top of page

Steve Stevens: Cầm thủ nhiều góc cạnh

Steve Stevens. Ai mà có thể nghĩ tới việc lấy cái nghệ danh nghe trẻ trâu như vậy? Chả khác gì Kai tui tự nhận mình là Kai Kay (nghe như Cái Cây) hoặc Kam Kai (nghe hao hao Cấm Cãi). Cũng có khi anh này không khoái chữ “Even Stevens” để chỉ ra sự công bằng, nên tự gạch phần “even” đi và gọi mình là “Steve”?


Với cái tên cúng cơm là Steven Bruce Schneider quê ở New York nước Mỹ, Stevens tập guitar từ năm 7 tuổi vì mê mẩn theo những câu đàn của một Steve khác mang họ Howe trong ban nhạc Yes. Được biết đến nhiều nhất có lẽ là ở vị trí guitar của Billy Idol, một ca sĩ “trót” bị gán với cái mác Punk Rock, có lẽ không có nhiều người có thể ngờ Steve Stevens lại là một nghệ sĩ có thể chơi đa dạng (và cả đa diện) tới như vậy, dù cho Billy Idol đã không ít lần nhắc đi nhắc lại với mọi người về khả năng virtuoso của Stevens.


Vốn lăn lộn ở khu Manhattan từ bé và còn học trường chuyên về nghệ thuật trình diễn ở cấp 3, Stevens quen biết hầu hết các nghệ sĩ ở New York. Thế nên khi Billy Idol mới chân ướt chân ráo chuyển tới đây từ nước Anh, Steve Stevens đã không ngần ngại hứa giúp Idol lập ban nhạc ở New York. Anh thậm chí còn gợi ý với Idol hãy mở rộng âm nhạc của mình với những người chơi nhạc có trình độ, bởi nếu Billy vẫn muốn chơi Punk thì việc quách gì phải mò sang tận New York cho mệt.


Ngược lại, Billy Idol luôn thách thức tay lead guitar của mình có thể tạo ra được những câu đàn và cả những khúc solo đáng nhớ với ít nốt nhất có thể. Đó là lý do Steve Stevens nể Billy Idol và cộng tác cùng anh suốt gần 40 năm qua. Về mặt kỹ thuật, Steve Stevens có thể cân bất cứ ai kể cả trong những ngành khó nhất như Prog Rock lẫn Jazz Fusion; nhưng đó không phải là Stevens, người luôn đặt việc tạo ra ca khúc lên trên hết.


“Thứ cuối cùng tao cần trong bài hát là đoạn guitar solo” – Steve Stevens đã từng chia sẻ như vậy về tầm quan trọng của bài hát với anh. Đó cũng là lý do anh ít làm việc với những album guitar solo chỉ thuần túy instrumental. Tính ra đến thời điểm này, Steve Stevens mới chỉ có 2 album solo đúng nghĩa là với phần instrumental guitar (cùng với 1 album theo kiểu Glam Rock dưới cái tên Atomic Playboys). Phần lớn các khúc guitar instrumental của Stevens là dành cho nhạc phim và để thỏa mãn cái thú progressive từ thuở nhỏ của mình, nơi anh hòa tấu với những bậc virtuoso quen thuộc như Terry Bozzio hay Derek Sherinian.


Và sau đây là 5 góc cạnh khác nhau của Steve Stevens.


1. Tác giả của bản Top Gun Anthem hoành tráng


Tui cho rằng quá nhiều người mê mẩn bộ phim này và vai diễn của Tom Cruise, nhưng chắc không nhiều người để ý tới track instrumental chủ đề đã mang lại cho Steve Stevens giải Grammy dành cho bản nhạc hòa tấu hay nhất. Đúng vậy, đoạn guitar ấn tượng với màu sắc Rock của thập niên 80s có thể đưa ta tới bất cứ hình ảnh oai hùng nào mỗi khi nhắm mắt lại, từ sân tập bay cho tới những pha máy bay lộn nhào.


Bản nhạc có giai điệu nghe chừng khá đơn giản và dễ đi vào lòng người này hóa ra lại có cấu trúc phức tạp hơn kiểu verse/chorus thông thường, với đoạn điệp khúc giai điệu guitar của Stevens thường đẩy không khí lên cao trào để rồi tay keyboard Harold Faltermeyer đối ẩm với anh làm loãng bầu không khí ra với những tiếng keyboard du dương nhưng rất dứt khoát. Và tưởng như mỗi lần hai anh định quay lại với đoạn điệp khúc kia, thì lại có một khúc nhạc dồn dập để đẩy nhịp điệu bài hát (và rất nhiều lần là cả nhịp điệu phim) tới cao trào trước khi đoạn điệp khúc trứ danh sẽ giải tỏa tất cả.


Dĩ nhiên bản anthem ấn tượng đó sẽ không thể thiếu được với phần thứ hai của bộ phim này và bộ đội Steve Stevens cùng Harold Faltermeyer đã thu lại “bản update” phần hòa âm của họ cho phần phim được ra mắt gần đây, Top Gun: Maverick.


2. Tay guitar của Billy Idol


Dù sự nghiệp solo của Steve Stevens ở thời đầu thập niên 80s còn chưa quá nổi bật, Stevens thực ra đã nổi danh khắp New York như là một nghệ sĩ session ăn khách. Từ lần thu album solo của Peter Criss, tay trống của ban nhạc KISS, Stevens được biết tới Bill Aucoin, quản lý của Kiss và sau cũng là quản lý của Billy Idol. Steve Stevens thực sự đã là người tạo ra âm thanh đặc trưng trong âm nhạc của Billy Idol và có lẽ không nhiều người nhận ra Billy Idol ăn khách tới vậy chỉ vì cái “mác” là nhạc Punk chứ phần nhạc của anh thì phức tạp và biến hóa khôn lường.


Nếu như nhắc lại những “Rebel Yell” hay “Eyes Without a Face” quen thuộc thì thường quá. Trong phần này tui muốn giới thiệu một track nhạc mà Stevens làm cùng với Idol trong thời gian Idol đang mất phương hướng với âm nhạc của mình ở giai đoạn đầu thập niên 90s. Đó là soundtrack của bộ phim Speed có sự thủ vai của Keanu Reaves và Sandra Bullock lừng danh. Và dẫu Idol lúc ấy vẫn chưa biết phải làm gì tiếp với sự nghiệp âm nhạc của mình, anh cũng chắc chắn rằng sự kết hợp của mình với Stevens chắc chắn sẽ vẫn hòa hợp và âm thanh của Idol thời 80s chắc chắn vẫn lắp vừa cho bộ phim hành động như Speed.


Và cũng giống như bản anthem trong Top Gun ở trên, âm thanh tạo ra bởi Stevens giàu hình ảnh ghê gớm. Bởi mỗi khi mở bản nhạc này lên và nhắm mắt lại, tui luôn mường tượng ra cảnh chiếc xe bus đang xé gió lao về phía trước.


3. Dirty Diana cùng Michael Jackson


Quay trở lại thập niên 80s, khi Stevens còn đang bận bịu với Billy Idol nổi như cồn, Quincy Jones lừng danh đã suy tính tới việc tạo ra một sự thành công tiếp theo của ca khúc lai Pop & Rock như “Beat It”. Ted Templeman, nhà sản xuất của Van Halen lần này đã giới thiệu Steve Stevens cho Q, và ca khúc ông chọn cho MJ là “Dirty Diana”. Là một nghệ sĩ session tin cậy, không ngạc nhiên khi Steve Stevens hiện diện trong vô khối các album ăn khách từ Bad của Michael Jackson cho tới Try This của P!nk.


Cũng bởi Stevens luôn biết cách chơi vừa đủ và để nâng tầm cho bài hát. Và còn tiếng súng đồ chơi (ray gun) đặc trưng của Stevens ở cuối bài nữa chứ!!!


4. Chơi prog cùng các bậc virtuoso


Đây có lẽ là nơi Steve Stevens có cơ hội trình diễn khả năng virtuoso lẫn sự ham thích prog từ thuở nhỏ của mình. Dự án Bozzio Levin Stevens là nơi đầu tiên Steve Stevens có dịp cộng tác với những bậc anh hào đáng kể: danh tiếng của Terry Bozzio từ Frank Zappa và Tony Levin tới từ King Crimson có lẽ khỏi phải bàn.


Không chỉ vậy, Steve Stevens còn rất nhiều lần cộng tác cùng Derek Sherinian trong các album solo của anh này, nơi anh góp mặt cùng những cầm thủ lừng danh khác như Steve Lukather hay Zakk Wylde. Hãy thử cùng nghe nhạc phẩm tuyệt đẹp “Oceana” trong album cùng tên của Derek Sherinian đước giới thiệu ở đầu bài, vẫn tiếng đàn mập mạp nhưng đầy khắc khoải, và thứ âm nhạc gợi hình ảnh mà Stevens luôn sẵn sàng xây dựng nên.


5. Sự nghiệp solo đầy sắc màu


Và cuối cùng không thể không nhắc tới những album solo đầy màu sắc của Steve Stevens. Nếu như nửa đầu của sự nghiệp solo của mình, Stevens vẫn đau đáu với các ca khúc party vui vẻ theo kiểu Glam Rock và shredding, thì ở giai đoạn sau của sự nghiệp, Stevens bắt đầu phát triển các ca khúc xây dựng xung quanh cây acoustic và đặc biệt là tiếng đàn flamenco.


Cũng giống như thần tượng Jeff Beck của mình, cho dù phần nhạc của Steve Stevens có biến hóa và đa thể loại đến đâu, vẫn luôn có những khoảng không gian mà anh tạo ra với thật ít nốt, để cho bản nhạc có chỗ để thở, và để người nghe có thể tận hưởng nhiều hơn những khoảng không giữa hai nốt nhạc.


"Water on Ares" có lẽ là ca khúc tuyệt vời nhất có tất cả những gì tinh túy nhất trong âm nhạc của Steve Stevens để kết thúc post này: giai điệu guitar như một lời hát, cấu trúc nhạc phức tạp, tiếng đàn khắc khoải day dứt, sự kết hợp khéo léo giữa cây acoustic và guitar điện, khả năng nhồi tới cao trào, và cách giải quyết đầy bất ngờ.


Tui chỉ tiếc giá như Steve Stevens ích kỷ hơn chút với thêm một vài sản phẩm solo, hoặc những phần solo của anh trong các ca khúc có thể dài thêm chút nữa!


Hẹn gặp lại!


Kai

292 views

Recent Posts

See All
bottom of page