top of page

Tản mạn (ep. 13): những gì Nu-Metal đã để lại

Tôi vẫn nhớ lần xem chương trình MTV Icon: Metallica trên tivi mà mấy band/nghệ sĩ (chả hiểu sao lại có cả Snoop Dogg) chơi cover lại các bài để tôn vinh ban nhạc Metallica. Riêng phong cách của các band Nu-Metal như Korn, Limp Bizkit hay Staind mang lại cũng có gì đó mới mẻ theo một cách nhìn khác với những bài đã nghe quá quen thuộc trong các đĩa của Metallica. Dù vậy, sự mới mẻ đó vẫn để lại những khoảng trống mà người xem thấy thiếu trong từng phần trình diễn.


Đây nhé, ban nhạc Korn cover bài “One”. Ở khúc đầu vẫn có đôi phần trúc trắc, nhưng khi đến đoạn bridge cao trào thì Korn làm rất hiệu quả, đôi chân bass bên giàn trống, tiếng bass và guitar dồn dập nặng trịch. Mọi người hồ hởi. Các thành viên của ban nhạc Metallica thì ngồi vươn người về phía trước. “…Taken my soul, left me with life in Hell”. Bụp. Nhạc cắt rụp cái hết. Không phần guitar solo chói lóa đặc trưng như ở bản original.


Tôi cũng không rõ là họ không đủ trình độ để chơi lại phần solo đó, hoặc ít ra biến tấu theo cách các anh chơi được hay đó là ý tưởng sáng tạo đưa vào bài: sự bất ngờ của một bài nhạc không đoạn solo.


Chẳng phải mỗi Korn. Màn biểu diễn bài “Nothing Else Matters” của Staind theo phong cách acoustic cũng lược bỏ phần guitar thùng dạo đầu và tập trung vào giọng hát của Aaron Lewis, nên dĩ nhiên phần solo về sau càng không xuất hiện. Hoặc Limp Bizkit với "Welcome Home (Sanitarium)", dù họ đã làm rất tốt khi tạo được không khí cực nóng theo cách chơi vẫn rất riêng (như những câu bass giai điệu ở dải trung và phần trống đảo phách liên tục đoạn đầu), thì phần solo cũng không có. Thay vào đó, Limp Bizkit đã biến tấu khúc đó bằng tiếng guitar solo phát ra từ bàn DJ kết hợp những đoạn scratch. Dù sao cũng khá lạ tai.


Cuối cùng, phần cover đỉnh nhất lại là của Sum 41 khi band chơi liên khúc "For Whom the Bell Tolls", "Enter Sandman", và "Master of Puppets" với đầy sức mạnh như thể của chính Metallica vậy. Bất ngờ hơn cả là khi Dave Baksh vào bụp phát đoạn shredding của khúc solo trong “Master of Puppets” như thể anh chờ cả đời để được phô diễn sự kính trọng của mình trước mặt các đàn anh Metallica.


Thế hóa ra một band mà thể loại nhạc chính của họ là Pop Punk như Sum 41 lại chơi nhạc Metal giỏi hơn hẳn các band Nu-Metal còn lại ư?


Câu chuyện thể loại Nu-Metal bị nhiều fan nhạc Rock không ưa cũng là câu chuyện muôn thuở. Như cái meme ở bên cũng là một cách phản ánh dòng nhạc mà mang cùng một họ “Metal” nhưng lại khác biệt nhiều với những dòng còn lại. Bạn tôi nói nhạc Nu nó giống như thứ nhạc được “metal hóa” theo âm sắc gần giống. Còn tôi nhìn Nu-Metal như một kiểu nhạc cách tân tập trung vào không gian âm nhạc tạo bởi những nhịp điệu đảo phách, màu sắc của âm thanh điện tử, và gia vị “ầm ĩ” đến từ tiếng guitar điện.


Giai đoạn bùng nổ ngắn ngủi cũng như thời kỳ đỉnh cao của Nu-Metal đã qua, nên chúng ta hãy cùng ôn lại những thứ hay ho nhất đọng lại từ dòng nhạc sớm nở, chóng tàn này.


Đây chỉ là ý kiến cảm nhận của tôi, nên bạn nào có những cảm xúc khác thì xin mời comment.


CẦN CÓ KỸ THUẬT?


Trong số các yếu tố mà nhac Nu-Metal bị nhiều metalhead khác chê là việc thiếu phô diễn kỹ thuật, ví dụ như các câu riff phức tạp, câu lick ngon lành trên giàn trống, cây bass hay những câu đàn solo đầy biểu tượng của nhạc Rock.


Có một ý kiến tôi thấy rất đúng. Đó là lối chơi đòi hỏi kỹ thuật phức tạp trong các dòng nhạc Rock N’ Roll trước đây sẽ chỉ mang giá trị lớn nhất khi người nghe hiểu và trân trọng những câu đàn chơi bởi các thành viên trong ban nhạc. Sẽ luôn luôn có một số lượng đối tượng người nghe tinh tường và nhạy với những ý tứ nhạc mà một band gửi gắm trong đó, nhưng cũng sẽ luôn có số lượng người nghe còn lại, những người không quá quan tâm tới từng chi tiết mà cảm nhận bài nhạc một cách tổng thể.


Và thế là Nu-Metal là dòng nhạc đáp ứng nhóm người thứ hai này.


Nói thế không có nghĩa là những người chơi Nu đều thiếu năng lực hết. Trong số các band mà tôi đã từng nghe, về mặt kỹ thuật chơi một cách hiệu quả có thể kể đến:


i) Trống:

Người thứ nhất tôi muốn nói đến là John Otto của ban nhạc Limp Bizkit. John có kiểu chơi vô cùng groovy nhờ vào kiến thức chơi nhạc Jazz trước đây của anh. Những câu trống hay đầy sáng tạo của John xuất hiện trong nhiều bài của Limp Bizkit, như phần nhịp điệu có độ trễ tinh tế ở “Re-Arranged”, hoặc đưa thêm biến tấu trong những đoạn instrumental break như ở “Nookie”, “Take A Look Around” làm các bài của ban nhạc mang nhiều màu sắc nhịp điệu hơn rất nhiều.


Người thứ hai là Rob Bourdon của Linkin Park. Để chơi được nhịp trống cho những đoạn biến chuyển giữa phần đọc rap của Mike Shinoda và giai điệu ngọt ở điệp khúc của Chester Bennington thật không dễ dàng. Vì thế ngoài chuyện đánh đảo phách như cách anh vào kick drum luôn khó đoán, anh còn thêm vẩy hi-hat để fill nhịp số 4 rất cool, như với bài “One Step Closer” hay “Pushing Me Away”.


Người thứ ba là Wuv Bernado của band nhạc P.O.D. Chắc nhờ vai trò kiêm rhythm guitar mà Wuv hiểu rõ anh cần làm gì với giàn trống của mình hơn. Đoạn dồn trống để vào bài ngày đầu của “Set It Off” thực sự ấn tượng với tôi khi mới nghe nhạc P.O.D. Tôi cũng thích tiếng anh đảo dùi trống trên những tiếng tom trong mỗi đoạn fill in. Vai trò của Wuv cũng được nổi bật qua bản track “Youth Of The Nation” khi anh làm nhân vật chính ở những đoạn hook đầy hùng khí.


ii) Bass:

Ở bộ môn này, tôi kết nhất tiếng bass của Sam Rivers – thành viên của Limp Bizkit. Anh biết cách tạo cá tính của mình bằng những câu đàn bass đầy giai điệu, khác với lối chơi chỉ đơn thuần mang trọng trách giữ nhịp. Những nốt dải trầm vuốt lên dải trung, thậm chí dải cao trên cần đàn bass đầy mượt mà được Sam tận dụng ở những khoảng trống của bài. Thế nên “Re-Arranged” chắc chắn là một bài để anh tung các câu đàn ngọt và ấm, hoặc với bài “My Way”, tiếng bass trồi lên cao mang màu sắc lung linh.


Người thứ hai tôi muốn kể tới là Fieldy của Korn vì đã cùng ban nhạc tiên phong trong lối chơi nhạc downtuning chỉnh dây rất “Nu”. Riêng cách vặn dây đàn bass của anh này đã làm nên âm thanh đặc trưng của Korn khi những sợi dây đàn dày cộp bị nới lỏng va vào ngựa đàn (bridge) kêu lạch cạch. Âm thanh không lẫn đi đâu này còn mang tác dụng nhưng một bộ gõ bổ sung nhịp điệu cho nhạc của Korn.


Người thứ ba tôi muốn kể tới là Traa Daniels của band P.O.D. Phần bass của anh làm các track của band ấm áp vô cùng, bất kể lúc nhạc đang tĩnh hay ồn ào. Tôi nghĩ cách chơi của anh cũng giúp phần trống của Wuv Bernardo được tôn lên rất nhiều. Có thể nghe được những nốt chêm vào đầy tinh tế mà lại ngắt hoàn toàn khi cần tạo sự tương phản trong bài “Set It Off”. Cũng nhờ Traa mà track “Rock The Party (Off The Hook)” nghe điện loạn hơn hẳn.


iii) Guitar:

Dù Fred Durst là nhân vật khó ưa nhất trong làng Nu, phải nói là các thành viên chơi nhạc cụ của Limp Bizkit đều toàn tài. Wes Borland thì chắc chắn là điểm sáng, không chỉ của band mà còn của dòng nhạc Nu-Metal. Câu riff của Wes luôn mang sự độc đáo với hai âm thanh đặc trưng là tiếng đàn clean trong vắt và tiếng distortion đục ngầu mà anh thay đổi giữa chúng nhẹ nhàng, không lộ ra một tạp âm. Kỹ thuật chơi đàn cực tốt cộng điểm lợi là ngón tay dài ngoằng giúp Wes chế ra nhiều câu riff với thế tay khá là khó. Thật khó tưởng tượng những track như “Just Like This” mà không có sự có mặt của Wes thì nó sẽ thiếu sức sống thế nào. Hoặc như đoạn phô diễn từng tiếng guitar rít lên ở cuối bài “Boiler” trong cao trào của Wes thật sự đáng nể.


Ngoài Wes Borland ra, do vai trò guitar trong nhạc Nu-Metal thường mang mục đích để tạo không khí của bài nên những cá nhân đảm nhiệm vai trò này cũng không hẳn có nhiều đất diễn, hoặc họ hài lòng với trách nhiệm tập trung vào việc tô đậm màu Nu cho band. Đôi lúc đâu đó cũng có những câu riff đáng nhớ như tiếng clean ma quái đối lập phần riff rè đặc của Head và Munky trong bài “Falling Away From Me” của Korn, câu đàn giai điệu của Jerry Horton “hát” thay cho Jacoby Shaddix trong bài “Last Resort” của Papa Roach, câu riff như “cất cánh” dần của Marcos Curiel trong bài “Set It Off” của P.O.D., câu riff kêu wah wah của C.J. Pierce trong bài "Bodies" của Drowning Pool, v.v.


Vậy nên mới nói, giỏi hay không thì trong Nu-Metal, những tay cầm thủ vẫn phần lớn bị hạn chế lối chơi trên thứ nhạc cụ được quan tâm nhất bởi các metalhead.


HAY KHÔNG CẦN KỸ THUẬT?


Ở trên là một số nghệ sĩ tiêu biểu với tài năng chơi đàn đầy kỹ thuật để khiến họ khác biệt với những band khác. Vậy nếu gạt đi yếu tố kỹ thuật, thứ mà người nghe nhạc Nu-Metal cũng không hẳn quá quan tâm, thì cái gì hấp dẫn họ đến vậy?


Và đây chính là bí quyết thành công của dòng nhạc Nu trên mainstream, bởi nó đáp ứng cái gu nhạc của thế hệ mới, những người đặt sự ưu tiên với nhạc họ nghe là ở cái không khí hừng hực, tức giận có, day dứt có, như để giải tỏa những bức xúc. Vì vậy, dễ dàng thấy đối tượng nghe chính là những thanh thiếu niên ở độ tuổi mới lớn (bao gồm chính tôi hồi đó).


Với các công thức nhạc pha trộn khác nhau, mỗi band sẽ mang tới các không gian âm nhạc riêng biệt, và để lại ấn tượng khác nhau cho người nghe. Dù số lượng album hay xuất sắc của Nu-Metal không nhiều, với tôi, vẫn có một số album có thể lôi ra nghe lại với từng band:


- Papa Roach: ban nhạc tạo ra âm thanh bắt tai nhờ sự sáng tạo ở phần nhịp điệu của câu guitar riff đan xen với dồn dập của trống và bập bùng của bass. Nhờ thế mà tôi vẫn thi thoảng nghe lại album Infest (2001) và Lovehatetragedy (2002).


- P.O.D.: không gian hừng hực được dàn dựng hiệu quả bởi các thành viên ban nhạc là thứ có thể bật to trên loa để thưởng thức những âm thanh đập mạnh nhưng không hề rát mặt như album tiêu biểu Satellite (2001) và cả đĩa sau đó Testify (2006) dù không nổi tiếng nhưng có mấy track rất hay.


- Incubus: những âm thanh độc đáo từ bộ gõ hoặc tiếng scratch đĩa cùng với giọng hát nghe hơi đanh đá nhưng rất hay của Brandon Boyd khiến cho đĩa S.C.I.E.N.C.E. (1997) và Make Yourself (1999) trở nên đặc biệt cho dòng nhạc Nu vì sự đa dạng, trước khi Incubus cũng rẽ hẳn khỏi dòng nhạc này.


- Deftones: âm thanh giằng xé tăm tối như Korn nhưng với tốc độ khốc liệt hơn và phần vocal thét gào của Chino Moreno khiến album Around The Fur (1997) là nhạc phẩm không thể thiếu, cũng lại là trước khi ban nhạc tách hẳn khỏi dòng Nu.


- Korn: sự tăm tối và ma quái của ban nhạc đến từ âm thanh căn chỉnh downtuning và giọng hát đặc trưng của Jonathan Davis, người còn nghĩ ra việc đưa tiếng kèn bagpipes như kèn đám ma vào nhạc của Korn đầy hiệu quả. Album mà tôi vẫn nghe lại của nhóm là Korn (1994), Follow The Leader (1998), Issues (1999) và Untouchables (2002)


- Limp Bizkit: sự toàn tài của các thành viên chơi nhạc cụ, đặc biệt qua âm thanh guitar độc đáo của Wes Borland làm cho âm thanh đậm chất Nu này lại có vẻ được chau truốt tỉ mỉ hơn, biến hai album Significant Other (1999) và Chocolate Starfish And The Hot Dog Flavored Water (2000) trở thành kinh điển của dòng Nu. Và bất ngờ là đĩa nhạc Still Sucks (2021) gần đây vẫn mang nhiều sự thú vị để ôn lại nhạc của band này.


- Và dĩ nhiên Linkin Park: không gian âm nhạc của band được tạo bởi sự pha trộn theo công thức thành công và dễ tiêu hóa nhất Nu-Metal, nhờ vào tiếng trống đảo nhịp của Robourdon và những tiếng synth mềm tai của Mike Shinoda và những đoạn scratching / thêm hiệu ứng trên bàn turntable của DJ Joe Hahn làm thành những khúc nhạc đối lập trong cùng một bài, phù hợp cho phần rap của Mike Shinoda và giọng hát lúc thì ngọt lúc thì gào đến rát cổ của Chester Bennington. Ngoài hai album đầu không thể thiếu – Hybrid Theory (2000) và Meteora (2003), đĩa Minutes To Midnight (2007) và Living Things (2012) cũng rất thú vị, nhưng đó là vì Linkin Park cũng chuyển hướng âm nhạc của họ rồi.


Tựu chung lại, những gì tân tiến hơn của âm nhạc, ví dụ như rap, tiếng bàn turntable, âm thanh điện tử bằng cách này hay cách khác được mang vào trong nhạc Nu-Metal để “trẻ hóa” một âm thanh guitar điện mới. Và có lẽ là vì chúng trẻ quá nên những cái đầu già nua của metalhead sẽ phần nào khiến họ không bị cuốn hút bởi dòng nhạc mới này.


Công bằng mà nói, kể cả với những ai cởi mở tấm lòng để nghe Nu-Metal, thì những ban nhạc thuộc dòng này (như đã lấy ví dụ ở trên) đa phần chỉ có một vài bài hit gây ấn tượng nằm trong các album khá là làng nhàng về chất lượng (như trường hợp Crazy Town và bản hit - "Butterfly" của họ mà câu bass lung linh ảo diệu nổi bật nhất trong bài thì lại là cover từ Flea trong track "Pretty Little Ditty" của Red Hot Chili Peppers). Một số ít band còn lại khi có được những nhạc phẩm toàn diện hơn thì rồi cũng phải sớm hay muộn đá chân sang các dòng nhạc Metal khác nhằm tránh những lối mòn về âm sắc của Nu.


Đây cũng là lý do mà trong bài viết này, tôi không đả động đến những band như Slipknot hay System Of A Down, bởi âm nhạc của họ quá đa dạng và mang nặng màu sắc Metal của các nhánh khác nhiều hơn Nu. Và hơn nữa, họ cũng là những band có nhiều thành viên có kỹ thuật chơi nhạc rất tốt và không bao giờ chịu bó buộc trong rào cản nào, khiến cho âm nhạc của họ cũng vì vậy, được trường tồn và tách khỏi dòng chảy tuy mạnh nhưng rất ngắn của Nu-Metal.


Kể ra thì cũng phải công nhận Nu-Metal đã góp phần đẩy lùi xu thế nhạc boyband / girlband ngày nào để ít ra cũng kéo lại được thứ âm nhạc, dù bị chê hay khen, thì cũng là sản phẩm của một tập thể ban nhạc cùng nhau jam và sáng tạo, thứ mà âm nhạc mainstream ngày nay không còn để ý đến nữa.


Hẹn gặp lại! Kink

983 views

Recent Posts

See All
bottom of page