Cô ca sĩ Pink xuất hiện trên thị trường âm nhạc vào lúc bảng xếp hạng đang được thống trị bởi những nữ ca sĩ trẻ trung với mái tóc vàng mượt, từ Britney Spears, Christina Aguilera đến Jessica Simpson. Thế mà mọi con mắt phải đổ dồn tới một nữ ca sĩ mới mang một diện mạo khác hẳn.
Vào đầu năm 2000 video clip bài “There You Go” của Pink (còn được biết theo cách viết P!nk) ra mắt với bộ tóc màu hồng rực, cắt ngắn như con trai, vẻ mặt nghênh ngang cùng phong cách ăn mặc đầy cá tính – khác xa những gì người ta thường thấy từ hình ảnh điệu đà có vẻ ngây thơ của mấy công chúa nhạc Pop kia. Xin được nói thêm là hình ảnh này của Pink là hoàn toàn theo đúng phong cách và tính cách của cô gái có tuổi thơ dữ dội.
Âm nhạc của Pink cũng khác khi album đầu dưới thời hãng đĩa LaFace mang đậm chất R&B gần với nhạc TLC và Destiny’s Child, và rồi sau đó phong cách Pop Rock được Pink đưa vào thì mới càng tô đậm cái cá tính mạnh mẽ của cô hơn.
Nhưng nếu chỉ dừng ở hình ảnh hay phong cách nhạc của Pink thì sẽ là một thiếu sót lớn. Điểm mạnh nhất của cô ca sĩ này nằm ở giọng hát đặc biệt rất dễ nhận. Giọng cô khỏe, hơi khàn nhưng tràn đầy cảm xúc ở mọi cung bậc giai điệu. Trong khi Britney Spears thì chật vật trong việc thể hiện giọng hát, Christina Aguilera thì oversing – phô trương quá nhiều kỹ thuật, và Jessica Simpson thì bị ỉ ôi, thì Pink có một giọng hát rất có hồn, tràn đầy tình cảm, nhưng vừa đủ và chân thật với con người cô nhất.
Vì những điểm mạnh khác biệt trên, Pink đã là nguồn cơn cho những ca sĩ có tài năng như Christina Aguilera lúc ấy phải tự thay đổi để đi tìm một chất nhạc riêng, và cho những ca sĩ thế hệ liền sau đó như Katy Perry, Lady Gaga và cả Adele tự tin theo đuổi phong cách mang cá tính của riêng mình.
Có điều, ở bài này tôi muốn hướng tới một điểm mạnh khác nữa ở cô ca sĩ Pink này, đó là khả năng hát live cực tốt và kèm theo nghệ thuật trình diễn điêu luyện và hấp dẫn. Biết là vẫn có những ca sĩ thực thụ không bao giờ (hoặc có thể là rất hiếm khi) hát nhép khi biểu diễn, ví dụ như Kelly Clarkson, Sia, Adele hay Lady Gaga. Tuy nhiên Pink không chỉ phản đối lại việc hát nhép khi diễn và sẵn sàng hát giọng thô cả khi cô đang gặp vấn đề về sức khỏe, cô còn thể hiện khả năng hát live cực hay đó qua các màn biểu diễn được dàn dựng phức tạp và thách thức trình độ của một người nghệ sĩ thực thụ.
Trong bài này tôi sẽ bàn về năm màn biểu diễn chính và ấn tượng, theo trình tự của độ khó từ thấp cho đến cao.
Level 1 - “Family Portrait” biểu diễn tại Wembley Arena, London năm 2006.
Độ khó: 1 SAO
Mức độ thử thách của màn biểu diễn này của Pink là đứng yên và hát thật hay.
Thật ra việc đứng yên và hát hay đúng ra không phải là khó với các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Có điều là cũng có những nghệ sĩ nổi tiếng vẫn gặp phải tình huống giọng thật của họ khi hát live thật ra không hay như ta tưởng, bởi giọng hát mà chúng ta đem lòng yêu lại là sản phẩm của phòng thu studio. Chưa kể đến những lần họ gặp vấn đề về sức khỏe hay bản chất giọng của người ca sĩ đó yếu thực sự, nên chỉ cần vào nhạc là người nghe đã phải nhíu mày rồi.
Tuy vậy Pink lại là một trong số những ca sĩ hát live thậm chí còn hay hơn trên studio.
Ca khúc “Family Portrait” của cô nằm trong album M!ssundaztood (2001) và nó mang dáng dấp của nhạc R&B trong số các ca khúc Pop Rock khác trong cùng album. Tôi yêu mến ca khúc này bởi không chỉ phần giai điệu chứa chất nhiều khúc buồn, mà phần lời nó còn tả thật về một tuổi thơ với gia đình không êm ấm của chính cô ca sĩ Pink. Việc bố mẹ cô ly dị từ khi cô còn nhỏ đã là một trong những nguyên nhân chính cho tính cách hổ báo ngang bướng hình thành ở cô gái này.
Trong bản live của bài này tại tour diễn của Pink tại sân khấu Wembley Arena năm 2006, phần nhạc được phối lại với ít màu sắc R&B hơn, nhưng bù lại là đoạn intro mở đầu piano rất ấn tượng, và cách tăng tốc ở phần rhythm chơi nhanh ở đoạn nhạc ngay trước điệp khúc nghe rất lạ tai.
Nhưng cái hay nhất là giọng hát của Pink. Ở bài này cô chỉ đứng nguyên một chỗ, mà thế là quá đủ, bởi vì cách thể hiện ca khúc này nghe còn hay hơn bản studio. Có vẻ như khi hát về một câu chuyện có thực của chính cuộc đời mình, giọng Pink nghe càng đầy cảm xúc hơn. Vì vậy, ở phần đầu màn trình diễn, dù có những đoạn Pink ngắt câu khá là gấp, thay vì ngân dài hơn như trong bản studio, giọng hát của cô vẫn đọng lại trong đầu người nghe và đón chờ tiếp các nốt nhạc cất ra từ giọng hát khàn đượm buồn. Có những lúc tiếng hát của Pink như nghẹn lại, tựa như cô đang nhập vai lại chính cô bé ngày nào chứng kiến bố mẹ mình cãi vã.
Khi Pink cất cao giọng ở điệp khúc lần hai và ngân dài, người nghe cảm thấy tê người vì cảm xúc tột cùng được truyền từ cô ca sĩ tới chính bản thân mình.
“Can we work it out? Can we be a family?
I promise I'll be better, Mommy I'll do anything
Can we work it out? Can we be a family?
I promise I'll be better, Daddy please don't leave”
Pink không lip-sync!
Level 2 - “So What” biểu diễn tại iHeartRadio Music Festival năm 2012.
Độ khó: 2 SAO
Mức độ thử thách của màn biểu diễn này của Pink là hát thật hay trong khi treo người trên cao và quay mòng mòng.
Ca khúc “So What” này nằm trong album Funhouse (2008) và mang đậm phong cách Pop Rock. Nó chứa đựng một năng lượng sôi động, rất phù hợp để diễn trước một đám đông. Bình thường kiểu nhạc này chỉ cần một ban nhạc chơi hoành tráng phía sau và cô ca sĩ cầm mic hát thật nhiệt tình là đủ. Nhưng với bản tính khác người của Pink, cấp độ bình thường chưa bao giờ là đủ.
Tên thật là Alecia Beth Moore, cái nghệ danh Pink được cô lấy từ cảm hứng của nhân vật Mr. Pink trong bộ phim bạo lực rất hay Reservoir Dogs cùa đạo diễn Quentin Tarantino. Nghệ danh đó phản ánh đúng sự ngỗ ngược phá cách đã biến Pink thành cái gai trong mắt của những phụ huynh khác khi họ không muốn cô đến gần con cái họ.
Trong buổi biểu diễn tại iHeartRadio Music Festival năm 2021, thay vì đứng yên trên một mặt phẳng, Pink chọn cách treo người trên mấy sợi dây cáp, xung quanh cô là một đai tròn kim loại ôm quanh eo giúp cô có thể xoay nhiều vòng lộn cả đầu xuống phía dưới.
Cái khó của cách diễn này đầu tiên là nó ở một độ cao khó tưởng, lơ lửng trên đầu khán giả, mà những ai sợ độ cao (như tôi) chắc chắn không đủ bình sinh để nói, chứ chưa kể đến chuyện hát hò. Cái khó thứ hai là cái đai quay cả người nhiều vòng liên tục, và các sợi dây cáp thì liên tục kéo người đi khắp nơi trên sân khấu, giống như mấy trò rollercoaster mà mấy người tiền đình kém (giống tôi) kiểu gì cũng mặt biến sắc và muốn nôn thốc nôn tháo rồi.
Nhưng Pink không những không "liver-phun" lên đầu ai, cô vẫn đủ bình tĩnh nén và giữ hơi để hát những câu hát hoàn hảo, giống như một ca sĩ đứng yên tại chỗ hát live vậy. Mà bài hát này còn ở tông cao chứ, nhưng giọng Pink vẫn với được hết, không một chút lạc giọng, ngay cả khi cô bị chúc ngược đầu xuống dưới.
“I gave you life
I gave my all
You weren't there
You let me fall”
Đỉnh cao của sự khó là khi Pink hát câu “You let me fall” thì sợi dây thả Pink gần như rơi tự do thẳng đứng xuống, sau khi nó từ từ kéo cô lên tít cao, xoay chúi đầu cô xuống và thả cái rụp.
Nhưng Pink vẫn hát như bình thường. Giọng trơn tru. Không một chút run sợ trong giọng hát, không lạc một nốt, không lệch một nhịp.
Pink không lip-sync!
Level 3 - “Try” biểu diễn tại American Music Awards năm 2012.
Độ khó: 3 SAO
Mức độ thử thách của màn biểu diễn này là Pink phải vừa thực hiện loạt các động tác múa phức tạp với bạn diễn, gồm cả những đoạn đòi hỏi sức khoẻ và bền, vừa phải hát chuẩn xác.
Nghe thì có vẻ đơn giản hơn màn diễn ở trên, nhưng thực tế khi xem mới phải há hốc mồm vì độ khó của nó.
Bài “Try” này nằm trong album The Truth About Love (2012). Đặc điểm của bài là sự đối lập giữa phần verse nhẹ nhàng vừa đủ và phần điệp khúc cao trào, nhiều cảm xúc và đòi hỏi nội lực của giọng hát cực tốt. Với nội dung khơi dậy nghị lực bên trong một con người, thật không khó hiểu khi Pink có thể thể hiện bài này thành công đến vậy. Ở tuổi 15, Pink đã từng suýt chết vì dùng thuốc quá liều, nhưng đó cũng là lần cuối cùng cô dính dáng đến chất gây nghiện và quyết tâm thay đổi cuộc đời mình theo hướng tích cực hơn.
Ở phần trình diễn tại lễ trao giải American Music Awards năm 2012, bối cảnh sân khấu được dựng trong một căn phòng đổ nát, vây quanh bởi những ngọn lửa cháy dữ dội.
Khi xem riêng phần vũ đạo, ta có thể cảm thấy màn trình diễn này phức tạp và tốn sức như thế nào. Cứ nhìn anh bạn vũ công diễn cùng còn phải ra sức lấy hơi, mà Pink còn vừa múa vừa diễn vừa hát thì bạn sẽ hiểu tại sao nó không đơn giản, dù Pink đang hát trên một mặt phẳng.
Bởi vì cô không đứng hoặc di chuyển một cách bình thường. Mở đầu Pink trồng cây chuối giữ thăng bằng ngược trên vai bạn diễn. Rồi cô tung người lên cao, chúi về trước, ngửa người ra sau. Cô bị quăng, bị giật tóc, bị ném. Và sau đó cô còn lộn cả người về phía sau, trồng cây chuối, đu lên cái đèn chùm, v.v.
Thực tế là bài diễn này yêu cầu những động tác rất khó phải thực hiện chính xác theo từng nhịp, bởi nếu vào sớm hoặc muộn thì sẽ ảnh hưởng tới việc lấy và giữ hơi của Pink ở những đoạn hát quan trọng. Thế nên ta có thể thấy khả năng khớp giữ nhịp của Pink cực tốt.
Như nói ở trên, verse của bài này nhìn chung là giữ sức trước khi cao trào ở điệp khúc, nên ở bản diễn live này cũng chỉ cần vậy. Thêm nữa bài này có backing track bật phía sau nên có một chút hỗ trợ.
Có điều là không phải vì vậy Pink lại hát nhép. Cô vẫn luôn thể hiện trình độ nén hơi ở bụng cực tốt để ngân được các nốt nhạc. Vẫn có đôi chút chỗ hụt thiếu hơi, lạc điệu, ngắt âm sớm, nhưng không vì thế phần hát bị kém đi. Mọi âm thanh đều được Pink kiểm soát tốt. Đặc biệt khi điệp khúc lần đầu vào nhạc, ở đoạn cuối của câu hát “Where there is desire, there is gonna be a flame”, Pink tung người lên cao lao chúi mặt về phía trước mà không có cảm giác giọng cô bị đứt hơi.
Đã thế sau những câu điệp khúc tông cao đòi hỏi sức bền giữ và nhả hơi tốt, Pink vẫn với được các nốt cao đầy khoẻ khoắn bất chấp các động tác vũ đạo đang đòi hỏi một sức bền cực lớn.
Đến đoạn verse 3 thì cô lại tạo thêm bất ngờ. Pink không chỉ hát theo tông bè cao để làm mới phần nhạc, mà còn thực hiện một động tác khoẻ vô cùng khó khi cô kéo chân anh bạn diễn và người cô ngả hẳn ra phía sau mà vẫn thăng bằng trọng lực hai bên của hai người diễn. Và đừng quên là lúc này đây Pink vẫn đang phải hoàn thành phần hát của mình:
“Ever worried that it might be ruined
And does it make you wanna cry?
When you're out there doing what you're doing
Are you just getting by?
Tell me, are you just getting by, by, by?”
Để làm vậy, Pink chắc chắn phải tập luyện rất nhiều để có được cơ bụng và cơ ngực chắc khoẻ cho việc nén giữ hơi để có thể tạo ra tiếng hát cao khoẻ có âm lượng lớn gần như trong bản studio như vậy.
Bởi Pink không lip-sync!
Level 4 - “Sober” biểu diễn tại MTV Video Music Awards năm 2009.
Độ khó: 4 SAO
Mức độ thử thách lần này là đu dây nhào lộn trên không với bạn diễn, và dĩ nhiên vẫn phải hát thật hay!
Đến đây thì tôi cũng không biết phải so sánh Pink với ai qua cách cô chọn để biểu diễn một bài hát như vậy. Thật sự không giống ai!
Pink vốn dĩ đã có tài năng ca hát để hát được nhiều thể loại nhạc Rock, R&B, Pop và đều xuất sắc cả. Cô cũng có thể hát "out-trình" các ca sĩ đồng lứa khác, ví dụ như lần cô hát chung bài “Lady Marmalade” với Christina Aguilera, Lil' Kim, và Mýa vào năm 2001. Tuy nhiên, độ “điên” của Pink thì thật vô đối. Để có được nghệ thuật trình diễn không gặp đâu trong giới ca sĩ, ngoài việc rèn luyện cho mỗi màn trình diễn với cường độ cao, Pink còn nắm giữ những kỹ thuật tốt của bộ môn thể dục dụng cụ trong thời gian 8 năm tập luyện khi cô còn trẻ.
Nhưng với phần trình diễn bài “Sober” trong album Funhouse (2008) ở chương trình trao giải MTV Video Music Awards năm 2009, Pink thật sự giống như một nghệ sĩ biểu diễn xiếc.
Ban đầu cô bịt mắt. Người ta lồng một sợi dây để đưa cả người Pink lên cao tít. Pink vừa hát vừa tháo cái khăn khỏi đôi mắt và đứng trên chiếc xích đu cùng người bạn diễn nhào lộn. Dĩ nhiên khúc đầu thì Pink hát thoải mái, nhưng từ đoạn verse thứ hai, cô bắt đầu đu người, vừa nhào lộn vừa hát.
Màn trình diễn này khó hơn những buổi diễn ở trên nhiều vì ngoài kỹ thuật nhào lộn, nó còn đòi hỏi sức khoẻ ở đôi tay và các cơ như cơ bụng để bám chắc lấy tay bạn diễn, và vẫn bật co được người lên. Nhìn Pink đu người các phía, rồi leo thoăn thoắt trên không mà khán giả phải nín thở.
Trong quá trình đó cô vẫn hát những nốt cao, ngân dài. Gần như không hề có sự hụt hơi đuối sức. Nghe cô hát khi làm đủ vô số động tác nguy hiểm trên không trung đó cứ ngỡ là Pink phải hát nhép môi, vì nội lực trong giọng hát vẫn đầy đặn, và cảm xúc thì vẫn hay hơn khối ca sĩ chỉ đứng yên một chỗ hát.
Đỉnh điểm của độ khó là khi đoạn nghỉ instrumental break của nhạc xuất hiện, Pink đứng trên xích đu, đu qua đu lại cùng bạn diễn. Cô cố tình thở mạnh ra mic để vừa lấy hơi và vừa ra dấu cho khán giả về màn diễn cực điểm sau đó.
Và rồi, Pink thả người xuống không trung về phía sau, tay cô vẫn kịp bám dính vào tay bạn diễn, người cô văng sang hai đầu ở biên độ cực lớn.
Có thể nói khúc đó không chỉ đòi hỏi độ chuẩn xác về thời gian của Pink và người diễn cùng, mà cả ban nhạc ở dưới, khi phần nhạc phải chơi vào đúng lúc cô cất giọng hát khi đu hai bên. Chỉ cần sai một chút, như là vào lệch nhịp, bị hụt hơi, hay thậm chí trượt tay thì buổi biểu diễn sẽ hỏng ngay lập tức (dù Pink cũng vẫn được đảm bảo an toàn nhờ dây đai bảo hiểm).
“I'm safe up high Nothing can touch me Why do I feel this party's over? (Why do I feel this party's over) No pain inside You're like perfection But how do I feel this good sober?”
Trong mọi khoảnh khắc, Pink vẫn bình tĩnh hát như thể không có gì xảy ra. Cô đã từng thổ lộ trên buổi phỏng vấn là đã có lúc cô phải cố tình mà thở mạnh ra mic (dù cô không hề hụt hơi) để người nghe biết là cô đang hát bằng giọng thật.
Vì Pink không lip-sync!
Level 5 - “Beautiful Trauma” biểu diễn tại American Music Awards năm 2017.
Độ khó: 5 SAO
Ngỡ như màn diễn ở trên là độ khó max cực điểm rồi thì Pink vẫn nghĩ ra cách để phá được giới hạn đó. Mức độ thử thách lần này của cô không chỉ khó mà còn đầy nguy hiểm và liều lĩnh hơn trước nhiều, khi cô cùng dàn vũ công treo người lơ lửng ngoài mặt kính toà nhà cao tầng, vừa giữ ngang người, vừa múa và vừa hát vẫn phải thật hay.
Trước khi diễn, Pink không lo ngại về độ cao, mà cô sợ không có khả năng lấy đủ hơi vì cô treo người trên không trung ở độ cao lớn hơn rất nhiều các lần diễn trước và sợi dây treo cơ thể cô thì luôn ở trạng thái lơ lửng ngang người suốt toàn bộ buổi diễn.
Nếu như mới trước đó thôi, trong buổi trao giải American Music Awards, Pink còn đang đứng cầm mic hát cùng Kelly Clarkson bài “Everybody Hurts” cover lại của REM, thì một lúc sau người ta thấy cô lù lù xuất hiện ở mặt ngoài toà nhà 34 tầng của khách sạn JW Marriott tại Los Angeles để vừa hát vừa diễn bài “Beautiful Trauma” trong album cùng tên (2017).
Buổi diễn đó quá đỗi ấn tượng đến mức chả ai buồn nhớ tới những gì đã diễn ra trước đó, kể cả những gì hay ho nhất mà Pink và Kelly làm được khi hát chung. Bởi vì bỗng dưng những màn hát hò của các nghệ sĩ khác ở các chương trình show như thế này, dù chất lượng giọng hát và nhạc đệm cũng như dàn dựng công phu đến mấy, cũng trở nên “bình thường”, vì những gì Pink làm được đều giống như họ, nhưng là gấp cả chục lần về độ phức tạp.
Thông thường việc treo người ngoài tòa nhà cao tầng để bảo dưỡng hay lau chùi kính vốn đòi hỏi những người có thần kinh thép rồi, thì đây, Pink và đội diễn không chỉ treo ngang người họ ngoài không trung, cô và họ còn đi trên mặt tòa nhà một cách nhẹ nhàng. Pink còn bám lấy bạn diễn để lao người ra hẳn ngoài không trung, múa lộn người, hoàn toàn luôn ở trạng thái lệch trọng lực khi đứng trên mặt kính.
Nhưng mà nét mặt Pink dường như vẫn bình tĩnh nhìn thẳng xuống phía đám đông bé tí đứng dưới đang ngửa hết cổ và nín thở xem. Cô ca sĩ vẫn điềm nhiên nhảy ra nhảy vào trên mặt kính, mặt không chút biến sắc. Tôi biết vì giọng cô chả run tẹo nào và vẫn với tới những nốt nhạc cao một cách chuẩn xác:
“The pill I keep takin' The nightmare I wake in There's nothin', no nothin', nothin' but you My perfect rock bottom My beautiful trauma My love, my love, my drug, oh (drug)”
Màn cuối đỉnh điểm của buổi diễn là khi Pink như bay lộn người cách xa hẳn mặt tòa nhà, nhảy từ người anh bạn diễn này và đáp sang người anh bạn diễn khác đứng gần đó. Và Pink vẫn hát thản nhiên, vẫn không nhầm một nốt, hay lỡ một nhịp.
Dù Pink không hề lip-sync!
****
Chia sẻ với người hâm mộ, Pink thừa nhận màn trình diễn ở American Music Awards 2017 là lần đầu tiên cô cảm thấy sợ hãi vì đó là pha thể hiện điên rồ nhất cô từng làm. Toàn bộ vũ đạo cũng như kỹ thuật đó được cô và đội diễn chỉ tập trong đúng có năm ngày.
Không phải lúc nào buổi biểu diễn cũng kết thúc tốt đẹp. Đã có lúc Pink ngã khỏi sợi dây bảo hiểm rơi xuống đất khi chuẩn bị diễn màn nhào lộn trong chuyến tour Funhouse tại Nuremberg, Đức năm 2010. May mắn là sợi dây trước đó chưa kịp kéo cô lên cao nên Pink hoàn toàn ổn và tay chân không bị gãy. Thế mà sau đó cô vẫn chưa bao giờ từ bỏ ý định thực hiện những pha diễn đầy nguy hiểm này.
Tôi vẫn hay thường cảm thông cho những nghệ sĩ biểu diễn mà dùng vũ đạo nhiều thì sẽ phải hát nhép chỗ này chỗ kia (kể cả Michael Jackson), vì ở những đoạn giọng thật họ phô ra, ta có thể nghe được sự hụt hơi trong giọng hát đó. Tuy nhiên, với Pink, cô không chỉ nhảy mà còn làm đủ các động tác khó và tốn sức gấp nhiều lần việc nhảy nhót, nhưng cô vẫn chọn việc hát bằng giọng thật. Vậy mà có mấy khi cô hát bị yếu hơi, lệch nhịp, hay lạc điệu?
Thật sự là những đồng nghiệp trong làng âm nhạc mà xem Pink biểu diễn chắc hẳn họ phải lắc đầu ngán ngẩm vì cô nàng này liên tục nâng tiêu chuẩn của một buổi trình diễn đẳng cấp lên những tầm với mới quá cao, rất khó cho những người khác có thể vươn tới được.
Chắc chắn một điều là Pink hoàn toàn được quyền chọn việc hát nhép khi thực hiện những màn biểu diễn phức tạp mà không bị ai chê trách hay than phiền. Nhưng cô vẫn không làm vậy.
Bởi vì Pink không thèm lip-sync!
“Pink is the most badass color”
Hẹn gặp lại!
Kroon
コメント