Họ cực kỳ nổi tiếng ở Châu Âu trong suốt hơn hai chục năm của thế kỷ trước, nhưng dường như không để lại tí ti dấu ấn gì trên nước Mỹ quê hương của họ. Họ được yêu mến bởi số lượng lớn các headbanger, nhưng cũng bị dè bỉu bởi vô vàn các metalhead khác. Âm nhạc của họ chuyên hát về rồng và kiếm cùng những thứ hùng tráng bậc nhất, nhưng cũng không thiếu những bài sến sẩm nội tâm mua nước mắt. Khối kẻ chê bai âm nhạc của họ rặt một công thức đơn điệu, nhưng khi họ đi tour, vẫn luôn có vài chục ngàn người ở nơi họ tới sẵn sàng cắt máu ăn thề với nhau trong hơn 2 giờ đồng hồ. Họ có một trong những ca sĩ Metal tài năng và dễ mến bậc nhất, nhưng cũng có đầu tàu là một tay bass khó chịu luôn sẵn sàng gây chiến với bất cứ ban nhạc nào mà gã thấy không vừa mắt hay "phản metal". Họ dường như không được bất cứ nhà phê bình hay đồng nghiệp nào để ý và lâu lâu lại bị coi như nhân vật hoạt hình, nhưng lại có khả năng duy trì được một lượng fan cuồng khắp thế giới mà bất cứ ban nhạc nào cũng phải ganh tỵ.
Sự thành công của Manowar có lẽ đã cho nhiều ban nhạc thấy rằng, nếu như bạn chỉ có một chiêu trò, thi hãy hy vọng là đám con trai trẻ nít cũng thích trò đó. Tình huynh đệ, rồng và chiến binh, máu và vinh quang. Xem ra thằng nhóc con nào chả thích mấy món đó, và đàn ông xem ra số đông cũng chỉ là đám trẻ nít to đầu đúng không?
Với khối kẻ như tôi, Manowar giúp gợi nhớ tới âm nhạc của thập niên 80s thậm chí còn nhiều hơn cả những ban nhạc vui vẻ kiểu Glam Metal. Chứ sao, đó là thời kỳ hỗn mang của Metal, khi người ta có thể làm bất cứ điều gì ngu ngốc với cái thứ âm nhạc nặng này, từ Shock Rock kiểu W.A.S.P. cho tới Thrash Metal của Slayer, từ New Wave of British Heavy Metal của Judas Priest cho tới âm nhạc “wỷ sứ" của Venom. Và Manowar vẫn luôn là Manowar từ ngày đầu của họ, một mình một kiểu dù rằng khối người ghép họ vào cùng ngành với những ban nhạc Power Metal. Họ là dân New York chánh hiệu và có đầu óc làm ăn hơn người, thế nên dù hình ảnh cua Manowar có là mấy nghệ sĩ phô trương cơ bắp và bôi dầu láng coong, hay có phải ăn vận như thời trung cổ để chụp hình lên những bìa đĩa fantasy như phim hoạt hình, hãy tin rằng đó là cách của họ để bán được cũng khá nhiều đĩa đấy!
Điều đặc biệt trong những buổi biểu diễn của Manowar, thường mỗi khi khán giả bắt đầu nhập tâm, là sẽ có một màn im lặng đầy nghiêm trang. Bốn con người trên sân khấu sẽ ngừng chơi nhạc và chậm rãi đưa hai cánh tay với một bàn tay nắm chặt cổ tay lên. Hàng chục ngàn khán giả cũng sẽ đồng loạt im lặng và nâng hai cánh tay bắt chéo của họ, khiến cho không khí buổi hòa nhạc bỗng trở nên sâu lắng lạ thường. Chỉ riêng việc ngần ấy con người "nhập vai" vào màn trình diễn đơn giản của Manowar đã là một điều đáng nể từ sức lan tỏa và sự gần gũi của ban nhạc với đám fan bên dưới. Nếu không có mặt ở đó, ai đó có thể cười cợt những lời kêu gọi tình anh em và những lời thề sống chết cùng Metal của họ. Dù rằng nó nghe thật tuồng chèo, nhưng có lẽ những khán giả của họ không ai là không tin đó đã trở thành máu thịt của họ, và nó truyền cảm tới mức mấy chục ngàn con người đều lắng nghe, im lặng, và tự nguyện hòa mình vào cái không khí bi tráng của những vị Huynh Đệ Hoàng Kim (nôm na là Heavy Metal) này.
Được bắt đầu vào năm 1980 từ tay bass Joey DeMaio, vốn là kỹ thuật viên chỉnh đàn bass kiêm chuyên gia khói lửa trong tour diễn của Black Sabbath thời Ronnie James Dio, và tay guitar Ross Friedman tự là “The Boss”, vốn là lead guitar cho ban nhạc punk rock Dictators nhưng lúc đó đang tình cờ đi tour cùng ban nhạc đánh mở màn cho Sabbath. Manowar đã được tạo ra với một bản demo từ các ý tưởng riêng rẽ của DeMaio và The Boss. Họ tìm đến Eric Adams, ca sĩ có giọng hát chói vói vốn là bạn học của DeMaio và rủ anh này tham gia ban nhạc. Hãy nhớ rằng khi đó các thành viên của Manowar đều đã tròm trèm 30 tuổi, và ngoại trừ The Boss đã có một vài thành công cùng với Punk band Dictators, những người còn lại đều đã tính chuyện bỏ cuộc với âm nhạc. Eric Adams cũng không phải ngoại lệ, khi dăm lần bảy lượt từ chối lời đề nghị của DeMaio vì anh đã hết thời. Dĩ nhiên thời đó Dương Tử Quỳnh (Michelle Yeoh) hãy còn trẻ lắm và chưa quen khuyên người khác đừng bỏ cuộc đâu, nên người duy nhất thiết tha với Eric Adams chỉ có mỗi Joey DeMaio. “Thôi ông thu xếp hát cho băng demo của bọn tôi cũng được”. Băng demo với ca khúc “Battle Hymn” sau đó được gửi tới các hãng đĩa.
"Battle hymn", sự khởi đầu hoàn hảo cho Manowar và rất nhiều powet metal band khác
Tưởng như thế là xong với Eric Adams, nào ngờ vài ngày sau Joey DeMaio lại tới nhà đập cửa thông báo rằng, họ đã có hợp đồng ghi âm. Adams vẫn tiếp tục thoái thác vì vốn đã bị âm nhạc phụ bạc quá nhiều rồi. Chỉ đến khi DeMaio hỏi Adams có muốn mãi ngồi đó tiếc nuối và “giá như”, hay cứ thử đâm lao khi đã không còn gì để mất, Eric Adams đã nhận lời.
Tay trống Donnie Hamzik là người cuối cùng tham gia ban nhạc, và thế là Manowar cho ra album đầu tay của họ, Battle Hymn năm 1982.
Nhưng cả Eric Adams lẫn Joey DeMaio có lẽ không phải là những người nổi bật nhất trong album đầu tay này, dù cho phần hát cao chói vói trong ca khúc mang tên album, “Battle Hymn”, có lẽ đã khiến cho khối người phải nhớ tới Ian Gillan của Deep Purple. Tay guitar Ross Friedman mới chính là “The Boss” của ban nhạc, và album Battle Hymn có lẽ là nơi The Boss có thể thỏa lòng giãi bày trên cây guitar của mình khi thoát ra khỏi chiếc áo nhạc Punk. The Boss luôn khiến tôi liên tưởng tới Tommy Iommi của Black Sabbath, với khả năng chơi riff lẫn solo đều xuất sắc và luôn biết cách “làm đầy” cho phần nhạc trong một band chỉ chơi với một cây guitar. Với rất nhiều bài được dựng trên cơ sở 12-bar Blues thông dụng thời đó, cùng với ảnh hưởng rõ rệt từ Black Sabbath, những câu riff của The Boss đã tạo nên một thứ nhịp điệu trùng điệp không thể lẫn vào đâu. Nó không quá chậm như Black Sabbath - thứ lúc này đã trở nên lỗi thời - và cũng không quá nhanh như NWOBHM, thứ lúc này hãy còn đang chưa thông dụng. Khả năng chơi rhythm đầy nhịp điệu của The Boss cùng sự hợp tác tuyệt vời trên giàn trống và bass của hai người đồng đội đã tạo ra thứ âm nhạc hừng hực đặc trưng của Manowar. Ca khúc “Battle Hymn”, với tiếng hát giai điệu hòa vào nhịp quân hành của phần rhythm đã trở thành nền móng cho Manowar cũng như rất nhiều ban nhạc Heavy Metal sau này. Chứ sao, chỉ riêng việc cả một ban nhạc chơi mạnh mẽ trên cùng một tiết tấu hành quân đã là thứ nghe thật kim loại lắm rồi.
Với đầu óc marketing tinh tường của mình, Joey DeMaio quyết định đẩy hình ảnh “kiếm hiệp” của ban nhạc lên một tầm cao mới. Họ ký hợp đồng với hãng đĩa bằng máu và vặn dần volume trong các buổi biểu diễn của họ lên thật lớn, tới mức vào năm 1984, Manowar đã từng ghi tên mình vào sách kỷ lục Guinness khi trở thành ban nhạc chơi live ồn nhất trong lịch sử, danh hiệu mà tự họ đã phá thêm vài lần sau đó.
Tiếng trống rền vang đặc trưng của Scott Columbus
Nhưng trước mắt, Manowar tìm ra được tay trống Scott Columbus để thay cho Donnie Hamzik, người vốn không khoái đi lưu diễn dài ngày. Scott Columbus có lẽ nổi tiếng nhất về khả năng chơi trống mạnh mẽ cua mình, tới mức sau vài lần đập vỡ trống, anh đã phải tự thửa riêng cho mình bộ trống bằng thép. Nói như vậy xem ra cũng không công bằng lắm với khả năng chơi trống khi cần tinh tế của Columbus, bởi vì những track hoành tráng như “Hail and Kill”, tiếng trống rền vang trong những đoạn nhạc sâu lắng thực sự đem lại chiều sâu cho bản nhạc, thứ mà Joey DeMaio dù rất cố gắng sau này khi thu lại 5 album thời thập niên 80s đã không thể tái hiện lại được. Không thể đổ lỗi cho công nghệ là thứ mà Joey DeMaio không thể kém cạnh ở thời nay, nên xem ra sự kỳ diệu trong những cú chạm trên mặt trống của Manowar thời đó đều đến từ đôi tay của Scott Columbus.
Bản thu lại "Hail and Kill" xem ra không giàu cảm xúc bằng bản gốc
Nhưng khoan hãy tập trung tới việc Joey DeMaio rắp tâm thu lại 5 album của Manowar thời 80s, bởi trước mắt thì Joey DeMaio dường như cũng đã tìm được cách chơi ưng ý với cây Piccolo bass của mình để hợp với Columbus và The Boss thành bộ ba chơi rhythm đầy chặt chẽ. Nói gì thì nói, cây đàn Piccolo bass của Joey DeMaio xem ra gây tò mò với người xem nhiều hơn là tạo ra được hiệu ứng kết nối như một cây đàn bass kiểu truyền thống. Điểm đặc biệt của cây bass này là nó sử dụng dây đàn nhỏ hơn và được căn ở cùng cao độ với guitar. Cần đàn cũng hẹp hơn những cây bass truyền thống và action thì thấp như một cây đàn guitar, khiến cho người chơi có thể tăng tốc cũng như chơi hợp âm như một tay guitar rhythm thứ hai phía sau lead guitar. Khá giống như cách mà Lemmy chơi đúng không?
Dù gì thì đó cũng là cách Manowar tạo ra âm thanh đặc trưng cho riêng mình. Hãy mở âm lượng lên thật lớn, đắm mình vào trong lời lẽ đầy sự hoang đường được nhấn nhá trong từng câu chữ một cách đầy chủ ý. Tôi tin chắc bạn dù muốn hay không cũng không thể giữ cái đầu và cổ của mình ở yên vị trí.
Manowar bườc vào thời kỳ với đội hình được coi là kinh điển của họ và liên tiếp cho ra Into Glory Rides (1983), Hail To England (1984), Sign of the Hammer (1984), Fighting the World (1987), và Kings of Metal (1988), cái sau được sản xuất hay hơn cái trước và liên tục bám chặt lấy hình ảnh mà họ dày công xây dựng, dù rằng có đôi lúc cái hình tượng “kings of metal” của họ nghe có vẻ không biết lượng sức và mang nhiều tính kịch nghệ hơn là phản ánh khả năng chơi nhạc của Manowar.
Và mỉa mai thay, những người vốn tự xưng là anh em Kim Loại Nặng bỗng nhiên chia tay nhau không lâu sau khi bắt đầu tour lưu diễn kéo dài tới 3 năm cho album Kings of Metal, album bán tốt nhất của họ lúc đó. Không biết có phải vì Joey DeMaio quá tự tin với khả năng cầm trịch của mình với cánh tay phải có giọng hát độc nhất vô nhị Eric Adams hay không, mà The Boss đã bị sa thải khỏi ban nhac do anh cùng lập ra mà không có lý do cụ thể. Tay trống Columbus cũng rời nhóm sau đó, và mặc dù với rất nhiều sự kết hợp khác nhau trong phần chơi guitar và trống, Manowar sau đó chỉ có một vài dấu ấn nhạt nhòa ở giai đoạn không có hai anh này, chẳng hạn như bản trường ca “Achilles, Agony and Ectasy” hoặc những bản ballad mua nước mắt thường thấy trong các album sau này.
Sau khi Ross The Boss ra di, Manowar như lạc lối. Phần rhythm guitar sau này thường không còn xuất hiện những câu riff đáng nhớ như thời của Battle Hymn hay Hai To England, mà thay vào đó chỉ là tiếng guitar băm chặt phừng phừng, thứ âm thanh mà có lẽ Joey DeMaio cũng có thể tự tạo ra được trên cây Piccolo bass của mình. Phần rhythm của Manowar bỗng trở nên bình thường như bao ban nhạc Power Metal khác, dù rằng Manowar vẫn không ngừng kiếm thêm được fan từ những bản Power Ballad hoành tráng, nơi phần nhạc có lẽ không còn quá quan trọng để nhường chỗ cho phần lời như một vở kịch mua nước mắt. Có lẽ nào, những gã trai ưa truyện kiếm hiệp và trò chơi huynh đệ ít nhiều đều tìm tới những bản ballad của Manowar để được chạm tới nội tâm dễ tổn thương, ẩn giấu sau vẻ bề ngoài mạnh mẽ của một headbanger?
Phần rhythm guitar của Manowar trở nên đơn điệu sau khi The Boss ra đi
Setlist trong các buổi biểu diễn của Manowar có lẽ cũng là thứ giữ chân được các fan của họ, vì dù rằng các album của Manowar nghe đã không còn cháy như trước, setlist của họ vẫn đúng nghĩa là màn trình diễn của những ca khúc Best of. Sức cống hiến của Manowar cho các fan hâm mộ có lẽ là thứ không ai có thể phủ nhận, và thậm chí họ còn lập nên một kỷ lục thế giới khác khi biểu diễn tới hơn 5 giờ đồng hồ ở Bulgaria, kỷ lục dành cho một show diễn live dài nhất.
Nếu như bạn bỏ lỡ, thì Manowar cũng đã thử chuyển sang chơi nhạc Metal với nhiều phần synth và giao hưởng vào đầu thập niên 2000s mà có vẻ cũng không ăn thua. Họ loay hoay tìm cách vay mượn các ý tưởng âm nhạc Châu Âu từ dân ca Bắc Âu cho đến những ca khúc Opera cổ truyền của người Ý. Họ tìm cách thu âm các bản single mới của họ bằng nhiều thứ ngôn ngữ ở Châu Âu, nơi vẫn được coi là chiến địa quan trọng nhất của họ. Những màn hục hặc nội bộ sau đó chỉ khiến cho tay trống kỳ cựu Scott Columbus lại bỏ ra đi vào năm 2008 sau khi cố gắng quay lại chơi cùng band ở nửa sau thập niên 90s. Anh này tự sát vào năm 2011 vì lý do trầm cảm.
Nhưng ballad thì vẫn lấy được nhiều nước mắt
Tệ hơn cả, Manowar loay hoay dành thêm chục năm gần đây để thu âm lại 5 album thời thập niên 80s của họ (trừ Fighting the World). Người thì cho rằng họ làm thế để Joey DeMaio có thể toàn quyền sở hữu âm nhạc của mình dưới nhãn đĩa Magic Circle của anh được lập ra năm 2005 – giống như cách Taylor Swift làm với album của mình. Kẻ thì cho rằng Manowar muốn chứng minh rằng họ có thể tạo ra những âm thanh còn hay hơn trước với đội ngũ hiện có. EmoodziK thì chỉ biết lắc đầu thôi, các anh đã không còn là những con người tài năng may mắn được ở chung trong một phòng thu tại thời điểm đó.
Mặc dù những album thời cũ như Into Glory Ride hay Hail To England được sản xuất không quá kỹ lưỡng và có rất nhiều tạp âm, sự chặt chẽ trong lối chơi của ba cây chơi nhạc, đặc biệt là sức sáng tạo khó lường từ tiếng guitar của The Boss cùng tiếng trống nện mạnh chát chúa của Columbus đã khiến cho những album này có cái sự hừng hực hoang dã khó tả. Trong các album được ghi âm lại sau này của Manowar, dù rằng tiếng guitar của Karl Logan cũng khá ổn, phần trống của Donnie Hamzik chơi có lẽ không đủ mạnh mẽ và nhiều không gian như Columbus, còn Eric Adams dường như cũng không còn hát với tất cả trái tim mình nữa rồi.
Lịch sử âm nhạc đã chứng kiến qua nhiều sự kỳ diệu được tạo ra chỉ khi có những con người nhất định chơi nhạc cùng với nhau ở tại một thời điểm nhất định. Có lẽ đó là lý do ít người muốn thu lại toàn bộ album của mình khi thời điểm đã không còn phù hợp.
Ngạc nhiên thay, Ross The Boss và ban nhạc mới của anh với những vị trí chơi nhạc còn lại đều là những người không quá nổi tiếng, lại vẫn tạo ra được những khoảnh khắc bùng cháy diệu kỳ trong những album của họ gần đây. Không biết bằng cách nào mà The Boss có thể khiến cho Marc Lopes, ca sĩ hầu như không có tên tuổi có thể hát như lên đồng y như cách của Eric Adams thời trẻ, và các tay chơi nhạc trong studio bỗng có thể chơi rhythm tuyệt hay xung quanh anh. Những bài cover lại nhạc của Manowar lác đác trong mấy album của Ross The Boss dường như nghe cũng sống động hơn và được tiết chế vừa đủ như những bonus track cho album nhạc của anh thêm phần hoài niệm.
Ross The Boss vẫn tiếp làm ra nhiều nhạc thú vị với band của mình
Xem ra có vài người luôn biết cách làm giàu từ nhạc Rock nặng, nhưng có lẽ thu lại album của chính mình để bán không phải là một cách hay.
Hẹn gặp lại!
Kcid
Band duy nhất tuyển dụng gymer 😎
Các bác làm SEO tốt quá, cài cắm từ khoá Dương Tử Quỳnh mấy nay đang headlines haha