top of page

Tản mạn (ep. 11): một nửa của Dream Theater là gì?

Tôi mới chuyển nhà. Quả là một kỳ công khi phải vần theo mấy trăm cái đĩa CD sang nhà mới. Kể cũng phục mấy ông bạn bán đĩa online của tôi, khi vẫn đều đặn nhận, gói, và ship đĩa tới từng nhà. Nghĩ cũng cám cảnh cho một thế hệ thích nghe nhạc ngoại mà không thể mua đĩa trực tiếp.

Trước khi lan man quá xa, tôi kịp nhận ra hóa ra trong đống CD của mình có quá trời đĩa chưa nghe. Thậm chí chưa bóc tem. Tôi đã dừng lại khá lâu ở xấp đĩa Dream Theater. Xem nào, tôi có Images and Words (1992), Awake (1994), Metropolis Pt. 2 (1999), Octavarium (2005), Systematic Chaos (2007) thời của Mike Portnoy, và chỉ có mỗi Dream Theater (2013), Distance Over Time (2019), và A View From Top of The World (2022) thời sau khi Portnoy đã ra đi. Thậm chí chiếc Distance Over Time còn chưa được bóc!!! Xin được thú nhận ngay từ đầu, bọn tôi chắc sẽ chẳng bao giờ dám viết về Dream Theater (DT) đâu, vì sợ không đủ vốn từ để ca ngợi nhạc của mấy ảnh. Nhưng cái sự “lười” nghe đĩa sau năm 2010 khi tay trống Mike Portnoy rời đi cứ quanh quẩn trong đầu tôi đem theo những sự so sánh lạ lùng. Chưa kể, lý do của Portnoy khi đó bỗng đùng đùng rời nhóm chỉ để có thể được chơi những thứ nhạc khác bên ngoài nhóm DT, dù lúc đầu ít nhiều gây mích lòng không ít anh em, nhưng càng ngày lại càng đâm có lý khi nhìn lại thập niên 2010s, hóa ra ông nào trong DT cũng đều phải thò ra một vài ẩn phẩm của riêng mình hết. Tự dưng khiến tôi nghĩ, khi mất một hay vài miếng ghép trong đội hình DT, âm nhạc của họ sẽ trở nên như thế nào.

Người ta nói một nửa cái bánh mỳ thì vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa cái gì đó thì không phải cái gì đó mà tôi không nhớ. Nhưng trộm nghĩ với kiểu viết nhạc dài thòng như của DT, tôi chắc là một nửa bài hát của DT thì vẫn là bài nhạc của DT. Còn một nửa của ban nhạc DT mà đi chơi nhạc chỗ khác thì chưa chắc đã là DT nữa rồi phải không? Thế nên hôm nay xin được tản mạn vài nét suy nghĩ về mấy cái anh thích loay hoay chơi prog của DT này xem sao, hy vọng sẽ có thêm vài gợi ý và chia sẻ để thỏa cái trí tò mò của những fan nhạc prog. Tất nhiên cũng có những chỗ tôi chém quá tay nghe cho hợp lý, nhưng hy vọng các bạn đón nhận những điều thú vị nhỏ nhặt của tôi về mặt nhân sự trong các dự án này. Hãy tạm gọi đó là các dự án chỉ có một nửa số thành viên của DT. 1. Một nửa của DT không có Mike Portnoy

Đây có vẻ là bài toán dễ đoán nhất, nhưng cũng có thể là vế gây tranh cãi nhất.


Đúng vậy, không còn phải úp mở thêm như đoạn mào đầu nữa, với tôi khi không còn Mike Portnoy sau 2010, Dream Theater đã không còn là DT nữa. Nếu như tạm gọi DT với Portnoy là Mk 1, thì DT cùng Mike Mangini trên giàn trống có lẽ sẽ là là Mk 2 của họ. Với tất cả sự tôn trọng dành cho Mike Mangini, âm nhạc của DT đã trở nên lầm lì hơn từ A Dramatic Turn of Event, và đã không còn nét vui nhộn tưng tửng và cái groove của phần bộ gõ khi Portnoy còn ngồi đó. Nếu như bạn đã từng xem bộ phim documentary “The Spirit Carries On” để chọn ra tay trống kế nhiệm Portnoy, có lẽ trước đây bọn tôi đã từng chia sẻ quan điểm rằng người thay thế hợp nhất cho Portnoy có khi lại là Marco Minnemann. Nhưng có lẽ cũng như Portnoy, nếu nhận Minnemann thì DT hoàn toàn sẽ phải quen tới việc anh này sẽ bay nhảy bên ngoài DT. Bằng chứng là từ đó đến giờ, anh này chơi nhạc cho Joe Satriani, lập band The Aristocrats cùng Guthrie Govan vô địch, và chưa kể hằng hà sa số các dự án chơi cùng các prog band khác trong đó có cả việc chơi cùng Jordan Rudess trong tam tấu LMR. Mike Mangini có lẽ là sự lựa chọn an toàn nhất cho DT thời hậu Portnoy - từ lời một chuyên gia chuyên nói vuốt đuôi - dù lúc đầu có vẻ DT cũng tốn kha khá thời gian để anh này hòa nhập và nghe đâu sếp John Petrucci còn phải soạn trống cho anh này mất mấy đĩa đầu.

Khi Portnoy còn chơi cho DT, tôi đã từng cho rằng anh này chơi quá thiên về phô diễn kỹ thuật. Nhưng khi không còn Portnoy, hóa ra nhạc của DT chỉ còn rặt tính kỹ thuật để phụ trợ cho những câu chuyện dài hơi. Nhìn Portnoy chơi nhạc say mê cùng những Billy Sheehan với Tony Macalpine trong dự án PSMS (Portnoy, Sheehan, Macalpine, Sherinian), cùng Sheehan và Bumblefoot trong Apollo, và cả dự án The Flying Colours cùng Steve Morse và Neal Morse, mới thấy cái sự “chơi nhạc” của Portnoy nó mới mãn nhãn nhường nào.

Đó là lý do tại sao DT từ sau 2010 với tôi vẫn luôn chỉ là một nửa của DT nguyên bản. 2. Một nửa DT không có James LaBrie James LaBrie mà cũng tính là một nửa sức mạnh của DT ư?


Cái đó quá rõ rồi, vì khi không có LaBrie, dường như tất cả các anh em của DT đều ra ngoài lập band mà không cần người hát. Họ hài lòng chỉ cần chơi nhạc instrumental. Họ chẳng màng kiếm người hát cùng, vì biết rằng điều đó hầu như không thể.

Đó là ví dụ của Liquid Tension Experiment (LTE), ban nhạc tứ tấu gồm một nửa của DT không có James Labrie (John Petrucci, Mike Portnoy, Jordan Rudess) cùng tay bass quái Tony Levin. Đây có lẽ là thứ gần với DT nhất theo quan điểm của tôi, và đâu đó khi không có James LaBrie, những bậc virtuoso như Petrucci hay Rudess đã có thêm nhiều chỗ trống để “hát” bằng thứ nhạc cụ của họ. Chẳng phải những tay chơi nhạc của DT khi gặp nhau cũng phải jam hàng ngàn giờ chỉ để ra được những sản phẩm cuối cùng trên album đó sao?


Khi những sản phẩm đó quá tốt mà không xuất hiện được trên đĩa, tôi nghĩ đó là chỗ của LTE. Và đó là lý do tại sao LaBrie tạo ra sự khác biệt. 3. Một nửa của DT không có Jordan Rudess Tôi vẫn nhớ hồi đầu thập niên 2000s, lúc ấy internet còn chưa thông dụng, nhưng tin tức lan truyền trong đám nghe nhạc thời đó đã có “Jordan Rudess thay cho Derek Sherinian chơi keyboard”. DT lúc đó hãy còn là một band được biết đến chỉ với Images and Words và A Change of Seasons, và việc thay tay keyboard trong một band nhạc Rock có lẽ được đón nhận khá là bình tĩnh với đám nghe nhạc. Cho đến khi bạn chợt nhận ra Rudess đã ở trong đội hình DT lâu như thế nào, và hóa ra Metropolis Pt. 2 đầy hay ho là được chơi bởi anh này.

Cũng phải nhân đây xin được gièm pha thêm rằng tôi không có thích lắm cách Petrucci thiên vị anh này hơn tay keyboard cũ Derek Sherinian, khi đột ngột sa thải anh này để lấy chỗ cho Rudess mà không cần giải thích. Nhưng dù sao thì Rudess vẫn xứng đáng là một nửa sức mạnh của DT. Điều thú vị mà Rudess đem lại cho DT, tôi cho là khả năng chia tách bài hát thành những tầng lớp sâu và xa hơn. Nếu như trước năm 1999, Sherinian đem lại cho DT tính kịch nghệ cần có của những màn trình diễn với phần dây bi tráng và đem lại sự liên tưởng tới âm nhạv cổ điển, Rudess sau này đã đem tới sự khó lường và bài hát của DT đã thực sự có diễn biến phức tạp đúng nghĩa. Nếu như theo lý thuyết cũ về prog rock là thứ âm nhạc bắt đầu từ phần keyboard, thì xin được chấp nhận rằng Rudess đã vượt lên trên Sherinian để trở thành một trong những người chèo lái DT.


Vậy tìm đâu ra một nửa của DT mà không có Jordan Rudess, hay phần nào là Derek Sherinian? Album solo của John Petrucci gần đây, Terminal Velocity có lẽ là câu trả lời của JP khi không cần Rudess. Các bài hát ngắn lại vì không cần tạo khoảng trống cho phần hát và keyboard. Cấu trúc bài hát bớt tầng lớp hơn và cái sự progressive trở nên bớt gay cấn hơn. Cũng nhờ thế mà ta thấy được một khía cạnh khác của 3 bậc virtuoso chơi nhạc với nhau: âm thanh metal nặng nhưng phần giai điệu được đẩy lên trong những khoảng lặng đẹp đến nao người. Petrucci đã phải tung ra nhiều chiêu với riff của mình hơn khi không còn phần dây chống lưng phía sau, và những khoảng lặng của guitar hay trống được bổ trợ tuyệt vời bởi những câu dồn trống hay tiếng bass bận rộn.

Phần trống với groove tươi sáng của Portnoy và phần bass luôn sẵn sàng chơi thêm một phần bè giai điệu đối ẩm cùng guitar khiến cho cái cảm giác jam giữa ba người trở nên rõ nét cũng là một sự khác biệt trong chính nhạc của John Petrucci và những gì anh tạo ra cho DT. Và đương nhiên, khi chỉ có 3 người, bài nhạc sẽ kết thúc khi nó cần kết thúc mà không cần phải chờ đợi ai.


Nhưng rồi, cũng giống như trường hợp của Marco Minnemann, tôi cho là Dave Larue chơi bass quá tốt cho âm nhạc của DT và John Petrucci luôn giữ anh như một con dạo Thụy Sĩ trong túi, như là một sự đối trọng chỉ xài đến khi cần ở bên ngoài DT. Chắc cũng không cần nhắc thêm Dave Larue đã chơi bass trong tất cả các album solo của Steve Morse cũng như tham gia cùng chính Jordan Rudess trong album solo của anh này, Rhythm of Time (2004). 4. Một nửa của DT không có John Petrucci Đây có lẽ là vế khó khăn nhất, nhưng cũng lại là vế dễ tạo ra khác biệt nhất. Không cần nhắc nhiều về việc tại sao JP lại là một nửa "già" của DT khi trong suốt ngần ấy năm luôn là nguồn động lực không ngừng nghỉ để giữ cố máy DT vận hành liên tục. Coi nào, các thành viên khác của DT chỉ chờ có lời mời là tham gia dự án, trong khi JP hiếm lắm mới ra được 2 album solo cho riêng mình. Quả là một thử thách không đơn giản khi tôi phải đi tìm một ban nhạc có một nửa số thành viên của DT mà không cần John. Thì đây hãy nghe thử album solo của James LaBrie thu âm cùng Marco Sfogli ở vị trí guitar, Bryan Beller chơi bass, và Mike Mangini trên giàn trống, Element of Persuasion (2005). Heavy Metal đập vào mặt, và thứ duy nhất gợi nhớ tới prog rock, hóa ra lại tới từ những màn solo điêu luyện của Marco Sfogli.


Nhưng càng tận dụng Sfogli nhiều, tôi lại càng thấy LaBrie như chỉ đang cố gắng tìm người thay John Petrucci bằng mọi giá. Trong khi những album solo của mấy anh ở trên kia đều có sự khác biệt với DT, xem ra ban nhạc thiếu Petrucci lại là ban nhạc nghe giống DT nhất. Hoặc giả như đây là một phiên bản đơn giản hơn của DT và John Petrucci, vì xem ra nếu DT mà chơi thế này thật có khi lại trở thành ban nhạc mainstream hơn? 5. Và John Myung tội nghiệp Có lẽ tôi cần thêm thời gian để đánh giá về khả năng viết nhạc độc lập của tay bass John Myung, cũng như chờ đợi thêm xem anh này có ra album solo hay viết hồi ký kể chuyện bị các bạn ganh ghét hay không. Quả thực John Myung là trường hợp khá lạ lùng bởi mỗi khi các anh em khác trong DT có dự án, anh thường không có mặt. Cả sự nghiệp của John Myung hầu như chỉ toàn tâm toàn ý gắn với cái tên Dream Theater.


Trong khi Rudess thường hay tụ với tay bass Tony Levin, Portnoy thì giao du cùng Billy Sheehan, còn John Petrucci thì có độ với Dave Larue, John Myung dường như khá lặng lẽ ở các dự án độc lập và lâu lâu chỉ tham gia các dự án dưới vai trò khách mời.


Mong các bạn đừng đánh giá tôi là một kẻ dốt toán khi cố liệt kê ra một ban nhạc 5 thành viên mỗi người đều có sức cáng đáng một nửa đội hình.


Bài viết này có lẽ chỉ là một góc nhìn thầm ngưỡng mộ với sức mạnh của các cá nhân đã tạo nên Dream Theater, khi dường như chỉ cần 2 trong số họ ghép lại là có thể thành công ngay lập tức với một thứ âm thanh hoàn toàn đặc trưng. Huống chi họ có tới 5 người.


Nhưng có lẽ âm nhạc là nơi mà không phải cứ hai nửa hợp lại thì bằng một, và bốn nửa hợp lại thì bằng hai. Thế nên dù rằng tôi vẫn chăm chỉ đón nhận nhạc mới của John Petrucci hay Jordan Rudess, thì càng ngày xem ra Dream Theater tập thể lại càng trở nên ít gây ngạc nhiên hơn.


Tôi thường nghĩ tới một hội có mấy anh này, một anh thì vẫn ra sức chống đỡ bảo vệ căn nhà của tổ tiên, một anh khác thì năng nổ khi gọi thì sẽ tới giúp ngay, còn đám mấy anh còn lại thì xem ra cứ loanh quanh đấy thôi vì cũng chả có nhu cầu đi chỗ khác nữa.


Hẹn gặp lại!


Kcid

944 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page