top of page

Nhạc của Lorde có màu gì?

Trong phần này, tôi không định nhắc đến “màu sắc” âm nhạc theo nghĩa bóng, mà theo đúng nghĩa đen về các màu mà chúng ta nhìn thấy ở thế giới xung quanh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trên thế giới có khoảng 4,4% dân số gặp phải hiện tượng não bộ họ đánh thức một giác quan khác không liên quan tới cảm nhận của họ trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như nếm được vị của màu sắc hay cảm nhận được âm thanh. Hiện tượng này được gọi là “synesthesia”.


Trong giới nghệ sĩ, có những người gặp phải triệu chứng này theo cái cách họ có thể nhìn được màu sắc của âm thanh (được gọi riêng với cái tên “chromesthesia”). Đó là khi họ nghe tiếng nhạc phát ra, ngoài việc não bộ sẽ đánh thức dây thần kinh thính giác để nhận biết giữa các nốt nhạc, một vùng khác của não sẽ tạo một hiệu ứng thứ cấp cho dây thần kinh thị giác giúp cho người đó cảm nhận được hình ảnh màu sắc trong não bộ, mặc dù mắt họ không hề đang nhìn vào vùng màu sắc đó. Có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng “mắc” phải triệu chứng này. Ví dụ như nhà soạn nhạc Mozart nhìn hợp âm D trưởng thành màu cam và hợp âm B thứ thì thành màu đen. Jimi Hendrix thì miêu tả hợp âm nổi tiếng của ông – E7#9 là hợp âm màu tím, là cảm hứng để Jimi sáng tác ra “Purple Haze”. Tori Amos tả những vòng hợp âm tương đương nhau giống như những dải ánh sáng tương đồng. Còn Pharrell Williams thì nhìn âm sắc bài “Happy” của anh dưới ánh vàng, tươi sáng như chính ca khúc rộn ràng này.


Vậy Lorde thì sao? Cô đã từng chia sẻ việc nhìn thấy màu của một bài hát đã ảnh hưởng rất lớn đến lối viết nhạc của cô. Ngay khi bắt đầu chuẩn bị sáng tác một bài, Lorde đã có cảm nhận về bài hát đó dưới một khung hình tổng thể dù hình ảnh đó vẫn còn mờ ảo và xa xăm. Từ đó cô sẽ sử dụng các mảnh ghép là nhịp điệu, nốt nhạc và chuỗi hợp âm để các màu sắc tô điểm khớp với hình ảnh cô đã nhìn thấy trong đầu, nay trở nên rõ nét để trở thành một bức tranh hoàn chỉnh. Những hình ảnh màu sắc này không phải mang những ý nghĩa ẩn dụ, mà hoàn toàn theo đúng nghĩa đen của hiện tượng synesthesia (hay cụ thể hơn là chromesthesia) mà có những lúc tôi thầm ước mình “mắc” phải.

Thế nên với bài viết này, tôi sẽ thử đi theo hướng “thày bói xem voi” để tưởng tượng xem những bài hát của Lorde viết ra mang các màu sắc gì.


1. Màu xanh lá


Để tưởng tượng phần nào cơ chế nhìn màu phát ra từ âm thanh của cô ca sĩ Lorde, có thể xem cách cô chia sẻ từ khâu sáng tác bài “Tennis Court” trong album Pure Heroine (2013). Khi mới đầu chơi thử chuỗi hợp âm trên đàn điện tử, cảm nhận của cô là chúng giống như thứ màu nâu tanin cũ kỹ (tạm dịch theo từ mà Lorde gọi là "dated tan colour") và gây đau đầu. Nhưng khi cô và những cộng sự viết ra được đoạn pre-chorus cùng phần lời, thì cả bài hát bỗng dưng chuyển sang những dải màu xanh lá.


Bài “Tennis Court” được viết ở giọng Am (la thứ), trong đó chuỗi hợp âm của đoạn verse là G-Am-F-F được lặp lại với giai điệu và tempo khá chậm, trên nền nhạc được tối giản chỉ có tiếng synth chơi theo hợp âm cùng tiếng gõ cho âm snare và tiếng kick drum rất nhẹ, điểm suyết hi-hat ở nửa sau, mang đặc trưng của âm thanh mang âm hưởng Hip Hop và nhạc điện tử của album Pure Heroine. Giai điệu hát của Lorde ngân dài hai lần ở nốt A lúc đầu và nốt C lúc sau, đều cùng theo hợp âm F không phải là tông chính, tạo cảm giác chơi vơi. Phần lời hát thì những từ như “boring” và “bored” tạo một không khí khá là trùng. Tạm coi rằng những yếu tố trên phần nào hình thành ra thứ màu be mà Lorde chưa ưng mắt lúc đầu.


Sang tới đoạn pre-chorus, cô mới hát như sau:

Because I'm doing this for the thrill of it, killin' it / Never not chasin' a million things I want / And I am / Only as young as the minute is, full of it / Getting pumped up on the little bright things I bought / But I know they'll never own me (Yeah)


Ở phần pre-chorus này, Lorde nói bài hát đã chuyển sang màu xanh lá. Vậy nó khác gì đoạn verse liền trước? Về lời, chúng có chuyển biến tích cực hơn với những từ như “thrill”, “killin’ it”, “I want”, “I am”, “young”, “full of it”, “pumped up”, “bright things”, “they’ll never own me”. Về nhạc, dù chuỗi hợp âm vẫn là G-Am-F-F như trước đó, nhưng tiếng hi-hat đã được đưa vào làm nhịp điệu được đẩy lên, phù hợp với giai điệu cũng được Lorde hát nhanh hơn, nhưng nay lại nhấn nhiều vào nốt A ở cuối mỗi khuông nhạc, kể cả đó là khuông nhạc đang chơi ở hợp âm G, cho thấy cảm giác cô đang muốn kéo cảm xúc nhiều hơn về nốt gốc chủ đạo của tông bài hát.


Thế nên có thể phần nào rút ra suy đoán là màu xanh lá mà Lorde nhìn thấy là khi có nhiều nốt A xuất hiện cùng với tiết tấu được đẩy nhanh, đưa bài hát hướng về tông giọng Am và phần lời mang cảm xúc tích cực hơn. Nó giống như kiểu chúng ta tưởng tượng mỗi nốt gốc của một tông giọng chủ đạo tượng trưng cho một ô màu nước trên bảng pha màu, thì nốt A (đại diện cho tông la thứ - Am của bài) chính là màu xanh lá. Do đó nếu nó xuất hiện nhiều hơn thì cũng như bức tranh đang được sử dụng tông màu xanh lá nhiều và ngày một đậm hơn.


2. Vẫn lại là màu xanh lá, nhưng sáng nhẹ hơn


Tựa như tên bài hát “Green Light” trong album Melodrama (2017), triệu chứng chromesthesia của Lorde đã giúp cô sáng tác ra nó bởi màu sắc bài nhạc mang đúng nghĩa đen theo màu xanh lá cây, lần này giống màu của cột đèn giao thông. Nhưng xanh lá này sẽ khác với xanh lá của “Tennis Court” ra sao?


Sáng tác của Lorde trong ca khúc này phức tạp hơn nhiều so với “Tennis Court”.


Thứ nhất là cấu trúc của “Green Light” gồm verse – refrain – pre-chorus – chorus, và sau cùng có cả đoạn outro. Tiếp đến là vòng hợp âm F#m – A – D khó đoán ra tông giọng A (la trưởng) nếu không phải vì nốt nhạc giai điệu chỉ tập trung vào nốt A và được khẳng định bằng hợp âm E ở đoạn refrain.


Bởi vậy, ngay từ đầu bài, màu sắc xanh lá chắc hẳn đã sáng bừng nhờ nốt nhạc A trong giai điệu lẫn nốt gốc của tông chính la trưởng này. Vậy là có thể phần nào đoán được tông Am (la thứ) trong “Tennis Court” cũng mang màu xanh lá tương tự như tông A (la trưởng) trong đoạn đầu của “Green Light”. Nhưng hai màu xanh này có khác gì nhau không?


Thử xem tiếp tới phần pre-chorus. Đây là đoạn nhạc gây sốc nhất của bài. Không chỉ phần nhạc chuyển hướng dồn dập hợp theo phong cách nhạc Dance, mà Lorde còn “ném” ngay một hợp âm G vào đầu pre-chorus và chorus. Với hợp âm A vẫn được kết vào mỗi khúc để khẳng định tông chính có liên quan đến nốt nhạc “màu xanh”, hợp âm G ở đầu kia lại lật ngược mọi cảm xúc vì nó quá lạ tai cho những ai vẫn nghe những bản hit nhạc Pop trên bảng xếp hạng.


Trong một bài mang tông A (la trưởng) như này, đúng ra nốt G phải thăng lên ½ cung để thành nốt G#. Chính thế nên sự xuất hiện của hợp âm G không chỉ biến đổi âm sắc, mà hẳn cả về màu sắc của bài với những nghệ sĩ mắc chứng chromesthesia như Lorde. Hợp âm G cùng với nốt G thường này đã chuyển bài hát sang âm giai gọi là Mixolydian.


Đối với nhạc Pop trên các bảng xếp hạng, âm giai này rất ít gặp, nhưng trong nhạc Rock, đặc biệt với những bài mang âm hưởng nhạc Blues, Mixolydian xuất hiện khá phổ biến. những bài như “Norwegian Wood” của The Beatles, “L.A. Woman” của The Doors, “Sweet Home Alabama” của Lynyrd Skynyrd, “Sweet Child O’ Mine” của Guns N’ Roses, hay “Bitter Sweet Symphony” của The Verve đều sử dụng âm giai này.


Kênh youtube của anh David Bennett Piano đã nói khá nhiều về Mixolydian. Nôm na âm giai này mang âm sắc không buồn hẳn như giọng thứ (minor) và lại không vui như giọng trưởng (major). Trạng thái lửng lơ này được David ví trên dải màu cùng một tông từ tối đến sáng, trong đó Mixolydian sẽ sáng hơn giọng thứ, nhưng lại hơi tối hơn giọng trưởng. Nói một cách khác, ở bài "Green Light", nếu âm giai A major (la trưởng) trong đoạn verse gợi cho Lorde một màu xanh lá nhẹ phớt thì âm giai A mixolydian trong đoạn pre-chorus chắc hẳn mang màu xanh lá cây đậm hơn chút, giống như dải màu xanh lá thể hiện theo từng âm giai dưới đây.

Dải màu theo tông xanh lá theo từng âm giai (nguồn ảnh: David Bennett Piano)

Và nếu dựa trên dải màu cùng tông xanh này, bài "Tennis Court" kể trên với âm giai A minor (la thứ) sẽ mang một màu xanh lá đậm hơn so với cả bài "Green Light".


3. Các màu sắc khác

Một giáo sư chuyên nghiên cứu về hiện tượng chromesthesia này nói rằng những nghệ sĩ như Lorde có thể trải nghiệm các dải màu khác nhau, tương tự như các dải âm giai khác nhau. Vì vậy khi họ chọn lối viết nhạc cho các phần điệp khúc hay đoạn bridge, họ sáng tác dựa trên rất nhiều vào những kết nối về hình ảnh mà người thường như chúng ta không thể nhìn được.


Có lẽ vì thế âm nhạc của Lorde từ khi mới tung ra thị trường đã mang nhiều nét khác biệt đầy táo bạo so với những nghệ sĩ nhạc Pop khác. Các bài hát của cô mang những cấu trúc chuyển đổi về nhạc phức tạp hơn, trong đó có cả những đoạn pre-chorus hay cả bridge lẫn outro. Tempo của chúng được kéo xuống chậm lại, ví dụ như single “Royals” ở một tempo 85bpm trong khi những bản hit khác trên thị trường đều nhanh gấp rưỡi, với tempo từ 120bpm trở lên. Âm nhạc của những nghệ sĩ nhạc Pop khác có chuỗi vòng lặp từ 3 đến 4 hợp âm đơn giản, trong khi Lorde trình làng những bài nhạc dùng các hợp âm lạ lẫm, có phần “khó nghe” với những đôi tai đã vốn quen thuộc với hằng hà sa số các bài hát mang âm điệu na ná nhau. Rồi đến cả cách biên soạn, phối âm và sản xuất trong các album của Lorde cũng khác xa với lối sản xuất nhạc dày đặc của âm nhạc hiện nay.


Album đầu tay Pure Heroine được làm một cách tối giản qua nhạc cụ điện tử có hơi hướng Hip Hop. Đến album Melodrama, âm thanh tuy đầy đặn hơn chút, nhưng những khoảng lặng vẫn được đưa vào cực tinh tế. Và tới album Solar Power (2021) gần đây nhất, Lorde chuyển ngoắt sang dùng các nhạc cụ acoustic, lại càng tối giản hơn nhưng vẫn giữ được nét giai điệu độc đáo của riêng cô. Bởi điểm chung trong cả mấy album này là dù cách làm nhạc có khác nhau đi chăng nữa, kiểu hát như đang nói chuyện, ở những quãng trầm “vocal fry” thấp hơn cả giọng ngực cùng với những lớp hòa âm bè cực hay do Lorde thể hiện vẫn mang đậm phong cách đặc trưng của cô ca sĩ này.

Các sắc thái của màu "tan", tạm gọi là nâu tanin


Quay lại câu chuyện về màu sắc của các bài hát của Lorde, từ đầu tới giờ chúng ta cũng chỉ có các manh mối chính về màu xanh lá cây. Do những thông tin được chính Lorde cung cấp còn hạn chế, tôi mới nhớ tới chuyện cô có nói là phần verse của bài “Tennis Court” lúc đầu mang một màu nâu tanin ("tan colour") tạo bởi một tiết tấu chậm và không gian âm thanh lững lờ không được giải tỏa, mà tôi mạnh dạn phỏng đoán nguyên nhân đến từ hợp âm F (fa trưởng) trong câu giai điệu bởi nó xuất hiện nhiều hơn cả tông giọng chính của bài.


Từ đó, tôi lại mạnh dạn phát nữa dùng đến bảng màu và đặt những nốt nhạc tương ứng trên đó. Trong hình tròn thể hiện bảng màu phía dưới, khi tôi đặt nốt A vào khoảng màu xanh lá cây và lùi 4 bước ngược chiều kim đồng hồ (nếu coi mỗi 1 bước tương đương khoảng cách của 1/2 cung giữa các nốt nhạc) thì nốt F ở vào vị trí màu na ná với một trong những sắc thái của màu nâu tanin trong hình phía trên (tôi nói là na ná thôi, nên bạn nào thấy không chuẩn thì làm ơn bỏ qua).




Và như vậy, dựa trên bảng màu này, kết hợp với ý nghĩa của độ đậm nhạt trên cùng một tông màu đại diện cho các âm giai khác nhau như đã nói ở phần trên, chúng ta có thể "đoán mò" xem Lorde đã nhìn ra màu gì khi sáng tác các ca khúc của cô ra sao:

- Bài “Buzzcut Season” trong album Pure Heroine được viết ở tông Ab (la giáng trưởng) nên ứng với nốt G# ở trên sẽ lại mang màu xanh, nhưng là xanh nõn chuối màu nhẹ phớt.

- Bài “Liability” trong album Melodrama ở tông Db (rê giáng trưởng) nên ứng với nốt C# ở trên sẽ mang màu tím phớt.

- Bài "Sober" trong album Melodrama ở tông B (si trưởng) nên là màu xanh da trời.

- Bài “Fallen Fruit” trong album Solar Power theo tông F#min (fa thăng thứ) nên sẽ là màu vàng cam đậm.


Thế còn mấy single khác của Lorde thì sao? Một điều khá thú vị là những single đầu tiên của mỗi album của cô đều được sáng tác trên âm giai Mixolydian. Với âm giai Mixolydian, một lần nữa xin nhắc lại là ta có thể tưởng tượng dải màu lơ lửng ở giữa như chính âm sắc của nó, hơi tối hơn tông trưởng nhưng lại nhẹ hơn tông thứ:

- Ở bài “Royals” của Pure Heroine, được viết ở tông D mix (rê mixolydian) nên nó có màu tím phớt của hoa bằng lăng.


- Ca khúc “Green Light”, single đầu tiên của Melodrama, như đã nói ở trên được viết ở tông A mix (la mixolydian) nên mang màu xanh lá.


- “Solar Power” trong album cùng tên được viết ở tông B mix (si mixolydian) nên nó có màu xanh nước biển dịu dàng.


Dĩ nhiên đây cũng chỉ là cách tôi làm “thày bói xem voi” để tưởng tượng nếu mình có được siêu năng lực chromesthesia thì sẽ nhìn màu sắc của âm nhạc ra sao. Vì dù thực tế Lorde có nhìn ra những màu sắc khác với các phỏng đoán trên, chúng ta cũng vẫn có thể chừng nào hình dung sự đa dạng trong âm nhạc mà những người như Lorde có thể mang tới cho nhạc Pop. Cũng với từng đó nốt nhạc như bảng màu trên, khi nhìn sâu vào lõi ở trong, sẽ vẫn có những màu sắc mới tạo bởi sự kết hợp từ các màu sắc chính với những tỷ lệ khác nhau. Âm nhạc cũng vậy, dù số lượng nốt nhạc có hạn, nhưng với những trình tự nốt nhạc được đảo, dù trong cùng một hợp âm, thì nó đã mang tới âm sắc khác hơn, đấy là chưa nói đến những nốt nhạc thêm vào để thành những hợp âm mở rộng hay thay đổi quy tắc để thành những âm giai khác truyền thống, là cũng đủ tạo sự khác biệt đầy hấp dẫn cho âm nhạc ngày nay.


Bảo sao khi mà Lorde trình làng lần đầu tiên nhạc phẩm “Royals” cùng album Pure Heroine, cô đã mãi mãi thay đổi quan điểm của người nghe về nhạc Pop đương đại qua lối hát độc đáo, sáng tác khác lạ, cùng phần phối và sản xuất nhạc chắt lọc. Chắc có khi chính người nghe cũng phần nào cảm được bằng đôi tai những màu sắc mới mà Lorde đã vẽ bằng các nốt nhạc của cô vậy.


Hẹn gặp lại!


Kroon

629 views

Recent Posts

See All
bottom of page