top of page

Bức tranh trừu tượng của MF DOOM

..BỤP.. CHÁT … BỤP .. CHÁT BỤP … CHÁT.. BỤP…


Quanh quanh một ngày đầu năm 2000, hôm đó là bữa tiệc phát hành album Voodoo của D’Angelo, Mos Def ngồi trên chiếc xe van mới tiến tới phía tôi, nhạc bật thình thịch. Gã kéo cửa sổ xuống và bảo “Yo, bác vào xe ngay với em”. Trong khi tôi và Mark Ronson đang làm DJ cho buổi tiệc. Biết điều đó, nhưng Def vẫn giả vờ điếc nói tiếp “Không. Bác phải vào đây. Em có chuyện muốn nói”. Nể lời, tôi chuẩn bị tinh thần cho một chuyện tối quan trọng, thì hóa ra Def thao thao bất tuyệt về một rapper nghệ danh MF DOOM. Gã tuôn một tràng không ngừng phải đến 40 phút, như thể đang giảng bài cải đạo cho tôi sang một tôn giáo mới. “Bác có nhìn ra món quà ân huệ từ “Operation: Doomsday” (album đầu tay của DOOM phát hành mới vài tháng trước đó) không?



Lúc đó tôi đã nghe đĩa của DOOM. Nhưng vào lúc ấy, ấn tượng của tôi chỉ là lần bật lướt qua và vì phần beat khá trúc trắc, nên tôi cũng không có ý định chơi nhạc này ở buổi DJ. Không có gì đọng lại.

Nhưng Def không tha tôi. Gã lại tiếp tục tuôn những tràng lời rap trong đĩa đó. Thuộc làu chúng như thể mạng sống của cả gã và tôi phụ thuộc vào mấy câu thần chú đó. Rồi Def bắt tôi nghe đi nghe lại “Rhymes Like Dimes” đến 3 lần liền. Với Def, gã muốn tôi nhận ra một điều là nhạc của DOOM là thứ hàng thượng hạng phê lòi tĩ nhất lúc bấy giờ. Rồi gã cứ thế phân tích mổ xẻ từng đoạn lời…

…cho đến khi tôi bắt đầu ngấm chúng...


***

Câu chuyện trên được Questlove – drummer của ban nhạc hip hop The Roots kể về lần anh gặp rapper Mos Def (bấy giờ được biết với cái tên Yasiin Bey) và được “dắt tay” đến với nhạc của MF DOOM. Phải mãi đến khi cái tin bất ngờ về sự ra đi đột ngột không rõ nguyên nhân từ người nhà anh, thì Questlove mới ngấm hơn âm nhạc của DOOM, và hiểu được làm sao mà Def lại tôn thờ và thuộc lời Rap của DOOM đến vậy.

Với tôi, lần đầu được nghe DOOM rap là trong bài “November Has Come”, một trong top 3 track tôi thích nhất ở đĩa Demon Days của Gorillaz, và có lẽ cũng là một trong số ít các track mainstream nhất mà anh rapper underground này tham gia.

Trên nền beat tempo chỉ có 84 BPM (84 beat mỗi phút), bài này thuộc hạng chậm hơn rất nhiều các bài Hip Hop khác (đa phần 85-110 BPM). Đã thế nhịp điệu của DOOM bắt đầu cũng chậm rãi bằng mấy nốt móc đơn. Nhưng nó lại cuốn một cách kỳ diệu tạo nên bởi các âm điệu được tạo đồng âm gieo vần đến dày đặc.


Thường ở các bài viết khác, tôi sẽ chỉ đánh dấu một số chỗ gieo vần của người nghệ sĩ hát rap, nhưng với MF DOOM, cách hiệu quả nhất để thể hiện sự gắn kết ở âm điệu này được thể hiện bằng các màu sắc. Mỗi màu đại diện một âm và độ dày của nó tạo ra đoạn verse rap đa màu sắc theo đúng nghĩa đen.

Slow it down some, no split, clown bum

Your gold hits sound dumb, hold it now, crown 'em

Where you found them at?

Got 'em 'round town, could've drowned in it

Would have floated, bloated, voted

Sugar-coated, loaded hip shooter

Draw for the poor, free coffee at the banks

Hit through the straw, none more for me, thanks

That blanks the raw, that dank sure stank lit

Sank past the pit for more hardcore prank spit

Crank it on blast, roll past Front Street

Blew the whole spot like some old ass with skunk meat

These kids is too fast, juiced off a junk treat

Who could get looser off a crunk or a funk beat?”

Theo nghiên cứu và thống kê của RapMetrics (https://genius.com/posts/63-Introducing-rapmetricstm-the-birth-of-statistical-analysis-of-rap-lyrics), MF DOOM đứng đầu tất cả các rapper khác về mật độ gieo vần. Con số đó là 0,44 so với Cam’ron (0,41), Big Pun (0,40), Eminem (0,38) và Fabolous (0,36). Như vậy là với DOOM, tỷ lệ tương đồng về âm là 44%, nghĩa là cứ 2 âm tiết là gần như chắc chắn có 1 âm tiết là vần của một âm gần đó.

Không chỉ vậy, qua các màu sắc thể hiện âm điệu ở trên, có những chuỗi màu được lặp lại trình tự là cách phô diễn kỹ thuật thượng hạng của DOOM khi lặp vần đa âm. Ví dụ 4 âm ở “slow / it / down / some” với “no / split / clown bum” với “gold / hits / sound / dumb” và “hold / it / now, crown / ‘em

Nhờ vậy kể cả lời rap chậm rãi như đọc với kiểu giọng trầm đều đều, flow của DOOM vẫn bắt tai như các câu rap nhanh tốc độ gấp đôi của các “chopper” bắn tỉa, nhờ sự gắn kết âm điệu chặt chẽ như những sợi dây thừng cuốn lấy nhau.

Vậy nhưng ý nghĩa của đoạn rap trên là gì?

Theo như cách giải thích của trang RapGenius (giờ được biết đến là Genius), DOOM chê bai chất lượng nhạc trên các bảng xếp hạng ngày một xuống cấp. Từ ý đó tôi hiểu nôm na điều anh muốn nói là:

Chậm lại, đừng làm trò hề / Các bản hit của mày nghe ngớ ngẩn lắm mà sao lại được tôn vinh / Mày tìm những bài đó ở đâu? / Phải chăng ở khu phố mà có đầy rẫy những bài như vầy / …. / Chúng không khác gì đồ café miễn phí tại quầy ngân hàng / Mà tao chỉ rít một lần là quá đủ

Rồi, nhưng sau đó những câu “That blanks the raw, that dank sure stank lit / Sank past the pit for more hardcore prank spit” trở về sau là tôi tịt ngóm.

Vấn đề là thế này. Như anh Martin Connor và trang web rapanalysis.com có phân tích rất hay, anh có đề cập tới một khái niệm là “Rào cản về âm vần” (Rhyme Barrier). Nó là sự hạn chế đương nhiên trong việc lựa chọn từ đối với một rapper khi anh ta sử dụng một từ. Khi bắt đầu thì anh ta có thể rap từ gì cũng được, nhưng một khi một hoặc vài trong số các từ đó được chọn để gieo vần, là ngay lập tức, bộ từ ngữ lựa chọn sau đó sẽ có bị một ranh giới bao quanh, một “Rào cản về âm vần”. Lúc này đây, một lựa chọn phải đưa ra, anh gieo vần phức tạp được bao lâu khi vẫn theo sát chủ đề hay anh phải hy sinh một trong hai thứ.


Với MF DOOM, anh sẽ chọn lối gieo vần phức tạp và ranh giới của chủ đề anh rap sẽ không còn quá rõ nét. Vì vậy lời rap của DOOM rất khó theo dõi và hiểu hết ý tứ trong phần lyrics của anh. Thậm chí với những người nói tiếng Anh bản địa, họ phải thốt lên là DOOM rap bằng các mã code mà không có bộ dịch thuật nào áp dụng được cho các bài của anh.

Đó là lý do mà đến Questlove, một nghệ sĩ da màu sinh ra trong cái nôi Hip Hop, chơi trống cho ban nhạc Hip Hop vĩ đại The Roots với anh đồng nghiệp Black Thought có khả năng rap cực siêu, vẫn phải vật lộn trong việc tiếp cận và hiểu được MF DOOM. Còn với Mos Def, một rapper đầy tài năng, lại mê mệt anh DOOM đến mức sùng bái. Đó là vì Def có thể hiểu nhiều và sâu những lời rap của DOOM.

Quay lại với bản rap “Rhymes Like Dimes” mà Def nhất quyết đòi Questlove phải nghe đi nghe lại 3 lần, đoạn verse thứ 2 như sau:

Better rhymes make for better songs, it matters not

If you got a lot of what it takes just to get along

Surrender now or suffer serious setbacks

Got get-back, connects wet-back, get stacks

Even if you gots to get jet-black, head to toe

To get the dough, battle for bottles of Mo' or 'dro

This fly flow take practice like Tae Bo with Billy Blanks

"Oh, you're too kind!" "Really? Thanks!"

To the gone and lost forever like "Oh My Darling Clementine"

He hold his heart when he telling rhyme

When it's his time, I hope his soul go to Heaven

He nasty like the old time Old No. 7

You still taste it when you chase it with the Coca-Cola

Make 'em wish they could erase it out the Motorola

I told her, "No credit for a bag

If you want what they got, then go get it, it's all gack"

Only in America could you find a way to earn a healthy buck

And still keep your attitude on self-destruct


Tôi đã đọc đi đọc lại đoạn lời cả chục lần, chứ không phải mỗi 3 lần, mà vẫn chỉ hiểu 4 cầu đầu có ý nôm na là lời bài Rap với những âm vần hay ắt sẽ tạo những bản nhạc hay, chứ không phải cứ bỏ tiền vào là có được sản phẩm chất lượng. Và những kẻ cạnh tranh với DOOM nên xem chừng mà đầu hàng ngay không sẽ còn bị anh đẩy lùi về phía sau. Hết!

Với tiếng Anh hạn chế, ở những đoạn lời sau tôi có đọc phần giải thích của trang Genius cũng không hiểu được nội dung tiếp tục diễn biến thế nào.

Nếu như trước đây, những rapper có phần lyrics nhiều từ lóng “chuyên ngành” như Pusha-T và ông anh trai trong Clipse chỉ cần chịu khó đọc và tra từ điển tiếng lóng Urban Dictionary kết hợp trang Genius là vỡ ra nội dung, hay những anh rapper “thâm nho” như Lupe Fiasco với phần lời đến 2-3 lớp lang về nghĩa, thì chỉ cần đào sâu chút là hiểu ra anh định nói gì.


Với các rapper khác, nội dung của họ xoay quay chủ đề mang tính thương mại như gái gú, tiền bạc, xe cộ, hoặc chuyên môn hơn với buôn “mai thúy”, hay “tự hào” về đẳng cấp ở lời rap của bản thân, hoặc cao siêu hơn ở những chủ đề xã hội. Chỉ cần thế, một khi nắm được chủ đề là ta đã có bộ dịch mã code để phân tích lời của họ.

Nhưng với DOOM, ta không có bộ dịch mã chuẩn. Anh rap bằng những câu đố cho người nghe đi tìm lời giải. Chúng bí ẩn như chính bản thân anh.


Anh lựa chọn nhân cách với cái tên là MF DOOM (Metal Face Doom) cùng chiếc mặt nạ sắt che khuôn mặt thật đầy bí ẩn. Từ đó anh không bao giờ lộ mặt trước công chúng mỗi lần lưu diễn. Thậm chí, anh còn được thể cử những kẻ “mạo danh” đi diễn hay trả lời phỏng vấn thay anh vì không ai nhìn được khuôn mặt đằng sau chiếc mặt nạ sắt đó. Như nhân vật phản diện Dr. Doom của Marvel mà anh lấy cảm hứng, những hành động gây tranh cãi và tức giận với người hâm mộ chỉ càng làm DOOM thấy khoái chí hơn.

Ngoài MF DOOM, anh còn sử dụng nghệ danh Metal Fingers (cũng từ từ MF mà ra) khi sản xuất nhạc, hay nghệ danh King GeedorahViktor Vaughn trong nhiều sản phẩm album nhạc khác nhau.



Là một tay nerd đọc rất nhiều sách báo, những cái tên, những liên tưởng yếu tố văn hoá Mỹ và Anh quá đa dạng trong lời rap của DOOM là cản trở lớn tới người nghe là người nước ngoài như tôi, chưa kể tới chính việc anh ưu tiên những âm gieo vần phức tạp, làm nội dung lời rap của anh trở nên trừu tượng hơn bao giờ hết.

Thế nên tôi mới nghĩ lại, rằng thực ra khi nghe các album của anh, từ Operation: Doomsday, MM…FOOD, đến Madvillainy, BORN LIKE THIS, hay Vaudeville Villain, Take Me To Your Leader, đều có những track hay ho kỳ lạ, dù chẳng hiểu anh rap về cái gì, kể cả có xem lyrics cùng đi chăng nữa.


Tỉ dụ như khi nhìn đoạn phân tích âm vần của bài “Figaro” do một người hâm mộ trên mạng Internet tô trong hình bên trên, thay vì phóng to hình để đọc từng chữ, tôi chợt nhận ra khi mình đứng lùi ra xa, những mảng màu khác nhau đó cuốn với nhau tạo nên một bức tranh, tương tự như những tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ tranh trừu tượng Jackson Pollock vậy.


Chính lối gieo vần phức tạp nhất của MF DOOM mà không rapper nào đọ được lại vẽ lên bức tranh trừu tượng của các âm sắc từ ngữ. Chúng khó hiểu với nhiều người, nhưng đối với ai đã thẩm thấu được thì bức tranh đó sẽ tự động bóc tách ra nhiều lớp hình ý nghĩa đan xen.

Vậy đó, với nhạc của MF DOOM có khi chả cần hiểu gì nhiều. Cứ cảm nhận thôi.


Bởi lẽ lời rap của anh vẫn còn nhiều sự bí ẩn như chính nhân vật và con người thực, như cả cuộc đời của anh, như cả cái chết bất ngờ mà không một ai biết cho đến khi người nhà anh thông báo với báo chí đến tận 2 tháng sau đó.

Ngày DOOM mất vào đúng ngày Halloween 31/10, trùng hợp với một “kẻ phản diện” như anh. Và trùng hợp như bài “November Has Come” của Gorillaz với MF DOOM có đoạn:

Well you know, November has come

When it's gone away

Với nhiều người yêu và hiểu hết nhạc của DOOM (như Mos Def), tháng 11 có lẽ chưa bao giờ đến sau cái ngày anh ra đi.

RIP Daniel Dumile (31.10.2020)


***

Hẹn gặp lại!

Kunt

1,163 views
bottom of page