top of page

Max Martin: nguy hiểm vãi!!!

Có lẽ không nhiều người để ý, Max Martin, tên thật Karl Martin Sandberg, nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất người Thụy Điển, là người có số lượng hit sáng tác đạt No 1 Billboard nhiều đứng thứ ba trong lịch sử, phía sau Paul McCartney và John Lennon giữ hai vị trí đầu. Trong vai trò nhà sản xuất, số ca khúc đi qua bàn tay gạt và vặn của Max mà đoạt No 1 cũng đứng số hai trong lịch sử, chỉ thua George Martin, nhà sản xuất lừng danh của The Beatles.


Max Martin chính là kẻ đi đầu của một cuộc xâm lăng thầm lặng của những nhà viết nhạc đến từ Scandinavi, với những nhạc sĩ như Stargate, Dr. Luke, hay Easter Dean, những người mà khán giả nghe nhạc sẽ hầu như chẳng bao giờ nhận ra, nhưng đứng sau thành công của những Taylor Swift, Katy Perry, Arianne Grande, Nicki Minaj, Weeknd, vân vân và vân vân. Tưởng tượng nếu như bạn đang ở trong trung tâm mua sắm, hay đang chém gió với bạn bè trong một quán cà phê hay nhà hàng giới trẻ, thì khả năng cực cao là chỗ đó đang mở nhạc của người trong nhóm này viết. Lợi hại vậy đó.


Bình sinh tôi không để ý lắm đến sự ảnh hưởng của mấy gã này. Một dạng “ồi, kệ mịa” quen thuộc. Nhưng rồi một ngày khi đứa cháu tôi qua chơi và đòi tôi mở “Thank You, next” với “Break up with your girl friend, I’m bored” của Arianna Grande, tôi ngạc nhiên vãi. Tất nhiên là lúc đấy con gái tôi, đứa còn nhỏ tuổi hơn đứa kia, vẫn đang say sưa hát theo “We are not gonna take it” với Twisted Sister trên loa.


“Bài đó trong top Billboard đó chú” – con cháu tôi tỏ vẻ sành sỏi trước cái mẹt “clgt” của tôi.


Một cảm giác ngán như cắn phải miếng thịt mỡ to bằng nắm tay cứ nhộn lên ở trong bụng tôi khi nghe mấy bài này của bọn trẻ. Và đến lượt sản phẩm đào tạo còn nhỏ tuổi của tôi quay ra và làm lại cái mẹt “clgt” y chang tôi vừa nãy.


Và còn một cảm giác còn ghê hơn miếng thịt mỡ vừa cắn, ấy là khi nghĩ đến việc, những đứa con của tôi sau này cũng lớn lên đến tuổi teen, và quay về nhà mở những thứ nhạc này cho tôi nghe với lời giải thích “Top billboard đó ba”.

22 cái no 1 của Max Martin (sưu tầm từ Wikipedia)

Nhưng trước khi tìm ra lời giải đáp cho tương lai, hãy thử nghiên cứu xem tại sao Max Martin và những người như gã lại thành công đến vậy.


Max Martin là ai?

Max Martin sinh năm 1971, người Thụy Điển. Không quá thành công dưới vai trò của một ca sĩ trong một vài Glam metal band của Thụy Điển, năm 1993, Max Martin đầu quân cho Cheiron Studio, khi thậm chí còn chưa biết nghề sản xuất âm nhạc là gì. Năm 1995, Cheiron Studio được hãng đĩa Zomba “outsource” cho việc sản xuất cho album đầu tay và cùng tên của Backstreet Boys (1996). Một loạt các hit đình đám có sự tham gia của Max Martin và gắn với thời thơ ấu của chúng ta đã leo cao trên các bảng xếp hạng: “Quit Playin’ Games”, “As long as you love me”, vân vân.

Bài hát đốn tim đây mà


Đảm nhiệm vai trò sáng tác chính cho Backstreets Boys trong Millenium, Max Martin chính là tác giả của “I Want It That Way” đình đám. Và sau đó là chuỗi No 1 với “Baby One More Time” (Britney Spears), “It’s Gonna Be Me” (Nsync) vào đầu thế kỷ 21. Đấy là chưa muốn kể đến “Oops I did it again”, “Lucky”, “You drive me crazy” của công chúa nhạc Pop. Tất cả đều có những câu riff đơn giản mà hiệu quả không ngờ, với phần trống như Rock n Roll, trong thời buổi nhạc Rock đang bế tắc.


Nhưng mãi đến năm 2008, Max Martin mới có No 1 tiếp theo với “I kiss a girl” (Katy Perry) và “So what” (Pink). Sau hơn 5 năm chiêm nghiệm, Max Martin đã tìm ra công thức chiến thắng cho nhạc Pop. Và từ “So What” đến nay, Max Martin có thêm 18 cái No 1 trong vai trò cả sáng tác lẫn sản xuất, đưa tổng số No 1 của anh lên đến con số 22. Tất cả các nghệ sĩ muốn nổi tiếng nhanh, có lẽ là đến trước cửa nhà Max Martin xếp hàng ngồi đợi. Bon Jovi (It’s my life), Maroon 5 (One more night), Def Leppard (Unbelievable), hay Adam Lambert (Whattaya want from me) cũng đã từng tìm đến gã để ra hit. Vậy công thức chiến thắng của Max Martin là gì?


Ca từ không quan trọng, chỉ là phụ cho giai điệu

Vốn đến từ Thụy điển, là đất nước rất chuộng âm nhạc giàu giai điệu, không quá khó hiểu khi Max Martin đi ra từ trường dạy viết giai điệu. Không chỉ thế, gã còn nghiệm ra thêm một điều nữa, ấy là hóa ra cả thế giới đều nói tiếng Anh, nhưng mà là “bad English”. Những từ ngữ gây phản cảm với người nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ như Anh và Mỹ, hóa ra lại chả xi nhê gì với người quốc tế.

Cứ làm nhạc melodic death thế này có phải hay không anh Max


Một lần khi Max ngồi nhà xem TV Mỹ, chương trình thời sự có bàn về sự bất bình của các bà mẹ về vụ rùm beng của hai đứa con gái hôn nhau. Các bà cho rằng những tin tức kiểu như vậy mà bọn trẻ nghe được từ báo đài chỉ tổ làm hư chúng. Nhưng ngược lại, Max chỉ nghĩ “trò này thật kích động”, và chả ai trên thế giới (ngoài mấy nước nói tiếng Anh mẹ đẻ) cảm thấy phản cảm khi nghe chữ “I kiss a girl” cả, chỉ thấy nó thật lạ lùng và sẽ hát theo ấy chứ.


Và thế là gã viết “I kiss a girl”, cùng với một ca sĩ mới chập chững đến phòng thu của Max lúc đó, Katy Perry.


Không dừng ở đó, có thể thấy đoạn điệp khúc “hô khẩu hiệu” là một câu gì đó rất lạ lùng trở thành thói quen của Max Martin, vì như gã diễn giải, với những người không nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, họ sẽ chỉ nghe giai điệu của đoạn verse là chính “blah blah blah”, và rồi thật tập trung trước khi, đùng, vào đoạn điệp khúc có câu chữ thật dễ nghe để hát theo. “Last Friday night” (Katy Perry), “my life would suck without you” (Kelly Clarkson), v.v.. cũng là những ca khúc no 1 đặc sệt phong cách như vậy. Chả ai quan tâm đoạn verse hát gì.


Có lẽ đó là lý do duy nhất tôi thấy nể suy nghĩ của Max Martin.


Nhạc đập thẳng vào mặt, không cần diễn giải lôi thôi

Gã giải thích là thời hiện đại, con người ta không có đủ kiên nhẫn cho đoạn dạo đầu dài dòng nữa. Lợi dụng thói quen của một đám đông để ép phần còn lại của khán giả vào một cái gu định trước. Chưa kể, khi các ca sĩ phải phụ thuộc vào Max Martin như vậy, gã sản xuất âm nhạc đại chúng dường như cho chính gã, chứ không phải để tôn tài năng của các nghệ sĩ. Thậm chí theo thống kê, các đoạn điệp khúc của các ca khúc hit mang nhãn Max Martin thường trung bình xuất hiện ở giây thứ 40 của bài hát. Có lời giải nhanh quá phải không?


Những máy sản xuất hit thời hiện đại không chỉ sản xuất ra bài hát, họ còn tạo ra cả nghệ sĩ. Nó khác hẳn cách của những nhà sản xuất tìm cách tôn âm nhạc của nghệ sĩ lên như Martin Birch (Black Sabbath, Blue Oyster Cult, Iron Maiden), hay Mutt Lange (AC/DC, Def Leppard, Bryan Adams). Nó cũng khác hẳn cách của những nhà viết nhạc như Jim Vallance (Bryan Adams, Aerosmith), Desmond Child (Bon Jovi, Aerosmith), hay Bernie Taupin (Elton John), những người chỉ nhận được thù lao cho bài họ viết nếu bài đó lên đĩa và bán được. Các nghệ sĩ thường trả trước tiền lên đến 5 6 chữ số cho thế hệ tác giả của Max Martin, vì đó là cái tên đã đảm bảo.

Marion Raven, một nửa của nhóm M2M hát Rock nhờ Max Martin


Tréo ngoe là những ai viết được ca khúc thì sẽ có tiền, nhưng những người viết bài hát lại thường ít người để ý. Hay quá, vậy đổi lại các nghệ sĩ có gì? Thoải mái cho tên mình vào credit bài hát, bởi vì luật bất thành văn trong ngành công nghiệp âm nhạc “change a word, get a third”. Chưa bao giờ khái niệm ca sĩ kiêm nghệ sĩ sáng tác lại trở nên đơn giản đến thế, nếu như nhìn lại rất nhiều ca sĩ nổi tiếng như Celine Dion hay Whitney Houston, dù cố gắng rất nhiều, những cũng không dám nhận mình ở vị trí như thế.


Và cái sự ràng buộc giữa nhạc sĩ và ca sĩ đó mới thật khó cưỡng lại. Chưa kể, sự thiếu kiên nhẫn của người nghe thời đại số ngày càng bị khai thác tối đa. Nếu như khi xưa những hãng đĩa lừng danh như Motown đã tìm ra công thức “chỉ cần một hook lọt tai là ta có một hit”, thì ngày nay, khán giả bị rơi vào ma trận của các đoạn hook lọt taiquên khuấy mất bài hát đang định làm gì. Jay Brown, cộng sự lâu năm ở hãng đĩa Rock Nation của Jay Z đã từng phát biểu “tốt nhất là có một hook ở đoạn intro, một hook ở đoạn pre, một hook ở đoạn điệp khúc, và một hook ở cả đoạn bridge nữa thì... càng tốt”. Mấy tay này thậm chí còn chỉ ra rằng khán giả ở thời hiện đại chỉ có đủ kiên nhẫn trong khoảng 7 đến 8 giây, và nếu không còn gì hấp dẫn họ sẽ vuốt điện thoại sang bài khác.


Và đây là điều tôi ghét nhì của Max Martin và những kẻ như gã.


Bậc thầy về điệp khúc 4 Gam

Trái ngược lại với sự hào hứng của những gã nghe nhạc như chúng tôi, với những ca khúc có kiểu hòa âm phức tạp, những đoạn đổi nhịp hay tiết tấu hay chơi ở nhịp lẻ, những câu dạo đầu mênh mang, rồi cả những âm thanh phức tạp của prog music, công thức của Max Martin luôn tìm cách tạo ra sự “quen thuộc” trong bài hát.


Vì thế các bài hit của gã thường có đoạn điệp khúc xoay quanh kiểu nhạc chơi 4 Gam (thường là gam trưởng ở hợp âm số I, IV, V, và gam thứ ở hợp âm thứ 6, chẳng hạn như C, Am, F, G). Một, hai, ba, bốn; đếm đến khuông nhạc thứ 16 là hết điệp khúc. Việc của bài hát là xoay chuyển thứ tự giữa các hợp âm này để tạo ra những giai điệu mới, nhưng đôi lúc lại phá cách bằng cách đơn giản như hát câu điệp khúc ở vòng hợp âm của câu verse, hoặc đoạn kết thường vẫn hát đi hát lại câu điệp khúc nhưng ở các kiểu nhạc nền khác nhau. Khán giả sẽ rất nhanh chóng tìm ra sự “quen thuộc” trong bài hát, và vô hình trung, cái câu điệp khúc trong các bài của Max Martin sẽ luôn luẩn quẩn trong đầu người nghe. Quả nhiên là một công cụ hữu hiệu cho các kênh radio phát đi phát lại một bài, hoặc các khán giả trẻ tuổi chuyền nhau một ca khúc hit. Kể cả khi gã viết và sản xuất cho Rock, như “It’s my life” (Bon Jovi), hay “One More Night” (Maroon 5), gã vẫn làm đoạn điệp khúc có 4 gam và công thức 16 khuông như vậy.

Bài hit rất nhàm của Bon Jovi nhưng đeo đẳng tai người nghe


Riết rồi mọi người sẽ không còn dành thời gian để nghe nhạc phức tạp nữa. Mặc cho Max Martin tha hồ diễn giải về cách “tạo ra sự cân bằng” trong âm nhạc của gã, tôi vẫn cho là điều này coi như truy sát cái sự phong phú của âm nhạc. Thật chẳng khác nào nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ chỉ xoay quanh có 4 từ. Một ví von không hề xuất sắc, nhưng bạn hiểu ý tôi đang nói gì.


Và đây là điều tôi ghét nhất ở Max Martin.


Tất nhiên là trong số các nghệ sĩ làm việc với hội Scandinavi, tôi thấy khá nể những nghệ sĩ biết khéo léo trong việc cộng tác, như P!nk, Justin Timberlake, hay The Weeknd, những người luôn có cách chủ động trong sản xuất âm nhạc của họ, khi pha trộn vừa đủ những đóng góp của những người cộng tác cùng họ. Mất công đấy, vì kiểu gì chả phải ghé tí quyền lực của Max. Thử search playlist của Max Martin trên Spotify xem.


Nhưng biết sao được, vì khi Max Martin vẫn đang chiến thắng, gã luôn đúng. Là một người đang cố gắng bảo vệ thế hệ các con chúng tôi khỏi các loại Pop hits, lúc ấy có lẽ tôi chỉ có cách khe khẽ hỏi chúng nó: “vậy bài đó không có đoạn điệp khúc thì còn gì để nghe không?”

Này thì medley toàn điệp khúc - bài hát hay vô đối


Hẹn gặp lại.


Kink

1,731 views

Recent Posts

See All
bottom of page