Tháng 5 năm 2022. Đây là khoa Dược của trường đại học USC (University of Southern California). 9 giờ 30 sáng thứ 7 không phải là giờ mọi người thường thấy một ngôi sao nhạc Rock trên sân khấu đúng không? Nhưng có lẽ đây là trường hợp đặc biệt, vì hôm nay Tiến sĩ Bryan “Dexter” Holland sẽ là người mở đầu cho buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên Dược khoa của trường USC. Không phải chơi nhạc Rock để mở đầu lễ tốt nghiệp đâu nha, Tiến sĩ Holland, người thường được biết tới nhiều hơn như là ca sĩ chính và trưởng band punk rock The Offspring (cũng tình cờ là người có bằng Tiến Sĩ Y Sinh tại USC), sẽ đọc bài phát biểu cho các tân cử nhân hôm nay. Và để giới thiệu Tiến sĩ Dexter ra sân khấu, vị chủ xị đã khéo léo nhắc lại tới lời lẽ của Offspring trong bài hát “Self Esteem” cũng là để tán dương đám đông phía dưới.
“The more you suffer, the more it shows you really care” - Dexter đã từng viết.
Chắc chắn đây không phải sự trùng hợp tình cờ, bởi vì khá lâu trước đây rồi, Dexter cũng đã từng đọc phát biểu khi tốt nghiệp trường cấp 3 vì anh là thủ khoa tốt nghiệp của trường.
Tôi có thể hiểu được việc hò hét trước đám đông hàng ngàn con người ở những đại nhạc hội như Rock in Rio hay Woodstock cũng gần gũi với việc phát biểu trước những con người ngồi nghiêm ngắn chỉnh tề. Nhưng tôi từng không thể hiểu tại sao một kẻ có đầu óc như vậy lại chọn đi hát Punk Rock, cái thể loại vốn được coi là ngông cuồng và thiếu chín chắn.
Thế rồi 25 năm sau khi album Americana (1998) phát hành, tôi ngồi nghe lại album này và thấy nó thật hợp với mình thêm một lần nữa.
Nếu như chúng ta đã từng đi qua những năm cuối thập niên 90s với chương trình giới thiệu các bản top hit trên MTV của VTV3, hẳn các bạn còn nhớ ca khúc “Pretty Fly For A White Guy” với một cậu nom như Nick Carter (nhưng thiếu canxi) đi qua đi lại nhún nhảy thật lố bịch và một bài hát có một câu riff không thể nào quên.
Tôi vẫn nhớ tôi đã từng nhấm nháp lời lẽ của nhũng “Have You Ever” hay “You Should Get A Job”, nhưng đồng thời đã không thể hiểu hết ý nghĩa của “Americana”, “Kids Aren’t alright”, hay “Pay The Man” cho đến tận lần nghe lại bây giờ.
Rõ ràng, với hơn 40 triệu đĩa đã bán được, The Offspring chắc hẳn phải có những điều đặc biệt hơn tất cả các Punk band chui ra từ phía bờ Tây nước Mỹ, nơi chính ra chả có liên quan tí ti địa lý gì với cội nguồn của Punk Rock ở thập niên 70s là London và New York cả. Chí ít thì những lý do sau đây là những thứ tôi nghĩ đã kéo Dexter Holland tới con đường âm nhạc thay vì đi theo khoa học ngay từ đầu.
1. Những bài hát mạnh mẽ
3 hoặc 4 hợp âm, trống nhanh đến mức có thể điên loạn, lời lẽ thì chắc chắn là thể hiện thái độ với một chuyện gì đó – đấy là tất cả nhưng gì mọi người thường trông đợi ở Punk trước đây, và Pop Punk sau này. Dẫu nó có biến thể, thì túm lại mọi người đều biết trước sẽ phải trông chờ điều gì từ Pop Punk – và đó cũng chính là thứ làm cho thể loại nhạc này trở nên dễ nhàm và thường được gán cho cái mác cho thiếu niên. Dẫu thừa nhận nhạc của mình là dành cho thiếu niên, The Offspring vẫn không hề giấu diếm sức mạnh trong âm nhạc và lời lẽ của họ với những thứ cuốn hút cho cả người già.
Đây nhé, ngay từ album thứ ba, Smash (1994), cũng là album bán chạy nhất của Offspring, họ đã chọn cho mình cách chơi đầy sức nặng thay vì cứ phải liên tục một-hai-ba-bốn chơi thật nhanh như cách của Punk thông thường (dù rằng hầu hết các bài trong album này đều là kiểu đó), hai track “Come Out and Play”, với câu guitar nghe đầy âm hưởng phương Đông và câu riff tưng tửng như nhạc Surf Rock, và “Self Esteem” chơi đầy chậm rãi đã tạo ra sự đa dạng cần thiết trong một album Punk. Cũng từ đây, The Offspring cũng gây chú ý vì tiếng guitar mạnh mẽ như một ban nhạc Heavy Metal và khi cần thì tay guitar “Noodle” cũng sẵn sàng ném vào những đoạn solo tóe lửa. Không phải vô cớ mà Smash (1994) vẫn là album bán tốt nhất được phát hành từ hãng đĩa độc lập với hơn 10 triệu bản, một con số đáng nể so với số tiền 20 ngàn đô bỏ ra để thu album này.
Chưa kể, khi tôi chứng kiến “hoàng tử” nhạc Pop Ed Sheeran “lóng ngóng” chơi nhạc cùng The Offspring trong một đại nhạc hội gần đây thôi, khi chính anh thổ lộ ca khúc “Million Miles Away” từng là ca khúc tâm đắc thuở còn nhỏ, mới thấy rõ ràng một ca sĩ chỉ hát Punk như Dexter vẫn hoàn toàn có thể át vía Ed Sheeran, một người rõ ràng biết phải hát nhạc Rock thế nào. Nhìn Ed Sheeran cố gắng trên sân khấu mới thấy việc chơi Punk cho thật nhịp nhàng trong khi vẫn giữ được sức mạnh của nó, hóa ra không hề đơn giản.
2. Cấu trúc bài hát thú vị
Bắt đầu từ Smash (1994), các album của Offspring luôn có nhiều hơn một điều thú vị. Đây nhé, trong album Smash đó là bài hát cuối cùng tên dài tới 10 phút, nhưng thực ra là cả một đoạn im lặng sau bài “Smash” dài thoòng, trước khi câu riff đậm chất Á đông của “Come Out and Play” bỗng lặp lại với câu beat lạ lẫm (để rồi đoạn này sau đó được phát triển trở thành “Pay The Man” trong album Americana 1998). Album tiếp theo, Ixnay On the Hombre (1997) cũng có ca khúc cuối dài 6 phút rưỡi, dĩ nhiên cũng gồm bài hát chính hơn 4 phút, một khoảng lặng lần này ngắn hơn, trước khi có một câu kết cuối nhảy ra ở mấy giây cuối.
Và rồi đỉnh nhất chắc hẳn là “Pay The Man”, ca khúc cuối cùng trong album Americana, dài tới hơn 8 phút và chia ra làm 2 phần y như một ca khúc progressive. The Offspring đã làm cho tất cả người nghe phải ngạc nhiên khi họ, một Punk band, sẵn sàng chơi một đoạn dạo chậm rãi réo rắt tới gần 3 phút trước khi bắt đầu hát. Và kể cả khi nhạc bắt đầu nhanh lên ở phần hai, đây rõ ràng vẫn không phải Punk Rock theo bất cứ một ý nghĩa nào. Sự cân bằng tuyệt vời giữa câu riff, tiếng đàn guitar acoustic đeo đuổi suốt cả bài, và phần trống chơi chắc cú lẫn lời lẽ đầy ý nghĩa sâu xa có lẽ khiến cho người nghe phải tua đi tua lại bài này rất nhiều lần để cố tìm hiểu xem mấy tay này định làm gì, và liệu đây có còn phải là một album Punk Rock như đoạn đầu The Offspring cố trình diễn không.
Look at you and your struggle for freedom, but you ain't nothin'
We all pay the man for living
Wouldn't it be nice for a change, now, to be unchained?
My life is for me now
Cứ thế, người nghe bắt đầu quen với việc Offspring luôn thủ sẵn một điều bất ngờ trong album của họ, và giờ cái món bất ngờ này nó không còn nhất thiết phải nằm ở cuối mỗi album nữa. Đó có thể là track với câu riff lạ lẫm như “Living in Chaos” trong album Conspiracy for One (2000), ca khúc âm hưởng Reggae “The Worst Hangover Ever” trong Splinter (2003), và gần đây nhất là “The Opioid Diaries” trong Let The Bad Times Roll (2021) với đoạn đổi nhịp ngang trái ngay giữa bài. Dĩ nhiên, Offspring không có ý định trở thành một ban nhạc progressive, nhưng những chi tiết nhỏ đầy tiết chế trong từng album đó cho thấy họ có khả năng viết nhạc đa dạng chừng nào, và xem ra Punk Rock cũng chỉ là một phương tiện để thể hiện những thông điệp của Dexter mà thôi.
3. Lời lẽ liên quan
Tôi phải thú nhận rặng mất hơn 20 năm để chính tôi cảm thấy thấy lời lẽ trong Americana (1998) thực sự có ý nghĩa. Đây cũng là album bán được chục triệu bản như Smash.
Lúc tôi mới bắt đầu nghe album này của The Offspring, tôi chỉ thấy nó thật cool vì là Pop Punk. Dĩ nhiên rồi, thái độ, thái độ, và thái độ. Tôi thích những ca khúc đập vào mặt như “Have You Ever” hay “Why Don’t You Get A Job”.
My friend's got a girlfriend/ Man, he hates that bitch
He tells me every day
He says, "Man, I really gotta lose my chick/ In the worst kind of way.
Nhưng nếu các ban nhạc chơi Punk Rock luôn phải chọn cho mình một đối tượng để đả kích và tỏ thái độ, như cách những người tiền nhiệm của họ là Sex Pistols hay Ramones đánh thẳng vào chính trị, thì The Offspring xem ra hay chọn cho họ những đối tượng có vẻ “xoàng xĩnh”. Ngay cả đến những ông bạn Green Day, những kẻ bán đĩa sừng sỏ giống như Offspring, cũng thường tỏ thái độ về những thứ to tát hơn như tệ nạn xã hội hay những kẻ trong giới thượng lưu. The Offspring, mà chính xác là “Dexter”, dường như luôn viết nhạc về những người xung quanh anh. Điều này tưởng chừng như riêng tư, nhưng hóa ra lại rất dễ chia sẻ bởi vì dường như chúng ta đều có một hoặc vài người mà ta biết nghe giống như sự mô tả trong các bài hát của Offspring. Như “The Kids Aren’t Alright”, chẳng hạn, ca khúc viết về khu phố mà Dexter từng ở với những đứa trẻ có tương lai hứa hẹn, để rồi khi nhiều năm trôi qua, tất cả đám trẻ đó lớn lên đều tan tác và bị cuộc đời vùi dập theo những cách khác nhau và có những kết cục khác một trời một vực so với điểm xuất phát.
When we were young the future was so bright / The old neighborhood was so alive
And every kid on the whole damn street / Was gonna make it big and not be beat
Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng như vậy, với những thời điểm khi mọi thứ xung quanh thật tuyệt vời, và tương lai tốt đẹp là chuyện không phải bàn. Để rồi sau đó tất cả chúng ta khi gặp lại nhau khi đã to xác đều nhận ra rằng, cuộc đời đập vào mặt tất cả mọi người không chừa ai, và có lẽ chính cuộc đời mới là một bản Punk Rock mạnh mẽ nhất.
Đó còn là những ca khúc như “Walla Walla” về một tay trộm cắp bị bắt; “‘Self Esteem’ (từ album Smash) về một gã bị lợi dụng về sex nhưng cũng không thể nào thoát ra khỏi mối quan hệ đó; hay “She’s got Issues” về một cô gái bị đàn áp tinh thần vì gia đình, nhưng lại làm cho Dexter thấy bực bội vì sự than vãn quá mức và còn gọi anh là “daddy”.
Hãy nhớ đây là năm 1998, và những thứ trong các bài hát của Offspring này giờ mới thật liên quan ở thế giới hiện tại đúng không?
Và cả bản “Americana” nữa, những thực trạng khiên cưỡng của nước Mỹ và thế giới mà có lẽ ai cũng biết nhưng giờ mỗi khi nghe lại, ta mới thấy hóa ra suốt 20 năm nay chúng ta chả thay đổi được điều gì.
My future's determined/ By thieves, thugs, and vermin
It's quite an excursion/ But it's okay
Everything's backwards/ In Americana my way
4. Những tay chơi nhạc sừng sỏ
Tôi vẫn chưa giới thiệu các thành viên ban nhạc đúng không? Bắt nguồn từ phong trào chơi Punk ở phía Nam California, The Offspring được bắt đầu từ những năm giữa thập niên 80s, nhưng mãi tới khi ca sĩ chính kiêm guitar Bryan “Dexter” Holland kết hợp với tay lead guitar Kevin “Noodles” Wasserman, tay bass Greg Kiesel, và tay trống James Lilja, họ ghi âm 3 album đầu tiên với các hãng đĩa độc lập (cứ gọi là nhạc indie cũng được) cho tới khi có thành công của Smash vào năm 1994. Điều đáng nói là từ sau thành công của Smash, Dexter như đã tìm ra công thức chiến thắng cho ban nhạc của mình và quyết định sẽ tự mình lèo lái ban nhạc cũng như xây dựng hình ảnh cho band. Chính vì thế, Dexter luôn là người tự viết nhạc và tham gia sản xuất cho The Offspring, và trong khi tay guitar Noodles dường như không hề phản đối việc này vì anh chỉ thích được chơi guitar thôi, sự lấn át của Dexter trong ban nhạc đã khối lần khiến cho những thành viên khác phật lòng và bằng chứng là tới nay chỉ có mỗi Dexter và Noodles là hai thành viên trụ từ đầu, còn các vị trí khác thì thật sự không ai có thể nhớ nổi tên họ.
Mặc dù Dexter là người lên các ý tưởng âm nhạc, nhưng có lẽ không quá khi nói rằng tay guitar Noodles mới là người tạo ra âm thanh đặc trưng cho The Offspring với tiếng guitar khi cần riff thì nặng và chặt chẽ như Heavy Metal, còn khi cần chơi clean hoặc solo thì tiếng đàn nghe ảo diệu vô cùng. Không giống như các tay guitar Punk Rock khác thường chỉ quen với một kiểu đàn, có thể thấy mỗi khi trình diễn, Noodles thường mang theo đủ loại để tạo ra những âm sắc đặc trưng cho từng bài, mà điển hình nhất là cây Fender Telecaster đa năng, cây 1965 SG Junior chơi bài nặng, và đôi khi còn cả những cây Gretsch và Ibanez tùy theo đặc điểm của bài.
Các tay trống cự phách (mặc dù tôi cũng không nhớ được hết tên bọn họ) cũng là điều đặc biệt của The Offspring bởi dù thay tay trống như Spinal Tap, Dexter vẫn luôn biết tìm cho mình một tay trống đáng kể để làm phần nền cho tiếng guitar cực chắc của bộ đôi Dexter-Noodles. Và mỗi khi không còn ai, Dexter vẫn luôn tìm tới Josh Freese, tay trống session đỉnh của đỉnh luôn sẵn sàng trợ giúp trong cả thu âm lẫn trình diễn. Tôi không biết điều này có ý nghĩa với bạn tới đâu, nhưng chắc chắn Josh Freese, một người đã từng chơi nhạc cho những Sting hay The Perfect Circle cùng Maynard James Keenan (và nay là Foo Fighters), không bao giờ chơi trong các album nhạc dở. Cũng vì thế, Splinter (2003) với sự tham gia 100% của Freese cũng là một trong những album ưa thích của tôi.
5. Đầu óc đa năng của Dexter
Khối người có thể phàn nàn rằng Dexter là kẻ độc tài và lợi dụng tên tuổi của Offspring để làm lợi riêng cho mình như xây studio, mở hãng đĩa Nitro, hay thậm chí mua cả máy bay riêng; tôi cho rằng việc có một người sẵn sàng đứng ra chỉ huy và lèo lái ban nhạc luôn là điều cần thiết cho các ban nhạc Rock. Đã có quá nhiều ví dụ về các ban nhạc gồm những người bạn thân thiết nhưng không có ai thực sự có vai vế lớn hơn đã trở nên hỗn độn và không thể giải quyết mâu thuẫn với nhau như thế nào.
Không ngạc nhiên khi ngoài việc nghiên cứu thành công một phương thức mới về mRNA (messenger ribonucleic acid – công nghệ sau được dùng cho vaccine COVID) cho virus HIV và trở thành tiến sĩ Y Sinh vào năm 2017, Dexter còn tạo ra hãng Gringo Bandito chuyên sản xuất... nước chấm và thậm chí còn kịp trở thành phi công chuyên nghiệp bên cạnh việc đi lưu diễn cùng The Offspring. Có lẽ vậy nên tất cả những ai trong ban nhạc mà trái ý Dexter đều phải đi ra đường. Điển hình nhất có lẽ là tay trống Pete Parada, người vừa mới đây thu âm xong album Let The Bad Time Roll đã phải khăn gói lên đường ngay trước tour lưu diễn vì không chịu tiêm vaccine COVID, trong một ban nhạc có sếp là người nghiên cứu về mRND. Thật chẳng khác gì anh vào nhà hàng và chê món ăn ngay trước mặt đầu bếp.
***
Với tất cả những gì đã trình bày, xin được túm lại rằng nếu như EmoodziK chỉ có thể viết về một Punk band trên blog của mình, bọn tôi sẽ chọn The Offspring.
Dexter thực ra không phải là nghệ sĩ Punk Rock duy nhất có học vị cao. Ca sĩ chính Greg Graffin của Bad Religion, ca sĩ Milo Aukerman của Descendents, ca sĩ Gregg Turner của Angry Samoans đều có Ph.D trong những lĩnh vực khác nhau. Điểm chung của họ ư? Họ đều đi ra từ phong trào Punk Rock ở Nam California như Dexter, hay còn gọi là SoCal punk thời đó. Điều này có lẽ giải thích tại sao hát về Mai Thúy hay tệ nạn xã hội không phải thứ ưa thích của họ, nhưng ngược lại, những đề tài mà các band này chọn dù ít người để ý, nhưng có lẽ lại mang nhiều ý nghĩa gần gũi và cả sâu xa với chúng ta, những thứ khiến cho âm nhạc của họ sau nhiều năm sau nghe lại vẫn thấy hợp lý. Y như rượu vang hay series phim Friends vậy.
Hy vọng EmoodziK cũng được khen là rượu vang sau 20 năm nữa!
Hẹn gặp lại!
Kcid
Comments