top of page

Đằng sau mặt nạ của Janelle Monae

Trong buổi lễ trao giải Oscar 2020 vừa rồi, không phải Billie Eilish trình diễn bản cover Yesterday của The Beatles, không phải quả xuất hiện bất ngờ đến kỳ quặc của Eminems để rap lại bài Lose Yourself, mà là màn trình diễn mở màn lễ trao giải của Janelle Monae mới thực sự là điểm sáng.


Dựa trên bài "Come Alive" trong đĩa The ArchAndroid của mình, Janelle viết lại phần lời để dẫn dắt tới các bộ phim, nhưng cô không quên táng thêm hai câu nêu quan điểm. Đó là:


“Cause the Oscars is so white it’s time to come alive”

“We celebrate all the women who directed phenomenal films and I’m so proud to stand here as a black queer artist, telling stories. Happy Black History Month”


Tôi thì không quá bất ngờ, bởi vì nhạc của Janelle Monae lạ lắm! Nó đa dạng về thể loại trên nền tảng r&b và luôn gây bất ngờ về vòng hoà âm. Sướng màng nhĩ! Có khi thế nên một trong những thể loại mà Janelle được xếp vào là psychedelic soul.


Và dù mới có 3 album chính thức, thì nhạc của mỗi album lại một kiểu. Chỉ đến khi tìm hiểu thêm thì mới thấy nội dung của chúng đều theo một chủ đề xuyên suốt. Mục đích chính của chủ đề đó cũng chỉ là để Janelle hé lộ dần về con người thật của cô đằng sau những lớp mặt nạ, nhân vật cô mượn để kề về cuộc đời và ước mong của chính mình.


Tôi đoán là vì sợ mọi người đánh giá, hoặc cũng có thể bởi bản tính khép kín, mà phải qua từng album người nghe mới dần hiểu được câu chuyện của Janelle. Đó là câu chuyện về một cô gái da màu, tự nhận mình là Queer, có tình yêu với mọi giới tính. Xem nhé.


Phần 1. The ArchAndroid (2010) – Cô gái Robot


Mới trong album đầu tay chính thức, Janelle Monae đã đột phá về mặt âm nhạc khi mang tới sự đa dạng trong thể loại nhạc trong cùng một đĩa mà không gây cho người nghe cảm giác hổ lốn thập cẩm. Sự chuyển đổi mượt mà và bám theo nhịp điệu câu chuyện. Từ bài đầu "Dance Or Die" là màn rap mở đầu rồi Janelle cất tiếng hát khiến tôi nghĩ ngay đến Lauryn Hill với khả năng cả rap và hát phối hợp. Dù là phần rap không đến mức siêu đẳng như Lauryn nhưng lại phù hợp với bài. Còn giọng hát của Janelle không chê vào đâu được.


Nếu như "Dance or Die" váng vất chất neo-soul, thì sau đó "Faster" chuyển tiếp liền mạch như một track với phong cách nhạc new wave lẫn gospel. "Locked Inside" sau đó chuyển sang r&b và "Sir Greendown" lại chậm rãi mang tông màu cổ điển. Tóm lại cả đĩa có thêm cả funk, jazz và thậm chí rock. Và với mỗi thể loại Janelle lại có lối hát khác nhau. Ví dụ tiêu biểu là chất rock trong bài "Come Alive (War of the Roses)", giọng cô khàn đặc khi cất cao giọng trên tiếng guitar điện, rồi ngân từ nốt trung trong phút chốc vút lên nốt cao sắc bén ngân dài đến 20 giây.


Trong album này còn có bài "Tightrope" với sự góp mặt của rapper Big Boi chui ra từ trong bộ đôi OutKast. Không ai khác chính Big Boi là người đã phát hiện tài năng của Janelle và giới thiệu cô với Puff Daddy. Cả hai người này đều nhìn thấy cá tính âm nhạc của cô nên không có sự ép buộc nào về định hướng âm nhạc thị trường, giúp Janelle thoả sức sáng tạo và tham gia gần như hoàn toàn vào khâu sáng tác và sản xuất. Do vậy nội dung đĩa này không đơn giản như các album nhạc r&b/soul/funk đơn thuần khác.


Có một khái niệm trong văn hoá người da màu đã phảng phất trong các tác phẩm âm nhạc lẫn nghệ thuật từ rất lâu, đó là Afrofuturism. Đó là loại hình nghệ thuật giả tưởng xoay quanh câu hỏi người da màu sẽ trở nên như thế nào trong thế giới tương lai sau này? Và đặc biệt trong đó là sự trăn trở váng vất, khi mà ngay ở thời hiện tại, sự phân biệt sắc tộc vẫn tồn tại thì liệu trong tương lai, một xã hội công bằng liệu có hiện hữu?


Janelle mượn lấy bối cảnh afrofuturism đó và tạo một nhân vật cô gái android tên là Cindi Mayweather, đã trót đem lòng yêu một người đàn ông. Ở đây khi ta nhìn hình ảnh android - người máy như đại diện cho những nhóm người thuộc thành phần thiểu số, yếu kém hơn trong xã hội thì tình yêu giữa cô người máy Cindi và người đàn ông kia giống như mối quan hệ giữa hai chủng tộc / màu da, mà trước đây hay bị xã hội ngăn cấm.


Ở bài “Oh, Maker”, nhân vật Cindi tự hỏi liệu cô có phải là một android khác biệt khi cô có được cảm xúc yêu, một cảm xúc mà có lẽ không phải là do lỗi lập trình mà chính người kiến tạo ra cô đã cố tình sắp đặt. Cô giống như kẻ được lựa chọn vậy.


“So much hurt

On this earth

But you loved me

And I really dared to love you too

Perhaps what I mean to say is

Is that it's amazing that your love was mine”


Nhưng câu chuyện không đơn thuần nói về đấu tranh đòi quyền bình đẳng màu da, sắc tộc. Đoạn lời trong bài "Mushrooms & Roses" có nhắc đến một nhân vật khác mà cô gái android Cindi đem lòng yêu là một phụ nữ tóc màu ghi với nụ cười tuyệt đẹp. Người nghe nhạc Janelle lúc đấy mới há hốc mồm tự hỏi: cô là người đồng tính?


“Where all the lonely droids and lovers have their wildest dreams

The golden door of our emotions opens here

We're all virgins to the joys of loving without fear”

“I remember one of the regulars

Her long, grey hair

Beautiful smile and rosy cheeks

Her name slips my mind

Ah, her name was

Blueberry Mary, and she's crazy about me”


Phần 2. The Electric Lady (2013) – cô nàng chạy điện


Nếu như trong album The ArchAndroid, Janelle sử dụng âm thanh như của tương lai với đa thể loại và vòng hoà âm biến chuyển liên tục theo đúng tinh thần thể loại psychedelic-lai-soul, thì ở album thứ hai Electric Lady này, cô quay trở về sự căn bản với âm hưởng nhạc “cũ” trong dòng r&b. Vì thế không khí trong đĩa này trầm lắng hơn. Giọng hát của Janelle trong đĩa này cũng vì thế càng bộc lộ rõ hơn chất “soul” mà tôi đánh giá thuộc top các giọng ca nhạc r&b/soul hiện tại.


Bài hát chính thức mở màn là "Givin’ Em What They Love" có sự tham gia của huyền thoại Prince với đúng chất nhạc soul groovy mà Prince hay sử dụng. Sau đó là giai điệu funky hơn trong bài "Q.U.E.E.N." với sự tham gia của một nghệ sĩ r&b gạo cội khác là Erykah Badu. Trầm lắng với giai điệu r&b và lối hát soulful hơn là "Electric Lady" và "PrimeTime" cực hay có sự góp mặt của SolangeMiguel. Janelle còn khéo léo cho câu riff đàn keyboard trong bài "Ghetto Woman" rất giống câu đàn mà Stevie Wonder hay dùng thời ông sáng tác siêu phẩm "Music Of My Mind". Vì thế không khí của đĩa The Electric Lady càng giống những năm 70 hơn, tương phản với câu chuyện trong tương lai mà Janelle muốn đưa vào.


Đến cái bìa đĩa album này cũng quay về cơ bản hơn so với hình ảnh lai tương lai và văn hoá Ai Cập như ở album trước. Bộ trang phục sọc trắng đen mà Janelle mặc đại diện cho tầng lớp lao động chân tay mà bố và mẹ cô đều phải bươn trải. Bản thân Janelle cũng là cô gái tự lập từ bé để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, may thay song song đó cô vẫn theo đuổi ước mơ nghệ thuật, thứ khiến cô từng bị đuổi việc khỏi chuỗi cửa hàng bán lẻ Office Depot khi mải tranh thủ dùng máy tính trưng bày để trả lời một trong số ít fan hâm mộ của cô lúc đó trên trang MySpace. Thôi thì cũng nhờ thế mà Janelle tập trung vào âm nhạc và thành công đến bây giờ.


Nội dung của album này là một tiền truyện của The ArchAndroid, đi sâu hơn vào cuộc đời của nhân vật Cindi và sự ca tụng của các android khác với hình mẫu có sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ Cindi Mayweather, cô gái sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng sống và sự công bằng.



Tuy nhiên ở đây, nhân vật Cindi lộ rõ hình dáng của Janelle nhiều hơn. Tiêu đề "Q.U.E.E.N." trong bài hát ở album này ban đầu được đặt là Q.U.E.E.R., nhưng sau đó được đổi để tránh đụng chạm trực tiếp đến một khái niệm nhạy cảm. Hơn nữa cách chơi chữ Q.U.E.E.N. còn có ý bao hàm rộng hơn những con người mà Janelle ví như những androids / người máy, tầng lớp bị phân biệt. Nó bao gồm 5 nhóm: Queer (bao trùm tất cả những người dị tính và luyến ái), Untouchables (tiện dân), Emigrants (người di cư), Excommunicated (người bị rút phép thông công), và Negroid (người da đen). Đến đây người nghe cũng đã đoán được Janelle thuộc nhóm Queer khi cô bắt đầu hé lộ cảm xúc của mình với người phụ nữ khác qua vỏ bọc của Cindi.


Câu hỏi của Janelle là những thành phần như cô có được coi bình đẳng như những con người mà xã hội cho là “bình thường” khác. Từ Electric Lady thực ra chỉ là cách chơi chữ của từ "Eclectic Lady" - hàm ý Janelle là người phụ nữ theo chủ nghĩa chiết trung (“eclecticism”) khi không bị bó buộc bởi những quan niệm cũ hay định kiến trước đó.


Phần 3. Dirty Computers (2018) - Máy tính bẩn


Tài năng của Janelle Monae không chỉ được giới phê bình đánh giá cực cao, mà những gạo cội như Stevie Wonder, David BowiePrince đều hâm mộ và ủng hộ. Janelle đã từng mang tặng Prince bản copy đầu tiên của album The ArchAndroid với danh sách tên bài hoàn toàn được cô viết tay, bởi cô coi Prince như một người thầy từ những ngày đầu. Và không ai khác chính Prince là người đã đưa cho Janelle ý tưởng âm nhạc cho album Dirty Computers trước khi ông qua đời. Trong bài "Make Me Feel", câu đàn synth chính là do Prince sáng tác cho Janelle, chưa kể lối gảy guitar trong đĩa này cùng cách hát của Janelle rất giống phong cách Prince. Chả trách mà nhiều người thẫn thờ khi cảm giác như Prince đang chơi đàn trước mắt họ. Câu đàn điện tử mở đầu của chính Prince thì nghe phập phồng cực lạ tai, làm tôi liên tưởng tới hình ảnh bộ quần hình cái “bím” mà Janelle mặc trong video clip bài "Pynk" dị bất ngờ.


Cho đến thời điểm này, con người thật của Janelle cũng đã được bộc lộ rõ hơn. Và vẫn theo dòng tư tưởng của sự phân biệt giữa “khác” với “bình thường” trong xã hội, cô ví những người “khác biệt” như cô là những “dirty computers”. Trong câu chuyện của album này, Janelle vẽ một xã hội afrofuturism khác mà nhân vật của cô và hàng loạt kẻ bị xã hội đánh giá “không bình thường” như những cỗ máy bẩn cần được làm sạch.


Cả album vì thế là câu chuyện nhìn lại cuộc đời của nhân vật chính trước khi bị cỗ máy xoá đi mọi dữ liệu “bẩn”.

“But don't judge me

I know I got issues, but they drown when I kiss you

Don't judge me

Baptize me with ocean, recognize my devotion”


Vậy nhưng, giống như Prince, cô vẫn giữ phong thái cao ngạo của một “free-ass motherfucker”. Ca khúc "Django Jane" có lẽ là tổng kết đầy đủ nhất về quá khứ, con người và cá tính của Janelle:

“N****, move back, take a seat, you were not involved

And hit the mute button, let the vagina have a monologue

Mansplaining, I fold 'em like origami

What's a wave, baby? This a tsunami

For the culture, I kamikaze, I put my life on a life line

If she the G.O.A.T. now, would anybody doubt it?”


Đến đây thì tôi thấy lời rap của Janelle ngầu và giỏi thế nào. “Let the vagina have a monolgue". Vẫn bám chắc chủ đề “bím” rất táo bạo. Và không quên chốt câu “if she the G.O.A.T. now, would anybody doubt it?”


Chắc là không có ai nghi ngờ Janelle với cái danh G.O.A.T. (Greatest of all times) vì bằng chứng là album này được xếp vị trí số 1 ở ba tạp chí âm nhạc khác nhau và trong top 10 của nhiều báo khác cho danh sách các album hay nhất của năm.

Nói cho cùng, sau khi Janelle lần lượt bỏ từng lớp mặt nạ, dường như mọi người đều chấp nhận con người thật của cô. Không phải vì xã hội người ta bây giờ đã cởi mở hơn. Chỉ bởi vì Janelle đã đi từng bước rất thận trọng.


Ngẫm lại những thứ mà Janelle muốn nói về bản thân cũng đều có ẩn ý trong hai bộ phim nổi tiếng mà cô đã đóng: Hidden FiguresMoonlight, một phim về sự phân biệt với phụ nữ da màu còn phim kia về sự phân biệt người đồng tính.


Hợp lý phết!


Kroon

466 views

Recent Posts

See All

Comentários


bottom of page