top of page

Nuno Bettencourt: 5 lần sống khỏe mà không cần Extreme

Xin được nói ngay, phần này sẽ không có tán dương bản ballad “More Than Words” ai nghe cũng đều mê của nhóm Extreme, mặc dù sự nghiệp của Nuno Bettencourt có lẽ được biết đến nhiều nhất là với những thăng trầm cùng ban nhạc này và ca sĩ chính Gary Cherone.


Extreme được thành lập từ thành phố Boston với cái tên Dream từ năm 1985 bởi Gary Cherone và tay trống Paul Geary (Extreme là cách đọc chệch của Ex-Dream). Trong khi đó, Nuno Bettencourt cùng tay bass Pat Badger lại tới từ ban nhạc đối thủ, và 4 ông vô tình gặp nhau sau cánh gà ở một buổi biểu diễn. Sau khi trở thành Extreme vào năm 1986, với một vài bài hát do cặp Bettencourt-Cherone sáng tác, và sự hợp nhất của hai nhóm fan địa phương, Extreme nhanh chóng gây được sự chú ý với hãng đĩa A&M và chẳng mấy chốc cho ra album đầu tay mang tên nhóm vào năm 1989. Âm nhạc của Extreme mang ảnh hưởng của Van Halen khá rõ, với lối hát tưng tửng của Cherone khá giống David Lee Roth, còn lối chơi guitar quẩy ác liệt của Nuno Bettencourt thì có lẽ chỉ thua mỗi Eddie Van Halen trong khoản này.


Album thứ hai của Extreme năm 1990, Pornograffitti, có lẽ là album được biết đến nhiều nhất của họ, và tin tui đi, không phải là vì bài “More Than Words” đâu. Vốn còn được gọi là “A Funked Up Fairy Tale”, album concept này mang phong cách điển hình của Extreme hát về những thứ tiệc tùng vui vẻ - trong trường hợp này là hát về tình yêu tình dục với lời bài hát đa số là chơi chữ đọc thì lịch sự nhưng nghe thì “ghê chết đi được”. Nhưng điều đặc biệt hơn cả, là sự hòa hợp đến mức khó tin giữa phần hát tưng tửng của Cherone và phần guitar thô ráp nhưng quẩy tung chảo của người đồng đội Nuno Bettencourt.


Có rất nhiều phần trình diễn guitar đáng nhớ trong album này, như “Decadence Dance”, “Lil Jack Horny”, “Money”, hay “Pornograffitti”, với những cú vảy tay khó đoán trước tạo nên màu sắc funky cho những câu riff. Phần rhythm của Extreme vì vậy có đủ sự vui vẻ như Mötley Crüe, độ nảy như cuả Jane’s Addiction, và dĩ nhiên không thể thiếu phần vui vẻ và đột biến như Van Halen. Nuno Bettencourt thì tuyệt hay ở chỗ vừa có thể chơi rhythm đầy màu sắc, lại vừa có thể solo như điện xẹt.


Có lẽ phần trình diễn xuất sắc nhứt của Nuno Bettencourt được để dành cho track thứ 4, “Get The Funk Out”. Bài này vốn được phát triển từ câu bass của Pat Badger được làm dầy với câu riff như suối chảy của Bettencourt, rồi đưa đẩy bằng phần hát tưng tửng của Gary Cherone, và vỡ tung ở phần solo của Nuno Bettencourt. Chỉ trong ba phân đoạn của câu solo, Bettencourt đã đẩy khán giả đi hết từ cao trào này đến cao trào khác bằng tất cả những câu đàn đặc trưng nhất từ Blues đến Funk, từ quét dây cho đến chấm ngón. Tui vẫn còn nhớ trong video clip bình luận nọ, Brian May lừng danh của Queen đã phải gục gặc cái đầu thừa nhận câu đàn này khiến người nghe phải chảy nước mắt.


Không rõ có phải nhờ vậy mà Gary Cherone sau này thi đậu vào band Van Halen sau khi Sammy Hagar ra đi (anh hát trong Van Halen III năm 1998), dẫn đến việc Extreme phải tan rã tạm thời tới cả chục năm.


Nhưng cũng nhờ đó mà người nghe mới được chứng kiến tài năng của Nuno Bettencourt khi lêu hêu một mình không còn Gary Cherone bên cạnh.


1. “Viking Kong” cùng Paul Gilbert – show diễn Guitar Wars 2003

Bài này tui tình cờ vớ được từ một chiếc DVD mua ngoài đường có tựa đề Guitar Wars. Đó là một show diễn ở Nhật của 4 vị đại cầm thủ: Nuno Bettencourt, Paul Gilbert (Mr. Big), John Paul Jones (Led Zeppelin), và Steve Hackett (Genesis). Nhảy ra nhảy vào ở vị trí hát chính còn có người quen Gary Cherone, còn trên giàn trống là Pat Mastelotto (King Crimson) cùng tay bass Mike Szuter.


Quan trọng hơn, trong buổi biểu diễn đó còn có một Led Zeppelin nữa, cũng là thần tượng của Bettencourt, Jimmy Page, ngồi ở hàng ghế đầu.


Vốn là một người không mấy khi ủng hộ người khác, Jimmy Page nổi tiếng trong giới với việc đi xem ai đánh thì xem khoảng vài ba bài là về. Nhưng hôm đó, Jimmy đã ở lại xem nguyên cả show, và đương nhiên điều này đã khiến Bettencourt nở hai lỗ mũi hết cỡ mà cái video nhòe nhoẹt dưới đây cũng không thể che giấu được.


Chớ sao, hôm đó họ chơi cả “When the Levee Breaks” lẫn “Communication Breakdown” trong set của John Paul Jones kia mà.


Đây nè, đối ẩm cùng Paul Gilbert hay thế này thì ai mà bỏ đi được. Tui khoái cái là Nuno Bettencourt có thể chạy ngón cực nhanh và nhả nốt tròn trịa khi đeo đàn rất thấp. Ngầu lòi!


2. “Black Cat” cùng Janet Jackson, album Janet Jackson's Rhythm Nation (1989)

Đây hình như là lần đầu tiên Nuno Bettencourt hợp tác cùng nghệ sĩ nhạc Pop, hoặc cũng có khi là ca khúc rock đầu tiên của cô em nhà Jackson. Ca khúc này đã leo tới vị trí no 1 ở Mỹ, và mặc dù mỗi lần coi lại vẫn thấy mắc cười vì phần hình là của mấy tay guitar đi tour với Janet Jackson, phần tiếng thì rặt tiếng của Bettencourt.


Vậy tui để track tiếng ở đây cho đỡ rắc rối.


3. Cùng Rihanna trong tour diễn của Loud (2010), 777 (2012), và Diamon Worlds (2013)

Đây có lẽ là lý do khiến các fan nhạc Rock phiến diện không bao giờ đặt Nuno Bettencourt ngang hàng với các cầm thủ vĩ đại. Ai đời siêu sao nhạc Rock nặng lại đi đánh tour cho nữ ca sĩ hát nhạc R&B!!?!


Nhưng có vẻ Bettencourt chả quan tâm đến chuyện đó. Anh chỉ cần một nơi có thể là lối ra cho những ý tưởng âm nhạc của mình, cũng như cho phép anh có thể nhảy nhót trên sân khấu. Trước anh đã từng ghi âm cho Janet Jackson xong quay qua sản xuất cho Dweezil Zappa, thì nay anh chơi guitar cho Rihanna, Joe Jonas, và cả Nickelback. Và khi không dành thời gian cho nhạc Pop, Nuno Bettencourt lập tức đi tour cùng đội hình Generation Axe với những Steve Vai hay Zakk Wylde. Nếu các fan có trách, lỗi này chắc chắn không phải do Rihanna mà hãy giận Eddie Van Halen đã cướp mất Gary Cherone khỏi Extreme (và trả lại sau khi đã bầm dập).


Mà quan trọng gì, trên sân khấu cùng người đẹp, Nuno vẫn là Nuno với cây Washburn 4N đeo thật trễ, và những câu chạy ngón mượt như suối chảy (trừ việc anh nay tô móng tay màu trắng chứ không đen như thường lệ). Nếu như các nhà tổ chức có lý do để mời Rihanna dự đại hội Rock in Rio năm đó, thì tui cho là trong đó có một lý do to đùng với cái tên Nuno Bettencourt.


4. Generation Axe

Nếu như Joe Satriani có G3, thì Steve Vai có Generation Axe. Đây là một tour diễn khá thú vị với sự góp mặt của 5 tay shredder đỉnh cao: Steve Vai, Yngwie Malmsteen, Zakk Wylde, Tosi Abasin, và nhân vật của chúng ta, Nuno Bettencourt.


Tiếc là không có video nào đẹp ghi lại màn trình diễn này, trừ một vài CD live được phát hành hiếm hoi. Hy vọng phần ghi hình rất chất lượng bằng phone của các fan sau đây có thể làm các bạn thỏa mãn.


5. Album solo Schizophonic 1997

Năm 1997, Nuno Bettencourt phát hành album solo đầu tay dưới cái tên ngắn gọn, Nuno. Không gây được quá nhiều chú ý, nhưng chất nhạc nghe ngầu hơn Extreme nhiều khi Bettencourt tự hát, chơi bass, và cả trống luôn. Như vậy đó, credit cho những nhạc công còn lại trong album này chỉ có Gary Cherone hát trong 1 bài và Mike Magini (lúc đó còn chưa thi đậu Dream Theater) chơi trống trong 2 bài.


Xin mời nghe thử “Gravity” sau đây và biết đâu đấy, bạn sẽ thích Nuno Bettencourt hơn sau phần viết này.


Tui thì vẫn đang ngóng những phần tiếp theo của Generation Axe, album sắp ra của Extreme, và đâu như trong năm nay Nuno Bettencourt đã kịp tham gia dự án Lost Symphony cùng Marty Friedman rồi đó.


Hẹn gặp lại.


Kai

625 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page