top of page

Sly & The Family Stone: phải làm gì khi mất đi “nhịp điệu”?

Updated: Nov 5, 2022

Nhạc Funk là thứ nhạc dance vốn phát triển từ thể loại R&B, Soul và Jazz từ giữa những thập niên 60. Âm thanh funky được tạo từ những câu bass chơi đảo nhịp trên nền nhịp trống đều đặn, lôi cuốn. Và đó là lý do phần nhịp điệu của nhạc Funk được tạo bởi trống và bass quan trọng vô cùng khi nó làm nền tảng cho thể loại nhạc có thể khiến bàn chân của người nghe phải cựa quậy nhún nhảy – một thể loại nhạc mà nhịp điệu nhiều khi quan trọng hơn cả giai điệu.


Sly Stone – thủ lĩnh của ban nhạc Sly & The Family Stone đã phát triển tiếp nhạc Funk từ ông tổ James Brown và đưa thêm vào yếu tố Psychedelic. Mà đã có yếu tố Psychedelic, thì phần nhịp điệu lại càng đòi hỏi thêm những biến tấu, ngẫu hứng thay đổi. Và rồi vai trò của tay trống và tay bass lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Ngoài tài năng âm nhạc, Stone còn có con mắt tinh tường khi lựa chọn tài năng vào đội ngũ Family Stone, và dĩ nhiên sau đó chúng ta có hai huyền thoại: (1) Greg Errico chơi trống và (2) Larry Graham chơi bass.

Thế rồi khi mà ban nhạc vừa đạt tới đỉnh cao của danh vọng sau album Stand! (1969) và màn trình diễn ấn tượng ở Woodstock 69, loạt vấn đề nổ ra ngay trong nội bộ ban nhạc với kết cục là Errico và Graham lần lượt rũ áo ra đi khi dở dang với album There’s A Riot Goin’ On (1971). Ấy thế mà Sly Stone, gần như một thân một mình biến hai đĩa, Riot và Fresh (1973) sau đó thành những tuyệt phẩm dù khác hẳn nhưng không thua kém gì với nhạc của Sly & The Family Stone trước đây. Nói một cách khác, không có Errico và Graham mà vì cách nào đó Stone lại làm nên thứ nhạc funky theo công thức khác.

Phần 1. Greg Errico và tài năng “lấy ít làm nhiều”

Thực ra phần định nghĩa về nhạc Funk ở trên vẫn có thể mở rộng cho phần trống có thể chơi biến tấu điên đảo được. Có những tay trống sẽ thể hiện nhịp điệu theo lối gần như không có hai chi (“tay” và “chân”) cùng đập chung một nhịp. Nhưng Greg Errico không chơi như vậy.

Errico sinh ra trong gia đình âm nhạc từ nhỏ. Ông tự học trống từ năm 14 tuổi vậy mà khi vào ban nhạc Sly & The Family Stone ở tuổi 17 rưỡi, Errico đã thành thục, bất chấp việc không qua trường lớp chính quy nào.

Điều đáng nói khi Errico gia nhập, cùng với ông chơi saxophone – Jerry Martini, họ là hai thành viên da trắng trong một ban nhạc với 5 thành viên cốt lõi còn lại toàn người da màu, gồm cả nam lẫn nữ. Nếu như ở thời đại này, một ban nhạc đa chủng tộc không phải là vấn đề đáng nói thì ngày đó, khi tại chính thời điểm có những cuộc bạo động xảy ra về sự phân biệt da màu, thì sự hợp thành của một ban nhạc như vầy là một hành động hết sức dũng cảm. Nó còn là một thông điệp không phân biệt sắc tộc và giới tính của chính người đứng đầu Sly Stone.


Quay lại với Greg Errico. Cách tạo nhịp điệu cho nhạc Funk của Sly & The Family Stone rất thuần khiết bằng nhịp điệu đều. “Đều” ở đây không có nghĩa là các nhịp kick drum hay snare sẽ đều đặn lần lượt vào nhịp chính và nhịp lẻ trong khuông nhạc. Cách Errico chơi sẽ giữ chắc phần nhịp điệu ở từng khúc nhạc, chỉ đổi khi sang điệp khúc hay câu bridge hoặc những phần biến tấu nào khác mà thứ nhạc Funk và Psychedelic đòi hỏi. Ở mỗi khúc nhạc đó, ông tạo khoảng trống để các thành viên khác trong ban nhạc “điền các nốt nhạc” vào. Và đó là cách cực kỳ hiệu quả khi chơi với một tay bass điêu luyện như Larry Graham mà chúng ta sẽ đề cập tới lát nữa.

Trong bài “Dance To The Music” mang lại thành công thương mại đầu tiên cho Sly & The Family Stone, nhịp trống giữ đều ở phần hi hat và snare, nhưng lại tạo được nhịp điệu funky ở tiếng kick drum đập lệch phách giữa khuông nhạc, và thay đổi ở khuông tiếp theo.

Bằng việc giữ vững thứ nhịp điều đều đặn như vậy, Errico nhấn được phần groove cho âm nhạc của Sly & The Family Stone. Giống như thứ nhạc Disco sau này cần có “four on the floor” để con người ta nhún nhảy dập dình theo điệu nhạc, thì nhạc Funk với phong cách đảo phách của các nhạc cụ bass và guitar rhythm sẽ cần tiếng trống chắc nhịp, làm phần “xương sống” cho cả ban nhạc dựa vào và người nghe có thể bắt nhịp mà nhảy theo.

Nói thế không có nghĩa là Greg Errico lại chơi trống một cách đơn giản.

Để tạo điểm nhấn giữa những khúc nhạc giữ chắc nhịp, ông có thể gây bất ngờ với người nghe bằng những phần snare roll trong bài “Dynamite!” rất hiệu quả, lúc ngắn vừa đủ, lúc kéo dài hơn và nhanh đến điên loạn ở cuối điệp khúc. Bản thân tiếng snare mà Errico gõ có sự thay đổi âm lượng lúc nhạc tĩnh lại cũng là màu sắc độc đáo trong phần bộ gõ của ban nhạc.


Ngoài sự “đều đặn” trong nhịp điệu mà người nào chơi trống điêu luyện sẽ nghĩ là hơi đơn điệu, thì Errico sẵn sàng đẩy cái “ít” lên để tạo được hiệu ứng “nhiều hơn” (“less is more”) như trong bài “Sing A Simple Song”. Như tên của bài, tiếng trống của Errico thưa đến độ tiếng kick drum chỉ được đập bằng hai nốt móc kép ở đầu bài và để lại khoảng trắng sau đó, khiến cho bài nhạc nghe rất chơi vơi.

Bên cạnh lối đánh kick drum sáng tạo, ông cũng được ca ngợi ở cách dùng hi hat thực sự hiệu quả.

Không nói đến màn snare roll mạnh mẽ ở đầu bài “Stand!” xong tắt ngóm để chuyển thành phần nhịp điệu nhẹ nhàng, Errico tận dụng hiệu quả sự khác biệt của tiếng hi hat đóng ở phần verse rồi mở ra vào nhịp 2 và 4 của phần điệp khúc. Đỉnh cao của bài đến ở phần cuối khi khúc chuyển nhạc đầy hưng phấn, âm sắc hi hat lúc đóng lúc mở ở tốc độ nhanh gấp đôi từ nốt móc đơn sang móc kép, làm bài hát sáng bừng.



Greg Errico bỏ đi vào năm 1971 sau một loạt những lục đục của ban nhạc, trong đó nổi cộm nhất là chứng nghiện ngập của Sly Stone dẫn đến sự trì hoãn liên tục trong việc thu album mới và huỷ show nhiều như cơm bữa của tay thủ lĩnh nhóm. Hơn nữa ở thời điểm đó, Stone càng dính dáng sâu với giới mafia và cả tổ chức Black Panther, những kẻ ép ông phải đuổi hai thành viên da trắng trong ban nhạc. Stone không làm vậy nhưng những phiền phức này đủ để Errico quyết định rời nhóm, bất chấp việc Stone có níu kéo lại sau đó.

Bài “Thank You For Talkin’ To Me, Africa” là bản cuối cùng Greg Errico chơi cho Sly & The Family Stone ở đĩa There’s A Riot Goin’ On. Không cần cầu kỳ, phần nhịp điệu chậm vừa phải nhưng groovy và sexy của Errico sẽ mãi tạo dấu ấn quan trọng cho ban nhạc và ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này cũng như được sample trong nhiều bài nhạc Hip Hop.


Andy Newmark - tay trống sau này của ban nhạc đã từng chơi lại những bài Errico đánh trước đây bằng các nhịp trống phức tạp hơn. Có điều, tiếng trống của Newmark bỗng dưng chồng chéo với câu bass phức tạp của Larry Graham. Và thế là, nhịp trống tưởng funky hơn của Newmark lại làm mất đi nhịp điệu groovy của bài. Thế mới thấy Greg Errico chơi trống không đơn giản chút nào.

Phần 2. Larry Graham và kỹ thuật “slap bass” huyền thoại

Nếu như phần trống trong nhạc Funk có thể giữ nhịp đều hay biến tấu tuỳ theo cảm xúc của bài nhạc và người chơi thì tiếng bass luôn đóng vai trò “nhảy nhót” phá cách trong dòng nhạc này. Ngoài rhythm guitar, nhịp điệu một bài có được gọi là funky hay không nằm rất nhiều trong câu bass được chơi.

Và Sly Stone quá may mắn khi tuyển được Larry Graham về nhóm. Bằng kỹ thuật đạt trình virtuoso của Graham, ông được mệnh danh là người phát minh ra kỹ thuật “slap bass” kinh điển trên cây đàn bass cho nhạc Funk.


Khởi nguồn là khi ông chơi bass cùng nhóm nhạc của mẹ mình, sau khi bà đuổi tay trống đi, tự dưng khâu giữ nhịp thiếu hẳn kick drum ở nhịp 1 3 và snare drum ở nhịp 2 4. Thế là Graham mới sáng chế ra kỹ thuật “slap” - vỗ ngón tay cái vào dây trầm tạo âm sắc “bụp” như kick drum và “pop” - kéo dây dưới rồi thả ra cho đập “chát” vào phím đàn như snare drum. Kỹ thuật này kết hợp với phần lớn tiếng câm của dead note để tạo hiệu ứng nhịp điệu.


Bài “Thank You (Falettinme Be Mice Elf Agin)” phát hành dưới dạng single và sau đó nằm trong album Greatest Hits (1970) của ban nhạc chính là bản nhạc đầu tiên được thu âm sử dụng kỹ thuật nghe cực “bắt tai”, tạo một màu sắc không thể funky hơn được, khởi đầu cho loạt những nghệ sỹ chơi bass học theo từ Bootsy Collins của nhóm Parliament-Funkadelic, Geddy Lee của Rush cho đến Billy Gould của Faith No MoreFlea của Red Hot Chili Peppers.

Tài năng của Larry Graham không dừng ở kỹ thuật chơi đột phá mà phải đến năm 1970, ông mới giới thiệu tới người yêu nhạc. Trong những album trước đó với ban nhạc, Graham đã có những câu bass line tuyệt hay. Như đã nhắc đến ở trên, phần nhịp trống của Greg Errico cố tình để nhiều khoảng trắng cho Graham điền vào các “nốt nhạc” để làm dày màu sắc funky lên.


Ở bài “Underdog”, câu bass của Graham nổi hẳn lên trước, song hành với tiếng kèn tạo phần groove chính của bài. Trong bài “Sing A Simple Song”, phần trống chơi vơi của Errico để Graham vẩy những nốt móc kép bật bông tiếng trầm ở đầu khuông và cao ở giữa và cuối khuông sau đó, chạy song song với tiếng guitar. Còn như “Dynamite!”, câu bass lại dùng để lấp khoảng trống của phần guitar và nhịp trống. Với những bài tiết tấu nhanh như “Dance To The Music” và “I Want To Take You Higher”, ông chỉ tập trung vẩy nốt gốc của gam lệch phách. Trong bài “Everyday People”, câu bass line bập bùng là điểm sáng mà thiếu nó, bài hát mất đi tới 80% linh hồn của nó.


Như vậy, các nốt mà Graham chọn khi chơi không bắt buộc phải dùng đến kỹ thuật slap, không cầu kỳ về giai điệu, nhưng phải mang lại âm sắc, lúc ngắt quãng, lúc đầy đặn, tuỳ thuộc vào không gian âm thanh của các nhạc cụ còn lại để đạt hiệu quả hết mức về groove, thứ tối quan trọng của nhạc Funk.


Một tài năng như Larry Graham cũng là lý do khi ban nhạc ngày một nổi tiếng, cái tôi giữa Graham và Sly Stone bắt đầu có những va chạm không tránh khỏi. Trước đây Stone tạo một môi trường hợp tác đầy quyền tự do sáng tạo của mỗi thành viên thì đến lúc ghi âm album There’s A Riot Goin’ On, Stone tự thu khép mình lại. Tự viết nhạc rồi để mỗi thành viên đến thu âm rồi về. Stone còn tự đánh gần hết các nhạc cụ, gồm cả bass, thu âm đè lên nhau, khiến cho album này không còn là kết quả của cả nhóm, mà phần lớn từ ý tưởng của mình Stone. Do đó, các track bass của Graham cũng không còn nguyên vẹn hay rõ ràng bài nào, đoạn nào người này đánh, người kia không. Sự vắng bóng của người bạn hợp cạ trong ban nhạc - Greg Errico cùng với sự vô trách nhiệm ở những buổi show của Stone đẩy mâu thuẫn với Graham lên cao dần. Cao trào là khi chính những tay vệ sĩ với tiền sự là những tay mafia được Stone thuê để bảo vệ Stone khỏi những kẻ thù “tưởng tượng” bao gồm cả chính Graham bẩm báo sếp mình là ông đang định thuê sát thủ giết Stone, là lúc Graham biết ông và vợ mới đang trong vòng nguy hiểm tính mạng.

Leo khỏi cửa sổ khách sạn để trốn trong đêm, Larry Graham và vợ chạy trốn khỏi Stone và ban nhạc, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ ban nhạc từng được biết đến như một gia đình hoà thuận.


Phần 3. Và một Sly Stone bỗng nhiên "không gia đình"

Khi Greg Errico bỏ đi, cũng là lúc Sly Stone đang thể nghiệm với tiếng trống điện tử. Trong giai đoạn sáng tác album There’s A Riot Goin’ On, Stone đã thu mình và sống khép kín tại căn nhà của ông. Để tự viết nhạc, ông tự đánh và chơi gần hết các nhạc cụ, như một cách để thể nghiệm những ý đồ âm nhạc của riêng mình. Không còn cái gọi là gia đình Stone lúc này nữa.

Sinh ra trong nhà nòi về âm nhạc, Sly Stone - tên thật là Sylvester Stewart, dưới gợi ý của người bạn, đã quyết định sát nhập với band của cậu em Freddie Stone. Sau khi tụ hợp đầy đủ, “Gia đình Stone” bao gồm Sly (đảm nhận vocal và đàn keyboard sau khi nhường vai trò guitar cho cậu em), Freddie (vocal kiêm guitar), cô em Rose Stone (vocal kiêm keyboard), Cynthia Robinson (kèn trumpet), Jerry Martini (saxophone), và dĩ nhiên Larry Graham (bass) và Greg Errico (trống).


Cái độc đáo trong sự đa sắc tộc và tài năng của ban nhạc mang lại không chỉ sự phong phú trong phần nhạc mà còn ở lối thay phiên nhau hát giữa mấy anh em nhà Stone, giọng nam xen với giọng nữ, giọng cao nối tiếp giọng trầm.

Nhưng rồi hạnh phúc “gia đình” cũng tan vỡ, khởi đầu bằng sự ra đi của Errico ngay giữa lúc thu âm album There’s A Riot Goin’ On.


Quay lại với việc mày mò thể nghiệm trống điện tử trong lúc sáng tác đĩa Riot của Sly Stone, ban đầu chỉ là dùng tiếng trống được lập trình để tạo beat cho phần xương sống của bài khi sáng tác các nhạc cụ khác. Nhưng khi mất anh drummer, Stone quyết định thể nghiệm luôn trống điện tử cho album.


Chỉ là trống điện tử không thể nào thay thế được tiếng trống groovy có cảm xúc của Errico. Chi bằng cố bắt chước lại âm thanh trống của người đánh, Stone quay ngoắt sang hướng khác. Thay vì phải tạo được âm thanh chắc dầy tiếng của trống Funk, thì nay ông cố tình dùng phần trống điện tử tiếng mỏng để lập trình phần nhịp điệu funky kỳ quặc.

Ông không cố nhét nhiều nhạc cụ vào nhiều track để che lấp âm thanh trống điện tử. Ngược lại ông lại đưa đẩy chỉ một đến hai nhạc cụ khác vào, tạo cảm giác thiếu vắng.

Âm thanh của Sly & The Family Stone từ nhộn nhịp rôm rả của cả “gia đình”, nay bị thu hẹp lại trong một căn phòng cô độc như chỉ mình Sly Stone trong đó. Ông cũng giảm độ vang của phần thu âm, để khiến âm sắc của đĩa Riot này như bị bóp nghẹt lại.

Trong album này, câu bass của Larry Graham không nằm hết ở các track. Có những bài mà Stone tự đánh tự thu âm như ở bài “Family Affair”. Và để tạo tiếng bass chắc và đanh, ông dùng pick để chơi.


Với cùng một track bass, Stone thậm chí sẽ bỏ công di chuyển các nơi để kiếm cây đàn guitar mà ông cần đánh thử để có cảm nhận chuẩn hơn cho phần bass line ở một khúc nhạc trong bài. Để rồi cuối cùng, ông sẽ lại lập trình lại phần trống sao cho nó sẽ nảy bập bùng trong tai theo một cách funky khác xa trước đây.

Kết quả là, không cần tới tài năng của Greg Errico và chỉ một nửa của Larry Graham, Sly Stone đã lại làm được tác phẩm funky đến kỳ quặc mà chỉ thiên tài như Stone mới nghĩ ra nổi. Album Riot vì vậy là một sản phẩm dù khác biệt hoàn toàn của Family Stone trước đây, nhưng lại thành tuyệt phẩm đáng nể của Sly Stone.

Sang đến album Fresh sau đó, Stone một lần nữa lại thể hiện ý tưởng của kẻ thiên tài. Ông không dùng trống điện tử làm chủ đạo nữa mà thuê Andy Newmark về chơi. Rồi ông đẩy toàn bộ âm thanh của trống và bass lên phía trước và đưa giai điệu lùi lại sau, một cách mix nhạc ngược hẳn các tác phẩm âm nhạc thường thấy trên thị trường.

Nếu như nhạc của ban nhạc thời kỳ trước đĩa Riot có phần nhịp điệu được ví là “chắc nhịp nhưng vẫn biến đổi linh hoạt” (“tight but loose”), đến thời Riot, nó thành “chơi vơi nhưng vẫn lại dính đến nhau chặt chẽ” (“loose but tight”) thì nay với Fresh, nhịp điệu còn “phiêu” với vô vàn câu bass (do Sly Stone và thành viên mới Rusty Allen chơi) và nhịp trống đảo phách điên đảo theo đúng kiểu định nghĩa nêu ở trên - khi người đánh trống (Andy Newmark) rất ít khi dùng “tay và chân” để tạo nhịp cùng một lúc.

Kết quả là đĩa Fresh cũng lại là một tuyệt phẩm, dù là cuối cùng của Sly & The Family Stone, nhưng vẫn đủ để thấy là gần như một mình Sly Stone vẫn có thể lấp đầy gần trọn vẹn chỗ trống quá lớn mà Greg ErricoLarry Graham để lại.


Điều đó mới thấy là, cái đầu óc thiên tài của người lãnh đạo như Sly Stone mới là quan trọng. Cũng như George Clinton - ông tổ của P-Funk, đã từng bị các nhạc công của Parliament / Funkadelic tố là Clinton lạm dụng tài năng của họ để nhận hết công về mình, nhưng với người mà còn chơi thành thục nhiều nhạc cụ và thuần thục nhạc lý trong viết nhạc như Sly Stone, cái tầm nhìn trong âm nhạc mới là quan trọng. Nhất là với thứ nhạc Funk khó chơi với đầy ngẫu hứng, nếu không ghép lại khéo léo thì tất cả sẽ chỉ là mớ âm thanh hỗn độn, mỗi kẻ một phách.


Hẹn gặp lại!


Kin

235 views

Recent Posts

See All

Commenti


bottom of page