top of page

Tản mạn (ep. 3): Woodstock 1969 và rặt những điều kỳ quặc

Updated: Aug 18, 2021

Pete Townshend trèo vào chiếc xe Limo chờ sẵn ở khách sạn Liberty, New York để đưa cả band The Who tới đánh ở đại nhạc hội Woodstock. Linh tính mách bảo gã là có điều gì đó không ổn. Theo lời của hội tài xế truyền nhau thì tất cả trực thăng ra vào hội chợ đều không được bay vì hãng máy bay không được trả tiền.


Đến tận bây giờ nhiều lúc tôi vẫn cứ thắc mắc tại sao đại nhạc hội Woodstock 1969 (tôi thường gọi là hội chợ âm nhạc) lại trở thành kinh điển trong lịch sử âm nhạc hiện đại. Có quá nhiều thứ không ổn trong khâu tổ chức và hàng loạt những điều kỳ quặc không hề “thiên thời địa lợi” xảy ra. Người đọc hẳn sẽ có ngay dẫn chứng màn trình diễn của Jimi Hendrix như là một trong những thời khắc vĩ đại nhất – nhưng Jimi diễn cuối cùng lúc đã là 8 giờ sáng thứ 2 trước có vỏn vẹn vài chục ngàn người còn sót lại (!?!!). Cũng có thể vì nhóm lớn những người tham gia đã mang một thông điệp yếu ớt về phản chiến, cùng với sự xuất hiện "hòa bình" của những con người hippy đầy nguy hiểm, nên các nhà thời sự nhanh chóng túm lấy và mượn nó như một sự kiện chính trị lớn lao?


Thôi thì nhân một ngày tháng 8, hãy cùng nhau tản mạn và quay lại với mấy câu chuyện kỳ cục nọ mà sau đã đi vào lịch sử. Biết đâu bạn và tôi, ta có thể rút ra được ý nghĩa của một câu chuyện nào đó.


1. Đại hội chợ loay hoay tìm headliner.

Hội chợ Âm nhạc và Nghệ thuật Woodstock trước đó được mời chào tới các ban nhạc như là một sự kiện dành cho hòa bình và âm nhạc. Ý tưởng được đến từ hai doanh nhân là John Roberts Joel Roseman, những người tự quảng cáo là có túi tiền không đáy, chỉ mong tìm được những cơ hội đầu tư thú vị và chất lượng. Họ tin rằng Woodstock sẽ là sự kiện âm nhạc lớn nhất thế giới. Thực ra lúc đầu họ cũng chỉ định mở một cái studio, mà nhân lúc ngồi bàn ý tưởng, cái studio đó đã trở thành hội chợ âm nhạc. Theo như Brian Jones của Rolling Stones, thì “nó không free đâu và chả có tình yêu vẹo gì”. Bầu sô chuyên tổ chức sự kiện Michael Lang là người được chọn để cùng hội cùng thuyền với họ.


Theo kế hoạch, Hội chợ sẽ được tổ chức trong ba ngày cuối tuần từ 15 đến 17 tháng 8 năm 1969 tại một nông trang rộng hơn 200 hécta ở Bethel, ngoại ô New York. Đúng vậy, đại nhạc hội Woodstock không được tổ chức ở Woodstock vì không tìm được địa điểm. Và thêm nữa, họ cần một cái tên headliner đình đám.


Beatles đã không diễn live từ 1966, Stones thì không quá mặn mà với bất cứ sự kiện nào vì Mick Jagger đang bận đóng phim. Bob Dylan, người sống ngay gần Woodstock thì quyết định không tham gia vì trót nhận lời đánh ở festival … ở Anh sau đó. The Yardbirds thì vừa tan rã, còn Led Zeppelin thì từ chối tham gia vì lúc ấy “chưa đủ nổi tiếng”. The Who là cái tên được chọn bởi thành công đình đám của album opera rock, Tommy, nhưng chính họ cũng không quá mặn mà vì họ vừa nhận lời đánh ở festival Tanglewood ở Massachusetts vài ngày trước đó. “Kẻ thù không đợi trời chung” của The Who, Jimi Hendrix, thì sẽ chơi vào đêm Chủ nhật để kết thúc Hội chợ.


2. Đại hội chợ nghèo như con mèo

Công ty tổ chức sự kiện mang cái tên Woodstock Ventures, đã bán ra 186 ngàn vé cho ba ngày nhạc hội, và tất nhiên họ nghĩ rằng có thêm khoảng 30 ngàn người nữa đến trong ngày. Nhưng đến sáng thứ 7, đã có đâu đó gần 500 ngàn người ở đó! Dĩ nhiên họ không bán ra số vé đó, và vô hình trung sự kiện Woodstock đã trở thành đại nhạc hội … miễn phí cho mọi người, trong khi Woodstock Ventures sẽ vẫn phải trả cát xê cho những Jimi Hendrix, Grateful Dead, Crosby Stills Nash & Young, Santana,Jefferson Airplane. Ấy là chưa kể kế hoạch quay phim làm đĩa cũng ngốn của công ty này thêm 1 triệu đô nữa. Thế mới có khẩu hiệu “free love, free music, và cả free concert”.


Đỉnh nhất trong vụ này, là việc công ty tổ chức đùng đùng quay ra bảo anh em ban nhạc là họ không có đủ tiền để trả. The Who, headliner của sự kiện, cũng không phải ngoại lệ khi giám đốc sự kiện John Morris bắng nhắng ra úp mở với quản lý của The Who rằng họ không có tiền để trả. Thế thì The Who sẽ không chơi, bất chấp việc Morris cảnh báo sẽ có bạo loạn từ hơn nửa triệu người ở dưới. Lý do mà Morris đưa ra là vì hôm nay đã là thứ 7 và ngân hàng không làm việc. Khi gật đầu đồng ý chơi cho Woodstock, The Who đòi 15 ngàn đô mà đã bị ép giá xuống còn 11 ngàn vì họ kêu hết tiền khổ lắm nói mãi.


Vậy anh gọi giám đốc Ngân hàng đi, và thò tiền ra thì chúng tôi mới chơi” - The Who phán. Morris đã phải gọi cho giám đốc ngân hàng, mà kẹt một nỗi các đường phố của thị trấn giờ toàn là xe kẹt cứng, giám đốc ngân hàng cũng đâu có đến được ngân hàng để mở két. Thế là một chiếc trực thằng đặc biệt đã được cử đến tận nhà giám đốc để chở ông đến ngân hàng. Hãy nhớ là mới vài dòng trước đây tôi còn nhắc là công ty trực thăng không thèm chở anh em ban nhạc ra hiện trường.


Ngay sau khi The Who nhận tiền, quản lý của các band khác, bỗng chạy lại, từ CCR cho đến Grateful Dead. Sự kiện thú vị khi các ban nhạc buổi chiều thứ 7 bỗng chốc chạy ra “ăn thua” với giám đốc sự kiện để đòi tiền có lẽ cũng là thứ khiên cho hội chợ này càng thêm nổi tiếng vì những điều kỳ cục.


Nhưng trước mắt, không có một ai tưởng tượng ra việc quản lý nửa triệu người trong một cái trang trại trong suốt 3 ngày sẽ như thế nào. Đến thứ 7, trước buổi diễn headliner, thức ăn và nước uống được chuẩn bị theo số vé đã mua coi như là của hiếm trong farm. Nói là "ăn" cho sang, chứ thực ra chỉ có một món "vì hòa bình" trong menu dành cho tất cả: granola. Nều bạn chưa từng nghe món đó, xin mời google.


Và chắc chả cần nói thêm thì tự khắc mọi người sẽ thấy tình trạng của toilet nó khủng khiếp thế nào, chưa kể dự là trời còn có thể mưa và nước mưa chắc chắn sẽ biến nguyên vùng đất nó thành một đám sình lầy trộn với những thứ trong toilet cứ chực trào ra.


Còn ngoài kia, dòng xe bị nghẽn ngoài cửa trên các con đường tới Hội chợ đã dài đến 25 dặm! Thế mà mọi người đã định mang limo để chở ban nhạc "vượt bùn vào sân khấu" cơ đấy. Kênh radio của địa phương không còn cách nào khác ngoài năn nỉ mọi người xin đừng đến trang trại nữa.

3. LSD

Khi The Who đi bộ vào được đến cánh gà, họ chợt nhận ra ngay cả cà phê cũng được pha bởi nước có lẫn vị LSD. Tất cả nước uống thành ra đều “có độc” đối với những ai “chê LSD”. Tiếc cái là trong đám The Who chỉ có mỗi Keith Moon là chơi đồ LSD nên anh em đành mạnh ai có chai rượu nào dắt túi thì lôi ra uống dè xẻn. Làm sao mà quay lại New York được nữa.


Điều kỳ quặc là đồ ăn và thức uống có thể thiếu, nhưng “hàng” thì chắc chắn là không. Mấy cái lán y tế thì đầy các thanh niên chơi quá liều. Các nghệ sĩ nhà ta thì cũng chả hơn gì. Tay guitar Jerry Garcia của Grateful Dead còn mãi mới nhận ra cái trái banh ánh sáng chạy trước mặt anh không phải là do ảo giác mà là thiệt – Garcia bị điện giật bắn ngược về phía mấy cái ampli. Khi Jefferson Airplane hết set, tay guitar Paul Kanter không thể cử động được và dưới tác dụng của LSD, tin rằng đôi chân anh đã trở thành gốc cây và bám rễ trên sân khấu!


4. Màn diễn “đinh” thì lại đánh vào buổi sáng

Người đổ tại trời mưa làm gián đoạn sự kiện, kẻ thì đổ tại ban nhạc chơi ham quá khong chịu nhường nhau. Túm lại là set list dự kiến lúc đầu và thứ tự của các ban nhạc lên diễn coi như lộn tùng phéo. The Who là headliner, đáng nhẽ diễn từ 10 giờ tối thứ 7, nhưng ban tổ chức cứ thấy chèn được những band kém tiếng hơn lên là chèn. Grateful Dead lên sau CCR, rồi Janis Joplin, và cả funk band Sly and The Family Stone. Họ lên lúc đấy đã là gần … 3 giờ sáng, và diễn hết 1 tiếng theo quy định rồi vẫn không chịu xuống.


The Who cuối cùng cũng được lên sân khấu lúc 4 giờ sáng, và không hổ danh ban nhạc headliner, họ tràn đầy năng lượng ngay lập tức (dù sao cũng phải cám hơn Sly Stone đã giúp cho khán giả tỉnh táo với thứ nhạc của họ).


Khi The Who kết thúc set của họ với “See Me, Feel Me”, mặt trời bắt đầu ló lên thật đẹp mắt.


Và chắc hẳn không ai có thể quên được Jefferson Airplane diễn ngay sau The Who, đã phải thốt lên rằng “Mọi người đã được xem nhạc rock nặng rồi nhá, còn bây giờ là phần âm nhạc điên loạn chào buổi sáng”. Dĩ nhiên chị ca sĩ chính Grace Slick vừa hát vừa phát LSD như kẹo M&M.


Cứ thế, Jimi Hendrix, vì trót viết trong hợp đồng phải là người chơi cuối cùng và không được có ai chơi sau anh nữa, đã phải chờ đến tận 8 rưỡi sáng thứ 2 khi tất cả các band làng nhàng khác diễn xong. Chính phủ bang lúc ấy thậm đã phải cử trực thăng của quân đội mang đồ ăn và thuốc men tiếp tế đến.


Và hóa ra không có nhiều người có thể đủ kiên nhẫn để trụ lại xem Đệ Nhất Cầm Thủ, nên tính ra Jimi cuối cùng chỉ diễn trước vỏn vẹn khoảng 30 ngàn người sót lại.


Cũng may nhờ ý tưởng làm phim về Woodstock (đoạt giải Grammy 1 năm sau đó), mà những hình ảnh hoành tráng kia mới được lưu truyền lại, cũng như những màn tang bốc về tài năng của các nghệ sĩ mới có dịp chậm rãi ăn theo. Chứ ngay tại lúc đó, có lẽ ai cũng đói, ướt nhẹp, người nhoe nhoét bùn, tay chân bủn rủn vì "phê", và chắc chỉ muốn về.


Dù gì thì gì, đến sáng thứ Hai, báo chí đã phải miễn cướng lên tiếng khen ngợi rằng nửa triệu con người kia đã chung sống với nhau khá hòa bình trong suốt ba ngày. Đâu như chỉ có 800 ca O.D trong suốt ba ngày và 2 người chết (trong tổng số nửa triệu người). Một người chết vì O.D trong đám 800 kia, còn người còn lại thì bị máy kéo đi dọn dẹp đè chết vì phê quá nằm trong bùn không chui ra được.



Còn công ty Woodstock Ventures thì mất hơn 11 năm sau đó chỉ để trả nợ, trước khi kịp nghĩ đến chuyện tổ chức một cái Hội chợ Woodstock nữa.


Hẹn gặp lại.


Kcid

1,859 views

Recent Posts

See All
bottom of page