn đậm nét cho bất kỳ âm thanh nào vang lên, và vẽ nên một không gian âm nhạc rộng lớn. Và James Blake là một “hoạ sĩ” tài ba của phong cách làm nhạc này.
Nếu ví Blake như một hoạ sĩ thì người nghệ sĩ người Anh này theo một trường phái trừu tượng, bởi âm nhạc của anh mang đầy màu sắc thử nghiệm, đặc biệt theo phong cách tối giản và vô cùng tinh tế khi tạo ra những khoảng không gian yên tĩnh được Blake “vẽ” nên bằng những nốt nhạc im lặng.
Vì là trừu tượng nên nhạc của James Blake không hề dễ nghe, đặc biệt với các nhạc phẩm đầu tiên trong sự nghiệp của anh.
Trong bài “The Wilhelm Scream” ở album chính thức đầu tay cùng tên nghệ danh của anh - James Blake (2011), Blake làm nhạc tối giản tới mức chỉ độc tiếng trống điện tử cùng âm thanh synth rất nhẹ đằng sau. Các nốt nhạc không được chơi trong bài này là tiếng đàn bass (có thể là bass điện tử hoặc guitar bass), bởi dải trầm mà Blake dùng trong nhạc của anh là sub-bass, chỉ như những âm thanh rung của dải tần số cực thấp dưới 60-70Hz, ngưỡng mà tai con người thường nghe trong âm nhạc. Đây là phong cách chịu ảnh hưởng của nhạc dubstep mà James Blake từng mày mò khi anh còn làm nghề DJ. Trong bài “Wilhelm Scream”, những nốt nhạc không được chơi còn là những nốt đàn điện tử synth mà Blake có thể thêm vào trong mỗi khuông nhạc, thay vì chỉ ngân những nốt dài như ở trong bài.
Chính sự “thiếu thốn” về nhạc trong bài này làm cho âm sắc của nó chạm gần mức “trung tính” vì các hợp âm trong bài được thể hiện ở mức tối thiểu, khiến cho tai người nghe phải tập trung ngay khi James Blake cất giọng hát. Họ như bị cuốn vào việc tìm kiếm một màu sắc rõ nét ở bức tranh này, và vì thế bất kỳ âm thanh nào xuất hiện, kể cả như tiếng động mà Blake chêm vào trong bài đều vang vọng trong một khoảng không vực thẳm sâu hun hút, để rồi khi Blake hát “I’m falling, falling, falling, falling” thì cái nốt trầm của tiếng đàn đằng sau cứ từ từ hạ dần cao độ ở sau mỗi từ “falling” và đều được người nghe cảm nhận, dù âm sắc đó rất nhỏ, rất nhẹ và rất tinh tế.
Có thể nói album này của anh là khó nghe nhất vì sự giản lược tinh gọn của phần nhạc đến độ buồn thẳm đen tối. Âm nhạc của nó tựa như hình bìa của bản deluxe của album này, nó như một bức hình âm bản đen trắng, mà bất kỳ âm thanh nào vang lên cũng chỉ như những chấm màu nhỏ, không phá tan được sự u ám.
Kể từ album thứ hai trở đi, âm nhạc của James Blake có chút sáng sủa hơn, dù nó vẫn mang âm hưởng buồn bã của giai điệu và giọng hát hay mê hồn của Blake. Giọng hát của anh thường được thu âm không qua tinh chỉnh, nên nó giữ lại nét còn thô ráp đầy cảm xúc được nổi bật trên vẫn phong cách nhạc tối giản.
Trong đĩa Overgrown (2013), có thể nói là album hay nhất của anh, ca khúc cùng tên - “Overgrown” có màu sắc rõ rệt hơn về tông giọng nhạc, dù là số lượng track nhạc vẫn rất ít. Tôi có cảm giác như từng nốt nhạc của mỗi nhạc cụ được Blake suy nghĩ đắn đo kỹ lưỡng trước khi đưa vào, hoặc bỏ ra khỏi bài nhạc. Khi anh cất giọng hát, những nốt nhạc thiếu vắng lúc này là tiếng đàn piano. Nó gây cho người nghe sự nhớ nhung bởi chỉ mới ở phần intro trước đó, tiếng đàn piano ấm áp còn vang lên, nhưng sau đó tắt lịm khi các nhạc cụ khác xuất hiện. Sau đó, tiếng piano cũng chỉ được Blake chơi theo lối điểm suyết. Các nốt nhạc khác không được chơi còn là các nốt bass im lặng ở các khuông nhạc chuyển tiếp, tạo không gian lạnh lẽo, và được làm ấm lên ngay khi chúng xuất hiện lại.
Cách làm nhạc này của Blake tạo hiệu ứng về thính giác rất tốt. Như với bài “I Am Sold”, sau một đoạn dẫn dắt nhạc dài, Blake tắt hết tiếng bass, không còn các nhạc cụ nào ngoài một vài nốt đàn synth và trống điện tử khiến người nghe còn đang mơ hồ, thì ở khoảnh khắc 1 phút 22 giây, âm nhạc bỗng nhiên ùa vào. Chỉ bằng những nốt đàn bass nổi lên cùng tiếng hát vang của Blake là đủ làm ấm đôi tai và chạm tới cảm xúc người nghe bởi giai điệu buồn và hay huyền ảo.
Các bài khác cũng vậy, “Life Around Here”, “Retrograde”, “Digital Lion”, v.v. đều luôn ở trạng thái “ít” nhạc, thường không đếm được quá 3-4 nhạc cụ được chơi cùng một thời điểm, tạo đầy khoảng trống cho giọng hát cực hay và giai điệu cực đẹp của một tài năng âm nhạc như James Blake, người nghệ sĩ theo đuổi một phong cách làm nhạc đầy thách thức và đòi hỏi trình độ như vậy.
Chả thế mà James Blake được rất nhiều nghệ sĩ trong ngành ngưỡng mộ tài năng của anh. Kanye West là một trong những người như vậy. Một rapper có cái tôi tự cao tự đại nhưng tài giỏi như Ye không thể ngớt lời khen ngợi “James Blake là nghệ sĩ yêu thích của tôi” trong buổi phỏng vấn trước sự ngỡ ngàng của nhiều người chưa từng nghe đến cái tên Blake.
Đã nhiều lần Blake ngồi ăn trong quán một cách bình yên không bị làm phiền vì những vị khách trong đó không nhận ra anh. Blake được tận hưởng những giây phút tĩnh lặng một mình như vậy, giống như thứ âm nhạc mà anh sáng tác. Có nhiều người không biết đến anh nhưng chắc chắn có người đã từng nghe nhạc của anh, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Họ có thể nghe trực tiếp từ những đĩa nhạc của James Blake, hoặc họ có thể đã nghe gián tiếp qua những bài của các nghệ sĩ khác mà Blake sáng tác chung, ví dụ như “Pray You Catch Me”, “Forward” (với Beyonce trong đĩa Lemonade), “iMi” (với Bon Iver trong album i,i), “Universal Soldier” (với Jay Electronica trong album A Written Testimony), “Bloody Water”, “King’s Dead” (với Kendrick Lamar trong album nhạc phim Black Panther), “Stop Trying To Be God” (với Travis Scott trong album Astroworld), “Grieving” (với Kehlani trong album It Was Good Until It Wasn’t), v.v.
Một điều thú vị là có một số lượng kha khá các rapper rất hợp nhạc mà James Blake làm. Cả Drake cũng từng xin mua lại sample phần instrumental mà James Blake đã gửi trước đây để đưa vào bài rap “0 To 100 / The Catch Up”, nhưng Blake từ chối chỉ vì anh đã hy vọng bản instrumental đó sẽ thành bài hợp tác của anh với Drake, thay vì chỉ dùng làm sample, khiến cho version có nhạc của Blake bị gỡ bỏ khỏi thị trường (Blake lần đó đang uống mà phun cả nước khi nghe bên phát hành nhạc nói về con số tiền mà anh bỏ lỡ sau khi quyết định không bán nhạc cho Drake). Vì thế, trong các album của Blake, các bài nhạc có sự tham gia của những rapper đều không bị lạc điệu. Ngoài track “Take A Fall For Me” trong album Overgrown mà có RZA tham gia, Blake có các khách mời là rapper khác như Travis Scott trong bài “Mile High”, André 3000 trong bài “Where’s The Catch?” ở album Assume Form, JID và Swavay trong bài “Frozen” ở album Friends That Break Your Heart. Có vẻ như âm thanh trống điện tử đảo phách và âm bass khác lạ lại hợp cả với một đoạn rap, và đặc biệt là những khoảnh khắc những nốt nhạc không được chơi lại là khoảng trống để Blake nhấn mạnh được đoạn lời của những rapper một cách nổi bật hơn, theo các cách khác nhau. Như ở bài “Take A Fall For Me”, Blake dùng tiếng trống chậm thiếu vắng cả tiếng hi hat lẫn snare ở nhiều khuông nhạc là không gian tĩnh mịch cho RZA rap từ tốn. Nhưng ngược lại, ở bài “Where’s The Catch?”, đoạn Blake hát ở đầu có tiếng kick drum được đánh tối giản và không có hi hat lẫn snare để khi Andre bắt đầu rap, tiếng nhạc mới lại được tràn đầy.
Nói chung, cũng không phải lúc nào việc mix thêm thứ nhạc hiện đại, nhiều màu mè hơn, hoặc có thêm các nghệ sĩ phong cách nhạc khác vào tham gia cùng lại tạo nên sản phẩm ưng ý cho James Blake, thứ mà các fan ruột của anh có lúc không cảm thấy hài lòng, đặc biệt với âm nhạc phát triển của anh ở giai đoạn sau này. Có vẻ như khi Blake tâm trạng bớt buồn chán hơn, giai điệu đỡ u sầu hơn, cũng là lúc nhạc của anh cũng dày tiếng hơn chút, và rút ngắn đi những khoảng lặng mà các fan của anh đã từng chìm đắm trong đó. Còn tôi thì luôn tìm được những nét đẹp theo phong cách “James Blake” trong các bức tranh âm nhạc mà anh vẽ, kể cả nó có tươi sáng và đa sắc màu hơn trước.
Nhìn lại, nếu như nhạc của Blake trong album đầu tiên giống như bức hình âm bản đen trắng đã nói ở trên, thì sau đó, hai album Overgrown (2013) và The Colour In Anything (2016) tựa như bức tranh của bìa đĩa The Colour. Bức tranh đó có thêm chút màu sắc, nhưng vẫn thưa thớt và ảm đạm vì những “tông màu” không được tô vẽ bởi những nốt nhạc không được chơi, ví dụ như bài “Love Me In Whatever Way” chứa đựng những khúc nhạc ngưng đọng không tiếng trống hay lạc vào hư vô khi tiếng piano ngừng chơi trong khoảnh khắc.
Ở album tiếp theo, Assume Form (2019) và Friends That Break Your Heart (2021), âm nhạc đậm sắc màu hơn lúc này tựa như hình bìa của album Friends. Bức tranh đó dường như đầy đủ các tông màu cần có trong một khung cảnh, nhưng lại vẫn có những chỗ khuyết. Đó là vì kể cả khi nghe thứ nhạc mà James Blake làm, nay đã đầy đặn hơn, thì nó vẫn lưu lại những khoảng lặng, và vẫn thiếu nhiều các track nhạc cụ đáng lẽ ra sẽ xuất hiện giống như những bài nhạc được phát trên đài. Ví dụ như ca khúc “Life Is Not The Same” vẫn tạo được độ nhấn trong khúc cao trào buồn thê lương nhờ phần lắng đọng ở ngay trước điệp khúc, và giống nhiều bài khác của Blake, dù âm thanh có dày tiếng, nó vẫn “thiếu” các track guitar hoặc những track giàn dây, cũng như không có nhiều nhạc cụ chơi cùng một lúc.
Bởi vậy, kể cả ở những bài nhạc mà James Blake rủ thêm khách mời là các nghệ sĩ khác vào tham gia, điều đó chưa bao giờ có nghĩa anh từ bỏ phong cách tối giản và sự trống vắng trong cách làm nhạc của mình. Bời vì anh vẫn luôn là nghệ sĩ yêu thích sự cô độc và lẻ loi từ những ngày đầu chơi nhạc. Từ nhỏ, âm nhạc là một niềm đam mê mà Blake chỉ chia sẻ với chính bản thân mình. Anh từ chối tham gia các giàn nhạc hay giàn đồng ca ở trường, vì anh chỉ thích tự tập piano ở nhà, một mình trong căn phòng tối mịt.
Khoảng không và sự tĩnh lặng luôn là cốt lõi nghệ thuật của James Blake. Chính thế mà âm nhạc của anh cũng chuyển tải tinh thần đó tới người hâm mộ. Trong những buổi biểu diễn của Blake, bất chấp các âm thanh thưa thớt được chơi trên sân khấu, khán giả phía dưới luôn ngồi im phăng phắc, để họ cảm nhận không gian âm nhạc mà Blake đang “vẽ”, để họ nhắm mắt đắm chìm trong những khoảng lặng, và để họ lắng nghe cả những nốt nhạc mà James Blake không chơi.
Hẹn gặp lại!
Kroon
Comments