Có hai sự kiên nhẫn trong nghe nhạc mà tôi muốn nói tới ở bài viết này, đó là với một bài nhạc mới và với một nghệ sĩ mới.
Trong bài báo trên DailyMail ngày 24 tháng 12 năm 2020 có nói rằng thời lượng các bài hát sẽ ngày một ngắn hơn bởi khoảng thời gian tập trung của thế hệ trẻ đã giảm tới 33% từ năm 2000 trở lại đây. Đại loại như người nghe nhạc trước đây giành trung bình 12 giây để nghe một bài nhạc mới trước khi quyết định skip bài hay không thì bây giờ thời gian đó chỉ còn 8 giây.
Điểm này cá nhân tôi nghĩ phần nhiều do sự ảnh hưởng của công nghệ. Nếu như trước kia ông cha chúng ta (nếu có điều kiện) mà có máy nghe đĩa than ở nhà thì kiểu gì cũng phải bật hết đĩa từ đầu tới cuối. Thứ nhất là mua đĩa nó đắt, thứ hai là không có nút skip bài. Đến thời băng cát xét và đĩa CD, thứ công cụ mà người nghe nhạc thế hệ sau như bọn tôi cũng vẫn giành thời gian dài để nghiền ngẫm hơn dù không bằng thời cha chú nhờ cái nút tua bài thần kỳ. Lý do cho việc nghe nhạc kỹ thời đó là vì tiếc tiền mua đĩa, và nếu muốn nghe nhạc mới khác thì lại phải chờ tiết kiệm đủ tiền mua thêm nhạc mới. Cho nên tóm lại là mua mâm phải đâm cho thủng. Các bản cát xét tua đi tua lại đến rối cả cuộn băng hay đĩa CD lôi ra cất vào với đầy vết xước.
Với sự thiếu thốn về điều kiện tài chính và công nghệ, cũng dễ hiểu sao độ tập trung thời đó dài hơn bây giờ.
Với nền tảng streaming trên Spotify, Tidal và xem video trên kênh Youtube ở thời đại này, người nghe nhạc có thể lựa chọn dễ dàng và thay đổi nhạc cũng dễ dàng và không tốn kém, đối với mọi thế hệ.
Với người nghệ sĩ, tiền bản quyền của họ trên nền tảng như Spotify chỉ được tính khi người nghe nghe được quá 30 giây. Cho nên ở thời đại doanh thu bán nhạc chủ yếu qua streaming (hơn 80% tại Mỹ), thì những gì diễn ra về mặt âm thanh trong 30 giây nhạc đầu tiên này vô cùng quan trọng, đấy là chưa nói đến con số 8 giây của khả năng tập trung người nghe với một bài hát mới. (Giờ tôi mới thấy ông sản xuất nhạc Max Martin nhìn xa trông rộng ra sao với công thức điệp khúc xuất hiện phải trước 40 giây từ những thập niên 90 và 2000).
Ấy thế mà ở thời đại con người ta sống vội như vậy, vẫn có những nghệ sĩ lại đi ngược hoàn toàn các kết quả nghiên cứu khoa học này.
Michael Kiwanuka là một ví dụ.
Bài đầu tiên tôi nghe của Michael là “Cold Little Heart” bản thu âm live trên kênh youtube của anh.
Và như đoạn đầu của video này, các bạn có thể đi pha cốc café rồi nghe thử vì thời lượng bài này lên tới 12 phút đấy.
Tiếng đàn keyboard mở đầu đơn độc kéo dài đến 1 phút 42 giây thì tiếng đàn guitar điện chậm rãi chơi một nốt một mới bắt đầu xuất hiện. Tiếng guitar slide của Michael cứ từ từ chơi cùng keyboard phải đến 3 phút 36 giây thì mới có thêm tiếng hát phụ của dàn tam ca vào, rồi một chút bass. Và phải đến 4 phút 11 giây thì tiếng trống mới fill in vào cùng.
Thời gian này đủ để con người ta nghe hết hơn một bài của nghệ sĩ khác. Hoặc với tốc độ skip bài 8 giây nhanh như chớp thì ta thừa thời gian để lướt qua cả 1 album nhạc hoàn chỉnh.
Đến giây phút này của bài “Cold Little Heart”, tiếng guitar bluesy của Michael vẫn tiếp tục níu kéo người nghe bằng âm thanh ngọt lịm.
Nhưng mà bạn biết không, phải đến 6 phút 25 giây, bài hát mới thực sự vào phần chính và đến 6 phút 59 giây, chất giọng soulful tình cảm của Michael mới cất lên.
Có quá nhiều yếu tố phản thương mại (hay thậm chí phản khoa học như bài báo trích dẫn trên) để bài này ít được biết đến rộng rãi vì sự “dài dòng”.
Nhưng như một số người nói, thứ âm nhạc đẹp không chỉ nằm ở những nốt nhạc được chơi mà còn cả ở những nốt nhạc không được đánh. Cái chậm rãi khúc đầu của bài “Cold Little Heart” này có sự tương đồng với nhạc Pink Floyd và Dire Straits. Michael đã khéo léo đưa sự ảnh hưởng này kết hợp với giai điệu đầy chất Soul về sau tạo một bản nhạc tuyệt đẹp như để thưởng cho những ai đủ kiên nhẫn nghe nhạc của anh.
Trong album Love & Hate (2016) mà ca khúc “dài dòng” “Cold Little Heart” này được để ngay đầu bài, nó là một sự thách thức với người nghe nhạc ở thời đại công nghệ này. Sau đĩa đầu tay Home Again (2012) với một loạt những giai điệu tình cảm mang ảnh hưởng của huyền thoại Bill Withers qua những bài “I’m Getting Ready”, “Rest”, “Home Again”, “Always Waiting” với thời lượng hợp lý quanh quanh 3-4 phút, album Love & Hate bắt đầu được đẩy xa hơn khỏi vòng an toàn bằng cách phối nhạc dài và phức tạp hơn dưới bàn tay của nhà sản xuất nhạc Danger Mouse và Inflo. Ngoài bài “Cold”, có hai bài khác dài hơn 7 phút và còn lại thì từ 4-5 phút. Phần sản xuất tập trung tôn tiếng guitar điện cũng như kỹ thuật chơi của Michael vào để làm tương phản với chất giọng mượt mà đầy tình cảm của anh, kèm thêm các nhạc cụ bộ strings, kèn saxophone, trumpet, sáo và tiếng vỗ tay. Nhờ vậy không chỉ bài “Cold Little Heart”, album này có loạt ca khúc “Love & Hate”, “Black Man In A White World”, “Falling”, “One More Night” đều thuộc hàng xuất sắc.
Thế nên không khó hiểu cho việc cả hai album đầu tay được đề cử giải Mercury Prize danh giá của nước Anh. Nhưng cả hai lần này Michael đều trượt giải. Chỉ đến lần thứ ba đề cử cho album thứ ba KIWANUKA (2019) thì Michael mới được ẵm giải thưởng mà anh luôn xứng đáng được trao cho các tác phẩm âm nhạc đáng trân trọng.
Cái hay ở album thứ ba này nằm ở tên album.
Nếu các bạn để ý thì tôi rất ngại nhắc đến tên anh đầy đủ vì nghe nhạc anh mấy lâu nay, tôi vẫn luôn đánh vần sai họ Kiwanuka, bắt nguồn từ gốc gác đất nước Uganda của cha mẹ anh. Sinh ra và lớn lên tại Anh Quốc, Michael theo đuổi sự nghiệp âm nhạc với một đam mê khá viển vông cho một chàng trai thiếu tự tin như anh. Đáng nhẽ Michael chỉ làm vai phụ cho các nghệ sĩ như Adele thì anh lại chuyển hướng sự nghiệp âm nhạc cho riêng mình. Những bài hát mà Michael sáng tác với dự định để bán cho các nghệ sĩ khác thì được người quen xung quanh khuyên anh dùng cho dự án solo bởi chúng hợp với giọng ca của anh hơn cả.
Đáng nhẽ khi ra thị trường, anh nên có một cái nghệ danh dễ đọc dễ nhớ hơn (như Elton John có tên thật rất khó nhớ là Reginald Kenneth Dwight) thì anh lại giữ nguyên Kiwanuka bằng cả sự tự hào quê hương Uganda.
Thế nên để nói là người yêu nhạc tìm đến nhạc của anh, thì họ phải rất kiên nhẫn, không chỉ để nghe hết thời lượng bài “Cold Little Hearts” kể trên, mà còn để nhớ được cái tên dài và lạ này.
Nhưng một lần nữa, sự kiên nhẫn cho những ai biết tới nhạc của Michael lại được đền đáp xứng đáng khi thưởng thức album thứ ba tuyệt hay KIWANUKA đó.
Ở bản diễn live bài “Solid Ground”, thời lượng ngắn đi nhiều chỉ khoảng 4 phút 45 giây, nhưng đoạn intro khá dài và đến giây thứ 45 thì tiếng đàn keyboard của Michael mới cất lên buồn bã. Đến giây thứ 60, giọng anh mới được hát vang, và đến 2 phút 25 giây, bộ tứ đàn dây mới vào nhạc cùng. Chỉ có vậy, không có trống hay nhạc cụ khác. Nếu ai đó chờ đợi một đoạn cao trào của điệp khúc như công thức của Max Martin thì không hề có đâu. Bởi những bài nhạc của Michael Kiwanuka ở album này lại do anh sáng tác và sản xuất bởi Danger Mouse và Inflo.
Cái cao trào ở đây là cảm xúc ngọt lịm trong tiếng hát của Michael và giai điệu soulful dành cho những ai đủ kiên nhẫn, và trong tim đã sẵn có một tình yêu cho nhạc Soul.
Ngẫm lại nếu ngày tôi tình cờ nghe thử “Cold Little Hearts” trên Youtube đó mà lại trong trạng thái vội vã thì chắc không bao giờ tôi biết đến thứ nhạc đẹp như của Michael Kiwanuka. Chưa nói đến nút skip bài, nếu tôi có đủ tò mò để tua nhanh đến đoạn vào nhạc của cả band đi chăng nữa thì bài hát sẽ mất đi không khí được người nghệ sĩ cất công dựng lên cực kỳ quan trọng.
Bởi âm nhạc không chỉ hay ở những nốt nhạc được chơi mà đôi lúc còn ở cả những nốt chưa được đánh. Và nó giành cho những ai biết chờ đợi!
Hẹn gặp lại!
Kroon
Comments