Cộc cộc ...
Rakim mở cửa. Trước mặt anh là thằng bạn và một đứa lạ hoắc đứng cạnh. Anh đã có một quy định với đám bạn là “Cấm bao giờ dẫn người lạ tới nhà anh”.
Trước ánh mắt theo kiểu “mày làm cái đéo gì ở đây” của Ra, thằng bạn anh liền bảo “Đây là Eric. Cậu ta biết Marley Marl và Mr. Magic. Cậu ta đang muốn thu âm”. Mẹ nó chứ. Marley là cái tên của nhà sản xuất nhạc hip hop hot nhất bấy giờ, còn Mr. Magic lại là DJ xịn xò chuyên dẫn chương trình trên đài. Thế thì tay Eric này hẳn phải có tí máu mặt đây.
Ra nghĩ vậy. Thế nên anh cho cả hai vào nhà. Eric đang dự định thu âm một đĩa với nhiều MC khác nhau ở mỗi vùng, nên Ra là người Eric đến gặp đầu tiên. Sau khi nghe mấy bản thu demo của Ra, Eric hẹn tuần sau qua studio của Marley.
Rồi cũng đến ngày, Eric và Ra bắt tàu đi đến nơi Marley làm việc và thu âm. Bước vào nơi sản sinh bao tuyệt phẩm của MC Shan, Shante, Ra thấy choáng ngợp và có chút hồi hộp.
Sau khi Marl chỉnh sửa chút phần beat, hắn ra hiệu cho Ra bắt đầu rap thử. Anh ngồi thoải mái trên chiếc ghế sofa và bắt đầu rap đoạn lời đã viết trước đó mà anh gọi tên là “My Melody”. Giọng Ra rap một cách điềm tĩnh nhẹ nhàng.
Marl liền nhận xét “nghe ok đấy cu, nhưng cần phải có năng lượng hơn. Hay mày thử đứng lên đi”.
Quái đản. Giọng Ra vốn dĩ thế rồi. Hồi mới ti toe tham gia đọc rap ở trong công viên, anh còn theo cái kiểu rap to như hét vào mic rất phổ biến thời bấy giờ. Thế nhưng về nhà, phòng anh ngay cạnh phòng ông bà già nên anh phải kìm nén lại và đọc theo chất giọng tự nhiên như đang nói chuyện. Tự dưng lúc đó anh khám phá một phong cách riêng phù hợp với cá tính mình hơn. Nhất là khi anh rap với âm lượng vừa phải, Ra cảm thấy thư giãn và dễ chuyển tải ý nghĩa. Và quan trọng là anh thấy tự tin.
Thế nên Ra bảo Marl là “em đứng lên thì cũng thế thôi. Giọng em tự nó thế rồi.” Marl bảo “mày có biết tao thu âm cho bao nhiêu MC rồi không? Tao biết một MC phải rap như thế nào chứ”. Sau một hồi cố thuyết phục Ra rap mạnh mẽ hơn nhưng không được, Marl cáu lắm. Hắn lầm bầm nói với Eric là thằng Ra này rap như c**. Ra nghe thấy nhưng bỏ ngoài tai. Eric chỉ bảo “Marl, nhưng hôm nay là một ngày khác rồi”.
Ngày hôm đó khác thật! Đó là một ngày đặc biệt đánh dấu lần đầu Rakim và Eric B chính thức hợp tác thành bộ đôi MC và DJ tài năng nhất. Đó còn là ngày Ra chính thức mang tới cuộc cách mạng cho nhạc hip hop một phong cách hoàn toàn mới, mà có sức ảnh hưởng mãnh liệt sau này với các rapper thế hệ sau.
*****
Quay lại những ngày đầu của nhạc hip hop trước khi sự xuất hiện của Rakim, DJ là người mang tới nhạc nền thôi thúc và MC là người truyền năng lượng tới đám đông trong các cuộc party. Lời rap lúc bấy giờ còn đơn giản, với nhịp điệu chậm đều theo từng nhịp trống và chỉ cần có vần ở cuối câu ở mỗi cụm hai câu liền. Thế rồi khán giả bắt đầu được khai sáng với từng cú chuyển mình tiến hoá hơn của hip hop.
Đầu thập niên 80, người nghe bắt đầu shock với sự xuất hiện thêm âm vần ở giữa câu và lời lẽ có ý nghĩa triệt hạ đối phương như Kool Moe Dee đã hạ gục Busy Bee trong màn đấu tài năng bằng “Hold on Busy Bee, I don’t mean to be bold/but put that ba-diddy-ba bullshit on hold/were gonna get right down to the nitty grit/tell you a little something why you ain’t shit” “In a battle like this you know you’ll lose/between me and you who do you think they’ll choose/if you think it’s you, I got bad news/when they hear your name you’re gonna hear some boos”
Lời rap của Kool nhanh hơn và có nhiều âm vần như “you”, “lose”, “choose”, “news”, “boos”, đối lập hẳn với câu từ ngây ngô của Busy Bee như “If you were born in New York City say ‘You know that!’” để đám đông hò lên đồng thanh “You know that!”. Chả khác gì cầm dao chém kẻ tay không!
Đến thời kỳ giữa những năm 80, Run DMC và LL Cool J là những rapper tiên phong trong việc sáng tạo nội dung bài rap hơn nhiều. Đã có nhen nhóm xuất hiện gieo vần đồng âm trong cùng một câu hơn. Như ở bài "Walk This Way" nổi tiếng của Run DMC có đoạn
“School girl, sleazy
With a, classy kind of sassy
Little skirt hangin' way up her knee
There were three young ladies”
Âm “y” trong các từ “sleazy”, “classy”, “sassy”, “knee”, “three”, “ladies” xuất hiện với tần suất dày hơn nhưng còn mang yếu tố cơ bản.
Nhất là cách thể hiện bài rap của Run DMC và LL Cool J thời đó đều có điểm chung: rap mạnh mẽ như hét vào mic, và nhịp điệu theo đúng với nhịp trống, đôi lúc ở mấy bài chậm, họ còn đọc nhát gừng từng từ và tách hẳn từ đa âm như “homeboy” thành “home-“ rồi ngắt trước khi tiếp âm “-boy”.
Hip hop thời này vì vậy giống như đã trang bị thêm súng lục rồi, nhưng vẫn còn hạn chế về tốc độ bắn và số đạn trong băng. Ở thời điểm này nếu nghe nhiều sẽ thấy nhàm tai nhưng lúc đó, cách đọc rap như vậy lại là thời thượng và đúng chất.
Tua đến năm 1986, ngày mà Rakim gặp Eric B. cùng với Marley Marl để thu âm chính thức đầu tiên, cái cách Ra rap hôm đó có rất nhiều thứ “mới lạ” đến lo ngại.
Đầu tiên chính là chất giọng điềm tĩnh mà anh rap, đối lập hẳn với kiểu hò hét của các MC thời đó. Theo định kiến lúc bấy giờ, đã là rap thì âm lượng phải dõng dạc to khỏe, chứ kiểu giọng đều và ấm của Ra có vẻ như đang ru ngủ. Ngược lại, anh lại tự thấy cách rap như trò chuyện đó giúp anh có thể chuyển tải những ý nghĩa gây kích thích suy nghĩ của người nghe sâu hơn, đòi hỏi họ phải nghe lại lần sau để hiểu rõ hơn.
Sinh ra trong một gia đình toàn chơi nhạc, Ra biết đọc bản nhạc, thổi kèn saxophone và chơi trống. Vì vậy anh có cách tiếp cận trong giọng đọc rap như một nhạc công nhạc Jazz - John Coltrane, một thần tượng của anh. Như ngay chính trong bài "My Melody" mà Marl đã phát nản trước cách delivery của Ra, có đoạn lời:
“So what if I'm a microphone fiend addicted soon as I sing One of these for MC's so they don't have to scream I couldn't wait to take the mic, flow into it to test Then let my melody play, and then the record suggest That I'm droppin bombs, but I stay peace and calm”
Giọng Ra đọc từng từ từng chữ như có độ ngân trong đó, nối giữa âm trước với âm sau liền mạch, chứ không phải nhát gừng bốp chat theo lối rap truyền thống. Vậy nên anh tự ví anh rap như đang “hát” và đá đểu các MC khác phải “la hét”, bởi cái giai điệu trong giọng rap của anh luôn “điềm tĩnh” kể cả khi anh “dội bom” vào hội rapper. Câu rap này như một lời khẳng định chắc nịch phong cách mà Ra theo đuổi và không ai có thể dùng những định kiến thời đó để coi thường tài năng MC của anh.
Thực tế là nếu chỉ là ở chất giọng nền và điềm tĩnh thì cũng không đủ khiến Ra gây sự chú ý đến thế. Cái tài của anh còn là nhịp điệu phá cách.
Trong phần beat của nhạc hip hop thời thập niên 80 đó, đa phần là nhịp trống và bass gõ đều đặn và người rap sẽ nhấn đúng nhịp từng âm từng từ. Kể cả những tiên phong như Run DMC, họ cũng không biến đổi nhịp rap nhiều trong cùng một bài, mà đa phần cái nhịp phách đó được lặp lại giữa những cặp câu cùng âm vần (trong hai khuông nhạc liền nhau). Cách thể hiện này dẫn đến việc tai người nghe sẽ đoán được các khuông nhạc, câu rap sau diễn biến như thế nào.
Còn với Rakim, do anh sử dụng nhiều từ trong mỗi câu hơn, và các câu có độ dài khác nhau, nên nhịp điệu mà Ra dùng khi rap biến thiên khó đoán. Trong bài rap "Musical Massacre", câu intro được anh cố tình rap lệch tiếng hi-hat trước khi vào đúng nhịp cực hay khi trống vào đủ giàn. Sau đó là:
(Cặp câu 1) Release, then veins in the brains increase When I let off, make a wish, and blow the smoke off my piece. (Cặp câu 2) Unloadin', unfold and the rhymes are explodin',
And the mic that I'm holdin's golden.
(Cặp câu 3) Cordless, 'cause the wire caught fire like a fuse
……………..””
Ở cặp câu đầu, nhịp điệu mà Ra sử dụng nhanh và đều liền mạch, nhưng đến cặp câu sau, Ra có cú nghỉ ngay sau từ đầu tiên “Unloadin’” và nghỉ sau từ “explodin’’”. Ra kéo dài giọng hơn như để người nghe phải nín thở sau khi anh ‘’bóp cò’’ và ‘’nổ” tràng lời rap. Không chỉ tạo sự bất ngờ mà còn mang lại hiệu ứng hiệu quả phù hợp với nội dung lời rap. Và đáng nhẽ như thế, tai người nghe sẽ nghĩ là từ “golden” cũng được kéo dài giọng và nghỉ sau đó thì không hề, “cordless” được Ra đọc liền mạch luôn sau đó, mở đầu cho cặp câu thứ ba với nhịp điệu tiếp tục được thay đổi.
Trong bài "Follow The Leader", Ra dùng đúng một câu cụt lủn “Flip it” xen giữa để nhấn mạnh năng lực trong ngôn từ của anh:
Thực sự ở cái thời điểm nhạc hip hop còn đơn giản và đồng điệu mà Ra đã khai sáng một phong cách mới phức tạp, tốc độ, đảo nhịp, đảo phách, đòi hỏi kỹ thuật của người MC hơn rất nhiều.
Cú tiếp theo trong sự đột phá của Rakim là gieo vần. Không còn là lối gieo vần đúng âm cuối câu, hay cùng lắm là ở trong cùng câu, mà đó là biến thiên của nhiều dạng:
A) Gieo vần trong cùng một câu:
Nếu như các rapper khác làm được chiêu này thi thoảng trong bài của họ thì với Ra, sự hiện diện này nhiều như lợn con đến mức có vẻ kỹ thuật này quá đơn giản với anh.
Bốc đại trong lời bài "Lyrics Of Fury" ta có:
“It's only one capable, breaks-the unbreakable
Melodies-unmakable, pattern-unecscapable”
Từ “capable”, “unbreakable”, “unmarkable” và “unescapable” liền tù tì tạo sự trôi trảy mượt mà nhưng lại vẫn có ý nghĩa thâm thuý rằng chỉ có anh “có khả năng” để “phá vỡ những thứ không ai có thể phá vỡ được”, tạo ra “những giai điệu không ai có thể làm được”, và “nhịp điệu không ai có thể trốn thoát được”.
B) Đồng âm đầu:
Trong bài "Follow The Leader" có đoạn:
“In this journey, you're the journal, I'm the journalist
Am I eternal or an eternalist?”
Cách lặp âm “journ-“ trong cầu đầu và “eternal-“ trong câu sau nhưng vẫn đảm bảo gieo vần “-nal” và “-nalist” giữa hai câu khiến lời rap của Ra vừa có độ nhấn mà lại liền mạch.
C) Gieo vần đa âm:
Cứ 2 âm tiết trở lên được lặp là được coi là vần đa âm. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực hiện lại khó khăn hơn nhiều. Vậy mà Rakim không chỉ trong hàng ngũ tiên phong (cùng với Big Daddy Kane không lâu sau đó) triển môn đa âm này, mà còn đã ngay lập tức đẩy nó lên một đẳng cấp như sau.
“Write a rhyme in graffitti in every show you see me in
Deep concentration cause I'm no comedian”
Trong đoạn trên của bài "I Ain’t No Joke", cụm từ “show you see me in” được lặp với đúng hai từ “no comedian”, tính ra là tới tận 5 âm tiết.
“But soon you start to suffer but you only get rougher
When you start to stutter that's when you had enough of
Biting it, I make you choke, you can't provoke
You can't cope, you should of broke cause I ain't no joke”
Cũng trong cùng bài này, một tràng từ 2 âm tiết “suffer”, “rougher”, “stutter” được nối với “enough of”. Không chỉ thế, “get rougher” cũng được vần với “had enough of”. Rồi đã thế “enough of” đã phải là kết câu đâu, nhưng Ra cố tình ngắt câu ở đây và hoàn thành nốt với “biting it” ở đầu khuông nhạc sau. Cực kỳ điêu luyện và sáng tạo.
Và dĩ nhiên sau đó lại một tràng gieo vần trong câu “choke”, “provoke”, “cope”, “broke”, “joke” như đã nói ở trên. Chỉ có điều lần này Ra còn dùng kỹ thuật “bẻ âm” của từ “cope” cho tương đồng với mấy từ còn lại.
Nếu chỉ có kỹ thuật không mà ý nghĩa nông cạn thì Rakim cũng sẽ không bao giờ gây ấn tượng mạnh đến vậy. Với chủ đề chính là tôn vinh bản thân lên để dìm những kẻ đồng môn, Ra dùng từ ngữ sắc gọn, cùng những phép ẩn dụ (cũng thuộc dạng hiếm có thời ấy).
Trong bài thu âm chính thức đầu tiên, "My Melody":
“I am the man they call the microphonist
With wisdom which means wise words bein spoken
Too many at one time watch the mic start smokin”
Một nghệ sĩ chuyên gia với vũ khí là mi cờ rô, những tràng lời thông thái được Ra tuôn ra liên tục đến cái mic còn phải bốc khói vì không chịu được nhiệt.
Rồi:
“I take 7 MC's put em in a line
And add 7 more brothas who think they can rhyme
Well, it'll take 7 more before I go for mine
And that's 21 MC's ate up at the same time”
Đây là một trong những câu được ưa thích nhất của Ra mà nhiều rapper nổi tiếng khác như Eminem và Nas vay mượn. Hình ảnh 7 tên rapper phải đứng dàn thành hàng, và chưa đủ, Ra còn đặt thêm hai lần con số 7 nữa để một tay tiêu diệt 21 thằng cùng lúc.
Ngoài câu trích dẫn trên, bất kỳ bài rap nào của Ra có thể lôi ra một đống câu cực thâm để làm trích dẫn, để thấy rằng lời rap của anh mạnh mẽ thế nào. Không cần chửi bậy, từ ngữ sắc xảo của anh như những cú đánh chí mạng tới đối phương.
*****
Tất cả những kỹ thuật này nếu đem so sánh với nhạc hip hop ngày nay, thì nó đã phổ biến rồi. Tuy vậy các kỹ thuật đó vẫn thuộc hạng khó và không nhiều rapper đủ tài năng sáng tác như vậy. Ấy thế mà cái thời mà Rakim ló mặt ra thị trường, anh đã trang bị trong người đầy đủ kỹ năng thượng thừa, giống như một lính đặc nhiệm có đủ súng máy cùng bom và lựu đạn, lao vào chiến trường đấu với những rapper khác mới còn đang mang khẩu sục lục giắt hông.
“I'm the arsenal
I got artillery lyrics of ammo
Rounds of rhythm
Then I'm 'a give 'em piano
Bring a bullet proof vest
Nothin' to ricochet
Ready to aim at the brain
Now what the trigger say
Tempos triflin'
Felt like a rifle
Massage 'n' melodies
Might go right through
Simultaneously like an Uzi
Nothin' can bruise me
Lyrics let up when lady
Say don't lose me
So reload quickly
And you better hit me
While I'm lettin'
This fifi get wit' me”
- Trích lời bài "Let The Rhythm Hit ‘Em" -
Nghĩ lại, nếu cái ngày Ra vào phòng studio với Marl mà anh - một thanh niên mới 19 tuổi- lại cả nể và thoả hiệp để rap theo lối truyền thống thì mọi chuyện chắc không còn thành huyền thoại như ngày hôm nay. Chính cái sự gan lỳ của Ra sẵn sàng phá vỡ quy tắc truyền thống đã làm nên một cuộc cách mạng mà phải một thời gian sau mới có một thế hệ rapper bắt kịp được. Những sản phẩm âm nhạc của Ra với góp sức của Eric B. như một cơn địa chấn rung chuyển và thay đổi hoàn toàn địa hình của bộ môn hip hop. Gần như các rapper sau đó ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, đều chịu ảnh hưởng của Rakim, từ Nas, Biggie, Andre 3000, đến Eminem, Kendrick Lamar và J. Cole và chắc chắn còn nhiều thế hệ sau này nữa.
Hẹn gặp lại.
Kunt
P.S.: bài này không nhắc đến Eric B. nhiều, tuy nhiên không thể phủ nhận tài năng DJ và làm beat của Eric với sự đột phá trong sử dụng sample đã là cầu nối vững chắc cho lời rap của Rakim được chuyển tải tới người nghe.
Cám ơn bác nhé! Lâu lắm mới gặp lại bác :) Ra sản xuất nhiều thế thảo nào rap chắc chắn vãi
Bài viết rất hay, mình cũng đồng ý là rất ít thông tin về Eric B. Nhưng trong thực tế, Eric B đóng vai trò lớn trong lĩnh vực kinh doanh/quan hệ của nhóm trong làng nhạc. Rakim còn có 1 tài năng rất lớn là sản xuất, trong rất nhiều phỏng vấn ông đều nhận mình sản xuất tới 80% âm nhạc của nhóm, trong đó 20% còn lại là không những của E., mà còn của các producer khác tham gia cùng. Ra hiểu rất rõ về hòa âm, phối khí, sampling, vì vậy hầu như những câu rap của Ra phối hợp hoàn hảo ăn ý với âm thanh của bài. Nhưng ông chỉ muốn làm nghề,…