Một ngày tháng 11 năm 1989, ban nhạc Fugazi đến diễn tại Dublin, Ireland. Với giá vé vào cửa mà ban nhạc yêu cầu - chỉ được bán cho người xem ở mức 3 đồng Bảng Ireland - ban tổ chức mới tính toán các chi phí trừ đầu trừ đuôi rằng nếu có 180 người tới xem thì Fugazi sẽ được khoản thù lao 200 đồng. Số người tham dự gần đạt con số dự kiến, nên ban tổ chức tự bỏ túi chi thêm một chút để trả cho band đủ 200. Tất cả đều vui vẻ!
Một năm sau, trong lần diễn khác cũng tại Dublin, Ireland, số tiền lời từ vé thu được lúc này lên tới 1400 đồng Bảng Ireland, nhiều hơn hẳn so với trước, dù là đã trừ các chi phí. Thế nhưng điều không ngờ với đội tổ chức là Ian MacKaye – frontman của Fugazi lại đề nghị: “Thôi để bọn này cầm 550 đồng là đủ, còn anh cứ lấy số tiền còn lại mà làm việc khác”. Chỉ tới khi MacKaye nhấn mạnh rằng họ hoàn toàn vui vẻ với số tiền trên, đội tổ chức show ở Dublin mới yên lòng dùng khoản tiền dư tới 850 đồng để đưa vào quỹ dùng dự phòng cho các show của những ban nhạc khác trong trường hợp không thu hồi đủ doanh thu.
Đã có lần, khi đi diễn mở màn cho ban nhạc The Damned ở Washington D.C., khi nghe thấy giá vé vào cửa là 13.5 Đô la Mỹ, MacKaye không ngần ngại xin giảm tiền cát xê cho ban nhạc xuống còn một nửa để ban tổ chức giảm giá vé cho người xem.
Ian MacKaye và đồng đội trong Fugazi là vậy. Họ chưa bao giờ đặt nặng vào tiền doanh thu hay cát xê nhận được cho mỗi show diễn.
Đã có rất nhiều người tò mò, cố gắng phân tích và tìm hiểu lý do mà một ban nhạc như Fugazi có thể giữ vững một lập trường như vậy để tồn tại và phát triển trong suốt gần 20 năm, để rồi trở thành một trong những ban nhạc huyền thoại, có sức ảnh hưởng không tưởng tới rất nhiều ban nhạc theo dòng Punk cũng như Alternative Rock khác, từ Nirvana, Pearl Jam, Red Hot Chili Peppers, Elliott Smith, cho đến Blur, At The Drive-In, Jack White, Brand New, rồi cả những nữ tướng như Hayley Williams, Lorde, và rất nhiều nhiều nữa.
Ngay từ những ngày đầu, điều Fugazi luôn đặt ưu tiên hàng đầu là không giới hạn độ tuổi khán giả và giá vé phải ở mức 5 Đô La Mỹ, một số tiền mà gần như ai cũng có thể trả được nhưng không phải ban nhạc hay đội tổ chức nào cũng có thể theo được. Ngày đó là vào cuối những năm thập niên 80. Thế mà sự kiên định đó đã kéo dài tới cho những show cuối cùng của band khi cả thế giới bước sang thế kỷ 21. Ví dụ như lần Fugazi biểu diễn ở Boston, Mỹ vào tháng 4 năm 2002, giá vé vào cửa chỉ có 6 Đô La Mỹ; còn khi diễn ở Bristol, Anh Quốc vào tháng 11 năm 2002, giá vé vào cửa cũng chỉ có vỏn vẹn 7.5 Bảng Anh.
Để giữ mức giá thấp như vậy các bạn đều thừa hiểu không phải là điều dễ dàng. Fugazi phải lên kế hoạch rõ ràng trong các chuyến lưu diễn. Họ tiết kiệm tiền bằng việc hạn chế thuê nhà trọ hay khách sạn mà sẽ ngủ trên đường hay nhà người quen. Địa điểm trên tuyến lưu diễn phải hiệu quả về mặt di chuyển không chỉ thời gian mà còn chi phí xăng xe, cũng như ăn uống chi tiêu đều tiết kiệm. Ban nhạc cũng không có người quản lý riêng mà Ian MacKaye đảm nhiệm luôn vị trí đó. Rồi tại các show, họ cũng không bán hàng merchandise để kiếm thêm tiền vì như vậy sẽ lại tăng thêm chi phí quản lý và thuê người đứng quầy, lo công tác hậu cần.
Sự tinh gọn trong cách quản lý đó mang đậm tinh thần Punk khi hầu như các việc đều được các thành viên tự lo tự liệu.
Đổi lại Fugazi đi diễn show liên tục. Với giá vé rẻ như vậy, các show của band gần như luôn kín người, thậm chí tại cùng một địa điểm trong mấy đêm, vé của họ đều bán hết sạch. Từ đó chả mấy chốc, ban nhạc đã gây dựng được một số lượng fan đông đảo, đến mức các ông lớn của những hãng đĩa phải thèm thuồng trước doanh số đĩa bán ra, dù không là gì so với những band được bộ sậu nâng đỡ, nhưng lại vượt xa tưởng tượng ở một ban nhạc độc lập indie. Đến độ, khi mà album thứ 3, In On The Kill Taker (1993) lọt vào bảng xếp hạng Billboard, và Fugazi bán hết sạch vé tại các show diễn ở những khán phòng và sân khấu lớn, họ bắt đầu nhận được những lời mời chào hấp dẫn của các hãng đĩa. Cụ thể như chủ tịch Atlantic còn đích thân đến gặp để đưa ra offer với bất cứ thứ gì ban nhạc yêu cầu, cùng với khoản tiền hơn $10 triệu đô đút túi ngay khi đặt bút ký.
Vậy nhưng Fugazi vẫn thẳng thừng từ chối để trung thành với hãng đĩa độc lập Dischord do Ian MacKaye lập ra trong suốt sự nghiệp của ban nhạc. Thế nên nếu ai có hỏi ban nhạc / nghệ sĩ nào mang đậm khí chất bất cần nhất của Punk, thì kiểu gì thì kiểu tôi cũng phải kể tên Fugazi.
***
“Fucked Up, Got Ambushed, Zipped In” - đọc tắt thành FUGAZI, cụm từ lóng mà lính Mỹ thường dùng để diễn tả tình huống phạm sai lầm, bị mai phục và chịu kết cục bỏ mạng lại trong những cái bao đựng xác (“zipped in a body bag”) chính là nguồn gốc tên ban nhạc.
Fugazi được lập nên bởi Ian MacKaye - người mà ngày đó đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển dòng nhạc Hardcore Punk ở Washington qua hai ban nhạc The Teen Idles và Minor Threat của chính MacKaye. Sau khi Minor Threat tan rã, anh có tham gia một số nhóm nhạc khác nhưng đều sớm nở chóng tàn, cho tới khi Fugazi được hình thành.
Với đội hình ổn định 4 cây, Ian MacKaye và Guy Picciotto cùng chia sẻ vai trò vocal và guitar (trong đó Picciotto ban đầu chỉ nắm giữ vị trí vocal trong các bản thu âm EP đầu tiên trước khi ôm cây đàn để chơi thứ guitar đôi độc đáo với MacKaye kể từ album phòng thu đầu tiên), Joe Lally đảm nhiệm bass và Brendan Canty chơi trống.
Trước khi nói tới tài năng chơi nhạc của họ, điều khó tưởng ở một ban nhạc đậm khí chất Punk như Fugazi là tính kỷ luật.
Đó không phải mỗi chuyện không bán mình cho các tập đoàn, không chấp nhận tham gia các show diễn mà tiền vé cao hơn mức cần thiết, các thành viên của Fugazi còn là những nghệ sĩ làm nghệ thuật một cách nghiêm túc. Được dẫn dắt bởi Ian MacKaye với tinh thần “straight edge”, ban nhạc nói không với rượu chè, chất kích thích và cả những cuộc hoan lạc vô nghĩa. Không những vậy, Fugazi còn phản đối bạo lực và ẩu đả, thứ mà nhiều người tham gia trong bối cảnh Hardcore Punk tôn sùng. Với giá vé quá hợp lý cho mọi tầng lớp xã hội, ban nhạc không tránh khỏi những thành phần nổi loạn trà trộn trong đám đông để gây chiến. Và để xử lý những thành phần đó, MacKaye thường là người lên tiếng trước:
“Xin lỗi ông, ông có thể ngừng phá quấy được không?”
Một lời nhắc nhở đầy lịch thiệp của MacKaye trong bầu không khí âm nhạc Punk hừng hực như vậy quả nhiên không ít lần khiến kẻ gây rối đó phải bất ngờ và bối rối. Còn những tên vẫn cứng đầu không biết điều sẽ bị tống cổ khỏi show diễn và được gửi kèm phong bì hoàn tiền 5 Đô La không thừa không thiếu một xu.
Nhờ vậy, những show diễn của Fugazi luôn đông kín người. Khán giả ở mọi độ tuổi có thể hoà mình vào âm nhạc. Họ truyền tai nhau về một ban nhạc không cần tới truyền thông màu mè, không cần quay music video để phát trên MTV, không có hãng đĩa lớn chống lưng để quảng cáo rầm rộ. Bởi họ là một ban nhạc indie đúng nghĩa.
Lẽ dĩ nhiên Fugazi sẽ không bao giờ trở thành huyền thoại nếu họ không chơi một thứ nhạc hay đỉnh cao đến vậy.
***
Hiếm có ban nhạc nào mà album nào tôi nghe cũng đều thấy mê như Fugazi vậy. Được xếp vào thể loại Post Hardcore, Art Punk, Alternative Rock cùng nhiều chất liệu thể nghiệm, nhạc của Fugazi không theo công thức Hardcore Punk chơi ở tốc độ nhanh thường thấy, mà cũng không kiểu Indie Rock có nhiều hoà âm bắt tai. Thay vào đó là cấu trúc bài nhạc âm sắc tương phản, nhịp điệu phức tạp và biến đổi khôn lường.
Điều đáng nói là dù thứ nhạc Fugazi không hề dễ để tả, nhưng bất chấp việc nó chèo lái người nghe đi các hướng không ai ngờ tới, cái cảm xúc bay cao khi các cây nhạc cụ chơi nhiều nốt nhạc với các âm sắc khác nhau đều được từng thành viên tính toán tỉ mỉ, khi mà mỗi âm thanh vang lên đều có một ý nghĩa trừu tượng đọng lại trong đó.
Người đầu tiên tôi muốn nói đến là Brendan Canty (drummer) - một nghệ sĩ tài năng không chỉ giỏi chơi trống, mà còn biết chơi guitar, bass và piano, thậm chí một chút ít saxophone. Chính Canty còn tham gia viết các câu riff trên đàn guitar và thậm chí bass cho ban nhạc. Về lối chơi trống, anh này khi thì tạo phần nhịp dồn dập liên tục, khi thì nện những cú nện bám quanh nhịp, rất khó để một tay bass tay mơ có thể bám theo. Trong Fugazi, cái không khí âm nhạc do Canty tạo ra không bao giờ tạo sự nhàm tai dễ đoán. Đó là vì anh có những chiêu chuyển nhịp, rim shot, hoặc những cú nã mặt dồn trống sớm bất ngờ nhưng luôn chuẩn xác, đầy kích thích cho bầu không khí âm nhạc; giống như khi anh nện trong “Turnover”, “Latin Root”, “Steady Diet”, “KYEO”. Canty còn thêm vào dàn trống của anh một cái chuông đồng kêu leng keng được gõ giữa các khúc nhạc trong bài tạo âm thanh đặc trưng của Fugazi, như phần Canty thể hiện trong “Waiting Room”.
Người thứ hai là Joe Lally (bassist) với lối chơi cực kỳ dễ nhận biết và cuốn hút khi nghe nhạc Fugazi. Sự phối hợp ăn ý giữa Lally và Canty trong bộ nhịp điệu thật sự đáng nể bởi họ tạo dựng những phần xương sống bài nhạc có cấu trúc kỳ dị theo lối chơi chịu ảnh hưởng của Funk. Âm sắc đàn bass của Lally đầy đặn và rõ nét từng nốt nhạc bất kể khi anh chơi tốc độ nhanh hay theo lối có giai điệu. Nhìn Lally vuốt các phím bass mượt mà và nhẹ nhàng là vậy nhưng tiếng đàn phát ra thì đầy uy lực. Chỉ là ngược lại với một Canty nắm rõ nhạc lý, thật khó tin khi những câu bass phức tạp mà Lally thể hiện ngày đó chỉ bằng cảm xúc và bản năng. Dựa trên nhịp trống Canty tạo ra, các nốt nhạc của Joe Lally cứ thế tuôn ra, nốt sau nối liền nốt trước, dần dà tạo nên một chuỗi nhịp điệu có cao độ trầm bổng. Cái hay trong lối chơi của Lally là tiếng đàn của anh có giai điệu phù hợp bài nhạc, khi thì làm nền bổ trợ nhưng cũng rất nhiều lần đóng vai trò chủ đạo cũng như đối ẩm cho tiếng đàn guitar của hai thành viên còn lại. Như “Repeater” ta có thể nghe anh chạy ngón liên tục, hay “Brendan #1”, tiếng bass lồng với dàn trống của Canty hoà hợp như một tổ hợp hợp âm riêng. Rồi ở bài “Sieve-Fisted Find”, Lally chơi bass ở dải âm cao thì tới “Long Division”, anh đi song hành với tiếng guitar.
Người thứ ba và thứ tư lần lượt là Guy Picciotto (guitarist / vocalist) và thủ lĩnh Ian Mackaye (guitarist / vocalist) với lối chơi đàn đôi ăn ý và đặc trưng của ban nhạc. Ban đầu khi tham gia band, tiếng đàn guitar của MacKaye và tiếng bass của Joe Lally cuộn vào nhau đã quá đủ đầy đặn, nên Picciotto chỉ cầm mic hát. Thế nhưng vì sự thôi thúc được tham gia sáng tác và ôm lại cây đàn guitar quen thuộc, Picciotto đã luyện đàn để thích nghi với kiểu vừa chơi vừa hát, một công việc rất khó cho một band chơi nhạc có nhịp điệu phức tạp như Fugazi. Nhịp điệu phức tạp bởi MacKaye vốn dĩ từng là thành viên chơi bass ở band trước mà anh tham gia nên cách thức tạo âm nhạc qua cây đàn của anh nặng về sắc thái nhịp điệu. MacKaye khi thì nã tiếng đàn dồn dập, khi lại chọn nhịp funky rất khó nắm bắt. Do đó Guy Picciotto cũng phải tìm những khoảng trống để chêm tiếng guitar của anh vào. Đa phần là MacKaye sẽ chơi dải âm trầm hơn, nên Picciotto sẽ chọn các nốt cao rít chói tai. Sau đó hai anh sẽ chế những khúc nhạc để tiếng đàn quyện giao thoa với nhau, làm cho hoà âm của Fugazi dầy tiếng hơn rất nhiều. Sự tinh tế của cách viết nhạc, đặc biệt của Ian MacKaye, người nắm vững về nhạc lý là cách anh chọn hợp âm lạ tai khó đoán, nhưng tạo độ chuyển âm sắc cực hay, hệt như cách Brendan Canty biến chuyển nhịp điệu trên dàn trống vậy. Nhờ đó, Picciotto cũng có được cảm hứng để cùng MacKaye chơi hai lớp guitar cực kỳ phong phú, lúc thì power chord, lúc tỉa các nốt đơn lẻ, lúc palm-muting, lúc alternative picking, lúc open chord. Trong “Repeater”, phần mở đầu guitar đôi tạo tiếng giao thoa cực đẹp. Trong “Greed”, cái cách hai anh tạo nốt đàn ngân nga rất hay. Trong “Steady Diet” sau khúc chơi chặn palm-muting, tiếng guitar đôi ùa vào tràn ngập bài kêu rú điên loạn. Trong “Forensic Scene”, cả khi hai anh chọn tiếng clean để chơi nhưng âm sắc trơ mộc vẫn cực chất. Hay như trong “Rend It” và “By You”, phần guitar distort ồn ào như hút chặt đôi tai vào không gian âm nhạc dầy đặc đó. Không khó để thấy rằng sự ảnh hưởng trong lối chơi guitar của Ian MacKaye và Guy Picciotto tới những thế hệ nghệ sĩ như Jack White, Brand New, At The Drive-In lớn đến dường nào.
***
Cũng bởi Fugazi không làm những bản MV cho nhạc của họ, người hâm mộ sẽ chỉ có hai lựa chọn: hoặc nghe nhạc trên đĩa hoặc đi xem live show. Do đó âm nhạc của band được lan toả phần lớn nhờ các show diễn.
Trong khoảng thời gian từ năm 1987 đến 2003, Fugazi đã thực hiện hơn 1000 show diễn trên khắp toàn cầu, trong đó có năm ban nhạc phải chạy sô tới hơn 200 buổi. Với giá vé vào cửa quá rẻ là vậy, những sô này đều mang lại lợi nhuận cho Fugazi nhờ sự tinh gọn trong khâu quản lý, khi các thành viên đa phần tự biên tự diễn. Rồi cũng nhờ giá vé rẻ cho mọi đối tượng khán giả, những buổi diễn này đều tạo không khí gần gũi, tràn đầy năng lượng và cảm xúc thuần khiết của người chơi lẫn người nghe nhạc.
Và rồi cũng nhờ tài năng chơi nhạc đỉnh cao, âm thanh của các buổi live show này đều nghe sướng không kém các bản studio, thậm chí có phần hay hơn nhờ sự thô ráp của nó. Điều may mắn cho những người yêu nhạc Fugazi là phần lớn các buổi diễn này đều được thu âm lại. Trên trang web của Dischord Records, người nghe có thể tìm mua các bản thu âm của 800 buổi live show cùng với các thông tin từ ngày, tháng, năm, địa điểm cho đến số người tham dự, giá vé vào cửa ngày đó.
Không có các hàng merchandise bán tại những show diễn. Không có các chương trình quảng bá rầm rộ. Nhưng những người yêu nhạc Punk, từ đám thanh niên cho đến những nhân viên bán đĩa ở các cửa hàng CD / vinyl đều rỉ tai nhau về một ban nhạc có chất khí Punk và tinh thần Indie đúng nghĩa. Fugazi có mặt trên trái đất này với đúng một nhiệm vụ duy nhất được giao phó và họ thực hiện nó bằng cả đam mê, đó là: CHƠI NHẠC.
Hẹn gặp lại!
Kink
Comments